Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

ĐÊM KINH THÀNH

MAI TIẾN NGHỊ


          Đêm kinh thành Hoa Lư. Đã nghe trống điểm canh năm, chuẩn bị sang ngày mới. Trăng hạ tuần lơ lửng trên đỉnh Mã Yên. Mấy ngọn tinh kỳ nơi cửa các vương phủ rũ rượi vì ướt sương đêm. Thỉnh thoảng một cơn gió ngang qua, những dải phướn tinh kỳ gượng rướn lên rồi lại rũ xuống mệt mỏi.
          Thoảng tiếng gió thổi, lau khua lào xào như tiếng thở dài nhè nhẹ… nhưng bị nhấn chìm ngay bởi tiếng bước chân những người lính đi tuần. Lạt xạt, lạt xạt… giày cỏ nặng nề lê trên nền đá. Chập chờn, chập chờn bóng những người lính nón dứa áo cộc mờ ảo khuất về nẻo cuối đường.
          Phủ Vệ Vương lạnh ngắt như không người. Trên bàn thờ trong chính điện, trước bài vị sơ sài leo lét ngọn bạch lạp toả chút ánh sáng chập chờn như muốn nâng làn khói trầm đang lởn vởn bay lên… nhưng làn khói hư ảo ấy lại bị kéo xuống bởi bóng đêm thăm thẳm phía chân đèn.
          Trước linh sàng một người quỳ bất động đầu đổ gục, đuôi tóc rũ xuống trước trán in bóng trên vách gỗ như thể bông lau bị bẻ gẫy gập trước gió xõa xợi tả tơi.
          Người đó là Trần Sinh. Một gia tướng của Vệ Vương.
            Trong tĩnh lặng chỉ có tiếng lòng:
          - Chủ Vương! Tôi có lỗi với Người. Đáng lẽ tôi phải theo đi cùng Người dẹp giặc. Nếu gặp tên đạn biết đâu sẽ là khiên chắn cho Người. Nhưng sao Người chẳng cho. Phải chăng linh tính mách bảo, hay người đã tiên liệu sự thể trong bàn cờ thế sự. Thương ơi, nước cờ cuộc đời chỉ sai một ly là đi một dặm. Ai ngờ nên nỗi. Tiên Đế ơi! Thần đã phụ sự uỷ thác của Tiên Đế. Lời dặn của Tiên Đế phải bên cạnh Vệ Vương như thủ túc mà chở che. Cũng bởi vì kẻ tiếm quyền quá nham hiểm, còn người trong cuộc quá khạo khờ nên gây ra cảnh đất nước tang thương nồi da xáo thịt. Các bậc công thần lần lượt hy sinh. Bên cạnh Chủ Vương chẳng còn ai phò trợ, người đàn bà kia vì đam mê dục tình mà làm tay trong cho kẻ sát phu, ngộ nhận sự yêu thương đến nỗi đưa đứa con dứt ruột của mình vào miệng cọp dữ.
          Chủ Vương ơi. Kẻ hèn này tuổi mới lên mười theo cha nghiệp thợ đá vào cung theo mệnh của Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ làm chùa thạch trụ khắc kinh Nghiêm Hoa của Đức Phật. Tôi lúc nhỏ nào đã biết chi, nhưng nghe cha nói bởi Tiết độ sứ Đinh Liễn mang trọng tội giết em út là đương kim Thái Tử. Đáng lẽ theo luật Vua phải xử giảo, nhưng bởi có công gian nan cùng Tiên đế bình thập nhị sứ quân lập Cồ Việt quốc nên cho được ăn năn sám hối. Lệnh Vua thì phải làm chứ chắc gì Tiết độ sứ đã thành tâm. Tưởng mình chỉ dưới một người trên vạn người thì kẻ nào dám dòm dám ngó. Thói đời đành chịu nhún người trên chứ mấy khi phòng bị kẻ dưới. Phàm là kẻ dưới mà tham tiền ắt phải mưu ma qua mặt, tham quyền lực ắt phải sinh chước quỷ bạo tàn… Và người đang ở ngôi cao, đang nơi sáng… làm sao mà nhìn thấy trong chỗ tối đang có kẻ gian manh thâm hiểm rình mò thừa cơ ra đòn trở cờ đảo thế.
          Không gian nặng nề u tịch. Chợt nghe tiếng ào ào như tiếng sấm rền, cái u tịch lặng lẽ bị vỡ vụn. Trần Sinh giật mình. Tiếng gì thế nhỉ? Chàng gục đầu lạy ba lạy trước bàn thờ người chủ của mình và lùi ra khỏi chính điện. Tiếng ầm ào đã bớt nhưng thấy ở phía cung điện nhà vua nhoà nhoà một quầng đỏ gắt. Quầng sáng ấy như vết đỏ máu loang trong không gian bàng bạc ánh trăng. Chắc là bên ấy chưa tàn cuộc vui mừng công thắng giặc Cử Long. Chiến thắng! Chiến thắng và niềm vui đến với họ còn nỗi đau, nỗi lạnh lẽo đang ở nơi này.
          Trần Sinh nhớ lại ngày bắt đầu theo cha vào kinh làm chùa Thạch trụ. Lúc ấy chàng mới là chú bé tuổi lên mười, cha cho đi để truyền nghề. Lúc đầu thì ngày ngày cầm đá ráp mài thạch trụ. Sau quen dần với công việc được cha dạy cầm đục chạm tỉa tót những hoa văn bát đấu, đường viền của những câu kinh sau khi đã được cha đục “phá”. Công việc nhẹ nhàng phù hợp với vóc dáng trẻ con. Cũng từ công việc ấy mà cậu bé Sinh thuộc lòng các nét vẽ cùng với sự khéo tay bẩm sinh do cha truyền lại mà chàng trở thành người thợ lành nghề.
(Minh họa : Nguyễn Đăng Phú)
          Hàng ngày cung nữ dắt Hoàng Tử Toàn mới hơn năm tuổi đi chơi qua chỗ làm của những người thợ đá. Hoàng Tử thích thú khi nhìn thấy một cậu nhỏ chỉ nhỉnh hơn mình một tý cũng làm việc. Có những lúc Hoàng Tử sà vào tận chỗ Sinh, chăm chú xem bàn tay khéo léo của cậu thợ nhỏ, thích thú sờ tận tay những hoa văn vừa đục chạm, ngắm nghía không chán mắt những nét vẽ, đường viền. Khi ấy Sinh buộc phải dừng công việc vì sợ bụi đá bắn vào Hoàng tử. Rồi cậu tìm cách bày ra những trò chơi chốn thôn quê để ông Hoàng nhỏ được vừa lòng. Từ đấy Hoàng tử ngày nào cũng đòi ra chỗ Sinh để được chơi. Có hôm mải chơi quá mà ông Hoàng chẳng chịu ra về mặc kệ đám cung nữ vật nài nhắc nhở.
          Cũng bởi vậy mà Dương Hậu chọn Trần Sinh để làm bạn và sau này sẽ là người bảo vệ Hoàng tử Toàn. Ý Tiên Đế không muốn, nhưng Dương Hậu khóc lóc rằng Bệ Hạ muốn con ta phải là người dũng mãnh cho xứng với Người, dẫu rằng hổ phụ sinh hổ tử nhưng để nó suốt ngày ru rú trong cung, ra vào lúc nào cũng chỉ có lũ đàn bà yểu điệu tha thướt làm dáng làm duyên để lấy lòng thì sao có thể được. Không nỡ làm mất lòng vị Hoàng Hậu mà mình sủng ái, Tiên Đế đành chấp nhận. Vậy nên khi chùa Thạch trụ làm xong thì Sinh phải chia tay với cha để ở lại hầu hạ Hoàng Tử. Hàng ngày hai người cùng học chữ, cùng tập luyện võ nghệ. Rảnh rỗi lại kéo nhau trèo lên đỉnh Mã Yên ngắm nhìn toàn bộ kinh thành cung điện nguy nga, các vương phủ san sát mái ngói lưu ly ánh ngời trong nắng; có lần còn cùng nhau la cà ra tận cầu Dền xem chợ rồi về muộn làm bọn cung nhân tá hoả đi tìm.
          Khi Sinh mười năm tuổi thì Vương tuổi lên mười, đã trở thành phế đế được ba năm.
          Một hôm nhân lúc chỉ có hai người, Vương ghé tai Trần Sinh thì thào:
          - Mẹ ta bảo hai chúng mình từ nay nếu có tập võ thì tập ở trong phòng đóng kín cửa, đừng hò hét. Mẹ ta còn bảo đừng có đi chơi đâu xa, chỉ nên quanh quẩn ở nhà… kẻo rước hoạ vào thân.
          Trần Sinh hỏi lại:
          - Thưa… Sao lại phải thế ạ?
          Vương trả lời:
          - Ta không biết! Chỉ nghe mẹ ta nói nhỏ với ta như vậy. Mà huynh cũng phải cẩn thận. Những gì ta nói, mẹ ta nói… thì đừng nói với ai.
          Trần Sinh không hiểu gì lắm nhưng lờ mờ nhận ra có một mối nguy hiểm đang lơ lửng treo trên đầu hai người. Mãi sau này mới biết Vua mới tuy phong Phế đế làm Vệ vương để lấy lòng Dương Hậu nhưng vẫn sợ có nhiều thân tín của tiền triều sẽ kết bè kết đảng lợi dụng danh nghĩa Vệ Vương vốn là vua cũ để chống lại mình. Vậy nên trong phủ Vương cũng chỉ có mấy người giúp việc cùng với Trần Sinh. Những người giúp việc ấy do Triều đình cắt cử sang cơm nước nhưng họ là tai mắt theo dõi nhất cử nhất động trong phủ ngày ngày báo về triều đình.
          Vệ Vương từ ấy cũng không đi đâu, suốt ngày chỉ đọc sách, rồi thần mặt ngồi ngẫm ngợi. Những lúc ấy trên khuôn mặt thông minh của Vương hằn lên những nét u ám, mệt mỏi. Nhìn Vương mới ở tuổi vị thành niên mà buồn bã như vậy Sinh không khỏi nao lòng. Chàng bảo Vương đọc nhiều quá, ngẫm ngợi nhiều quá ắt sinh trì trệ. Hay là thỉnh thoảng làm văn, làm thơ cho thoải mái. Vương vốn thông minh tài giỏi nên chắc chắn sẽ để lại những tuyệt tác văn chương cho hậu thế. Vương buồn bã trả lời:
          - Huynh bảo ta làm sao có thể làm thơ, làm văn. Làm thơ văn thì phải tụng ca ngâm ngợi hỉ hoan, nhưng với tâm trạng này của ta thì nỗi buồn đau sẽ ám vào câu vào chữ. Rồi biết đâu hoạ cũng từ đấy mà ra. Thường nhật biết bao đầu rơi máu chảy cũng vì việc ấy… Hay là huynh dạy ta cách chạm đá như ngày xưa.
          Trần Sinh lễ phép thưa:
          - Thưa Chủ Vương: Bậc tôn quý không thể lam lũ lao động chân tay. Nghề chạm đá tạo ra tượng Phật Thánh, xây dựng lên nơi tôn nghiêm… nhưng người thợ đá là kẻ thấp hèn không bao giờ dám sánh ngang Phật Thánh, chẳng mấy khi được lui tới chốn tôn nghiêm. Vậy nên Chủ Vương không thể học nghề chạm đá được ạ. Nếu buộc phải theo ý của Chủ Vương thì tôi sẽ là người mang trọng tội với Lệnh bà Dương Hậu!
          Ngẫm nghĩ một lát rồi chàng nói tiếp:
          - Tôi nghĩ Chủ Vương có thể học vẽ để giải sầu. Trong cõi nghệ thuật phàm những gì kiệm nhời nhất mà tỏ rõ được ý tình nhiều nhất thì được coi là tinh diệu nhất. Bởi vậy xếp theo thứ bậc từ dưới lên trên thì văn, thơ, nhạc rồi cao nhất là họa. Tôi vốn từ lao động chân tay không biết đến nhạc, có chăng chỉ vài ba câu hát thô thiển nơi dân dã. Nhưng nhờ trước đây làm nghề thợ chạm đá mà góp nhặt được chút ít cái đẹp, cái hay ở thiên hạ nên cũng biết vẽ vời tý chút. Vậy tôi xin được hầu Người học vẽ.
          Vệ Vương mừng rỡ giục Trần Sinh dạy vẽ ngay.
          Từ đấy hàng mấy năm giời Vương học vẽ miệt mài dưới sự hướng dẫn của Trần Sinh. Rồi chả mấy chốc mà cái vốn vẽ vời của Trần Sinh cũng cạn vì thực ra chàng cũng đâu có được học nhiều. May là Vương cũng có hoa tay về hội hoạ và trí thông minh nên học ít hiểu nhiều. Những tranh  phong cảnh, hoa lá, tứ bình, tứ quý… được Vương vẽ trên giấy dó, trên lụa đã xếp thành chồng cao nơi thư phòng. Vương vui vẻ hơn, thần sắc cũng trở nên thư thái khoan hoà khác hẳn ngày trước, khiến Dương Hậu rất vừa lòng.
           Hoa nào rực rỡ nhất cũng phải đến lúc phai… Với vị vua có tới sáu Hoàng Hậu cùng hàng trăm cung tần mỹ nữ thì lúc này Dương Hậu tuổi đã hơn năm mươi đang dần bị thất sủng. Điều ấy đồng nghĩa với việc tính mạng con bà khó được bảo toàn trong khi mười mấy Hoàng tử đang lo tranh ngôi Thái Tử sau khi người được sắc phong đột ngột qua đời. Chắc chắn con bà không thể tranh giành, nhưng thói thường muốn giành chức đoạt ngôi thì phải kết bè kéo cánh. Hệ luỵ sẽ từ đấy mà ra. Bà lo nếu để Trần Sinh ra về thì lấy ai sớm tối bên cạnh can gián bảo vệ con mình, vì vậy nên cố giữ.
          Lần lữa tháng ngày… cả hai đều cứng tuổi mà vẫn chưa người nào thành gia thất. Năm ngoái Dương Hoàng Hậu đổ bệnh và mất.
          Vệ Vương buồn bã, đau đáu suy tư, hàng mấy tháng không động đến bút vẽ. Có những lúc thất thần lo lắng người bơ phờ. Bọn gia nhân ra sức hỏi han chăm sóc nhưng Vệ Vương chỉ nín lặng.
          Vài tháng trước thấy Vệ Vương đột ngột tươi tỉnh. Đó là khi Vương nhận được chiếu chỉ của Hoàng Đế lĩnh ấn Phó Tướng trong việc dẹp giặc Cử Long ở Ái châu. Trận này do Hoàng Đế đích thân thống lĩnh chỉ huy. Các Hoàng Tử khác đều xin ra trận lập công nhưng Vua không cho mà chỉ chọn Vệ Vương. Phải chăng Người nhớ thương Dương Hậu- người tình đã cùng với mình lao tâm khổ trí tìm kế lấy ngôi Thiên tử… Hay Người muốn ban mưa móc của Quân Vương với thần tử như những người khác, và hơn nữa muốn sưởi ấm tình cảm của người cha dượng đối với nghĩa tử, bù đắp những cô đơn thiệt thòi mà Vương đã gánh chịu từ khi lên bảy tuổi.
          Lập công chiến thắng trở về là một điều chắc chắn vì Cử Long chỉ có ba bốn trăm quân ô hợp, trong khi đó Vua thân đốc suất ba ngàn lính tinh nhuệ thuỷ bộ tấn công. Lúc đó Vệ Vương sẽ trở thành một công thần của triều đình; không còn cam chịu là phế đế cô đơn trong biệt phủ tiêu điều như một lãnh cung.
          Trần Sinh mừng khôn xiết.
          Nhưng bây giờ Vệ Vương đã tử trận!  
          Trong đoàn người ra đón mừng Vua cùng đại quân chiến thắng khải hoàn, thấy Vua tỏ vẻ buồn rầu mà lại không thấy Vệ vương bên cạnh, Trần Sinh đã thất thần lo lắng có điều gì không hay với Chủ Vương của mình. Chàng đau đớn khi nghe thông báo rằng Vệ Vương đã tử trận một cách anh dũng xứng danh Phó Tướng của bậc minh quân.
          Người ta kể: Vua cùng Phó tướng Vệ Vương mỗi người chỉ huy một chiến thuyền, thuyền Vua đi đầu kế theo là thuyền của Vệ Vương theo sát tiến vào trận. Hai người giáp trụ uy nghi đứng ở hai mũi thuyền, quân sĩ hừng hực khí thế, các tay chèo gồng mình đưa mái chèo khua thoăn thoắt, chiến thuyền ngược nước rẽ sóng phăng phăng. Chợt từ trên bờ tên bắn xuống như mưa. Giặc Cử Long phục kích! Chúng nhằm thuyền Vua, thuyền Vệ Vương mà bắn. Tên lao vun vút về phía Vua, về phía Vệ Vương. Nhưng lạ thay tất cả các mũi tên trước Vua đều tự dưng khựng lại như gặp phải một tấm khiên vô hình và rụng lả tả chỉ cách vua vài thước. Còn Vệ Vương bị trúng tên vào cổ và gục xuống. Vua thấy thế vội nhảy sang thuyền Vệ Vương, quỳ xuống đỡ phó tướng của mình lên, cúi nhìn tận mặt. Nước mắt Người ròng ròng khi thấy Vệ Vương đã chết... Đứng dậy... hộc lên một tiếng đau đớn rồi Vua thét: “Đánh!”. Quân sĩ ai cũng cảm động bởi tấm lòng của Vua, thuỷ bộ nhất loạt xông lên phối hợp diệt sạch quân giặc không cho tên nào được thoát.
          Trần Sinh nghe kể mà lòng đau như cắt, sụp xuống trong khi mọi người trầm trồ: “Vua ta đã có trời giúp”… “Vua ta đúng là có Chân mệnh Thiên tử!” Tên bắn mà không thể chạm tới Người.
          Nhớ lại cái giờ khắc đau thương ấy, Trần Sinh thở dài. Tự nhiên chàng băn khoăn: “… Trời giúp…chân mệnh Thiên tử” Chả nhẽ có như vậy thật sao? Phải chăng…? Hà cớ gì trong bao nhiêu người con hưởng tước Vương, bao nhiêu Đại tướng dạn dày trận mạc… Vua lại chọn Vệ Vương- một phế đế, một thanh niên tuổi mới hơn hai mươi chưa từng kinh qua trận mạc? Hà cớ gì Vệ Vương phải ra trận khi Dương hậu vừa mất? Hà cớ gì những mũi tên của giặc như biết dừng đúng lúc? Hà cớ gì những mũi tên lại chọn đúng một mục tiêu? Hà cớ gì giặc Cử Long không một người sống sót?... Những câu hỏi “hà cớ gì” xoáy trong đầu Trần Sinh. Chàng tự trả lời và phát hiện ra nó cùng chung một câu trả lời: Vệ Vương phải chết! Phải rồi! Để vững bền ngai vàng của Đức vua đương triều thì Phế đế- Vệ Vương phải chết!
          Trần Sinh rùng mình. Vậy còn ta… hầu cận thân tín của Vệ Vương? Có thể bây giờ còn được yên ổn. Nhưng ngày mai ngày kia… Ai dám chắc.  Cảm giác vừa lo sợ vừa cô đơn trống vắng ùa đến làm chàng bải hoải. Ta phải mau từ bỏ chốn này. Thân cô thế cô chốn kinh thành, lại là người của Vương thì đâu có thể được yên.
          Chàng quay vào nhà thắp thêm một tuần hương, cúi đầu trước bài vị của Vệ vương miệng lầm rầm khấn:
          -Kính lạy anh linh Đinh Toàn Hoàng đế. Kẻ hèn này từ nhỏ được hưởng ơn Tiên Đế, hưởng lộc của Đinh Hoàng đế hàng ngày. Dẫu là kẻ hầu hạ mà vẫn được Người ban cho tình như huynh đệ. Đã nguyện suốt đời tận trung để hầu hạ Người. Nay chẳng may Người phải theo Tiên Đế về giời. Những toan phải quyên sinh theo Người để vẹn chữ Trung. Nhưng ngặt vì còn nặng chữ Hiếu với tổ phụ nơi quê nhà nên phải hồi hương, đành đắc tội với Người. Mấy nén nhang này xin thắp trước linh vị, sau đó xin được đem chân nhang về thờ tự nơi trú ngụ, truyền cho con cháu đời đời hương khói để ấm lòng người đã khuất. Cúi xin Anh linh chấp nhận lời thỉnh cầu của kẻ hèn mọn này.
          Khấn vừa xong chợt thấy bát nhang cháy bùng bùng. Hương đã hoá.  Ngọn lửa trên bát nhang quằn quại rừng rực bốc cao… Những chữ thếp vàng trên bài vị của Vệ Vương phản chiếu ánh lửa loé lên. Trong tiềm thức Trần Sinh chập chờn ánh mắt của Vệ Vương vừa u buồn vừa khích lệ từ nơi xa thẳm… Trên cao Phế đế đã chuẩn lời khấn của chàng.
          - Trần huynh… Huynh định bỏ nơi này? Một tiếng nói nhỏ cất lên.
          Sinh giật mình quay lại.
          Trong ánh lửa của bát hương đang cháy, Sinh thấy một người hầu gái trong phủ đang đứng trước mặt. Chàng ngỡ ngàng: Sao cô ta lại ở đây vào lúc này? Đang theo dõi ta chăng? Từ trước đến nay chàng rất ít tiếp xúc với cánh đàn ông ở phủ vì cảnh giác sợ họ tọc mạch dò hỏi biết những câu chuyện riêng giữa Vệ Vương nói với chàng. Chàng cũng không dám nhìn, không dám ngắm, và lánh xa bọn hầu gái vì chàng biết nếu chỉ cần có bất cứ động thái nào tỏ vẻ hứng thú với đàn bà thì sẽ bị cung hình ngay lập tức. Cố giữ mình để bảo toàn mạng sống, bảo toàn nguyên vẹn hình hài bản năng chính là để bảo vệ Chủ Vương của mình.
           Chàng nhận thấy trước chàng là một người con gái đẹp. Người con gái ấy khẽ nói:
          - Huynh nên đi khỏi nơi này! Tôi định nói điều này từ lâu nhưng rất khó gặp huynh. Tôi có ý tìm lúc thuận tiện, bây giờ không còn nhiều thời gian để chần chừ nên tôi thức suốt đêm chờ mọi người đã ngủ im để nói với huynh. Nào ngờ nghe lời khấn của huynh thì tôi biết là Chủ Vương đã dun dủi…  Mấy tháng trước khi Dương Hậu mất, có người trong phủ lẻn vào thư phòng của Vệ Vương lấy được một bức tranh, người đó dâng lên Thánh Thượng…
          - Tranh nào?
          - Tranh vẽ rồng… Tôi chỉ nghe họ nói vậy chứ không được xem tranh. Dưng mà theo nhời người ấy thì Bệ hạ xem tranh xong tỏ vẻ rất tức giận. Mặt Thánh thượng đanh lại, miệng lẩm bẩm: Nghịch tặc! Sao dám coi nghiệp đế của ta có được bởi tay đàn bà?
          Ra thế... Tranh vẽ rồng… Đúng là Vệ Vương có vẽ một bức tranh Rồng...
          - Nhưng bức tranh ấy bây giờ ta vẫn thấy trong thư phòng?
(Minh họa: Nguyễn Đăng Phú)
          - Vâng… tất cả các tranh của Vệ Vương đều được bí mật lấy về cho Vua xem và  bí mật trả về chỗ cũ.
          Trần Sinh nhớ lại khi Dương Hậu ốm nặng thì ngày nào Vệ Vương cũng sang thăm. Sau một cuộc viếng thăm như vậy thấy Vệ Vương vào ngay thư phòng ngồi vẽ. Sợ kinh động cảm hứng của Vương, Sinh chỉ đứng ngoài cửa gác như mọi lần. Đến khi Vệ Vương gọi thì chàng mới dám vào. Vương chỉ tấm lụa vừa vẽ: trên đó là một con rồng dũng mãnh nhe nanh múa vuốt. Nhưng chân rồng là những cánh tay đàn bà. Những cánh tay này túm chặt lấy sừng, bờm và cả râu rồng… xung quanh rồng láo nháo những chồn, chuột rình mò, cá lớn đuổi nuốt cá bé… Sinh không hiểu thì Vệ Vương nói:
          - Sau khi Phụ Hoàng ta mất, họ Lê nắm binh quyền có ý đoạt ngôi, ta được các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp cõng chạy vào Tràng An lánh nạn và hội quân chống lại thì các vị đã từng nói với ta về mưu mô kẻ thù phương Bắc: Nó thấy Vua ta đại định thì tức tối. Vậy nên khi Huynh trưởng Đinh Liễn đi sứ sang đất Tống, lúc về có sứ Tống đi theo mang sắc phong Vương cho Tiên Hoàng mà lại còn kèm ấn Tĩnh hải quân Tiết độ sứ cho Huynh trưởng thì ắt có chuyện xảy ra. Bởi cái chí của Tiên Hoàng xưng Đế để Cồ Việt quốc ngang hàng Tống quốc, là tuyên ngôn thoát khỏi cái ách nhược tiểu phụ thuộc như quận huyện của họ. Họ cố tình đặt lại chức Tiết độ sứ thì có khác gì ngày trước, vẫn giữ quyền cai trị với nước ta. Đã thế Tiết độ sứ lại là con trưởng của Tiên Hoàng. Với khí chất mạnh mẽ thì Phụ Hoàng nổi giận rồi phong Hoàng tử út Hạng Lang làm Thái tử là câu trả lời sắt đá. Bởi Ngài nghĩ rằng nếu phong huynh trưởng Liễn làm Thái tử, sau này huynh trưởng lên ngôi thì chẳng hoá vua nước Đại Cồ Việt vẫn là Tiết độ sứ, vẫn là chức quan nhỏ của Tống triều... chẳng phải Cồ Việt cũng vẫn chỉ là quận huyện của Tống quốc hay sao?
          Bên ngoài kẻ thù thâm hiểm rình mò như lũ chồn chuột, bên trong lại có đám nghịch thần mưu mô… Họ Lê lúc ấy vừa là thủ túc của Huynh trưởng Liễn, vừa là người được mẹ ta đi lại sủng ái. Người ta xúi bẩy tỵ hiềm, nhỏ to khích bác Đinh Liễn rằng Tiên Hoàng bỏ trưởng, lập út là trái đạo… Rồi người ta khích bác mẹ ta: nếu không lập Huynh trưởng thì đáng lẽ ngôi Thái Tử là của ta chứ sao lại trao cho Hạng Lang là con út... Để đến nỗi cốt nhục tương tàn: Đinh Liễn giết Hạng Lang. Những tưởng rằng huynh trưởng phải chịu tội chết... Nhưng Tiên Hoàng lại nghe lời các trung thần nén giận mà tha cho, nên cả mẹ ta lẫn họ Lê đều thất vọng. Họ Lê nói với mẹ ta nếu để thế này, trước sau ta cũng bị hại bởi tính tình Huynh trưởng ngang tàng bất chấp. Nhưng nếu trừ bỏ một mình Huynh trưởng thì Tiên Hoàng ắt sẽ tìm ra kẻ chủ mưu. Do vậy mới có cái chết thảm khốc của Tiên Hoàng cùng Huynh trưởng.
          Ta trẻ con làm vua, mẹ ta chấp chính được gần năm giời nhưng thực ra họ Lê nắm quyền. Người ta loại bỏ hết những trung thần của Tiên đế… Nước loạn từ ngày ấy. Và kết cục từ những việc này mà Tống triều mới có cớ để khởi binh… bởi mưu đồ thôn tính của họ có từ lâu.
          Khi có giặc xâm lược thì từ vua đến dân phải đánh giặc. Nhẽ đời vẫn thế. Sử sách sẽ muôn năm lưu danh anh hùng ghi công chiến tích những người vị quốc vong thân. Nhưng bia miệng cũng đời đời trách tội kẻ làm nước loạn, dân bất an vì mưu cầu tranh bá đồ vương. Bởi kẻ làm cho nước sinh loạn, dân bất an... chính là kẻ giúp cho ngoại bang nhòm ngó tính bài xâm lược.  
          Tiên Hoàng cha ta đại định non sông lần đầu tiên xưng đế. Sai lầm lớn nhất của Người là đặt lòng tin không đúng chỗ. Người dùng hình luật hà khắc để giữ vững nền thống nhất, như con rồng nhe răng múa vuốt bởi không tin dân, lúc nào cũng nơm nớp lo tạo phản. Nhưng Người mềm yếu uốn lượn bó khuôn bởi quá tin quan lại dưới quyền, dung túng cho hậu cung. Huynh hỏi tại sao ta lại vẽ những cánh tay đàn bà túm bờm, túm sừng rồng ư. Đó là sự cả tin trước những âm mưu xảo quyệt nhỏ nhen như đàn bà của Tống triều, của lũ loạn thần trong triều và của những đàn bà nhỏ nhen âm mưu vô tình tiếp tay cho giặc…Trong đó có mẹ ta… Hôm nay ta nghe mẹ ta hối hận trong sự dày vò tuyệt vọng vì đã ghen tuông ích kỷ, đã đam mê tình ái, đã cả tin những lời đường mật mà để lại hậu quả khôn lường…
          Bây giờ thì Trần Sinh đã hiểu: Bức tranh rồng đã chạm nọc nhà vua. Nó như một lời than thở ai oán. Chính vì vậy mà phế đế phải chết. Chết để chứng với thiên hạ rằng: Hai người: một đang làm Vua, một đã từng làm Vua; Người đi trước tên bắn mà không hề hấn, còn người đi sau chết ngay từ phát tên đầu tiên vì không có “chân mệnh Thiên tử”. Phải chăng câu tung hô: “Chân mệnh Thiên tử” là để khoả lấp mọi mưu đồ và khẳng định vị thế của nhà vua, đè bẹp tâm thức của những kẻ phản kháng.
          “Huynh nghĩ gì mà lâu thế! Hãy sửa soạn mà đi cho kịp. Trời sắp sáng rồi”. Trần Sinh bừng tỉnh khi nghe tiếng của người con gái thì thào trong bóng tối vì ngọn lửa trên bát hương đã tắt tự lúc nào. Tự nhiên Trần Sinh thấy người con gái này từ bây giờ đã trở nên gần gũi. Chàng rụt rè đưa tay ra và gặp được bàn tay mềm ấm… bàn tay ấy cũng mạnh dạn nắm lấy tay chàng. Có nhẽ đây là sự sắp đặt từ tận chốn cao xanh của Chủ Vương...
          Sáng hôm ấy khi cổng thành vừa mở, trong đám người ra ngoài kiếm kế mưu sinh, người ta thấy một cặp vợ chồng ăn mày. Người chồng già nua què quặt gù có bướu trên lưng. Người vợ mắt mù, mặt mày nhếch nhác lấm lem bùn đất… họ nón mê áo tơi rách thất thểu dắt díu nhau đi về phía nam…
          Chiều hôm ấy từng tốp lính lùng sục khắp nơi tìm Trần Sinh. Dăm ngày sau lệnh truy nã khẩn cấp kẻ phản nghịch về tới quê Trần Sinh. Hình phạt: xử trảm toàn gia! Nhưng bố mẹ chàng đều đã chết từ vài năm trước và người ta cũng chẳng thấy Trần Sinh về nhà. Quan địa phương được lệnh triều đình: nếu thấy kẻ phản nghịch Trần Sinh thì phải bắt ngay lập tức. Nếu hắn bỏ chạy được phép tiền trảm hậu tấu.
          Nhưng mọi kiếm tìm đều vô vọng. Không ai biết Trần Sinh đã đi đâu.
         
 Gần sáu trăm năm sau, Triều đình Lê Trịnh cho tôn tạo Đền thờ Vua Đinh ở Hoa Lư. Có một cánh thợ đá đến xin được góp công. Họ nói mình là hậu duệ 17 đời của cụ Tổ đã từng làm chùa Thạch trụ… và họ đưa lên bức lụa vẽ mẫu sập rồng đá do cụ Tổ truyền lại. Đựơc chấp thuận, họ miệt mài làm mấy tháng giời thì xong…
          Chiếc sập rồng đá ấy hiện là kiệt tác nơi đền Đinh!

                                                                                                        Tuyên Quang- NamĐịnh Tháng 5 năm 2014

  

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: