Tara MacIsaac, Epoch Times 27 Tháng Chín , 2014
Lập trình vi tính có một khởi đầu lãng mạn và đầy nghệ thuật hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Nó bắt đầu bằng một câu chuyện khá kỳ lạ với sự tham gia của một nhà thơ lừng danh, một mối tình ngắn ngủi, một cô con gái buộc phải coi thường con đường nghệ thuật của cha mình, và với nhiều tình tiết đầy kịch tính khác.
Ada Byron sinh năm 1815 và là đứa con chính thức duy nhất của nam thi sĩ danh tiếng Huân tước Byron (Lord Byron). Mẹ cô đã rời bỏ chồng mình trong sự bất mãn chỉ vài tuần sau khi Ada ra đời. Bà Byron đã đảm bảo để Ada lớn lên sẽ theo học toán học, bởi nó sẽ “mang lại trạng thái tinh thần ổn định và là thuốc giải độc công hiệu cho chứng bệnh ‘lơ đãng, bất cẩn, ảo tưởng, luẩn quẩn, và ngạo mạn’ mà Ada có thể đã thừa kế từ người cha vô đạo đức của nó” – trích dẫn từ cuốn sách “Math Odyssey 2000” của Clement Falbo, giáo sư toán học danh dự tại ĐH Bang Sonoma.
Đó là vào thời mà xã hội không khuyến khích nữ giới quý tộc theo đuổi con đường tri thức. Tuy nhiên, cô gái trẻ Byron đã cố gắng tìm cách vào các giảng đường tại ĐH London trong những tháng hiếm hoi mở cửa cho nữ giới năm 1830.
Mẹ của Ada đã làm mọi cách để loại khỏi thơ ca ra khỏi tâm hồn cô nhưng không thành. Mặc dù chưa bao giờ được gặp cha, nhưng Ada thừa hưởng trí tưởng tượng và óc sáng tạo của ông. Mặc dù tâm trí là hướng tới khoa học, nhưng cô đã nói về “khoa học thi ca”. Và cô đã tự coi mình là một nhà phân tích và một nhà siêu hình học.
Tài hoa lỗi lạc trong lĩnh vực toán học và kỹ thuật của cô đã thu hút sự chú ý của nhà phát minh nổi tiếng Charles Babbage. Cả hai gặp nhau lần đầu khi Byron vẫn là một thiếu niên, và họ đã thư từ qua lại trong nhiều năm sau đó, cùng nhau thảo luận về nhiều đề tài và chủ đề khác nhau.
Về sau, Byron kết hôn với Huân tước William King (Lord William King), người sau đó trở thành Bá tước Lovelace (Earl of Lovelace), và Ada trở thành Ada Lovelace. Họ đã có với nhau ba người con. Năm 1843, Ada dịch một bài luận của một phát minh dở dang của Babbage có tên gọi “Cỗ máy Phân tích”. Những ghi chú của cô kèm theo bản dịch đó, theo gợi ý của Babbage, còn dài hơn cả bản thân bài viết của Babbage và đã mang lại cho Ada danh tiếng lẫy lừng.
Giáo sư toán học Falbo đã thuật lại: “Trong những ghi chú này, bà đã vạch ra những khái niệm cơ bản về lập trình vi tính, và bà đã mô tả những yếu tố chính cần có trong bất kỳ một ngôn ngữ máy tính nào”. Bà đã đưa ra nhiều gợi ý cho việc tính toán mà thiết bị có thể thực hiện, và những gợi ý này hiện vẫn được coi là lập trình vi tính đầu tiên. Lovelace đã nhìn thấy tiềm năng của điều mà chúng ta ngày nay gọi là ‘một máy tính đa dụng’.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét