Nguyễn Nguyên Bảy đò đưa
1. Tôi lên đò lần này có mang theo hành lý gồm ba khúc thức và một khúc hưởng lợi, nên cần khai báo hải quan cho chuyến đưa này qua biên giới nào cũng được hanh thông.
Khúc thức một. Bà Vaxia người Nga, lớn hơn tôi ba chục tuổi, hồi ấy tôi đôi mươi, tôi gọi bà là Mẹ, bà gọi tôi là xưnôchếch (út cưng), chúng tôi mẹ con qua thư từ, nhưng ruột thịt với nhau nhiều năm lắm. Thư qua thư lại, mẹ Vaxia đã thức tôi cách nhận mặt văn chương. Bà dạy tôi, theo cách mà bà cho là đơn giản nhất, là dịch văn chương từ ngữ này sang ngữ khác, nếu ở thứ ngữ dịch đó, văn chương còn có văn chương thì đó là văn chương, nếu chẳng may văn chương ấy là thứ hô hào rỗng tuyếch, là thứ khuôn sáo của mệnh lệnh, là thứ gia vị của thời trang… thì bao giờ cũng chỉ nên mỉm cười tiếp nhận. Lời sau đây, bà bảo bà chỉ viết cho “xưn” (con trai) của bà đọc, đọc xong rồi bỏ, đứng nói lại với ai mà hệ lụy tâm hồn, rằng Êsênhin, Lécmantốp là những nhà thơ đích thực, còn Maia thì không. Bà còn viết thêm, một câu ngắn, ở Liên Xô và ở Việt Nam chắc cũng vậy, các nhà thơ kiểu Maia một rừng. Con chưa tin cứ dịch thơ của họ ra tiếng Việt thì biết. Tôi đã dịch Maia, Êsênhin, Lécmantốp ra tiếng Việt và dịch ngược thơ các nhà thơ Việt kiểu Maia ra tiếng Nga và ngẫm nghĩ mãi lời dạy của Mẹ Vaxia trên suốt con đường tìm mặt văn chương cho đến tận bây giờ.
Khúc thức hai. Lạy bác Hoàng Tùng giờ đã ở trên mây trắng cùng với cha mẹ con, chứng giám cho những lời con nói dưới đây. Năm ấy, 1970, Lý Phương Liên bỗng hót lên một thanh âm thơ lạ, bác Hoàng Tùng thích giọng thơ Liên và thương cảm cảnh đời côi cực nhà họ Lý, mới cho đăng nguyên một trang báo Nhân Dân thơ Lý Phương Liên, rồi cho thợ đến lợp lại mái nhà giột nát của 5 chị em côi và cho Lý việc làm ở nhà in báo Nhân Dân. Nói ơn cao xanh thì lời ơn mơ hồ quá, chúng con ghi lòng tạc dạ tấm lòng bác Hoàng Tùng đã đưa bàn tay Bồ tát nâng dậy một cảnh đời cay đắng thực. Vài tháng sau, Lý Phương Liên bị “án thơ Nghĩ về Thúy Kiều” đánh cho một búa, gục hẳn. Bác Hoàng Tùng cho gọi hai đứa (chữ HT) lên Báo, cho ăn bữa cơm gia đình, và trong bữa cơm gia đình ấy bác bảo: “Con Liên (chữ HT) viết gì như Ca Bình Minh là tốt, là hay, viết như Nghĩ về Thúy Kiều thì Nó (không biết bác ám chỉ ai, điều gì trong chữ Nó) dìm mày phải chết. Còn thằng Bảy (bác nhấn mạnh) nghe cho kỹ ba điều sau đây: Một là đưa tao đọc tất cả thơ văn chưa đăng, in. Hai là không muốn cho bất kỳ ai đọc thì đốt sạch đi. Ba là tìm chỗ chôn giấu, chờ cho tới khi nào những người như tao chết đi hãy nghĩ tới việc đào lên mà in ấn. Từ nay trở đi, viết một câu một chữ nào cũng phải nhớ lời tao dặn, con sông văn nghệ thời chúng ta chỉ một dòng Hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa Hồng Chuyên”. Nghe bác Hoàng Tùng dậy dọa tôi thực sự xón. Ít ngày sau, tôi được bác Trần Lâm, Tổng biên tập Đài TNVN, nơi tôi làm việc, gọi lên. Vừa thấy tôi, bác Lâm bắt tay tươi cười và bảo: Tụi mày (ý chỉ tôi và LPL) làm cách nào mà được ông Hoàng Tùng tin vậy? Tôi đâu có làm gì. Thơ đã viết tôi cũng đâu có đưa ông đọc, tôi cũng đâu có đốt, mà tôi nghe lời ông nhờ cha tôi giấu dùm, thật may mắn bốn chục năm sau, những sáng tác đó vẫn còn nguyên vẹn chỉ ải mục đôi phần. Cảm ơn bác Hoàng Tùng đã tin thương chúng tôi, sau này lòng tin thương ấy cũng đầy lòng bác Trần Lâm nên chúng tôi đã nhiều lần thoát hiểm mà có được ngày hôm nay. Duy có điều lời dậy của bác về Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa Hồng Chuyên thì tuy khắc trong tâm, quẩy trên vai đi trên đường nhận mặt văn chương, nhưng rồi ngẫm mãi, ngẫm có đến ngày thấy trong lời dậy ấy nhiều mơ hồ, tầm phào nếu không muốn nói là bức hại văn chương.
Khúc thức ba. Anh Nguyễn Khải là nhà văn lớn, được coi là một trong không nhiều cột cái dựng ngôi nhà văn chương Việt Nam thế kỷ thứ XX, vậy mà tôi, kẻ vô danh tiểu tốt, cứ tranh cãi nhem nhẻm với anh. Lạy anh trên trời thứ tội cho em. Trong những tranh cãi ấy, bữa tranh cãi tạm gọi là lớn nhất xẩy ra ở nhà Thế Ngữ, anh đến tặng Ngữ sách, còn tôi đến Ngữ bàn dựng kịch, Ngữ là đạo diễn kịch trong Ban Văn Nghệ Đài Tuyền Hình cùng tôi. Nhân lúc anh Khải và Ngữ trao đổi với nhau khoái lạc văn chương gì đó, tôi cầm sách mới của anh, tia đọc, tôi lướt nhanh ba trang đầu, lướt nhanh ba trang cuối và mở bụng sách, chính giữa đọc thêm ba trang và đặt sách trả lại Ngữ. Hẳn vì chứng kiến tận mắt cảnh tôi trân trọng nâng lên đặt xuống sách của mình, nên anh Khải mới nói với tôi an ủi: Mình sẽ tặng sách cho Bẩy sau... Tôi cúi đầu cảm ơn anh và buột miệng: Em đọc rồi, anh dành sách tặng người khác cho đỡ phí. Anh Khải sậm mặt. Bẩy đọc khi nào. Thì mới đó. Tôi đáp. Và để anh tin, tôi kể lại sách của anh với ba trang đầu, ba trang cuối và ba trang giữa vừa đọc. Anh thoáng ngạc nhiên, nhưng chưa hết giận, hỏi thêm: Em có lối đọc sách gì lạ vậy? Tôi đáp: Chữ nghĩa của anh cực chuẩn, văn của anh cực sáng, bố cục truyện cực lý, đó là thương hiệu Nguyễn Khải không cần bàn, còn nội dung thì… Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa Hồng Chuyên… Tôi chỉ mới nói có vậy, anh Khải đã đứng dậy cáo về và kể từ đó không nhìn mặt tôi nữa. Nghe nói, trước khi về trời, anh có viết cuốn hồi ký gì đó, tôi chưa được đọc, tất nhiên là anh viết cho anh, nhưng tôi tin là nhiều dòng tuy không cụ thể cho tôi, nhưng cứ xin vơ vào là cho tôi, anh chẳng những bỏ lỗi cho tôi bệnh nói nhiều đau răng mà còn bảo tôi bỏ lỗi cho anh tật không đủ lực nghe ngược. Thức thứ ba này tôi coi là giải pháp ứng xử trên đường văn chương, vì thế, thu hoạch về bất cứ sách nào, tác giả nào, tôi cũng chỉ coi là khúc đò đưa mình nói trước hết cho mình nghe, thu hoạch nào cũng hàm nghĩa tu thân học làm văn chương.
Khúc hưởng lợi. Tôi nhớ không chính xác, nhưng có lẽ là năm 1985, tôi đang rất “oách” ở truyền hình, hết tung kịch lại hoành phim, nổi lắm. Bữa kia vớ được cuốn tiểu thuyết Giấy Trắng của Triệu Xuân, tôi ngốn vội và ngốn xong chạy vội (cũng là vội) tới ông Phạm Quang Hưng, Tổng giám đốc Liksin – nguyên mẫu nhân vật chính của tiểu thuyết Giấy Trắng - bàn với ông đưa Giấy Trắng lên truyền hình. Ông Hưng OK và qua ông tôi gặp Triệu Xuân, để thông báo việc tôi viết kịch bản phim truyền hình với tên gọi Người Mở Đường. Sau đó, phim truyền hình Người Mở Đường công chiếu và hầu như lâu lắm lắm sau đó, tôi và Triệu Xuân không dịp gặp nhau. Lại nói, trong suốt thời gian (ngắn) làm phim Người Mở Đường, được Giấy Trắng hướng dẫn, tôi gần như đã thuộc nằm lòng bối cảnh và con người miêu tả trong Giấy Trắng, và thu hoạch hưởng lợi đầu tiên từ tiểu thuyết này là tôi đã viết được hẳn một cuốn tiểu thuyết 300 trang tựa đề Ma Trận Tình, với một cách nhìn khác Giấy Trắng, tôi có đưa cho nhà văn Nguyễn Văn Đồng hỏi ý kiến, Đồng bảo tôi không in được vì chưa đúng điểm rơi và anh khuyên tôi nên viết như Giấy Trắng, bán chạy lắm. (Đồng nhấn mạnh chữ bán chạy lắm). Lúc ấy, đang thời mở cửa, sách được in và bán chạy (tức là bạn đọc thích) thì người viết văn nào chẳng mừng. Tôi lập tức cắm rễ nơi bàn viết của mình, trước mặt đặt trân trọng cuốn tiểu thuyết Giấy Trắnglàm tượng đài, và bắt đầu mổ cò máy chữ. Mổ suốt ngày đêm, lúc nghỉ tay lại cầm Giấy Trắng của Triệu Xuân mở xòe một đôi trang như cầu xin chữ nghĩa bay sang mình. Hai năm dòng dã, 1986-1987, tôi viết và xuất bản 6 cuốn tiểu thuyết, cuốn in ít nhất cũng 20.000 bản và nói dối chẳng hại ai, đây là hai năm tôi nuôi được thân mình bằng văn chương. Sau này tôi vẫn tiếp tục viết tiểu thuyết, không hỏa tốc như trước, vài năm một cuốn, nhưng chưa in, vì như Nguyễn Văn Đồng bạn tôi đã nói: Chưa đúng điểm rơi. Chuyện huênh hoang này, khi nào có dịp sẽ nói tiếp, còn bây giờ trở lại với Triệu Xuân, bài thu hoạch xin là lời cảm ơn muộn của kẻ hưởng lợi từ bạn mà không thưa lời ân tạ, thật đáng trách!
2. Hai mươi sáu năm sau, năm 2011, nhân việc tôi in sách tại NXB Văn Học Hà Nội (không phải chi nhánh NXB Văn Học ở Sài Gòn nơi Triệu Xuân làm giám đốc), tôi và Triệu Xuân mới thực sự gặp lại nhau. Tôi tặng Xuân sách thơ mới in và Xuân tặng tôi cuốn tiểu thuyết Trả Giá, tái bản lần thứ 10, NXB Văn học, năm 2009, và ít ngày sau tặng thêm tiểu thuyết Cõi Mê, NXB Hội Nhà văn, in lần tư, còn thơm mùi mực.
Tôi có thói quen không thể trì hoãn cái sướng đọc sách của bạn tặng, nhất là với Triệu Xuân, người tôi đã nói những lời hưởng lợi ở trên. Nhưng vì là người đang trị bệnh dữ tôi biết mình không thể dành một hơi thời gian cho nó, nhưng lại thích đọc nó một hơi, nên tôi đành xin bác sĩ một mũi moóc, và tôi đã không hối hận vì quyết định ấy của mình sau 6 giờ đồng hồ ăn chậm nhai kỹ 460 trang Trả Giá. Khi tôi vừa gấp sách thả hồn theo “ Chiếc vỏ lãi lao vun vút xuyên rừng đước” (chữ trong thuyết của TX) , tôi bỗng như nghe vu vang tiếng dòng sông hỏi: Cảm tưởng thế nào? Tôi đáp: Thích. Sông hỏi thêm: Triệu Xuân thế nào? Tôi buột miệng: Đáng yêu… rồi hình như cả tôi và dòng sông đều chìm vào giấc ngủ; khi tỉnh lại chỉ còn nhớ từ thích và hai chữ đáng yêubèn ghi ngay vào sổ thu hoạch quẻ dịch Phong trên/ Sơn dưới là quẻ Tiệm. Ngẫm nghĩ quẻ dịch quá hay, quá ứng với con đường văn chương của Triệu Xuân, con đường dịch biến, thức thời, tả xung hữu phá.
Về quẻ Tiệm: Tiệm là tiến dần dần tương nghĩa với hai từ tiệm tiến? Nghĩa đen, Phong trên thuộc quẻ Tốn, hình là gió, tượng là cây. Sơn dưới thuộc quẻ Cấn, tượng là núi hay còn gọi là thổ nhỏ. Gió dưới núi thổi dần lên cao trời hoặc là cây dưới thấp vươn dần lên đỉnh núi, cây không thể cao trong một nhật, mà phải lớn từ từ theo tháng theo năm. Chưa hết, Tiệm còn mượn chim hồng giảng hành trình bay bổng. Chim hồng là chim gì thực tôi không biết, dịch học bảo rằng đó là loài chim vừa biết bơi trong nước, vừa biết bay trên trời, không phải bay gần mà là bay xa, rất xa, cùng bầy đàn di cư từ phương Bắc lạnh giá về phương Nam ấm áp. Vậy nên dù là gió thổi, là cây lớn hay là chim bay thì sự vươn lên đều phải từ từ theo năng lực tu luyện, theo sinh dưỡng mà trưởng thành. Đức tu thân phải bền gan vững chí, phải thuận đạo chính trung, phải tương thích giữa cá thể với môi trường. Chỉ có vậy con đường lớn lên của cây, bay lên của chim mới thành tựu.
Quẻ Tiệm hào 1: Hồng Tiệm Vu Can (Chim hồng tiến đến bờ nước). Không là khập khiễng nếu ví Triệu Xuân là con chim hồng non thơ kỳ lạ ấy, anh đã chọn nghiệp văn chương ngay từ thời chăn trâu cắt cỏ, trốn mẹ vùi mình vào cây rơm đọc sách, rồi nhất quyết theo vào đại học văn chương, rồi đi B tay súng tay bút. Con chim hồng non thơ ấy khao khát văn chương và chỉ nguyện dâng mình cho văn chương, cái nghiệp gian nan ấy nhiều chướng lắm, nhưng lòng Triệu Xuân khẳm đức tự tin. May thay, Triệu Xuân đã thành tựu vụng về với Những Người Mở Đất, Truyện vừa in năm 1983, NXB Văn nghệ TPHCM ấn hành, có thể nói đây là cuốn sách đầu tay đúng nghĩa nhất với văn cách Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa Hồng Chuyên. Con chim hồng mới ra bờ nước còn non dại, còn chưa trưởng thành, làm việc gì cũng còn phải ngẫm ngợi nghĩ suy, viết được cuốn Những Người Mở Đất, khoái đấy, nhưng nhìn ngang dọc biết là chưa mùi mẽ gì, nhưng tự tin là sẽ làm được lớn hơn, cao vời hơn. Khao khát ấy nơi Triệu Xuân chẳng những không có lỗi mà còn đáng khen.
Quẻ Tiệm hào 2: Hồng Tiệm Vu Bàn ( Chim hồng tiến đến phiến đá lớn). Nếu hào 1, chỉ mới nói cái chí cái muốn của chim hồng, thì hào hai, tức là chim hồng đã từ bờ nước đến được phiến đá lớn, vẫy cánh ba lần rũ sạch nước và nhởn nhơ hong cánh, nhấm nháp hạt mầm và ca hót. Sau năm 1975, đất nước thanh bình, người có bằng cấp, có công trạng như Triệu Xuân, ngồi “oách” một chiếc ghế địa vị nào đó và cứ thế mà thăng tiến thì thực cũng chẳng có gì đáng trách. Nhưng anh đã không thế, anh vẫn chọn văn chương làm nghiệp của mình. Tiểu thuyết Giấy Trắng đã ra đời trong giai đoạn này. Đây là cuốn tiểu thuyết khá nổi trong chùm chùm các tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi mới, có bề dầy của trang viết, có cấu trúc của tiểu thuyết, có chữ nghĩa của người được đào tạo bài bản, có trải nghiệm hỉ nộ của đời sống. Với cây bút tuổi đời mới vừa ba chục mà đã dụng được chữ ngàn câu thì thực không thể đòi hòi gì hơn trước tài hoa trẻ.
Chim Hồng Tiến Đến Phiến Đá Lớn. Hào hai đắc trung, đắc chính, âm nhu (còn gọi là hào Hậu) tương ứng với hào 5 dương cương ở trên (còn gọi là hào Vương), đó là sự tương ứng vua tôi đòi hỏi tấm lòng kiên trinh, trung thành. Đây là hào quan trọng thể hiện bản chất tính cách người tử tế, trung thành với mục đích, lý tưởng và nguyện một lòng một dạ hiến dâng thân mình cho mục đích lý tưởng ấy. Tiểu thuyết Giấy Trắng của Triệu Xuân ra đời trong bối cảnh đất nước mở đầu thời kỳ Đổi mới, như một tuyên ngôn vững vàng về sự theo đuổi đến cùng con đường văn học Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa. Và thật may mắn, nhận thức và tài hoa đã giúp anh thoát khỏi bảo thủ, trở nên vượt trội hơn một số nhà văn khác cùng trường phái, là anh đã kịp dịch biến hai chữ chuyên hồng vào hai chữ đổi mới để có được Giấy Trắng trôi vào dòng tiểu thuyết thời kỳ đổi mới hay còn gọi là tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa đổi mới. Giấy Trắng là đức trung, chính của nhà văn với lý tưởng phụng sự.
Quẻ Tiệm hào 3: Hồng Tiệm Vu Lục (Chim hồng tiến đến đất bằng). Đất bằng tất nhiên lớn rộng hơn phiến đá? Con thuyền hái hoa, cắt rau muống trong hồ làm sao nói chuyện sóng gió với con thuyền trên sông, con tầu trên biển cả? Hào ba quẻ Tiệm dương cương, muốn tiến lên nữa, nhưng sát phía trên là hào 4 âm nhu, nó muốn kết thân, muốn phá phách như ngoại tình. Đó cũng chính là bối cảnh văn đàn Việt những năm nửa tám mươi chín mươi. Một số nhà văn vừa “đổi mới” thành công với đôi ba tiểu thuyết đã vội rẽ sang phim đàn, video đàn, đôi phần muốn nhanh nổi tiếng, nhiều phần muốn sướng ấm tấm thân. Số nhà văn khác thấy “đổi mới” này chưa là đổi mới, muốn phủ nhận, thậm chí xóa sạch, tìm một đổi mới cho là đích thực, nhưng tiếc thay 90% trong số này chỉ nói, chẳng thấy làm gì, thật tiếc! Và đa phần các nhà văn (định không nói ở đây) thì hoặc lực bất tòng tâm (sức khỏe, tuổi trời), hoặc viên mãn (bổng lộc chức quyền), hoặc số không là ít bị “ép” hay do “cánh hẩu” mà thành nhà văn thì đánh võng hát hưu, thỉnh thoảng có ai gọi thì dụng cái âm vang của thời oai lực tọa đình, ngồi miếu mà quát, dậy. Ở nơi văn đàn đất bằng ấy, lung lạc là chuyện thường tình, chẳng biết nhà văn Triệu Xuân đã bao giờ lung lạc?
Tác phẩm của Triệu Xuân thay câu trả lời:
Những Người Mở Đất, NXB Văn Nghệ TPHCM, 1983 (tái bản 2 lần)
Giấy Trắng, NXB Văn Nghệ TPHCM, 1985 (tái bản 12 lần)
Đâu Là Lời Phán Xét Cuối Cùng, NXB Văn Nghệ TPHCM, 1987 (tái bản 2 lần)
Nổi Chìm Trong Dòng Xoáy, NXB Giao thông vận tải, 1987 (tái bản 2 lần)
Trả Giá, NXB Văn Nghệ TPHCM, 1988 (tái bản 11 lần)
Bụi Đời, NXB Thanh Niên 1990 (tái bản 11 lần)
Sóng Lừng, NXB Giao thông vận tải, 1991 (nước ngoài in không xin phép tác giả 18 lần)
Cõi Mê, NXB Hội Nhà Văn, 2004. (tái bản 4 lần)
Lấp Lánh Tình Đời, NXB Văn học, 2007.
(Đó là chưa kể hàng ngàn phóng sự, bút ký – khi làm báo; và hàng chục Tuyển tập, Toàn tập về các nhà văn tài danh, do Triệu Xuân thực hiện khi làm Nhà xuất bản Văn học).
Tôi hứa với Triệu Xuân sẽ đọc hết tám cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ký chọn lọc này của anh, nghĩ đến số lượng thời gian đọc chúng, tôi thực sự lo lắng về quỹ thời gian của mình, nhưng dù sao tôi cũng đã hứa. Để làm gì? Có bạn đọc hỏi thế. Trộm nghĩ, muốn vững tin đi vào tương lai, ắt phải đọc lại hôm qua mà tìm bài học, khối lượng “khủng” tiểu thuyết của Triệu Xuân đầy ắp hiện thực và sự kiện, hẳn là kho tư liệu quí báu? Đọc một trang viết, nhanh là một phút, chậm là năm phút, nhưng hoàn thành một trang viết nhanh nhất cũng phải nửa giờ, còn trang văn có lẽ phải mất cả ngày. Vậy mà Triệu Xuân đã viết một hơi hơn bốn ngàn trang sách, bằng say mê, kiên trì, bền bỉ, liên tục, thực là một lao động đáng nể trọng. Nể trọng tôi có căn cứ. Tám cuốn tiểu tuyết của Triệu Xuân, ngoại trừ ba cuốn tái bản hai lần, những cuốn còn lại, cuốn nào cũng tái bản nhiều lần. Điều này chứng tỏ tiểu thuyết của Triệu Xuân có bạn đọc, nếu không muốn nói là có nhu cầu tìm đọc. Trong bối cảnh văn hóa đọc văn học Việt đang xuống thấp đến mức không thể thấp hơn, mà tiểu thuyết của Xuân vẫn được tái bản, quả là một lạ mừng, lạ mừng ấy chính là những ban thưởng của bạn đọc, những đánh giá xứng đáng, công bằng của đồng nghiệp. Vượt qua hào 3, chim hồng đến nơi đất bằng, không ngả nghiêng lung lạc, trung thành với con đường đi tới của mình. Bạn đọc tôn trọng lòng trung thành ấy của Triệu Xuân.
.
Quẻ Tiệm hào 4: Hồng Tiệm Vu Mộc (Chim hồng nhảy lên cây). Từ đất bằng (hào 3) chim hồng nhảy lên cây.
Nhấn mạnh 1: Chim hồng là loại chim sở trường bơi giỏi, bay cừ, nhưng đậu lại là sở đoản, vì vậy lời quẻ bảo là nhẩy lên cây không phải bay lên cây, tất nhiên là để đậu, may mà gặp cành thẳng nên chim hồng đậu yên mà không có lỗi.
Nhấn mạnh 2: Nói hào 4 (cũng là hào 1 của ngoại quái) là quẻ đã sang ngoại quái. Ngoại quái Tốn thuộc mộc âm, cây cái, gió mềm, bản tính nhu thuận, phục tùng. May thay hào 4 cũng âm nhu, tuy ở trên hào 3 dương cương, chịu áp lực ganh ghét đố kỵ, nhưng biết thuận theo thời, thời đây là cành thẳng, nên mọi việc được cát lợi.
.
Có thể đọc được Triệu Xuân đã ứng xử thế nào với hào hai nhấn mạnh này. Trước hết, đó là đức trung thành, chỉ thẳng chứ không cong, có nghĩa là nhà văn đã không viết, hoặc viết thoáng qua rồi tránh né, hoặc tránh né toàn phần khi đụng chạm tới cái “đậu”, là sở đoản của mình, dù cái sở đoản ấy là “huyệt” của danh vọng, khiến anh có thể nổi tiếng nhanh hơn, vĩ đại hơn theo cách nhìn nhận đánh giá nào đó, hay theo nhu cầu thời thượng của người đọc. Nói theo dịch học thì đó là giải pháp phản sinh hay phản khắc, nghịch ngược để thành tựu. Triệu Xuân đã không làm thế, anh vẫn chọn một cành thẳng để đậu, để viết, viết với một ý thức trách nhiệm cao, với lý tưởng viết mà anh trung thành, đó là văn cách Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa, dù có gắn thêm cái đuôi Hồng Chuyên, hay Đổi Mới, hay Phê Phán thì tựu trung cũng văn cách Triệu Xuân cả thôi.
Và thế đã sao? Tôi tin là Triệu Xuân đã hơn một lần hỏi mình như thế, và tôi nghe trong âm thanh câu hỏi ấy có tiếng hát. Tiếng hát ấy chính là sự nhu thuận, tự tin mà nhu thuận, tự tin mà vượt qua mọi ganh ghét tỵ hiềm, tự tin mà cần mẫn đổ mồ hôi cầy bừa trên cánh đồng văn học.
Mạnh dạn cho rằng: Những nhà văn thế hệ Triệu Xuân đã cống hiến cho bạn đọc (cao hơn là cho nhân dân và đất nước) những tác phẩm văn học đúng chất, đúng tầm mà không phải canh cánh hối tiếc như các nhà văn thời chiến tranh dựng nước và giữ nước còn nợ non sông những tác phẩm văn học phúc dầy.
.
Quẻ Tiệm hào 5: Hồng Tiệm Vu Lăng (chim hồng lên gò cao hay chim hồng đã lên tới miệng vực). Hào này ở ngôi cao, hào 5, là hào Vương lại dương cương, đắc trung đắc chính. Hào 5 (Vương) với hào 2 (Hậu) nói ở trên là cặp hào âm dương thuận lý hoàn hảo. Cuộc phối ngẫu của âm dương này bị hào 4 (cũng âm nhu như hào 2), ghen với hào 2 về mối lương duyên này. Dù vậy, do đắc trung, đắc chính lương duyên của hào 5 và hào 2 vẫn thành tựu tốt đẹp và sự ghen tuông buộc phải thừa nhận sự chính đáng ấy với tâm phục, khẩu phục.
.
Lên đến hào 5, nhà văn Triệu Xuân đã thành tựu chói lói, thành tựu không thể phản bác, thành tựu được thừa nhận với sự ra đời bền bỉ, liên tục, thành tựu sau cao hơn thành tựu trước của 8 pho tiểu thuyết dẫn ở trên. Và theo tôi hai cuốn Trả Giá và Cõi Mê là đỉnh cao hơn cả của Triệu Xuân.
Và đó cũng chính là sự trung chính không mệt mỏi của Triệu Xuân với văn cách Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa dù là thuần túy hồng chuyên, hay đổi mới, hay phê phán. Triệu Xuân có vẻ thích được đánh giá và xếp định tiểu thuyết của mình vào dòng Hiện Thực Phê Phán. Anh thích vậy thì là vậy, chắc cũng chẳng ai bận tâm tranh cãi, nhưng thành thực mà nói, văn anh chỉ mới bước đến lằn ranh giữa đổi mới và phê phán. Mượn Trả Giá dẫn chứng: Khi nhà văn đã dám mở sách viết những trang hiện thực đúng bản chất của cảnh tù ngục, dù đó là kẻ lương thiện bị tù oan hay của kẻ bất lương đang chịu tội, dù đó kẻ cai tù hay kẻ bị cầm tù thì tính người và tính vật đều hiện nguyên hình, và đã là nhà tù thì nhà tù nào cũng đều tàn độc. Những trang viết này trăm phần trăm là hiện thực, nhưng vẫn là hiện thực phạm vi hồng chuyên, hoặc cao hơn là đổi mới. Người đọc vẫn thấy nhà văn đứng bên ngoài hiện thực, tìm những lý lẽ biện hộ theo đường lối Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa Hồng Chuyên qua nhiều năm được giáo dưỡng đã ăn vào máu thịt nhà văn. Đặc tính phê phán của Triệu Xuân chỉ mới dừng lại ở ngoài da, chưa vào thẳng lục phủ ngũ tạng, mổ xẻ những ung nhọt. Các nhân vật dù Đước, hay Phái, hay Bẩy Tụ tốt xấu thế nào như đã có khuôn với bàn tay tài khéo của tác giả mà nên hình nên bóng. Nên các nhân vật chưa thật, tức là còn giả, còn do người viết sinh nở, chứ thực ra hiếm có ngoài đời. Một nhân vật như Bảy Tụ vừa chào sách đã được ngay là “mụ”, thì người đọc biết tỏng nhân vật này phản diện, cái hứng thú của đọc vì thế giảm đi phần đáng kể. Dẫn chứng trên chỉ mang tính chi tiết, tính bắt bẻ và sự mong đợi của người đọc. Nói cách khác chỉ là để bài đò đưa đầy đủ khen chê. Vì vậy, xin không dẫn thêm
Thời nào bộ máy cai trị cũng không ưa nhà văn. Những năm 1960, miền Bắc với vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, là vết nhơ của Văn đàn Việt, mà mãi đến thập niên 1990 mới được gột rửa, các nhà văn bị oan sai mới được khôi phục lại phẩm hạnh và tài năng. Với lịch sử, sửa sai ấy được coi là nhanh, là văn đàn Việt còn phúc. Và ở miền Nam, những năm 1970 là những cuộc xuống đường của người cầm bút, với tuyên hiệu “Nhà văn đi xin cháo, nhà báo đi ăn mày”, tuyên hiệu ấy đủ nói lên sự tàn độc của cai trị và sự khốn cùng của bị trị. May thay mâu thuẫn ấy đã kết thúc sau 1975, đất nước thống nhất. Nhắc điều này chỉ muốn nói: Viết văn thời nào cũng khó! Nhà văn Triệu Xuân đã không bị chìm vào bị kịch của khó ấy. Bởi anh là một nhà văn “tư duy tích cực” (chữ của Trần Đình Hoành) tức là anh biết thể tất cái khó của cai trị và cái nhẫn tài của bị trị để dung hòa mà viết. Đó là bản lĩnh của chân tài. Tôi biết Triệu Xuân không ngừng đi, sống, học, tích lũy vốn sống, làm giàu tri thức, đam mê học hỏi nhằm đạt tới sự sâu sắc, lịch lãm, thông tuệ. Triệu Xuân luôn thực hiện phương châm: Phải biết mười để chỉ viết một!”. Nội lực của anh xem ra rất dồi dào! Lên đến hào 5 của sự nghiệp văn chương, nhà văn Triệu Xuân với 8 cuốn tiểu thuyết xứng đáng là đỉnh của thành tựu Triệu Xuân. Tâm phục, khẩu phục!
.
Quẻ Tiệm hào 6: Hồng Tiệm Vu qui (học giả Nguyễn Hiến Lê dịch là chim Hồng bay bổng ở đường mây)
Trong 64 quẻ dịch, hầu như không có hào 6 nào tàng ẩn sự cát lợi tam tài (phúc, lộc, thọ), mà chỉ hàm cái ý tu thân hưu nhàn của thời khắc tuổi quẻ (60 tuổi) xế chiếu. Duy có quẻ Tiệm, hào 6, cho ta một cảm giác bay bổng thăng hoa, một cái gì đó thoát tục, không phải ở ẩn, không phải cam chịu hưu nhàn, mà như chim hồng kia bay vút trời xanh, bay lên trời xanh dù có gặp gió to, bão lớn thì cùng lắm cũng chỉ rớt rụng đôi ba sợi lông, mà không gặp lâm nguy gì khác, và ngay cả những sợi lông bị rơi rụng ấy vẫn có thể dụng làm đồ trang sức, nghĩa rằng vẫn giúp ích làm đẹp cho đời.
Nghe nói tháng 9 năm 2012, nhà văn Triệu Xuân nghỉ hưu, nghĩa là anh bước vào thời kỳ của hào 6 quẻ Tiệm. Những tác phẩm sẽ ra đời sau 8 pho tiểu thuyết nói trên, hẳn sẽ như chim hồng bay vút trời xanh?
.
3. Lời riêng với Triệu Xuân. Sau khi đại phẫu căn bệnh dữ bình phục, tôi chống gậy lên núi, đến một ngôi chùa cổ (Trung Quốc), do một nhà sư được tôn là Phật sống trụ trì, xin nghe Phật pháp. Bữa kia, tôi may mắn được trò truyện cùng Ngài Phật. Tôi chép được cuộc trò truyện ấy, đoạn sau đây ghi lại tặng Triệu Xuân.
Ngài Phật: Con muốn hỏi ta điều riêng tư?
Tôi: Bạch Ngài Phật, lòng con băn khoăn về lẽ sống chết.
Ngài Phật: Con muốn hỏi ta về tuổi thọ? -Ngài tươi cười và đột ngột hỏi- Thế theo con ta thọ bao nhiêu tuổi?
Tôi, e ngại chút, nhưng được nụ cười Ngài khích lệ mà trở nên mạnh dạn: Bạch Ngài, Ngài đắc Phật nên Ngài thọ vĩnh hằng, thọ cùng trời đất, thọ cho đến khi còn Đạo còn Người.
Ngài Phật (cười vang): Khéo lắm, khéo lắm. -Đột ngột: Còn con, con thọ ít nhất trăm tuổi, dù có thể ngay ngày mai con chết, việc làm của con, sự tử tế của con bảo ta như thế.
Ngẫm lời Ngài Phật tôi cứ thể hồn nhiên mà sống. Thưa Triệu Xuân, tôi kính trọng lao động nhà văn của anh và tự đáy lòng khâm phục những thành tựu đạt được từ lao động ấy. Lao động của anh, sự tử tế của anh như cũng bảo rằng anh sống thọ trăm năm. Vậy là nhà văn Triệu Xuân còn những 40 năm đời sống? Anh sẽ còn viết những gì cho bạn đọc, cho đời, cho đất nước, cho mai sau? Tin là anh đã có lời đáp cho câu hỏi ấy? Tôi kết bài đò đưa này với lời khảng: Triệu Xuân bút lực của quẻ Tiệm, bay vút lên đi, hỡi con chim hồng dũng cảm!
Sài Gòn, 5/5/2011
Nguyễn Nguyên Bảy đò đưa
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét