Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Quân đội Trung Quốc kháng thượng lệnh?


Những động thái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau chuyến thăm Ấn Độ đã làm dấy lên những nghi ngờ có một âm mưu ngấm ngầm nhằm phá hoại chuyến đi này. Từ ngày 17 - 19.9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Ấn Độ. Tuy nhiên, chuyến thăm đã không đem lại kết quả như kỳ vọng của hai bên về việc “phá băng” trong quan hệ giữa hai nước láng giềng nhiều duyên nợ, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp biên giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt 
đội danh dự khi thăm Ấn Độ ngày 18.9 - Ảnh: AFP
Vụ phá bĩnh của PLA
Lý do của tình trạng “trật rơ” này chính là việc vào ngày 18.9, 1.000 binh sĩ Trung Quốc đã xâm nhập phía nam Ladakh, 1 trong 2 khu vực tranh chấp dọc đường kiểm soát thực tế (LAC), ranh giới tạm thời giữa 2 nước. Theo Forbes, các binh sĩ thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã mang thiết bị hạng nặng và tuyên bố xây dựng một “con đường tạm”. Vụ việc này chỉ được biết đến vào cuối buổi trưa, chỉ một giờ trước khi diễn ra bữa tiệc mà ông Modi đã ra lệnh chuẩn bị để tiếp đãi vị khách Trung Quốc. Vì thế, trong lúc 1.500 binh sĩ Ấn Độ được điều đến khu vực để ứng phó, ông Modi đã yêu cầu ông Tập ra lệnh rút quân và Chủ tịch Trung Quốc đã đồng ý.
Theo tờ Deccan Chronicle, ông Tập đã thú nhận với Thủ tướng Modi rằng ông không biết gì về vụ việc này. Các binh sĩ Trung Quốc  chỉ bắt đầu rút đi khi ông Tập rời New Delhi ngày 19.9, theo AFP. Sự việc trên đã làm dấy lên những nghi ngờ rằng có một âm mưu ngấm ngầm chống ông Tập từ một bộ phận chỉ huy cấp cao của PLA. Cũng có thể đó là những cá nhân trong hàng lãnh đạo chính trị đang rắp tâm làm suy yếu vị thế ông Tập, theo tờ Forbes.  
 
Biên giới Trung - Ấn vẫn căng thẳng
Tình hình tại khu vực Ladakh vẫn đang tiếp tục căng thẳng khi hàng trăm binh sĩ của hai nước tiếp tục đối đầu nhau ở khoảng cách khá gần. Tờ Hindustan Times ngày 24.9 đưa tin Ấn Độ đang xem xét khả năng tổ chức cuộc họp khẩn trong tuần này theo đề nghị của Trung Quốc dù một nguồn tin quân sự Ấn Độ nhận định đây không phải là sự xuống nước của Bắc Kinh.
Cải tổ hệ thống chỉ huy
Những chỉ thị của ông Tập ngay sau khi trở về từ New Delhi càng làm gia tăng nghi ngờ của giới truyền thông Ấn Độ và quốc tế. Cụ thể, ngày 21.9, ông Tập đã có bài phát biểu tại cuộc họp của Bộ Tổng tham mưu PLA ở Bắc Kinh. Chuyên trang The Diplomat nhận định bài phát biểu của ông Tập đáng lưu ý ở chỗ nó được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông về nước. Theo Tân Hoa xã, trong bài phát biểu, ông Tập đã nhấn mạnh “sự trung thành tuyệt đối và niềm tin chắc chắn vào Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Ông Tập cũng đã đề cập sự cần thiết của một “hệ thống chỉ huy thông suốt” và kêu gọi các chỉ huy chiến trường “đảm bảo mọi quyết định từ ban lãnh đạo trung ương phải được thực hiện đầy đủ”.
Trong bài phát biểu, Tân Hoa xã cho biết ông Tập đã khẳng định rằng “các chỉ huy quân đội phải có sự hiểu biết tốt hơn về tình hình quốc tế và trong nước cũng như diễn biến mới nhất trong quân đội”. Một thông báo được đưa ra sau cuộc họp có sự tham dự của Tổng tham mưu trưởng Phòng Phong Huy và các chỉ huy cấp cao khác còn nhấn mạnh “mọi lực lượng của PLA phải tuân theo những chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương”, theo Tân Hoa xã.
Một thông tin đáng chú ý khác chính là việc cất nhắc 2 viên tướng trung thành với ông Tập. Tờ South China Morning Post ngày 22.9 dẫn các nguồn thạo tin nói rằng các tướng Lưu Nguyên và Trương Hựu Hiệp sẽ lần lượt được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương và lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Quân ủy tại hội nghị trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng tới. Ủy ban Kiểm tra Quân ủy là cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trong PLA cũng như những hành động xao lãng nhiệm vụ - điều có thể đã xảy ra trong thời gian ông Tập thăm Ấn Độ. Tờ The Times of India nhận định các diễn biến nói trên cho thấy ông Tập đang cố gắng tăng cường thêm sự kiểm soát đối với PLA.
Sự việc ngày 18.9 không phải là vụ “phá bĩnh” đầu tiên của PLA. Hồi năm 2011, PLA đã tiến hành thử nghiệm một chiến đấu cơ tàng hình chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhằm cải thiện quan hệ hai nước. Tờ The Wall Street Journal khi đó dẫn lời giới chức Mỹ nói rằng ông Hồ Cẩm Đào có vẻ không hay biết gì về cuộc thử nghiệm khi được ông Gates hỏi về vụ việc trong cuộc gặp, ngay cả khi hình ảnh và thông tin về vụ thử đã bắt đầu xuất hiện trên mạng. Trong cuốn hồi ký xuất bản đầu năm nay, ông Gates cho biết một cuộc tranh cãi đầy giận dữ đã nổ ra giữa các quan chức dân sự và quân sự Trung Quốc, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt, ngay trong cuộc họp.
Trùng Quang
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140925/quan-doi-trung-quoc-khang-thuong-lenh.aspx

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: