Featured Image: Matt Greenstreet
Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc làu câu nói: “Đất nước ta bốn ngàn năm văn hiến.” Đó là một lịch sử đáng tự hào được xây dựng và gìn giữ bằng rất nhiều công lao và xương máu của cha ông. Nhưng hôm nay, khi đang được sống và thừa hưởng nền văn hoá đáng tự hào ấy, tôi lại phải hỗn phép, bất kính với cha ông trong đau đớn mà thốt lên rằng, Việt Nam ơi! Đất nước ta nền VĂN HOÁ TRỘM CƯỚP.
Đã có một mùa hè người ta ca thán về nạn gian lận trong mùa thi. Một mùa hè khác nạn hôi của lại được lên ngôi. Mùa đông năm qua lòng người lại sục sôi, hoang mang về những xác chết dưới lòng sông Hồng. Mùa xuân năm nay là tiếng thở dài, sỉ vã về những tên quan tham, nhũng nhiễu, lộng hành và những vụ án oan. Còn trong con mắt tôi, quanh năm là một mùa thu lá rụng. Mùa của sự già cỗi, suy đồi và vàng úa, chỉ nhìn thấy đầy rẫy những cảnh giết chóc, xa xỉ, lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng…
Nói về văn hoá, tôi rất thích lối suy luận trong cách dạy con dưới đây của tác giả Khaled Hossenimi trong tác phẩm Người đua diều:
“Có duy nhất một tội, một tội thôi, đấy là tội ăn cắp, mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp, con có hiểu không? Khi con giết một con người, con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối, con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?”
Vậy văn hoá là gì, như thế nào là người có văn hoá? Theo giải thích của triết học thì người có văn hoá là có khả năng phân biệt được ai lài ai, cái gì là cái gì, mình là ai… Biết phân định đúng – sai, phải – trái, chân – giả, thiện – ác, chính – tà. Biết sống ở đời vì cái gì, có một trái tim giàu lòng trắc ẩn, biết rung động trước cái đẹp (của con người, của tự nhiên), biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, biết phẫn nộ trước cái xấu, cái sai và cái ác.
Theo cách hiểu trên thì văn hoá là phạm trù khá rộng. Bởi vậy, tôi nghĩ Văn Hóa không chỉ đơn giản là ứng xử lịch sự, là nói năng đúng lễ nghĩa… Mà nó còn là “hệ điều hành” của con người. Nó chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của chúng ta, là giá trị cốt lõi của con người và xã hội. Là thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó người ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ khác. Nói cách khác thì khi có văn hoá nghĩa là người ta có cái “chính mình” và khi có cái “chính mình” thì thứ người ta sợ hãi nhất là đánh mất chính mình. Còn ngược lại, khi chưa có cái “chính mình” thì người ta sẵn sàng bất chấp mọi thứ để có tiền, có tiếng mà chẳng sợ cái gì cả.
Với cách hiểu như vậy, tôi thường gọi văn hoá Việt Nam mình đang ở “giai đoạn” mùa thu. Đó là nền văn hoá già cỗi nhưng đã bị suy đồi, bại rụn, xấu xí và nhếch nhác… Mỗi khi mở trang báo ra ngay lập tức ta bị “tấn công” bởi hàng trăm cái NẠN. Nào là cướp bóc, giết chóc, tham nhũng, oan sai, ô nhiễm… Vì thế nên người Việt Nam mới có câu tục ngữ vượt trên mọi “văn minh” của nhân loại – “ăn vụng phải biết chùi mép”. Nghĩa là thói ăn vụng ở Việt Nam mình đã được nâng lên ở tầm “nghệ thuật”.
Điều ấy cũng tương tự như quan niệm “xấu che, tốt khoe”. Cái xấu thay vì được điều chỉnh, nắn sửa cho tốt đẹp lên thì nó lại bị “che” và “chùi” đi cho sạch dấu vết.
Chính vì tâm lý “che dấu” và hành vi “chùi sạch” ấy mà văn hoá “chịu trách nhiệm” cũng dần bị XÓA luôn. Mà khi thói vô trách nhiệm “lên ngôi” thì xem chừng văn hóa xin lỗi, văn hoá từ chức cũng dần bị cắt bỏ. Thử hỏi sao, sự HỦ BẠI lại không lên nhanh như “diều gặp gió”.
Tục ngữ có câu “nước chảy thì đá mòn” mà chảy nhiều thì sụt lở. Với tính thói bán rẻ “chính mình” trong xã hội chúng ta ngày nay thì “văn minh” sẽ mất dần chỗ đứng và sự THA HÓA sẽ có đất rộng để lộng hành. Đó cũng là lý do tội phạm ở nước ta ngày một tăng cao và dần “được trẻ hóa”. Chuyện bảo mẫu giết trẻ em và nữ sinh đánh nhau, lột đồ ở trường chẳng còn lạ nữa. Bởi khi người lớn không có cái “chính mình”, nhà giáo cũng đánh mất “chính mình” thì thử hỏi lấy tư cách gì đi dạy con trẻ, dạy học sinh?
Ngày nhỏ, khi còn đi học, tôi thường nghe cha mẹ và thầy cô khuyên nhủ rằng, “mong sao lớn lên con sẽ thành người” nhưng sao chẳng mấy ai nói cho tôi hiểu làm người là làm gì, cần học gì, và học như thế nào để thành người? Đó chính là lỗ hổng lớn nhất trong nền giáo dục của nước ta. Dường như nhà trường chỉ chú trọng “sản xuất” ra “công cụ lao động” chứ không phải đào tạo ra con người văn minh và tự chủ. Nói cách khác là người ta chỉ chú trọng nhồi nhét cái thứ được họ gọi là “trí tuệ chuyên môn” mà bỏ quên cái “trí tuệ văn hóa”. Nếu ta hình dung trí tuệ văn hóa là cái “chân thắng” còn trí tuệ chuyên môn là cái “chân ga” thì ta sẽ thấy cách giáo dục ấy nó nguy hiểm đến mức nào. Có “chân ga” ta mới leo được đèo cao, dốc cả, nhưng nếu cái “chân thắng” bị hỏng thì ngày xuống vực sâu chỉ là chuyện sớm muộn.
Người ta thường nói, mỗi công dân là một tế bào của xã hội. Để có một xã hội tốt đẹp, văn minh thì phải có những “tế bào” tốt đẹp văn minh. Đáng buồn là hai chữ “văn minh” ở xã hội ta đang ngày một xa xỉ. Thứ đắt nhất bây giờ không phải là vàng, hay kim cương mà đó là niềm tin, còn thứ rẻ nhất chính là lời hứa. Thói vô cảm len lõi vào từng khe cửa, đến từng góc nhà và thấm dần vào mỗi con tim. Nếu xã hội chúng ta cứ “phát triển” theo hướng này, nếu chúng ta vẫn giáo dục con trẻ như thế này thì tương lai VĂN HÓA CON NGƯỜI VIỆT NAM không còn sụt lở nữa, mà là sụp đổ.
Nguyễn Văn Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét