Có phải chúng ta đã tiêu hết tiền của 6 năm tới?
(NLĐO) - Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) về nợ công tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 diễn ra sáng nay (31-10).
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng)
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Đức Kiên, nhìn lại kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 có 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch, chủ yếu là chỉ tiêu về tiêu tiền nhưng tổng chỉ tiêu sản xuất để làm ra tiền thì không đạt. "Cần phân tích trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, chúng ta cứ đưa ra những chỉ tiêu để tiêu tiền, đảm bảo các mục tiêu khác thì liệu chúng ta có nuôi được nguồn thu cho ngân sách nhà nước không hay chúng ta lại thấy đó là một trong những nguyên nhân làm nợ công tăng lên, phát hành trái phiếu tăng lên" - ĐB Nguyễn Đức Kiên nói.
Theo ĐB này, cần phải nói rõ hơn về nợ công. Báo cáo của Bộ Tài chính và như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại hội trường Quốc hội chiều 30-10, bắt đầu từ năm 2011, Việt Nam phải phát hành trái phiếu để đảo nợ và nói đến tỉ lệ nợ công bằng 65% GDP. Tuy nhiên, ngưỡng 65% GDP là mức đề ra trong Chiến lược nợ công của Thủ tướng Chính phủ quy định đến năm 2020 chứ không phải đến năm 2015. "Như vậy có phải chúng ta tiêu hết của 6 năm về sau không" - ĐB Nguyễn Đức Kiên băn khoăn nhưng không có điều kiện phân tích thêm vì đã hết thời lượng 7 phút phát biểu theo quy định.
Sáng nay, các ĐB Quốc hội nhận được báo cáo của Chính phủ về nợ công và xử lý nợ xấu. Báo cáo về nợ công cho biết theo Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Nghị quyết số 10/2013/QH13 của Quốc hội quy định đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể vay về cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP (trong đó nợ Chính phủ 42,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,1%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP (trong đó nợ Chính phủ 46,9%, nợ Chính phủ bảo lãnh 12,6%, nợ của chính quyền địa phương 0,8%) và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 39,9% GDP. Các chỉ tiêu này nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
Chiều 30-10 báo cáo trước Quốc hội về tình hình nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đến nay, Việt Nam luôn đảm bảo trả đầy đủ, kịp thời các khoản đến hạn, không phát sinh nợ xấu. Tuy nhiên cơ cấu nợ hiện không bền vững. Tổng giá trị trái phiếu phải phát hành để đảo nợ trong 3 năm gần đây là 137.000 tỉ đồng.
Từ nay đến năm 2020, bên cạnh việc phát hành trái phiếu trong nước, Chính phủ sẽ tiếp tục phải vay nước ngoài 5-6 tỉ USD/ năm. Giả định GDP tăng trưởng 6,2-6,8%/ năm trong giai đoạn 5 năm tới, lạm phát khoảng 5-6%, bội chi giữ ở mức 4-5%, Chính phủ dự kiến nợ công sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh 64,9% GDP vào năm 2016, sau đó giảm dần về mức 60,2% vào năm 2020.
Tô Hà
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét