Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Phát triển vũ khí chiến lược cho Việt Nam


chienhamhoaky01“…Việt Nam nên nghiên cứu, chế tạo, phát huy và huấn luyện binh lính sử dụng những loại mìn thông minh. Vừa rẽ tiền vừa hiệu quả. Vì một quả mìn cá nhân không đắt hơn một viên đạn. Một viên đạn pháo cũng ngang giá với mấy chục trái mìn chống chiến xa…”


Để các bạn hình dung được khả năng chiến đấu của các đơn vị tác chiến chuyên nghiệp của các nước Tây Phương, xin kể sơ lược về những phương tiện họ được trang bị. Với giá từ vài chục ngàn đô la trở lên, các ống nhắm gắn trên súng cá nhân cho phép đơn vị chiến đấu 24/24. Đừng nói chi đến con người, ngay cả con thỏ, con gà cũng bị những thiết bị này phát giác từ vài ba trăm mét.
Những ra-đa đặt trên chiến xa có thể truy tầm địch thủ xa đến 3, 4 km. Được những máy bay do thám không người lái yểm trợ thì phạm vi truy lùng nâng lên đến 30, 40 km. Một khi đã bị phát hiện, thì đối phương chỉ còn sống thêm không quá… 20 phút.
Bộ chỉ huy phải làm rất nhiều công việc trong 20 phút này. Nào là kiểm chứng lại nguồn tin, lựa chọn vũ khí phù hợp, hướng dẫn cách tấn công, ước đoán sự thiệt hại về mặt dân sự, kiểm tra lại luật lệ giao tranh, quyết định và thực hành (OODA, Observe, Orient, Decide, Act).
Ai ai cũng đã biết phận sự của mình trước khi mục tiêu bị phá hủy. Tổ chiến đấu nhận nhiệm vụ ấn nút bóp cò biết dùng số lượng bom đạn vừa đủ. Không hơn không thiếu. Sĩ quan chỉ huy biết hậu quả về sự quyết định của mình. Sĩ quan báo chí biết sẽ nói gì với phóng viên. Bộ tham mưu đã vạch ra những biến đổi chiến thuật kế tiếp…
Hiện nay không có xe tăng, hầm hố, chiến hào, lô cốt nào chống được sự công phá của bom đạn của khối Nato cả.  Công việc khó nhất là truy lùng chứ không phải là hủy diệt. Địch thủ nào bị phát giác là sẽ bị xóa xổ trong chốc lát.
Trong thời gian ở trong quân đội,  tác giả viết bài này đã tham quan, tập trận, giao lưu và tham chiến cùng nhiều lực lượng của khối Nato. Vì tiếp xúc và va chạm nhiều, riết rồi chỉ  nhìn vài ba chi tiết nhỏ cũng ước lượng được sức chiến đấu của đơn vị tác chiến khác. Qua nhận xét cá nhân, vài đơn vị bộ binh Trung Quốc có khả năng chiến đấu ngang hàng với những lực lượng ưu tú của khối Nato.
  Giao tranh theo kiểu dàn trận cổ điển với những lực lượng có hỏa lực khủng khiếp và khả năng truy lùng tinh vi kiểu này là tự sát. Vậy thì làm sao đánh bại được những đơn vị tinh nhuệ này?
Xin thưa là nên tìm cách vô hiệu hóa những đơn vị nguy hiểm này, mà không cần chiến đấu!
Câu viết này có thể làm nhiều đọc giả bật cười. Tưởng chừng như ngớ ngẫn. Nhưng các nước hùng cường đều tối tân hoá quân đội theo đường lối này. Khoảng chừng 60 % phi cơ chiến đấu của không lực Mỹ là những máy bay không người lái. Năm 2012, Hoa Kỳ đào tạo « phi công ngồi dưới đất »  nhiều hơn là phi công bay trên trời. Trong tương lai, đối phương của khối Nato sẽ chiến đấu với 1/3 chiến binh,  2/3 còn lại là máy móc, robot!
Những cọc Bạch Đằng trên mặt đất.
Không có một quân đội nào có thể làm những người lính NATO khiếp sợ. Nhưng dù được trang bị đến hàng triệu đô la, họ lại rất sợ một loại vũ khí thô sơ, dễ chế tạo, dễ sử dụng và có sức sát thương cực lớn: mìn.
Trong chiến tranh Việt Nam, một phần ba thiệt hại của Thủy Quân lục Chiến Hoa kỳ là bị vướng  mìn bẫy.
Trong chiến tranh Irak từ năm 2003 đến 2006, tỷ lệ đã tăng lên đến 41%. Cao hơn cả thiệt hại vì chiến đấu trực tiếp (34%).     
Áp dụng mìn bẫy với chiến tranh du kích, quy mô nhỏ sẽ có kết quả nhỏ. Nhưng áp dụng mìn vào quân đội, quy mô lớn sẽ có kết quả lớn. Lịch sử cũng đã từng chứng minh:
Năm 1943, nhờ Anh cung cấp tình báo, Hồng Quân Liên Xô đã biến vùng Koursk thành một cái bẫy khổng lồ. Hệ thống phòng thủ gồm nhiều lớp chiến hào, ổ pháo chống xe tăng, thiết giáp, bộ binh và  mìn. Khi 50 sư đoàn Đức tấn công thì bị chống cự quyết liệt.
Điều bất ngờ của Hồng Quân là chiến xa T34/76 gặp những chiến xa tối tân mới ra lò của Đức như Panther, Tiger, Ferdinand. Và bị kỹ thuật chiến đấu của Đức áp đảo, lực lượng thiết giáp Liên Xô bị tàn sát.
Điều bất ngờ của Đức Quốc Xã là Liên Xô đã tổ chức phòng thủ quá chu đáo. Ngoài những ổ pháo chống tăng và 5000 km giao thông hào, chiến xa lẫn bộ binh Đức còn bị vướng vào hàng hàng lớp lớp mìn chống người lẫn chống chiến xa  (2700 quả mìn /km²). Chiến xa lẫn bộ binh Đức không yểm trợ được nhau. Phần đất lấn chiếm được càng ngày cảm giảm. Cứ mỗi đêm thì công binh Liên Xô lại đặt thêm mìn bẫy chung quanh khu vực đóng quân và hướng tấn công dự định của Đức Quốc Xã. Sau một tháng rưỡi tấn công vô vọng, quân Đức phải rút lui vì không còn khả năng chiến đấu. Sau trận Koursk, quân đội Đức kiệt quệ đến mức không còn sức tổ chức được một cuộc tấn công quy mô cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Dù có số lượng chiến xa tham chiến nhiều nhất trong lịch sử. Nhưng  lực lượng chính đối đầu nhau lại là thiết giáp của Đức và bộ binh của Liên Xô. Vũ khí nguy hiểm nhất đã loại 2/3 chiến xa Đức là… mìn.
Từ chiến thuật thành chiến lược.
Lâu nay mìn vẫn được sử dụng quanh quẩn trong quy mô nhỏ bé của những trận đánh. Với vô số kiểu mẫu như mìn cọc, mìn nhẩy, mìn định hướng… nhưng chỉ dùng một  công thức duy nhất: Hể bị đụng chạm  thì nổ. Nó chỉ làm những chiến binh đi đầu sợ. Những chiến binh đi sau thì vẫn an toàn. Nhiều quân đội đã tìm cách vô hiệu hóa mìn bằng cách mở luồng đường bằng bộc phá, bom có sức ép.
mindonso_khongthongminh
Mìn đón sơ, không thông minh
Trong một kịch bản phòng thủ, và muốn phát huy hết sự lợi hại của mìn. Người gài mìn phải có kiến thức để gài những trái mìn ngu trở  thành « khôn ngoan ». Song song với những quả mìn chạm nổ, cơ xưởng chế tạo mìn của quân đội phải tìm cách chế tạo những trái mìn « ngủ », có khả năng « đợi chờ »   (semi-passive). Nó chỉ hoạt động, sẳn sàng « thức » và kích hỏa phát nổ khi có điều kiện. Những điều kiện có thể là:
Không nổ ngay lập tức mà chỉ nổ khi bị dẫm đạp 5,7 lần.
Chỉ nổ khi bị 5, 7 người cùng dẫm lên.
Chỉ nổ khi gặp sức nặng hơn 75 kg (trọng lượng của một chiến binh và súng ống).
Chỉ nổ khi gặp sức nặng hơn 30 tấn (= trọng lượng chiến xa)
Chỉ « thức » khi quả mìn kế bên đã nổ.
Nổ cách xa nơi bị dẫm đạp 50, 70 mét.
Chỉ nổ khi bị dẫm đạp lên và lúc có mưa. Còn khi gặp thời tiết khô ráo thì « ngủ ».
Chỉ nổ sau khi bị dẫm đạp 5,7 phút hay 5,7 giờ.
Có thể tự hủy sau 5, 7 tháng.
Mục đích của những quả mìn thông minh là « nằm vùng », phá hoại ở phía sau chiến trường. Nó sẽ cản trở và làm tiêu hao lượng lực tiếp viện. Đối phương càng tiến xa vào chiến trường thì càng bị nguy hiểm từ phía sau lưng. Song song với những hệ thống phòng thủ khác, mìn thông minh đã tự nó đã là một hệ thống phòng thủ làm tiêu hao quân địch mà không đổ xương máu. Nhờ thông minh, mìn không còn là một vũ khí chiến thuật mà nó là một vũ khí chiến lược.:
a)  Cản trở đường tấn công lẫn đường rút lui của đối phương.
b)  Chống lại cách tháo gở của đối phương. Không cho phép đối phương thiết lập những tuyến đường an toàn.
c)  Không cho đối phương dàn trận, đi vòng, đánh úp.
d)  Làm tê liệt mọi di tản, tải thương và tiếp tế của đối phương.
e)  Đánh vào lực lượng yếu bóng vía nhưng quan trọng nhất, loại con ông cháu cha, ăn không ngồi rồi đang làm hậu cần và bộ chỉ huy của đối phương.
f)   Khủng bố tinh thần. Đối phương không có cảm giác an toàn dù ở sau chiến trường.
Thất bại chiến lược của quân đội Việt Nam
Căn cứ vào những vũ khí lẫn cách thức diễn tập, người chuyên môn thấy ngay là quân đội Việt Nam không có những chiến lược gia. Nếu có thì cũng không ở vị trí quyết định. Quân đội Việt Nam thua kém thế giới đến 40 năm. Lúng túng trong đường lối chính trị, quân đội Việt Nam cũng không có những chiến lược phòng thủ rõ ràng. Ai là bạn? Ai là thù? Lối tân trang của quân đội Việt Nam là:  Ai có gì thì mình có đấy. Ai bán gì thì mình mua đấy. Nhưng vì ít tiền hơn nên có ít và thô sơ hơn láng giềng. Với kỹ thuật hiện đại, những gì xung quanh vũ khí mới thật sự quan trọng. Một cây súng cá nhân đắt cho lắm thì giá cũng chỉ bằng 1/3 những thiết bị kính nhắm. Và bằng 1/10 chi phí huấn luyện cho binh sĩ sử dụng vũ khí này thuần thục. 
Vì lý do chính trị và ngân sách, quân đội Việt Nam không có vũ khí tối tân của khối Nato. Việt Nam vớt vát bằng cách mua vũ khí của Nga. Nhưng kỹ thuật vũ khí nước Nga thời hậu cộng sản đã bị qua mặt vì không được ưu tiên nhân tài và ngân sách như thời còn chiến tranh lạnh. Những gì các nước mua được của Liên xô đều là vũ khí của thế kỷ trước. Dù giới con buôn quảng cáo là đã được tân trang, cải tiến. Những sữa đổi lớn lao của vũ khí hiện nay đều liên quan đến kỹ thuật tin học: mau lẹ và chính xác. Nhờ bom đạn chính xác, sức chiến đấu của một hàng không mẫu hạm được tăng lên gấp 20 lần. Nhưng tin học là một lãnh vực mà Liên Xô chẳng có gì. Tàu ngầm Kilo cũng không ngoại lệ. Làm sao thắng được được những tàu ngầm Kilo Trung Quốc trong khi họ đã có đủ thời gia để tập luyện, thu thập kinh nghiệm đã chục năm? Nếu có chiến tranh, tàu Kilo của Việt Nam sẽ giúp Trung Quốc được vài chiến công hiển hách!
Vậy thì phải làm sao?
Vũ khí chính của quân đội Việt Nam?
Dù có ngân sách, hay dù được Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương thì cũng đừng mơ tưởng là sẽ mua được ngay vũ khí tối tân nhất.. Quân đội Việt Nam vừa lạc hậu vừa thiếu thốn. Nghèo thì phải xoay sở theo kiểu nghèo. Những lực lượng quân sự nghèo nàn đều lấy mìn làm vũ khí chính yếu để chống lại các lực lượng khác. Vì cách thức chế tạo ra mìn đơn sơ đến bất ngờ.  Một viên đạn AK + một cây đinh + một ống tre =  Một trái mìn tự chế. Chỉ cần chút ít hiểu biết, một kíp nổ và vài trăm gramme chất nổ là làm được trái mìn chống chiến xa. Chỉ cần một quả đạn đại bác, một thiết bị kích quả là làm được một trái mìn gây thương tích nhiều người.
Huấn luyện một người lính thuần thục phải cần thời gian. Nào là học cách xem bản đồ, truyền tin, bắn súng, cách thức chiến đấu cá nhân, cách thức chiến đấu cộng đồng… Nhưng huấn luyện cách thức gài mìn thì chỉ cần vỏn vẹn 1 ngày. Nếu chịu khó đi xa hơn, vài ba ngày sau thì học viên đã có khả năng gài những quả mìn mà đối phương không thể phát giác bằng mắt thường. Nên không thể tránh được. Rất khó phát hiện một vật tí ti, không màu, không sắc, không có hơi nóng, không cần tiếp tế, không động đậy, không biết sợ, không đầu hàng. Có nhiều quốc gia tinh quái hơn, chế tạo ra những quả mìn nhỏ như một cây viết, đủ sức hủy hoại một phần thân thể con người mà không có kim loại. Cho nên không thể phát giác và đề phòng. Mìn là một loại vũ khí phòng thủ siêu đẳng!
Bộ quốc phòng Mỹ đang đài thọ một dự án nhằm vô hiệu hoá mìn bẫy (JIEDDO, Joint Explosive Improvised Device Defeat Organization). Dự án này còn tốn kém hơn cả dự án Manathan làm bom nguyên tử. Nhưng gỡ mìn và chiến đấu là hai lãnh vực riêng biệt. Lính gỡ mìn mang nhiều dụng cụ nên không thể chiến đấu. Còn mang súng đạn, thiết bị cá nhân để chiến đấu thì không thể gỡ mìn. Chiến đấu thì cần nhanh lẹ, mạo hiểm. Gỡ mìn thì cần thời gian, dè dặt. Đối phương chỉ cần cài vài tay súng bắn tỉa và mìn là lực lượng tấn công gặp vấn đề. Muốn giải quyết thì phải cần tốn thời gian, bom đạn và …nhân mạng.
Nhiều xe bọc sắt được gia cố thêm sắt thép ở phần dưới và bên hông xe để chống mìn. Nhưng lại quá nặng nên không đi ra khỏi những đường nhựa nên không tránh được mìn chống chiến xa. Dự án JIEDDO vẫn loay hoay trong vòng lẫn quẩn.
Lỗ hỗng của hiệp ước Ottawa.
Khuyết điểm lớn nhất của mìn là nguy hiểm nhưng lại ngu ngốc. Nó không biết phân biệt đồng đội hay kẻ thù. Sau khi chiến tranh chấm dứt, nó vẫn giết người đều đều. Vì thấy có quá nhiều nạn nhân dân sự nên các nước dân chủ tìm cách hạn chế. Hiệp ước Ottawa được nhiều nước ký kết để ngưng chế tạo và sử dụng các loại mìn ngu ngốc. (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Việt Nam và vài nước khác không ký hiệp ước này). Nhưng… lại cho phép sử dụng những trái mìn được điều khiển. Có nghĩa là khi trái mìn có gắn thêm thiết bị điều khiển làm nổ từ xa, nó hết còn bị là mìn nữa được xem mà như một vũ khí.
Sau này có thay đổi nền chính trị, chính phủ chuyễn tiếp cũng không thể ưu tiên ngân sách cho bộ quốc phòng để theo kịp các nước khác trong một thời gian ngắn. Một quốc gia mạnh là một quốc gia có thể tự chế tạo vũ khí. Việt Nam nên nghiên cứu, chế tạo, phát huy và huấn luyện binh lính sử dụng những loại mìn thông minh. Vừa rẽ tiền vừa hiệu quả. Vì một quả mìn cá nhân không đắt hơn một viên đạn. Một viên đạn pháo cũng ngang giá với mấy chục trái mìn chống chiến xa. Nếu đầu tư đúng mức, quân đội có thể chế tạo ra những hệ thống mìn bẫy được điều khiển bởi camera và máy bay do thám. Nếu được triển khai ở những vị trí chiến lược, những hệ thống vũ khí thông minh sẽ giúp quân đội Việt Nam chống cự những kẻ xâm lăng rất hữu hiệu. Dù không bắt chước, Việt Nam vẫn theo kịp sự phát triển của các quân đội hùng mạnh: Không ngăn chặn kẻ thù người bằng sinh mạng của quân ta mà ngăn chặn kẻ thù bằng máy móc.
Dương Thành Tân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: