Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Vài chuyện “kín” của vua chúa


Lý giải căn bệnh 'liệt dương' của hoàng đế Trần Dụ Tông

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, có lẽ hiếm thấy những người gặp phải hoàn cảnh đặc biệt như vua Trần Dụ Tông - sống giữa "rừng" mỹ nữ, nhưng chịu cứng vì... bất lực.

Trần Dụ Tông (1336 – 1369), tên thật là Trần Hạo, là con thứ 10 của vua Trần Minh Tông và là vị vua thứ bảy của nhà Trần (sau anh là Trần Hiến Tông và trước Hôn Đức Công), cai trị từ năm 1341 đến 1369, với niên hiệu Thiệu Phong (1341-1357), Đại Trị (1358-1369).

Bất lực vì tai nạn thuở nhỏ?

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: "Vào đêm trung thu năm Khai Hựu thứ 11, vua Trần Minh Tông đi thuyền chơi trên Hồ Tây, hoàng tử  Hạo mới lên bốn tuổi cũng được đi theo. Hoàng tử vô ý rơi xuống nước. Mọi người hoảng hốt nhảy xuống mò tìm, mãi hồi lâu mới mò được xác hoàng tử kẹt ở lỗ cống đơm cá. Khi vớt lên thì Hoàng Tử đã chết. Thượng Hoàng sai thầy thuốc Trâu Canh cứu chữa. Trâu Canh tâu rằng: có thể cứu được nhưng phải dùng kim châm vào các huyệt, Hoàng tử có thể sống nhưng chỉ sợ sau này sẽ bị liệt dương..."

Thời gian trôi qua, không ai còn nhớ câu nói cuối cùng của Trâu Canh khi cứu hoàng tử Hạo. Đến năm lên 14 tuổi, Thượng Hoàng cưới vợ cho Dụ Tông. Hoàng hậu là công chúa Y Từ, con gái thứ tư của Bình Chương Huệ Túc Vương. Lúc đó, lời nói năm xưa của thần y Trâu Canh trở nên ứng nghiệm. Vua Dụ Tông nhận ra mình không có khả năng làm chồng...

Toa thuốc "quái"... khỏi bệnh

Để trị bệnh cho vua, bấy giờ Trâu Canh dâng phương thuốc, nói rằng: "... phải giết một bé trai, lấy mật hoà với dương khởi thạch mà uống. Ngoài ra, phải thông dâm với chị hay em ruột mình thì mới hiệu nghiệm..." (Đại Việt Sử ký toàn thư viết).

Toa thuốc nghe cực kỳ quái đản, phản đạo đức và bất nhân làm cả triều đình bối rối. Lịch sử không nói lời chi tiết chỉ ghi rằng: "Vua làm theo, thông dâm với chị ruột của mình là Thiên Ninh Công Chúa và quả nhiên có công hiệu".

Thế nhưng, theo Công Dư Tiệp Ký Tiền Biên của Vũ Phương Đề: Trâu Canh thuở hàn vi một lần đi bắt cá dưới ao do dây buộc giỏ cá bị đứt nên đã bứt đại sợi dây leo để buộc giỏ ngang lưng, không ngờ thấy dương vật tự nhiên “trỗi dậy” khiến ông không dám lên bờ. Khi cởi sợi dây ra thì hiện tượng này biến mất... Sau khi ông về nhà, mẹ ông hỏi vì cớ gì mà phải ở lại dưới ao. Ông cứ thực thưa với mẹ. Mẹ ông bèn lấy dây mây phơi khô để lên gác bếp rồi thỉnh thoảng sai ông lấy dây ấy đeo thử vào người thì thấy dương vật cương cứng. Lần nào cũng hiệu nghiệm như thế.

Lại nói, bấy giờ vua Trần Dụ Tông bị bệnh liệt dương, các thầy thuốc chữa mãi không khỏi. Vua cho sứ giả đi rao khắp trong nước, hứa người nào chữa khỏi thì vua sẽ cho ăn một nửa dân lộc thiên hạ. Sứ giả đến làng Trâu Canh. Mẹ ông gọi sứ giả vào hỏi: Liệt dương là bệnh gì? Sứ giả cứ thực nói cho bà biết. Bà nói: Nhà tôi có một vật có thể chữa khỏi được cho vua. Rồi hai mẹ con đem dây mây theo sứ giả vào Kinh dâng vua. Vua đeo sợi dây mây, quả nhiên dương vật hoạt động trở lại.

Các nhà khoa học thời nay cho rằng, việc dùng cây dây leo kia cũng có một phần cơ sở khoa học, giống như một cách chữa rối loạn cương mà thời hiện đại sử dụng: kích thích làm cương dương vật, sau đó thắt ở gốc dương vật để máu từ đấy không rút đi. Hình ảnh sợi dây buộc ngang lưng trong câu chuyện có thể là cách nói bóng gió rằng, Trâu Canh đã giúp Trần Dụ Tông giao hợp được bằng cách hướng dẫn buộc dây vào gốc dương vật đã cương.

Theo nhiều nhà nghiên cứu hiện đại, chính Trâu Canh là người gây ra căn bệnh bất lực của Dụ Tông vì lời tiên đoán đã ám ảnh vua từ bé đến trưởng thành, khiến "không bệnh thành bệnh". Vì thế, tâm bệnh phải có tâm đơn, toa thuốc "quái đản" của Trâu Canh chỉ là một hình thức "giải lời nguyền", giúp vua cường tráng như vốn có...

Vĩnh Khang

baodatviet.vn

'Chẩn đoán' căn bệnh 'bất lực' của vua Khải Định

Sử sách chép rằng, Khải Định (1885–1925) - vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn, trị vì từ 1916 đến 1925, mắc căn bệnh bất lực, không thích gần đàn bà, chỉ thích đàn ông.

Tuy nhiên, vua vẫn có tất cả 12 bà vợ; có một con trai duy nhất là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại), con bà Hoàng Thị Cúc và chuyện này đã gây ra nhiều đồn đại.

Không thích đàn bà - thích đàn ông!

Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu tâm lý hiện nay, vua Khải Định không phải bất lực, mà là không thích gần đàn bà. Trong cuốn Chuyện nội cung các vua Nguyễn, ông Nguyễn Đắc Xuân viết: "... Những buổi sáng phải ra điện Cần Chính thiết triều, các bà đứng hai hàng bái yết đón chào, vua liền dùng tay ôm gọn hai vạt áo bào sát vào người để khỏi vướng vào đàn bà".

Khải Định (1885–1925) - vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn, trị vì từ 1916 đến 1925. Ảnh tư liệu

Suốt 10 năm làm vua, Khải Định không có ăn nằm với bà vợ nào. Ông đã nuôi Nguyễn Đắc Vọng làm thị vệ. Ban đêm, vua ôm ông Vọng mà ngủ. Và cũng nhờ sự khéo léo trong việc phục tùng này mà ông Vọng được thăng chức nhanh lên Ngũ đẳng Thị vệ. Chưa kể, vào ngày lễ hội tổ chức những buổi vũ múa do cung tần mỹ nữ đảm trách, vua Khải Định nhìn những màn vũ một cách buồn chán. Có lúc ông còn bảo quan hãy dẹp những màn vũ ấy và thay thế vào những màn vũ công nam. Vua Khải Định lấy làm thích thú, còn ra lệnh những vũ công nam cần phải thoa phấn, đánh má hồng và tô môi son đỏ; thậm chí cho họ mặc áo quần màu lòe loẹt... Theo nghiên cứu của ông Xuân, vua Khải Định cũng thế, thích ăn mặc đẹp, thiết kế những áo quần nhiều màu sắc, mang nhiều nữ trang trên người và "đội nón lá"...

Nhiều người biết Khải Định bất lực, chính vua cũng nhận điều đó. Thế nhưng, các quan đại thần vẫn muốn “tiến” cung con gái để được làm ông nhạc (bố vợ) của vua, mong hưởng nhiều quyền lợi. Vào những lúc đó, vì khó lòng chối từ, vua thường nói với các quan: "Nội cung của Trẫm là một cái chùa (ý nói không có chuyện ái ân tình dục), ai muốn vào tu thì cứ vào!".

Vẫn có con?!

Vua Khải Định vốn bất lực, có mấy chục bà vợ nhưng không bà nào có con. Tuy nhiên, vào một ngày, khi vua dùng thuốc, nổi cơn ham muốn, mà lúc đó không có vợ kế bên, bỗng thấy một cung nữ gần đó, vua liền "ban lộc". Cung nữ tên Hòang Thị Cúc, sau đó có bầu và sinh ra hoàng tử Vĩnh Thụy. Song, lại có tin đồn rằng, Vĩnh Thụy không phải con vua Khải Định, nhưng lời đồn thổi vô căn cứ, không có cơ sở, phần lớn lời đồn xuất phát sau này từ miệng những kẻ đối lập với Khải Định và Bảo Đại.

Đến nay, nghi án Vĩnh Thụy là con ai vẫn là bí mật cung đình, là đồn đại, dù một số người trong hoàng tộc đã viết rõ ràng trong hồi ký. Nhưng theo sự nhìn nhận của chính thống, Vĩnh Thụy vẫn là con của Khải Định và đã được Khải Định chǎm sóc nâng niu. Mẹ ông vẫn được tôn xưng là bà Từ Cung.

Ngày 20 tháng 9 năm Ất Sửu (tức 6 tháng 11 năm 1925), vua Khải Định bị bệnh nặng và mất, thọ 40 tuổi. Lăng của vua hiệu Ứng Lăng, tại làng Chân Chữ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.



Vĩnh Khang

baodatviet.vn



Lý Thường Kiệt thành 'thái giám' vì bị trả thù?

Chính sử viết rằng, Lý Thường Kiệt vì vẻ mặt tươi đẹp nên được sung làm Hoàng môn chi hậu, là thái giám theo hầu Lý Thái Tông. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, lý do khiến ông trở thành thái giám là do bị hãm hại bởi người tình cũ - hoàng hậu Thượng Dương.

Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, sinh năm 1019 vào thời vua Lý Thái Tổ và mất năm 1105 dưới thời vua Lý Nhân Tông. Ông được lịch sử ghi nhận là một vị anh hùng dân tộc có nhiều đóng góp trong công cuộc phá Tống, bình Chiêm. Đặc biệt, bài thơ thần Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) của ông được coi như bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Những giả thuyết

Sử cũ chép: “Vua Lý Thánh Tông thấy Lý Thường Kiệt dung mạo đẹp đẽ, tài năng khác thường, mới khuyên ông tự thiến mình đi để tiện việc gần gũi nhà vua trong cung cấm. Lý Thường Kiệt thuận theo. Hằng ngày, ông hầu cận bên vua, hiến việc tốt, can việc xấu, giúp vua hết mọi cách”. Vì công lao đó, ông được cử giữ chức Kiểm hiệu Thái bảo - một chức rất cao trong triều...

Người tịnh thân khi xưa thường là hoạn quan, không được trọng dụng trong những việc quốc gia đại sự. Vậy tại sao một người có tài và có trí như Lý Thường Kiệt lại can tâm làm việc này? Và khi đã tịnh thân sao ông vẫn được giao trọng trách cầm quân đánh giặc và lập nhiều chiến công hiển hách khiến quân Tống phía Bắc, quân Chiêm phía Nam phải khiếp sợ. Phải chăng việc tịnh thân của ông chắc hẳn phải có một lý do đặc biệt?

Dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Thái Bá Tân, chỉ ra rằng giả thuyết về việc tịnh thân của Thái Úy họ vua ban này không thuyết phục bởi trước khi trở thành hoạn quan ông đã có một mối tình với Dương Hồng Hạc, tức hoàng hậu Thượng Dương sau này.

Giả thuyết Lý Thường Kiệt tự hoạn vì tiền cũng bị bác bỏ. “Lý Thái Tông thấy Lý Thường Kiệt “mặt mũi đẹp đẽ” nên cho 3 vạn quan tiền bảo tự hoạn để vào cung hầu hạ”. Lập luận này không mấy có lý bởi vì, thứ nhất số tiền 3 vạn quan là một số tiền rất lớn thời bấy giờ. Sử sách còn ghi lại rằng, năm 1254, vua Trần Thái Tông cho Phạm Ứng Mộng 400 quan bảo “tự hoạn” để vào cung hầu hạ vua. Không thể nào trước đó 213 năm, số tiền vua cho Lý Thường Kiệt lại lớn gấp 75 lần.

Thêm vào đó, ông là con một công thần của nhà Lý nên gia sản của người cha để lại đủ để sống dư dả. Ông cũng không thể nào tự nguyện tịnh thân để vào cung làm quan bởi với cương vị là con của một công thần, việc đó chẳng khó khăn gì…

Như vậy, giả thuyết ông trở thành hoạn quan do bị hại là có vẻ hợp lý hơn cả. Sử sách cho biết rằng, thời trẻ, Lý Thường Kiệt có một mối tình với Dương Hồng Hạc, tức hoàng hậu Thượng Dương sau này. Dương Hồng Hạc là cháu của hoàng hậu Thiên Cảm (44), vợ vua Lý Thái Tông.

Dương Hồng Hạc vốn là con của Dương Đức Uy và là cháu gọi hoàng hậu Thiên Cảm, vợ vua Lý Thái Tông, bằng cô. Khi hoàng hậu Thiên Cảm được vua Lý Thái Tông sủng ái, cha của bà là Dương Đức Thành được phong làm Tể Tướng. Từ đó thế lực họ Dương được hình thành như: Dương Đạo Gia, Dương Đức Uy, Dương Đức Thao, Dương Đức Huy… ba thế hệ lần lượt nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều. Để tạo thêm thế lực cho họ Dương, hoàng hậu Thiên Cảm đã đem đứa cháu gọi bằng cô ruột là Dương Hồng Hạc gả cho con chồng là thái tử Lý Nhật Tôn để khi Nhật Tôn lên làm vua thì Hồng Hạc trở thành hoàng hậu.

Tuy nhiên, trước khi lấy Hồng Hạc, thái tử Nhật Tôn đã được cảnh giác về việc họ Dương lộng quyền có thể dẫn đến cướp ngôi vua , vì vậy Nhật Tôn không muốn gần gũi với Hồng Hạc vì lo sợ nếu có con sẽ trúng kế họ Dương. Mặc dù làm vợ thái tử nhưng Dương Hồng Hạc không hề được chồng đoái hoài tới nên bà muốn nhờ người tình cũ là Lý Thường Kiệt, người đang giữ chức Thái tử Mật thư tỉnh sự giúp thái tử Nhật Tôn ở Đông cung, để được “ban hồng ân”.

Song có lẽ vì lo cho hậu vận nhà Lý nên Thường Kiệt đã không nhận lời giúp đỡ Hồng Hạc. Vì thế, một số nhà nghiên cứu lịch sử đương thời cho rằng, đó là lý do khiến ông bị Hồng Hạc và hoàng hậu Thiên Cảm ra tay bức hại trong một đợt tịnh thân tuyển hoạn quan vào cung?

Hậu quả của việc này cũng giải thích phần nào lý do tại sao Lý Thường Kiệt đã đứng về phe của bà Ỷ Lan chứ không phải là phe của hoàng hậu Thượng Dương trong việc tranh giành quyền “nhiếp chính” sau khi vua Lý Thánh Tông mất..

‘Đệ nhất mỹ nam’ một thời

Lý Thường Kiệt là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ và bà Hàn Diệu Chi. Ngô An Ngữ là tướng của Khai Quốc vương Lý Long Bồ, người con trai thứ hai của vua Lý Thái Tổ. Khi còn trẻ ông rất khôi ngô, tuấn tú và từng được phong “Đệ nhất mỹ nam tử” thời bấy giờ.

Không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài, Ngô Tuấn còn được ca ngợi là một người thông minh và có nhiều tài nghệ đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Mới 13 tuổi, Ngô Tuấn đã ngày tập bắn cung cưỡi ngựa, lập doanh trại, bày trận đồ; đêm đọc binh pháp của Tôn Tử và Ngô Khởi.

Năm 17 tuổi, mẹ mất, Ngô Tuấn cùng em trai là Thường Hiến lo tang mẹ theo đủ mọi nghi lễ tập tục bấy giờ. Khi hết tang mẹ, ông được nhận chức Kỵ mã hiệu uý là một chức võ quan nhỏ trong đội kỵ binh. Năm 22 tuổi (1041), dưới thời vua Lý Thái Tông, Ngô Tuấn được nhận chức Hoàng môn chi hậu, ngạch thị vệ để hầu vua. Năm 1053, Ngô Tuấn được phong chức Đô tri, trông coi tất cả mọi công việc trong cung vua Lý. Vua cho Ngô Tuấn được mang họ vua. Từ đó, ông mang tên Lý Thường Kiệt.



Trong đời, ông từng giữ qua nhiều chức vụ quan trọng. Trước tiên là chức Thái tử Mật thư tỉnh sự, giúp thái tử Lý Nhật Tôn ở Đông cung, tức vua Lý Thánh Tông sau này. Sau khi bị hoạn, ông được cho giữ chức Hoàng môn chi hậu , rồi được thăng đến chức Nội thị sảnh đô tri, sau được cho giữ chức Đình Uý sứ, trông coi các việc về hình án trong triều. Năm 1042, vua Lý Thái Tông giao cho ông cùng với một số đại thần soạn thảo bộ Luật “Hình thư”, bộ luật này được xem là bộ luật hình sự đầu tiên của nước ta.



Đến đời vua Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt được thăng đến chức Thái bảo, sau đó do lập được nhiều chiến công trong trận đánh với Chiêm Thành nên ông được phong chức phụ quốc Thái phó, tước Khai Quốc công. Đến tháng 8 năm 1075 ông được phong chức Đôn quốc Thái uý. Đến khi mất, ông được vua Lý Nhân Tông truy phong chức Kiểm hiệu Thái uý Bình chương sự và ban tước Việt Quốc công.

Như vậy, đến nay, chuyện tịnh thân của Việt Quốc công Lý Thường Kiệt vẫn là một nghi vấn lịch sử mà khó có thể nào đi đến cùng để chứng minh được tính xác thực, song có thể thấy chắc chắn một điều, tài năng và đức độ của ông là tấm gương sáng cho mọi thế hệ người Việt. Và những đóng góp to lớn của ông cho sự bền vững của quốc gia, dân tộc sẽ mãi mãi được ghi nhớ.

Vân Nhi



Giải mã vụ án Ỷ Lan 'bức chết' vợ cả của vua

Sau khi được phong Linh Nhân thái phi, Ỷ Lan đã vô hiệu hóa Thượng Dương Hoàng thái hậu bằng cách bắt tạm giam vợ cả của vua cùng 76 thị nữ vào cung cấm, rồi bức chết chôn theo lăng Lý Thánh Tông.

Nguyên phi Ỷ Lan tương truyền có tên là Lê Thị Khiết, ngoài ra bà còn có tên Lê Thị Yến, Lê Thị Yến Loan (giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho biết đó chỉ là cách phiên âm từ tên Ỷ Lan). Theo tài liệu truyện thơ của Trương Thị Ngọc Trong, một cung tần của chúa Trịnh Cương thì bà có tên là Lê Khiết Nương. Bà được cho là sinh ngày 7/3/1044.

Năm 1117, bà mất, được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, mai táng ở Thọ Lăng phủ Thiên Đức. Hiện nay, còn miếu thờ bà ở hai xã Cẩm Đới và Cẩm Cầu huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

 Nguyên phi Ỷ Lan được coi là phụ nữ không chỉ có sắc đẹp, mà có tài và uyên bác bậc nhất của nước Việt. Tuy nhiên, vì vụ án oan trên, các nhà chép sử khi xưa không muốn nhắc nhiều đến bà khi ghi nhận công đức xây dựng nên một nền văn hóa rực rỡ thời Lý.

Thủ đoạn chính trị?

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức (con đẻ của Ỷ Lan Nguyên phi) mới 6 tuổi lên nối ngôi, hiệu là Lý Nhân Tông (1072-1127). Ỷ Lan được tôn phong Linh Nhân thái phi, còn hoàng hậu họ Dương là Thượng Dương Hoàng thái hậu – đã dựa vào thế lực của Thái sư Lý Đạo Thành, gạt Ỷ Lan ra khỏi triều đình. Ngoài ra, lễ xưa cũng quy định, hễ hoàng đế lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi thì thái hậu được quyền nhiếp chính, nhưng Dương thái hậu lại không phải là mẹ đẻ của Lý Nhân Tông, điều đó càng khiến Linh Nhân thái phi căm tức. Đến năm 1073, một vụ tàn sát bi thảm đã diễn ra, mà nạn nhân chính là Dương thái hậu cùng 76 thị nữ (cũng có sách nói chỉ có 72 thị nữ).

Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng: “Linh nhân có tính hay ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với Vua rằng: Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý thì người khác hưởng, vậy con để mẹ già vào đâu? Vua bèn sai giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương rồi bức phải chết, cho chôn theo lăng của Thánh Tông.

Phân tích bản chất vụ án này, trong cuốn Chuyện tình các vua chúa Việt Nam, TS Đinh Công Vỹ một mực cho rằng, Nguyên phi Ỷ Lan đã phạm tội “giết người hàng loạt”, đã giết hại vợ cả của chồng. “Sự tham lam quyền lực, sự ích kỉ cá nhân đã giết chết hết mọi nhân tính của Ỷ Lan”, TS Vỹ nhận xét.

Chỉ là cái ghen thường tình của đàn bà

Nhà sử học Lê Văn Lan và TS Phật học Thích Đức Thiện, trụ trì chùa Phật Tích, đều cùng chung một cái nhìn nhân ái về việc này: "Trong sự nghiệp làm chính trị thì âu đấy cũng là chuyện thường thấy…"

“Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết Thái hậu, hãm hại người vô tội đến mức tàn nhẫn như thế? Ấy vì ghen là tính thường có của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với Vua. Bấy giờ, Vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích mà không biết là lỗi to…”, Sử thần Ngô Sĩ Liên giải thích.

TS Vỹ đáp trả rằng, ông Ngô Sỹ Liên đổ cho “ghen là thường tình”, đổ cho vua là “trẻ thơ” thì làm sao chỉ ra được kẻ có tội nữa, đều là vô trách nhiệm. Ỷ Lan vốn dĩ có những “mưu mô xảo quyệt” ngay từ khi kết hôn với vua nên bà đã “làm nên tội lớn” với triều đình, nhân dân.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học Việt Nam, cho rằng cần nhìn nhận nhân vật lịch sử biện chứng với tư duy khoa học. Cần “soi” hành động của bà Ỷ Lan dưới vương triều phong kiến đó, thì nó có nguyên do. Thời kỳ đó có tục “tuận tang”, tức là vua, hoàng hậu hay thái hậu mất thì đôi khi triều đình cũng chôn theo cung phi để hầu. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận uẩn khúc trên có thể là điểm đen trong cuộc đời của Ỷ Lan. Bà có công 8 phần, lỗi chỉ 2 phần. Ngay sau chuyện làm với Dương thái hậu, bà đã hối lỗi và xây dựng hàng trăm ngôi chùa để chuộc lỗi của mình.

Sử chép lại, mùa xuân năm Quý Mão 1063 Vua Lý Thánh Tông, tuổi đã 40 mà không có con nối dõi về viếng chùa Dâu (phủ Thuận Thành, Bắc Ninh) để cầu tự, dân làng mở hội nghênh giá. Từ xa nhà vua nghe thấy tiếng hát luyến láy ngân nga ở đâu đưa đến, nhìn kỹ thấy một người con gái đứng tựa gốc cây lan. Vua cho mời vào, hỏi ra mới biết nàng ở trang Thổ Lỗi, gia đình làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Thấy người con gái tuổi vừa đôi mươi, dáng vẻ yêu kiều quyến rũ, đối đáp thông minh, vua rước về kinh thành lập làm phi. Ỷ Lan lần lượt sinh cho Vua Lý Thánh Tông hai người con trai. Người con trai đầu là Thái tử Càn Đức (sinh năm 1066) và người con thứ hai là Minh Nhân Vương. Sau khi vua cha băng hà, Thái tử Càn Đức lên nối ngôi.



Vĩnh Khang

baodatviet.vn



Xót phận bà hoàng cuối cùng của nhà Lý

Trần Thị Dung được vua yêu và sắc phong ngôi hoàng hậu. Các anh em thân thích của bà thế lực lớn mạnh và đều giữ những chức tước quan trọng trong cung. Tuy vinh hiển vậy nhưng cuộc đời của vị hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý này vẫn đầy éo le, trắc trở.

Năm lần bảy lượt bị bức tử

Năm 1209, triều đình xảy ra binh biến, hoàng tử Sảm, con vua Lý Cao Tông, phải lánh nạn ở Hải Ấp. Trên đường chạy, thái tử được ông chủ thuyền cá là Trần Lý đón về nhà mình ở làng Tức Mạc (Nam Định) che chở. Tại đây, mối tình giữa hoàng tử Sảm và con gái người chủ thuyền xinh đẹp Trần Thị Dung đã nhanh chóng nảy nở. Hôn lễ giữa hai người đã được nhanh chóng tổ chức.

Sau này, Trần Lý cùng với người em vợ của mình mộ quân về Thăng Long dẹp loạn, đón vua Cao Tông trở về chủ trì việc chính sự. Tháng 10 năm 1210, vua Cao Tông qua đời, hoàng tử Hạo Sảm lên ngôi thiên tử, lấy hiệu là Lý Huệ Tông. Ông cho đón vợ yêu là Trần Thị Dung về đoàn tụ.

Tuy nhiên, không được lòng hoàng Thái Hậu, Trần Thị Dung luôn bị Đàm Thái hậu (mẹ đẻ vua) cho là cùng bè đảng với quân phản trắc (trước đây, Trần Tự Khánh vì không đón được Huệ Tông về kinh đã đón một người con của vua Lý Anh Tông là Huệ Văn vương lập làm vua mới).

Thái hậu họ Đàm thường xuyên xúi giục vua Huệ Tông đuổi nàng Thị Dung đi. Ép không được, Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của Thị Dung. Huệ Tông biết vậy, thương vợ nhưng cũng không dám ra mặt bênh vực mà chỉ tìm cách âm thầm ngăn chặn. Mỗi bữa ăn, vua lại cho gọi Thị Dung ăn cùng, chia đôi suất của mình và không lúc nào để nàng ăn một mình.

Mặc dù vậy, thái hậu vẫn nung nấu ý định giết Thị Dung đến cùng. Một lần bà sai người đem chén thuốc độc đến cung hoàng hậu, bắt nàng phải uống. Vua biết chuyện đích thân đến ngăn lại rồi cùng Thị Dung đang đêm lẻn trốn đi, nương nhờ vào thế lực của Trần Khánh. Từ đó cuộc sống của bà hoàng TrầnThị Dung mới tạm thời yên ổn.

Chồng hóa điên, hoàng hậu bị ban cho em họ

Vua dẫu bất bình với lối hành xử của mẹ nhưng lại là người con hiếu thuận. Khi thấy Trần Khánh làm dữ với thái hậu, ông vẫn vội vã đưa mẹ trốn lên Lạng Sơn. Trần Khánh đuổi lên Lạng Sơn, Huệ Tông lại rước mẹ về Bình Hợp. Đứng giữa mẹ và vợ; giữa tình và hiếu… lâu dần vua quá căng thẳng mà hóa điên.

Tháng 3 năm Bính Tỵ (1216) ngay sau khi Trần Thị Dung sinh con gái đầu lòng là Thuận Thiên, thì nhà vua trở bệnh. Trong thời gian này, ông thường giả làm thiên binh, thiên tướng, đầu đội mũ cắm cờ nhỏ, tay cầm giáo mác, đùa múa từ sáng đến tối không nghỉ. Khi múa xong thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Những ngày này, Thị Dung cũng sống trong lạnh lẽo và buồn bã.

Đỉnh điểm nỗi bất hạnh của bà hoàng Trần Thị Dung là khi vua Lý Huệ Tông phẫn chí bỏ đi tu, bà trở thành món ‘lễ vật’ được ban cho Trần Thủ Độ, chính là người em họ của mình.

Vân Nhi

baodatviet

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: