ĐI TÌM NHỮNG TÁC PHẨM ĐẦU TAY
CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG
Đầu năm 2000 tôi có dịp thông tin với đồng nghiệp trong giới viết văn, nghiên cứu, phê bình và bạn đọc đông đảo về trên hai chục tác phẩm đăng báo của nhà văn Vũ Trọng Phụng được tiến sĩ sử học Peter Zinoman lần đầu tiên tìm lại.(1) Những tác phẩm ấy, ngay sau đó tôi đã tập hợp thành một tập bản thảo với nhan đề chung: Vẽ nhọ bôi hề, dự kiến đem in sớm để bù đắp những thiếu hụt trong bộ Toàn tập Vũ Trọng Phụng 5 tập (2) vừa ra mắt rải rác từ cuối 1999 đến giữa năm 2000. Khi bản thảo Vẽ nhọ bôi hề đã xuống nhà in nhưng chưa ra thành sách, tháng 10/2000 tôi có chuyến đi thăm và tìm tài liệu ở vài thư viện đại học Mỹ. Mục tiêu sưu tầm của tôi lần này không nhằm chủ yếu vào tác giả Vũ Trọng Phụng. Tuy vậy, trong khi đọc lại các sưu tầm báo tiếng Việt trước 1945, tôi lại tìm thấy thêm được một số tác phẩm nữa của chính tác giả này, tôi cũng bắt gặp một số tư liệu có thể gợi mở thêm cho việc đi tìm những tác phẩm chưa tìm thấy của nhà văn họ Vũ.
Vũ Trọng Phụng làm thơ?
Tôi thật sự bị bất ngờ khi bắt gặp ở mục Văn uyển của tuần báo Phụ nữ tân văn, xuất bản tại Sài Gòn, số 62 ra ngày 24/7/1930 một chùm liền hai bài ca, một bài theo điệu Vọng cổ hoài lang nhan đề Người đi, một bài theo điệu Tây Thi nhan đề Kẻ ở ký tên tác giả Vũ Trọng Phụng. Trừ một dấu hỏi có lẽ thợ nhà in xếp nhầm (ở người Việt chỉ có họ Vũ, không có họ Vủ), ta không có gì để ngờ vực về họ tên tác giả. Ta chỉ có quyền giả định phải chăng đây là một Vũ Trọng Phụng khác, không phải Vũ Trọng Phụng tác giả Giông tố, Số đỏ...? Tuy nhiên nghi vấn này là điều gần như vô ích, vì cùng thời với tác giả này hầu như không xuất hiện một cây bút cùng họ cùng tên nào khác.
Với những gì đã biết từ ngòi bút Vũ Trọng Phụng, nếu ta có thể hình dung được rằng ông đúng là soạn giả hai bài ca này? Tôi cho là có thể. Chúng ta biết, qua ngòi bút Nguyễn Tuân, rằng Vũ Trọng Phụng là một tay đàn nguyệt loại . . . được. (3) Còn qua các tác phẩm của chính họ Vũ, người ta thấy cây bút văn xuôi này không hề non tay khi phải tạo ra các loại văn vần để gán cho các nhân vật của mình, chẳng hạn bài văn tế Ba Mỹ Ký trong Cạm bẫy người (nhân vật soạn giả là ký Vũ, cái tên này có chỉ dẫn điều gì dính dấp tên tác giả chăng?), hoặc mấy bài hát chèo trong Cơm thầy cơm cô, rồi bài ca trù trong Người tù được tha...
Vậy thì nếu chính Vũ Trọng Phụng có soạn vài bài ca theo các điệu hát Nam, cũng không phải là điều lạ (gần đây nhân xem lại biên bản thảo luận hồi 1960, tôi thấy ghi lời Vũ Đình Liên nói việc Vũ Trọng Phụng có bài vọng cổ đăng Phụ nữ tân văn. Vậy đích xác đây là tác phẩm của họ Vũ). Trong hai bài ca vừa tìm thấy này, Người đi là lời một lữ khách phiêu lưu xa nhà vì đang đeo đuổi danh phận. Kẻ ở là lời người chốn phòng the, một khúc “khuê oán”.
Với hai bài ca này, tác giả Vũ Trọng Phụng hiện diện như người soạn vở cho sân khấu ca nhạc, lời ca đầy những ước lệ của thơ văn truyền thống. Ở đây chưa hề xuất hiện cái định hướng “tả chân”. Nhưng đây là văn bản đăng báo năm 1930, có thể thuộc loại những bài đăng báo sớm nhất của tác giả Vũ Trọng Phụng.
Chùm bài vở đăng Hà thành Ngọ báo
Nhiều người trong giới còn nhớ, khoảng năm 1989, giáo sư Đỗ Tất Lợi trong một chuyến đi Pháp ra tìm mang về tặng thân nhân nhà văn Vũ Trọng Phụng bản chụp 3 truyện ngắn đăng Hà thành Ngọ báo (gọi tắt là Ngọ báo) năm 1931-32: Một cái chết, Bà lão lòa, Con người điêu trá.
Biết nguồn Ngọ báo là đáng kể nên khi trên thư viện đại học Berkeley, thấy có vi phim Ngọ báo, tôi đem đọc ngay. Phải nói cách làm báo những năm 1930 thường ưu đãi những người đã nổi tiếng và hầu như bạc đãi các cây bút mới, điều này bộc lộ ngay ở cách xếp chữ. Phải rất tinh mới nhận ra bài của tác giả Vũ Trọng Phụng trên tờ này. Ví dụ truyện Thủ đoạn đăng 3 kỳ báo trong mục Mặt trái đời. Kỳ đầu tiên bút danh tác giả còn bị in lầm thành Nguyễn Trọng Phụng, hai lần sau mới sửa đúng là họ Vũ; tên tác giả chỉ được xếp bằng cỡ chữ nhỏ ở tận cuối bài. Đến truyện Cô Mai thưởng xuân vẫn trong mục Mặt trái đời, tên tác giả vẫn đặt cuối bài bằng cỡ chữ thường vả nhỏ như thế, nhưng chỉ sau đó hai tuần, đến truyện Một cái chết in trong mục Câu chuyện thứ hai thì tên tác giả đã được xếp chữ hoa và đặt ngay dưới tên truyện; nghĩa là đến đây thì tên tuổi tác giả đã có lợi cho tờ báo, và thế là tòa báo tìm ngay ra cách cho người đọc dễ nhận ra tên tác giả.
Đến đây, tôi xin có sự bổ chính nhỏ về tư liệu trước bạn đọc và giới nghiên cứu: Trong lần đọc vi phim Ngọ báo nói trên (tháng 10/2000) tôi đã nghĩ bài đăng đầu tiên của Vũ Trọng Phụng trên tờ này chính là truyện ngắn Thủ đoạn, và điều này được tôi thể hiện trong sưu tập Chống nạng lên đường lần trước (in và phát hành quý I/2002). Tháng 7/2002, được đọc bản in Ngọ báo ở Thư viện Quốc gia Hà Nội, tôi tìm thấy 2 bài ký Vũ Trọng Phụng đăng Ngọ báo năm l930: truyện Uyên ương và tiểu luận Nghề diễn kịch nên chấn hưng. Như thế, cùng với hai bài ca đăng Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), ta biết thêm hai bài nữa của Vũ Trọng Phụng đăng báo trong năm l930. Phải chăng đây là những tác phẩm công bố sớm nhất của ông?
Tôi đã thông kê, thấy mình tìm được 14 tên tác phẩm ký Vũ Trọng Phụng đăng Ngọ báo, cộng với 3 truyện ông Đỗ Tất Lợi tìm thấy từ trước là 17 tác phẩm, trong số này có 3 tác phẩm đăng vào mục "Mặt trái đời"(Thủ đoạn, Cô Mai thưởng xuân, Phép ông láng giềng); 6 tác phẩm đăng vào mục ''Câu chuyện thứ hai" (Một cái chết, Bà lão loà, Chống nạng lên đường, Cái tin vặt, Nhân quả, Con người điêu trá); 5 tác phẩm đăng vào mục “Chuyện Ngọ báo” (Uyên ương, Bẫy tình, Điên, Tội người cô, Câu chuyện của nhà văn sĩ vô danh); 1 kịch vui (Bên góc giường); 2 tiểu luận (Nghề diễn kịch nên chấn hưng; Hiu quạnh). Bên cạnh các sáng tác, trong số này có một số tác phẩm dịch: Điên, Hiu quạnh đều ghi rõ xuất xứ là dịch của Guy de Maupassant; Con người điêu trá tuy không ghi xuất xứ, nhưng tôi tin chắc là phỏng theo một truyện ngắn Guy de Maupassant mà độc giả ở miền Bắc hồi những năm 1960 từng được đọc bản dịch dưới nhan đềChuỗi hạt trai giả.
Điều đáng lưu ý là từ sau Con người điêu trá đăng Ngọ báo giữa tháng 3/1932, không thấy xuất hiện tên Vũ Trọng Phụng trên Ngọ báo nữa. Tháng 2/1934 Ngọ báo đăng bài của Thái Phỉ điểm sách Cạm bẫy người của Vũ Trọng Phụng. Nhà phê bình Thái Phỉ cho biết răng: Vũ Trọng Phụng đã ra mắt độc giả Ngọ báo “bằng những bài đoản thiên tiểu thuyết có tính cách tả chân”, rằng cây bút trẻ này là tín đồ của Flaubert và Maupassant. “Sau khi phải ra đối đáp với thần công lý về một bài đoản thiên tiểu thuyết có tính cách khiêu dâm đăng trong tập văn Tiếng chuông, ông quay ra bình phẩm kịch. Song chừng như thấy đó cũng chưa phải là con đường cho mình theo, ông Vũ Trọng Phụng liền ngả về lối ký sự”.(4)
Những điều Thái Phỉ đương thời viết như trên, đối với chúng ta giờ đây, là những thông tin rất đáng chú ý. Chuyện Vũ Trọng Phụng bị gọi ra toà hẳn là có thật. Tập sách Tiếng chuông nay chưa tìm thấy, không rõ thiên truyện Vũ Trọng Phụng in trong đó là truyện nào. Tôi ngờ là truyện Thủ đoạn, kể về một viên thư ký quá tận tuỵ với sếp của mình, không chỉ ở sở mà ngay khi sếp đã về nhà. Từ bồi tiêm đến tìm gái cho sếp đều một tay anh ta. Do thuyết phục vợ (vốn là một gái điếm hoàn lương) hiến thân cho chủ mình không được, nhiều lần chính anh ta phải hiến thân cho sếp và trò làm tình đồng giới lạ lùng ấy đã không thoát khỏi những cặp mắt tò mò nhòm qua lỗ khoá của mấy bác bồi…Còn cô vợ anh ta, do bị chồng sỉ nhục nặng nề, đã tự tử. Tôi nhớ trong mấy bài đăng hồi 1957, ông Thiều Quang đã nhắc đến vụ việc xảy ra với truyện ngắn có yếu tố homosexualle này.(5)Nhưng có giá trị hơn cả trong số các truyện đăng Ngọ báo này của Vũ Trọng Phụng, theo tôi làChống nạng lên đường và Cái tin vặt. Chống nạng lên đường kể chuyện một chú bé nhà ở Gia Lâm đi kéo xe tay bị ô tô cán gẫy chân, rồi bị anh ruột ruồng rẫy, cha mẹ già không dám cưu mang, phải bỏ nhà, “chống nạng lên đường” qua cầu Long Biên vào thành phố, chưa biết sẽ trở thành cái gì: người ăn xin hay gã ăn cắp. Cái tin vặt kể lịch trình một chuyện chiếm con hại người của một nhà giàu ở thị trấn Yên Viên, có những tình tiết có lẽ ít nhiều báo trước một phần cốt truyện Giông tố.
Chùm tiểu luận, dịch thuật với bút đanh Phụng Hoàng
Gần như cùng lúc với chùm truyện sáng tác và dịch thuật kể trên của Vũ Trọng Phụng, trên Ngọ báo xuất hiện một số bài với bút danh Phụng Hoàng. Tôi tìm thấy 5 bài, trong đó 2 bài dịch G. de Maupassant (Tư cách nhà phê bình; Lối viết chuyện của phái tả chân), 3 bài còn lại đều liên quan đến việc đọc và dịch văn học Pháp: Một ông thầy cãi của nhà làm thơ tóm lược ý của Alfred de Vigny về Chatterton trong vở kịch cùng tên; Một cái án văn chương nói việc nhà văn Pháp J. Richepin tự bào chữa khi bị toà án tuyên phạt về tác phẩm Chansons des gueux; Cái đặc tính của kịch lãng mạn nêu đặc điểm kịch lãng mạn của V. Hugo thể hiện trong vở Lucrece Borgia.
Ngay khi đọc lần đầu, tôi thấy 5 bài này liền mạch với các bài ký Vũ Trọng Phụng (ví dụ cũng là dịch G. de Maupassant hoặc truyện hoặc tiểu luận, chỉ khác ở cái tên ký dưới dịch phẩm). Hơn nữa các bài này đều có những chỗ tương ứng với những tác phẩm đã biết (đã tìm thấy từ trước) của Vũ Trọng Phụng (ví dụ ý về kịch lãng mạn sẽ được nhắc lại ở “mấy lời của người xuất bản” trong bản in kịch Lucrece Borgia, bản dịch nhan đề Giết mẹ (Dịch thuật tùng thư, Hà Nội, l936); ý trong bàiMột ông thầy cãi của nhà làm thơ sẽ được Vũ Trọng Phụng nhắc lại trong bài vĩnh biệt Tản Đà, đăng Tiểu thuyết thứ Năm tháng 8/1939).
Một điểm nữa đáng lưu ý là khi Vũ Trọng Phụng thôi cộng tác với Ngọ báo thì bút danh Phụng Hoàng cũng không thấy xuất hiện trên tờ báo ấy nữa. Việc tôi tin bút danh Phụng Hoàng trong 5 bài kể trên là của Vũ Trọng Phụng, gần đây, đang được cúng cố thêm. Bạn Anh Chi (người đã và đang sưu tầm để khôi phục toàn bộ tạp chí Tiểu thuyết thứ Năm, trong đó có đăng truyện Quý phái và một số bài báo khác của Vũ Trọng Phụng) hồi cuối tháng 11/2000 cho tôi biết ông Phạm Quang Hòa, một người có tham gia viết báo viết văn ở Hà Nội thời 1930 - 1945 từng bảo với Anh Chi rằng Vũ Trọng Phụng còn có bút danh Phụng Hoàng.
Như vậy, tôi nghĩ có thể nói lời khẳng định đối với chùm 5 bài tiểu luận, dịch thuật ký Phụng Hoàng: đó là tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.
Chùm tiểu luận, dịch thêm này cho ta thấy ở nhà văn trẻ này sớm phát triển một ý thức lý luận, song song với thử nghiệm sáng tác. Ta cũng sẽ thấy qua đây cái định hướng chủ nghĩa tả chân ở nhà văn này là sớm sủa, sâu sắc, và được ông ý thức cả ở bình diện kỹ thuật chứ không chỉ ở các phương diện nhận thức lý thuyết và cảm hứng xã hội.
Ngoài chùm bài ở Ngọ báo nói trên, tôi còn tìm được một vài tác phẩm nữa của Vũ Trọng Phụng trên các báo Loa (hài kịch Lễ Tết), Phụ nữ thời đàm (2 kỳ III và IV phóng sự Vẽ nhọ bôi hề). (6)
Đối với tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mà tôi vừa tìm thấy lại này, tôi nghĩ tốt nhất là sớm công bố nhanh làm tài liệu cho giới nghiên cứu và các bạn đọc yêu văn học. Tập sách mỏng với nhan đềChống nạng lên đường này được biên soạn trong mục đích nói trên.
Tập Chống nạng lên đường này cũng như tập Vẽ nhọ bôi hề ra mắt năm trước, là những sưu tập bổ sung cho bộ sách 5 tập nhan đề Toàn tập Vũ Trọng Phụng, vì vậy tôi cũng chú ý đưa thêm vào đây những văn bản tác phẩm mới được các đồng nghiệp khác tìm thấy lại. Nhà thơ Anh Chi cung cấp cho tôi 4 kỳ truyện dài Quý phái của Vũ Trọng Phụng trên Tiểu thuyết thứ Năm; kỹ sư Nguyễn An Kiều cung cấp cho tôi truyện Anh em họ, đăng sách Chơi xuân năm Ất Hợi 1935, tác phẩm mà 2 năm sau Vũ Trọng Phụng sửa chữa và đăng Đông Dương tạp chí với nhan đề Lòng tự ái... Đọc kỹ truyện Anh em họ, ta sẽ thấy chất sống ở đây dồi dào hơn, vả lại ở Anh em họ dường như phảng phất có những chi tiết tự truyện dù khá kín đáo. Rất mong rồi đây sẽ nhận được từ đồng nghiệp và các bạn đọc những đóng góp tương tự để thu hẹp dần khoảng trống vắng những tác phẩm chưa tìm thấy của 'nhà văn Vũ Trọng Phụng.
*
Việc tìm lại thêm được tác phẩm bị quên của một tác giả không khép lại danh mục tác phẩm và các vấn đề về sáng tác của tác giả ấy. Ngược lại, những phát hiện tương tự đặt giới nghiên cứu trước những giới hạn mới, do có những thông tin mới.
Đối với văn học chữ quốc ngữ ở thế kỷ XX, cho đến nay dường như rất ít tác giả của bộ phận văn học này được giới nghiên cứu soạn thảo cho họ những bản thống kê các tác phẩm từng đăng báo, in sách. Ấy thế mà mươi năm gần lại đây, giới làm sách lại rất khoái làm tuyển tập thậm chí toàn tậpcho họ. Có một sự chênh lệch khá rõ giữa sự hiểu biết khá hạn hẹp của chúng ta và ý đồ thường quá to tát của chính chúng ta. Đây có lẽ là một trong những lý do cắt nghĩa cái chất lượng thường là thấp thậm chí rất thấp của số đông các loại sách tập hợp tác phẩm được gọi là tuyển tập, toàn tập.
Kinh nghiệm làm biên tập sách Toàn tập Vũ Trọng Phụng hồi năm 1999 cho tôi một bài học. Dù đã cố gắng khuyên can, tôi vẫn không thể ngăn ý thích dùng tên sách "Toàn tập" của nhiều phía: phía làm sách, kinh doanh sách, phía gia đình tác giả. Thế nhưng, vừa làm xong cả bộ sách gọi là "toàn tập" thì có người phát hiện cho vài chục tác phẩm sau đó, chính mình đi tìm và lại thấy thêm vài chục tác phẩm nữa! Quả là sự giễu cợt của thực tế tư liệu đối với các ý đồ đóng khuôn thành các bộ sách to và dày nhân danh sự bao quát ''toàn bộ".
Quá trình tìm lại các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng cho đến hiện nay, tôi xin quả quyết nói rằng: vẫn chưa hoàn tất. (*)
Tháng Năm 2004
(*) Bài này là lời nói đầu cuốn sưu tập nhan đề Chống nạng lên đường (các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng do Lại Nguyên Ân sưu tầm), Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, in lần thứ nhất 2002; in lần thứ hai có bổ sung 2004.
(1) Xem: Lại Nguyên Ân, Những tác phẩm mới thấy của Vũ Trọng Phụng // Thế giới mới (Tp Hồ Chí Minh) số 375 (28/2/2000); Tạp chí văn học (Hà Nội) số 4 (tháng 4/2000); Tạp chí Nhà văn (Hà Nội) số 3 (tháng 5 và 6/2000).
(2) Bộ Toàn tập Vũ Trọng Phụng này gồm 5 tập, tập 2 ra mắt tháng 10/1999, các tập 1, 3, 4, 5 ra mắt trong quý II/2000, sách do Nxb Hội Nhà văn xuất bản.
(3) Nguyễn Tuân, Một đêm họp đưa ma Phụng //Tao đàn lớp mới (Hà Nội) số 1, Décembre 1939.
(4) Thái Phỉ, Qua các hàng sách: Cạm bẫy người của Vũ Trọng Phụng// Ngọ báo số 1939, ra ngày thứ năm 2/2/1934.
(5) Xem: Thiều Quang, Chút ít tài liệu về Vũ Trọng Phụng // Tập san phê bình số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng. Tác giả xuất bản, Nhà in Minh Quang, Hà Nội, 1957, tr.3-4.
(6) Sau đây là thư mục của các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mà tôi mới phát hiện lại. (Tôi ghi 3 truyện do Đỗ Tất Lợi tìm thấy năm 1989 vào mạch bài vở của nhà văn đăng Ngọ báo, nhưng không đánh số, vì nằm ngoài các bài vở do tôi tìm thấy lần này):
1. Vũ Trọng Phụng – Người đi (bài ca điệu Vọng cổ hoài lang); Kẻ ở (bài ca điệu Tây Thi) // Phụ nữ tân văn, Sài Gòn s.62 (24/7/1930).
2. Vũ Trọng Phụng – Uyên ương // Ngọ báo, H., s.955 (13 và 14/10/1930.
3. Vũ Trọng Phụng – Nghề diễn kịch nên chấn hưng // Ngọ báo, H., s.965 (25/10/1930).
4. Vũ Trọng Phụng – Thủ đoạn // Ngọ báo, H., s.1038 (25/1/1931), s.1039 (27/1/1931), s.1040 (28/1/1931).
5. Vũ Trọng Phụng – Cô Mai thưởng xuân // Ngọ báo, H., s.1064 (1/3/1931).
* Vũ Trọng Phụng – Một cái chết // Ngọ báo, H., s.1077 (16 và 17/3/1931).
* Vũ Trọng Phụng – Bà lão loà // Ngọ báo, H., s.1095 (7 và 8/4/1931).
6. Vũ Trọng Phụng – Phép ông láng giềng // Ngọ báo, H., s.1111 (26/4/1931).
7. Vũ Trọng Phụng – Bẫy tình // Ngọ báo, H., s.1172 (11/7/1931); s.1173 (12/7/1931).
8. Vũ Trọng Phụng – Chống nạng lên đường // Ngọ báo, H., s.1196 (10 và 11/8/1931); s.1197 (12/8/1931)
9. Vũ Trọng Phụng – Điên (dịch truyện Fou của G. de Maupassant) // Ngọ báo, H., s.1204 (21/8/1931); s.1205 (22/8/1931).
10. Vũ Trọng Phụng – Cái tin vặt // Ngọ báo, H., s.1231 (22.9.1931).
11. Vũ Trọng Phụng – Bên góc giường (hài kịch) // Ngọ báo, H., s.1236 (27/9/1931).
12. Phụng Hoàng – Tư cách nhà phê bình (dịch của G. de Maupassant) // Ngọ báo, H., s.1267 (3 và 4/11/1931).
13. Phụng Hoàng – Lối viết chuyện của phái tả chân (lược dịch G. de Maupassant) // Ngọ báo, H., s.1271 (8/11/1931).
14. Phụng Hoàng – Một ông thầy cãi của nhà làm thơ // Ngọ báo, H., s.1282 (22/11/1931).
15. Vũ Trọng Phụng – Nhân quả // Ngọ báo, H., s.1307 (21 và 22/12/1931).
16. Phụng Hoàng – Một cái án văn chương // Ngọ báo, H., s.1333 (23/1/1932).
17. Phụng Hoàng – Cái đặc tính của kịch lãng mạn // Ngọ báo, H., s.1337 (28/1/1932).
18. Vũ Trọng Phụng – Tội người cô // Ngọ báo, H., s.1341 (1 và 2/2/1932).
19. Vũ Trọng Phụng – Câu chuyện của nhà văn sĩ vô danh // Ngọ báo, H., s.1360 (29/2 và 1/3/1932); s.1361 (2/3/1932).
20. Vũ Trọng Phụng – Hiu quạnh (ý nghĩ đau đớn của một nhà văn; dịch Solitude của G. de Maupassant) // Ngọ báo, H., s.1368 (10/3/1932).
* Vũ Trọng Phụng – Con người điêu trá // Ngọ báo, H., s.1372 (14 và 15/3/1932).
21. Vũ Trọng Phụng – Lễ Tết (hài kịch) // Loa, H., s. 3 (1/3/1934).
22. Vũ Trọng Phụng – Vẽ nhọ bôi hề: III. Đổng Trác trong áo sa-tanh // Phụ nữ thời đàm, tập mới, H., s. 25 (29/5/1934); IV. Biểu tượng với tả chân // Phụ nữ thời đàm, tập mới, s.26 (6/6/1934).
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét