Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Tác phẩm hoàn hảo Truyện ngắn Di

Tác phẩm hoàn hảo

Truyện ngắn Di

Copy of IMG_1641
Không lâu trước đây, một người đàn ông gọi điện cho tôi và nói rằng ông ta thích tác phẩm của tôi được đăng trên một diễn đàn văn học. Rằng ông ta đã đăng kí làm thành viên thứ 118 của diễn đàn đó cách đây ba tháng rưỡi, và rằng ông ta đã bỏ ra ba tiếng không ngủ để đọc hết thiên truyện dài kỳ của tôi. Từ khi viết câu chuyện này, đôi khi tôi cũng hay nhận được dăm lời nhận xét nhỏ, đôi ba dòng bình luận về sự xung đột liên miên giữa các nhân vật chính hay nội dung có phần rối rắm của câu chuyện, hoặc một vài yêu cầu tôi hãy giải thích những điểm thắt nho nhỏ không đáng có. Tôi không phải dạng người viết ngày nào cũng lên kiểm tra số lượng người đọc hay các bình luận vớ vẩn giống nhau chẳng bao giờ dài quá ba dòng, nên chuyện vào một buổi sáng chủ nhật nọ có một độc giả gọi điện cho tôi chỉ để nói với tôi rằng ông ta đã ăn nằm với nhân vật nữ chính của tôi hàng đêm và bằng tâm tưởng ông đã xuyên một lưỡi dao công lý vào lồng ngực trái của tên phản diện mà tôi cứ nấn ná hoài chưa giết, thực sự đã làm tôi cảm động.
Người đàn ông nói, tôi muốn gặp cô một lần, tôi muốn biết cô là người thế nào. Tôi trả lời ông ta, hãy để tôi sấy tóc và trang điểm xong đã, rồi chúng mình có thể gặp nhau ở quán cà phê mới mở ở gần nhà.
Người đàn ông nếu nom từ đằng sau chỉ khoảng từ năm mươi đổ xuống, nếu nhìn từ đằng trước vào lần đầu tiên thì sẽ đoán ông ở quãng năm tám đến sáu mươi. Cái lưng dài và thẳng đuột của ông giống như một tấm ván sơn đen được dựng lên bằng một cây gậy gỗ. Không rõ vì sao tôi đã nói với ông khi tôi gặp ông ở hầm gửi xe, rằng nếu ông nội tôi còn sống chắc cũng giống thế này, mặc dù ông của tôi đã mất từ khi tôi còn bé.
-tôi không có cháu gái. – người đàn ông bỏ mũ xuống, điều chỉnh lại tư thế ngồi trong khi khéo léo rút bao thuốc từ túi áo bên ngực phải.
-vậy à? – không biết nói gì hơn tôi đáp.
-con gái tôi chết rồi, năm nó mười sáu tuổi. Bệnh lao, cơ thể bị thiêu đốt. – ông lắc đầu, kẹp điếu thuốc giữa những ngón tay. Sau lần áo nhung đen tôi có thể thấy rõ hai buồng phổi già nua đầy ắp tro tàn.
-tiếc nhỉ. Hình như nhân vật nữ của tôi cũng chết năm mười sáu tuổi. – tôi bảo một nhân viên gần đó pha cho tôi một tách cà phê đen, không bỏ đường, không bỏ sữa. Anh ta ghi lại vào cuốn sổ nhỏ gọi món rồi biến mất. Quán cà phê vào buổi sớm vắng vẻ như một cung điện bị bỏ hoang đang chờ được tháo dỡ, thi thoảng những con người đi ra đi vào qua cánh cửa để ngỏ của nó và mau mắn di chuyển xuyên qua những cột trụ đổ vỡ, hoặc những bức tượng á thần.
-đúng rồi, cô ấy bị giết. Giống con bé khốn khổ của tôi, chúng đều bị giết. – người đàn ông cất bao thuốc vào túi áo ngực, ông ta châm nó lên bằng chiếc bật lửa của quán cà phê. Cái bật lửa cáu bẩn, màu đỏ lợt, hằn kín những dấu vân tay của một đám người đã từng ngồi đúng chỗ ông ta, nói những điều nhảm nhí.
-nhưng cái thằng phản diện mà ông nói đó, cái thằng mà ông đã bí mật giết chết một cách kín đáo, hắn là tình nhân của cô ấy mà? Cô ấy có đồng ý cho ông làm thế không? – tôi chắp hai tay lên bàn, tôi cố gắng nhìn thẳng vào đôi mắt sau cặp kính tròn của ông ta, nhưng tôi không thấy được gì. Ông ta lúc nào cũng nhìn xuống, mi mắt cụp như những con cú mèo.
-tôi đã ngủ với đứa trẻ ấy hằng đêm – người đàn ông nhấn mạnh, sau khi phả ra một hơi khói dài – từ khi đọc xong truyện của cô, tôi đều đọc lại. Bằng cách đó tôi được ở bên cô ấy, dù sau đó cô ấy đã chết. Tôi yêu thương cô ấy, dù tôi biết sau này cô ấy sẽ chết. Ở ngay phía dưới, ở ngay những dòng mà tôi sẽ đọc đến, nếu tôi nhớ không nhầm cô ấy chết ở dòng thứ mười hai.
-tôi không biết. – tôi đáp.
Cuộc nói chuyện bị gián đoạn khi anh chàng phục vụ, lúc này đã thay bằng một người khác, mang cái khay có ly cà phê của tôi đến. Khi đó người đàn ông mới ngẩng đầu lên để yêu cầu một ly nước chanh, nhiều đá, không đường.
-chúng ta tiếp tục nhé – ông chậm rãi nói, nhẹ nhàng gảy tàn thuốc xuống sàn – tôi đã dánh dấu số dòng nên tôi nhớ, đó là dòng thứ mười hai. Tôi nhớ rõ bởi vì tôi luôn bỏ qua và nhảy cóc xuống những dòng mười bốn, mười lăm. Tôi nhớ vì tôi đã từ chối nó.
-nói ngắn gọn thì, ông tự coi mình là nhân tình của cô ấy phải không? Một người đàn ông khác, một nhân vật khác trong câu chuyện? Ông không được phép làm thế, đó là quyền của tôi chứ. – tôi nhăn nhó nói, tuy giọng điệu của tôi không mảy may khó chịu. Tôi bắt đầu thích cuộc nói chuyện này, và tôi chợt nghĩ rằng sau khi trở về nhà có thể tôi sẽ ăn một cái gì đó ngọt, thật ngon.
-sao lại không, câu chuyện đâu phải của riêng cô. Một khi nó được tạo ra bằng những con chữ nó đã không còn là của cô nữa. Thế này nhé, khi cô giữ nó trong đầu, tốt, chúng là của cô, hoàn toàn, tuyệt đối, không một ai có thể chạm vào. Nhưng khi cô đã xuất bản nó ra, khi cô mong có ai đọc được chúng, chúng cũng trở thành một phần của họ. Các nhân vật và màu sắc trong đôi mắt họ đi vào não bộ của chúng tôi, những người đọc, và vì là đầu của chúng tôi nên chúng tôi có quyền trò chuyện và đàm phán với họ, chạm vào họ, y như cô. Tác giả và độc giả – người đàn ông xòe hai lòng bàn tay rồi ụp lại tạo nên một tiếng động nho nhỏ như sóng vỗ – đấy là cách hai phía giao tiếp với nhau.
-thực ra thì ông nói đúng – tôi nói – nhưng chuyện giết chóc một nhân vật hay là tự biến bản thân thành một nhân vật, ý tôi là ông đã làm biến đổi quá trình diễn ra của câu chuyện, giống như là quay ngược thời gian rồi thay đổi lịch sử ấy. Điều đó là không được. Câu chuyện của tôi đã kết thúc, đã đi đến chương cuối cùng. Không một ai được chết nữa. – tôi chọc ngón tay trỏ xuống bàn. Nhìn đi cụ khốt, chính tôi đã đặt dấu chấm hết cho câu chuyện. Không một ai được viết nữa.
-dù cô có muốn hay không, thì anh ta cũng đã chết rồi – người đàn ông dụi đầu thuốc lên mặt bàn, những đốm tro li ti vẫn còn cháy đỏ ở nhiệt độ của mặt trời – tôi đã đâm anh ta bằng con dao màu tím than mà anh ta rất yêu quý, là con dao anh ta đã đâm đứa trẻ của tôi. Dù cô có nói gì thì chuyện cũng đã thế. Đôi khi tôi nghĩ có khi cô còn yêu mến anh ta hơn cả nhân vật nữ chính của mình.
-tôi giữ anh ta sống không có nghĩa là tôi đem phân phát lòng thương vô độ. Tôi giữ anh ta sống vì có lý do, ông có nhớ ở đoạn cuối của truyện anh ta muốn tự sát nhưng không thành không? Đó chính là điểm thắt mà có lẽ ông không hiểu. Tôi cho phép anh ta tiếp tục sống nhưng hoàn toàn lạc lối, tận hưởng một cuộc đời vô nghĩa và tuyệt vọng còn thê thảm hơn cả cái chết. Ông có hiểu không, chết được thì dễ quá. – ly cà phê của tôi bị nguội vì tôi cứ mải dành thời gian cho cuộc tranh cãi ngớ ngẩn này. Cà phê đắng trôi trong họng bỏng rát như nước tuyết đun sôi. Ông ta dường như sẽ chẳng bao giờ hiểu.
-chắc là cô đúng đấy – ông ta nói – vì cô là tác giả mà. Họ biết những điều độc giả chẳng bao giờ biết.
-nếu ông đọc kĩ thì sẽ đoán ra thôi, tôi không để ẩn bất cứ một điều gì. – tôi đẩy tách cà phê sang một bên và quyết định gọi tách khác.
-nói chuyện với cô thật là vui. – người đàn ông nói, sau đó ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi và mỉm cười.
-tôi cũng vậy, rất có ích. – tôi đáp. Nụ cười của ông ta làm tôi sợ, chúng thấu vào tôi như vạn mũi kim và gióng lên những hồi chuông cảnh giác.
-nhà cô ở gần đây phải không? Cô đã nói thế. – ông ta đón ly nước chanh từ người phục vụ và đặt nó xuống bàn.
-phải, ở gần đây. – tôi nói. Đột nhiên cảm giác ngon miệng tồn tại từ nãy giờ biến mất, môi tôi khô khốc như thể tôi đã bơi liên tiếp hàng giờ giữa đại dương.
-nếu tôi nói tôi muốn tham quan thì cô có phiền không nhỉ? Tôi rất muốn xem nơi cô làm việc. Xét cho cùng đứa trẻ của tôi đã sinh ra ở đó mà. – người đàn ông đứng lên và đặt tiền lên mặt bàn. Nếu ông ta đi khỏi đây, sẽ chẳng còn gì lưu lại. Ngoài những dúm tro từ điếu thuốc, ly nước chanh rỉ nước vô danh. Chỗ lõm và hơi ấm trên ghế sẽ mau chóng biến mất. Một thực thể to lớn như con người chỉ cần chết là sẽ bị lãng quên.
-vậy chúng ta đi. – tôi nói, rồi đứng lên.
Tôi hay tới quán cà phê này khi cần tập trung viết lách. Thường thì là thế. Nhưng khi viết thiên truyện kia, tôi chỉ viết ở nhà. Cùng cái máy pha cà phê của tôi, những cái bánh mì và một cây quạt máy. Tôi đóng hết cửa sổ và thậm chí lắp cả rèm. Những nhân vật của tôi bước đi trong bóng tối, nên tôi cũng vậy. Họ ngủ chung giường và ăn sáng cùng tôi, họ ngồi đối diện trong bếp và lặng lẽ gọt vỏ những quả dưa chuột. Họ đặt nước pha trà và đến giờ đi tắm, họ sẽ bật nước nóng. Khi tôi ra ngoài để tới siêu thị, họ đi theo và xách giỏ đồ. Họ thích ăn trái cây và họ sẽ lấy rất nhiều không kể xiết, họ còn thích uống sữa nữa. Những hộp sữa không đường chất đầy trong tủ lạnh. Khi tôi để cô ấy chết, cô ấy dừng xuất hiện. Vậy là chỉ còn anh ta đi theo tôi. Anh ta chỉ còn một mình, vẫn làm những việc mà trước kia có hai người như một thói quen. Đôi lúc anh ta lơ đãng ngồi trong góc nhà, hỏi tôi rằng liệu có thể mở rèm ra một chút. Tôi nói, không được đâu, ánh nắng gay gắt kia sẽ đốt cháy anh mất.
Vậy là, sau cánh cửa, trên chiếc ghế xô pha, cuộn tròn xoe như một con mèo lớn, anh ta đợi tôi và người đàn ông vào nhà. Người đàn ông nói vọng vào trong, xin phép đã làm phiền, rồi mau chóng cởi giày và bước thẳng vào như thể ông ta đã sống ở đây khi còn là một thiếu niên và nay ghé thăm sau khi đã lấy vợ. Anh ta chậm rãi đứng dậy và lùi vào trong bếp. Người đàn ông thả người xuống ghế xô pha, đôi mắt vui vẻ nhìn quanh căn phòng tôi đang sống.
Một căn hộ nhỏ ba mẹ tôi để lại, họ đang sống ở một căn khác lớn hơn, có hai phòng ngủ, một phòng khách thông với bếp, có ban công để kê máy giặt và thuận tiện cho việc phơi phóng. Những ngày trời mưa, tôi trải chăn trước ban công và ăn uống hay làm việc cả ngày ở đó. Cũng có lúc tôi cởi hết quần áo và nằm dài, uống cà phê. Anh ta lúc nào cũng ở bên cạnh tôi, nếu tôi không mặc gì, anh ta cũng sẽ không mặc gì. Chúng tôi nằm đối diện với nhau, nói về những chương trình ti vi và các mục quảng cáo. Anh ta luôn ngủ quên, và trong lúc tôi vuốt ve mái tóc của anh ta tôi đã không nhớ ra rằng người này đã đâm chết cô gái mà anh ta yêu thương nhất. Những lúc sự thật đó hiển hiện giữa chúng tôi thì lại khác. Không có mưa, cũng không có trò chuyện. Tôi căm ghét anh ta bằng tất cả sức lực của mình, tôi xua đuổi anh ta và tránh xa như một thứ dịch bệnh. Thực ra, tất cả đều tùy vào thời tiết.
-vậy là lúc nào cô cũng giữ cho nó tối – người đàn ông nói – câu chuyện của cô, cả căn phòng này.
-đúng thế. Tôi cần môi trường thực tế để làm việc. – tôi nói, đun nước pha trà.
-cô đã nghĩ ra cô ấy thế nào? – người đàn ông hỏi.
-dựa trên một người bạn cũ. – tôi đáp.
-cô có ảnh của cô ấy không? – ông ta đi vào trong bếp.
-tôi không có. – tôi rướn người hòng với lấy gói trà trên tủ.
-tiếc quá – người đàn ông chép miệng nói – nếu có thì thật tốt. Tôi cứ nghĩ là cô có cơ đấy.
Một lưỡi thép lạnh đi vào ổ bụng tôi. Hơi ấm của người đàn ông tỏa ra như thứ mùi hương của loài hoa ăn thịt bao bọc lấy lưng tôi như cái ôm của chúa. Lạ là tôi không thấy đau. Tôi không thấy gì cả. Trong tay, tôi đã giữ được gói trà. Tiếp theo là, lấy hai nhúm trà bỏ vào ấm. Rót nước sôi. Bưng ra phòng khách. Lấy bánh mì ngọt trong tủ lạnh và bỏ vào một cái đĩa. Bảo anh ta không được ăn vụng.
-tiếc quá – tiếng thì thầm của ông ta đổ vào tai tôi – tôi rất lấy làm tiếc. Cô là một người tốt. Nhưng không may, lại là một nhà văn quá tồi.
Vị lạnh của lưỡi thép biến mất. Tôi nghĩ là mình đã ngã xuống sàn. Ông ta bỏ ra phòng khách và đi vào phòng ngủ của tôi. Anh ta ngồi xuống bên cạnh và xoa đầu tôi, rồi dịu dàng hỏi liệu tôi có muốn ăn một miếng bánh mì. Không, cảm ơn, tôi đáp.
Người đàn ông mang máy tính xách tay của tôi ra phòng khách. Ông ta mở nó lên. Tôi bỗng thấy buồn ngủ. Trong giấc mơ đang đến, dường như tôi biết rõ ông ta muốn điều gì.
Anh ta đang mờ dần. Giống như ai đó đã độc ác mở rèm để đốt cháy trái tim anh.
Hoặc là đôi mắt tôi. Giống như cửa kính những ngày mưa, khi tôi dần chìm sâu vào giấc ngủ.
2014-07-06Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: