Nguyễn Hoàng Đức
Nước Việt Nam nghèo vì chúng ta có quá ít anh hùng trong thời bình. Tương tự, văn chương Việt Nam nghèo, lẹt đẹt, suy nhược, yếu kém bởi vì chúng ta có quá nhiều người làm thơ để vui chơi mà không muốn lao động nghệ thuật để viết tác phẩm lớn. Rõ ràng, trận chiến nào anh hùng đấy. Trận chiến diễn ra của mấy du kích trên ao làng không thể được gọi là thủy chiến vĩ đại. Và cho dù du kích quân có được tặng huân chương thì không bao giờ có thể mang bóng dáng của thủy sư đô đốc lĩnh huân chương trong tiếng kèn khải hoàn ca của dàn nhạc hạm đội.
Anh hùng vào trận mang theo những gì? Nào tiếng vó ngựa dồn dập, tiếng binh khí dội vang, mùi thuốc súng khét lẹt, cờ tã nát bay phần phật, và những tiếng nổ long trời lở đất… Mấy nhà thơ cảm xúc của chúng ta vào trận bằng cái gì? Mấy vần thơ lèo tèo lao vào chiếu, giọng ẽo ợt ngân nga, tay múa ly rượu nhạt, vài người còn chưa uống xong tách chè nóng, bài thơ của họ đã đọc xong và đang đòi chuyển sang bài thứ ba.
Anh hùng ở chiến trận đối diện với kẻ thù! Anh hùng của công lý đối diện với mười phương thụ địch! Anh hùng trên sách vở đang sôi kinh nấu sử! Vậy anh hùng của mấy vần thơ đối diện với cái gì? Có phải chỉ là mấy câu ngâm nga ham vui, rồi sau đó tìm cách ẵm giải để chứng minh bản thân có tài năng xuất chúng siêu việt? Nhưng giá trị lớn của loài người như tự do, bình đẳng, bác ái, lập hiến, lề luật, qui tắc sống luôn lảng tránh. Và tự tuyên ngôn một lời đầu hàng ngay phút mở màn “cơm áo không đùa với khách thơ” thử hỏi tài năng thơ qui hàng giá áo túi cơm đó anh hùng cỡ nào?
Trận chiến lớn mới có anh hùng lớn. Thử hỏi trận chiến chiếu thơ tạo ra anh hùng cỡ nào đây? Và một quốc gia có cả triệu người đòi “lăn xả” vào chiến trường rượu thịt chiếu thơ, thử hỏi văn hóa quốc gia còn nghèo hèn đến bao giờ nữa?
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét