Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Phiếm bàn về một số câu nói được lan truyền trong giới họa sĩ

"Thú dữ" của Dior



Trịnh Cung

Những luận bàn trong bài viết này, tác giả không nhằm đưa ra những lý giải có tính kết luận. Tất cả chỉ là những suy nghĩ dựa trên những trải nghiệm của tác giả qua một thời gian khá dài hoạt động sáng tác và triển lãm. Tất nhiên, sẽ có nhiều chỗ bị rơi vào chủ quan hoặc thiếu nghiên cứu sâu. Sẽ rất vui cho tác giả nếu bài phiếm bàn này được sự đóng góp hiểu biết của bạn đọc để giúp tác giả hoàn thiện hơn trong suy nghĩ của mình về các vấn đề mỹ thuật thiết thân.


“Tôi vẽ như tôi thở.”

Trịnh Cung: Với tôi, không nghĩ vậy, câu nói hơi cường điệu. Vẽ và thở là hai phạm trù khác nhau, hai sự việc rất khác nhau. Dù là có hàm ý vẽ đối với họ là chuyện tự nhiên, chuyện nhỏ hoặc vẽ là cần thiết như thở vậy, điều này có diễn ra đúng như câu nói ấy cũng không lấy gì bảo đảm được những sản phẩm được họ vẽ ra đều là tác phẩm hoặc hơn thế nữa, chúng là những sáng tạo nghệ thuật. Vẽ đều và vẽ liên tục như thở, thì chẳng khác nào con gà mái mỗi ngày đều đẻ cho ta một cái trứng. Tác phẩm nghệ thuật không thể được sinh ra như cái trứng (đều và có hình thức giống nhau, gà công nghiệp). Công việc sáng tác của họa sĩ không dễ như con gà mái làm việc đẻ. Vì cần trí tuệ. Sáng tác là một công việc của ý tưởng về sáng tạo nghệ thuật vốn luôn có khởi nguồn từ sức sống và phụng sự cho sự sống. Kỹ năng hội họa chỉ là công cụ để thực hiện ý tưởng nghệ thuật của nhà họa sĩ.

Mặt khác, vẽ liên tục, vẽ đúng giờ bắt đầu cũng như lúc nào thì tạm dừng sẽ dễ trở thành quán tính. Khi người làm hội họa mắc phải quán tính như thế sẽ khó thay đổi bút pháp và khuynh hướng nghệ thuật cũng như đề tài và thường, sẽ không có chỗ trống cho ngẫu hứng, đồng thời sự lập lại chính mình là điều không tránh khỏi. Vẽ cũng không phải là môn thể dục thể thao luôn cần luyện tập để luyện cơ bắp và giữ hay nâng cao thành tích cho những cuộc tỉ thí sắp đến trừ phi anh phải làm công việc vẽ để mưu sinh như vẽ ký họa chân dung ở đường phố hay phải nhận thực hiện một hợp đồng cung cấp một lượng tác phẩm hội họa đúng hẹn, đúng kiểu mẫu và đúng chất lượng để cung cấp cho một nhà buôn tranh nào đó chẳng hạn.

“Những họa sĩ chủ trương ‘vẽ như thở’ vẫn nỗi tiếng và tranh của họ rất được hâm mộ và săn lùng? Và vẽ quán tính sẽ dễ lập lại chính mình, vậy sự thay đổi bút pháp và đề tài đối với một họa sĩ có cần thiết không, vì đã có người đưa ra trường hợp của nhà danh họa người Pháp là Paul Cézanne cả đời chỉ vẽ có tái Táo mà vẫn được tôn vinh là nghệ sĩ bậc thầy? Mặt khác, nghệ sĩ thường được kể như những người lãng mạn, hay mơ mộng, sao họ lại làm việc rất đỗi cần mẫn như thế?”

TC: Vì họ được sinh ra để vẽ như thế. Những nhà họa sĩ ấy đều rất có tài và cũng rất giỏi trong việc khép mình vào giờ giấc “vẽ như thở” trong cái “xưởng” (studio) của họ mỗi ngày. Họ nổi tiếng vì tranh họ rất đẹp, rất hợp với thị hiếu của người mua và tất nhiên còn có bàn tay mầu nhiệm của giới buôn tranh làm nên sự nổi tiếng ấy trở nên vang dội.

Về trường hợp Paul Cézanne, câu nói ấy chỉ để cho những ai, một là mặc cảm vì chỉ vẽ có mỗi một đề tài và mỗi một cách vẽ, hai là bị nghèo về đề tài và nghèo cả ý tưởng sáng tạo đành phải dùng Cézanne để tự bao biện. Thực ra, Cézanne đâu chỉ vẽ có mỗi trái Táo trong suốt sự nghiệp làm hội họa của mình. Cézanne không những nổi tiếng với những tranh tĩnh vật vẽ trái Táo mà còn vẽ nhiều tranh về con người rất đẹp dưới một phong cách hội họa riêng. Chính bút pháp và phong cách ấy là khởi nguồn cho trường phái Lập Thể ra đời bởi Braque và Picasso. Sở dĩ Cézanne nổi tiếng do vẽ trái Táo, theo tôi, là từ lý do: Cézanne vẽ khá nhiều các tĩnh vật trong đó trái Táo là trung tâm. Van Gogh cũng nổi tiếng với rất nhiều tranh hoa Hướng Dương, nhưng Van Gogh cũng rất thành công với những tác phẩm vẽ cánh đồng lúa mì, những ngôi nhà thờ, phố đêm, chân dung những người đàn bà và nhất là những bức tự họa. Ðiều quan trọng nhất mà lịch sử hội họa vinh danh hai ông là mỗi người đã tạo riêng cho mình một bút pháp độc đáo, trong đó Paul Cézanne còn được coi là người đã mở ra cánh cửa cho nghệ thuật Lập Thể mà Braque và Picasso đã cụ thể hóa thành một trường phái làm cho cả thế giới một thời kinh ngạc và thán phục. Chúng ta hãy quan sát bức “Những Người Ðàn Bà Tắm” của Paul Cézanne và bức “Những Cô Gái Trẻ Ở Avignon” của Picasso vẽ năm 1907 thì sẽ nhận ra mối tương quan về nghệ thuật tạo hình rất gần gũi giữa hai lối vẽ.

Ở đây, tôi cũng xin nói thêm về sự thay đổi khá quan trọng trong sử dụng cọ có bản dẹp mà Paul Cézanne áp dụng trong các tranh vẽ người của mình như các bức “Hai Người Chơi Bài”, “Người Hút Tẩu” và “Những Người Ðàn Bà Tắm”, thủ pháp này mở ra một thời kỳ mới cho kỹ thuật vẽ sơn dầu. Nó tạo ra các mảng khiến bức tranh mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn, đơn giản hơn và làm nổi bật hơn lên không gian ba chiều của sự vật và khung cảnh đang bao quanh. Tiếp theo sau là sự xuất hiện của dao vẽ (couteau à peintre), khác vơi dao dùng để trộn màu, kể từ thời kỳ này, kỹ thuật vẽ sơn dầu hoàn toàn thay đổi, nó cho phép người vẽ mở rộng sự biểu đạt tự do hơn, phóng khoáng hơn và hiện đại hơn.

“Vẽ như thở có liên quan gì đến câu nói: Là họa sĩ thì anh hãy vẽ đi? Và cũng còn có ý kiến cho rằng họa sĩ mà không bán được tranh (bán chạy như cá tươi) thì đâu đáng được gọi là họa sĩ!”

TC: Câu nói trước là của người có chút tự phụ, tự tin quá mức cần thiết, “Ta đây”. Câu sau hàm ý thách thức, ngầm chê bai một ai đó ít làm việc, nhưng thực ra vẽ nhiều đã chắc gì là sáng tác. Tóm lại, cả 3 điều nói trên không có giá trị trí thức hoặc của một người không đọc lịch sử mỹ thuật. Chỉ riêng trong những nghệ sĩ làm nên lịch sử của nền mỹ thuật hiên đại thế giới đã có không ít người phải sống trong nghèo đói vì không bán được tranh, thậm chí phải cấn tranh cho chủ quán để đổi lấy ly cà phê, ly rượu hoặc khúc bánh mì. Ðó là trường hợp của những “ông lớn” như Van Gogh, Utrillo, Picasso, Gauguin, Modigliani… Ở Việt Nam, ta có những Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng…

Vẽ nhiều hay vẽ ít, chỉ vẽ có một đề tài, một kiểu vẽ hay thường thay đổi đề tài và cách vẽ, điều này rất phụ thuộc vào bản tính của mỗi họa sĩ. Con người khi được sinh ra, nó đã hàm chứa một nguồn gốc nào đó, một bản năng nào đó , một biên giới sự sinh tồn nào đó nên không giống nhau và khó áp đặt cách sống, cách tư duy của người này lên người khác. Ðó là một điều may cho nhân loại.

Trong nghề vẽ, ngoài những họa sĩ vẽ như thở, có không ít những họa sĩ quan niệm mỗi lần sáng tác là cả một quá trình thụ tinh và sinh nở như người đàn bà mang thai mà vẫn chưa chắc gì khi sinh nở đều mẹ tròn con vuông. Mỗi tác phẩm, như con người, đều có số phận riêng.

“Có gì khác giữa họa sĩ và là nghệ sĩ?”

TC: Theo tôi, mỗi họa sĩ nhiều hay ít mang chất nghệ sĩ khác nhau, có riêng khả năng sáng tác mỏng hay dầy khác nhau, như thế có nghĩa là không phải ai cũng lãng mạn, cũng mộng mơ như nhau. Có lẽ cũng cần phân biệt chỗ này nên người Pháp mới thêm chữ artiste trước chữ peintre và người Mỹ rất ít dùng từ painter và thông thường họ chỉ dùng từ artist để chỉ những ai làm nghệ sĩ trong lãnh vực tạo hình.

Trong tiếng Việt, từ họa sĩ có ba trường hợp: Thứ nhất, nếu trong họ yếu tố nghề mạnh hơn (nghệ nhân) thì họ làm việc như một con ong, cho ra mật mỗi ngày và rất bảo đảm chất lượng. Còn thứ hai, số này không nhiều, lại nặng về sáng tạo nên không bao giờ có số lượng tác phẩm dồi dào và đều đặn và hơn thế nữa, tác phẩm của họ thường có bộ mặt xa lạ, thậm chí quái gở, khó nhìn khi mới xuất hiện. Mặt khác, để có một tác phẩm độc đáo, khác cái cũ của chính mình và tất nhiên, không được giống với lối vẽ và đề tài của người khác, đối với họ chẳng khác nào một tiến trình thụ tinh và sinh nở của một phụ nữ. Và tất nhiên, không lấy gì bảo đảm cho sự ra đời của đứa bé là hoàn hảo, mỗi hài nhi đều có riêng hình dáng và số phận của nó. Tác phẩm nghệ thuật không khác, có cái rất tuyệt,được giải thưởng, được trưng bày ở viện bảo tàng… có cái hư hỏng phải vất đi và có cái phải nằm im lặng ở một xó nhà hoặc lưu thân trên những gánh ve chai… Rồi thứ ba, là có người vừa là họa sĩ vừa là nghệ sĩ, có nghĩa là họ vừa có thể vẽ rất tốt theo thị hiếu của khách hàng để mưu sinh đồng thời cũng dành nhiều hoài bão cho sáng tác. Số này cũng khá phổ biến ở những nước thiếu những nhà sưu tập chuyên nghiệp, thị trường nghệ thuật còn manh mún, nhỏ lẻ, như Việt Nam là một ví dụ.

“Về bàn tay của nhà buôn tranh trong việc giúp cho họa sĩ nổi tiếng nhanh và rộng khắp, tác động của nó như thế nào?”

TC: Kể từ khi thị trường nghệ thuật phát triển (có thể tính từ ba thập niên cuối thế kỷ 20), các họa sĩ có tài đều được giới kinh doanh nghệ thuật chăm sóc tận tình, không mấy ai đứng được bên ngoài tầm ngắm của họ vì lợi nhuận rất cao và danh vọng rất lớn đang chờn vờn trước mắt bởi những hợp đồng độc quyền béo bở được đề nghị bởi những art dealers.

Art dealer là nhà môi giới tranh, một nghề rất đặc thù của kinh tế thị trường. Công việc này rất quyết định cho sự phát triển hay suy thoái của thị trường nghệ thuật và cho tất cả tiếng tăm của nghệ sĩ. Nó vừa phát hiện tài năng mới vừa tạo ra thời tiết nghệ thuật thích hợp ở mỗi khu vực thị trường, và không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới giới họa sĩ mà cả những nhà phê bình, những giám tuyển, những nhà sưu tập, những cơ quan truyền thông về nghệ thuật, gu thẩm mỹ và giá cả thị trường. Cũng có thể nói art dealer là cái gạch nối giữa những nhà quản lý (Gallerist, Curator), những nhà phê bình, những cơ quan truyền thông đai chúng (quảng cáo), những đại diện cho giới nghệ sĩ và nhà sưu tập trong các dịch vụ mua bán tác phẩm.

“Sự trong sáng trong lãnh vực sáng tạo và cho tâm hồn người nghệ sĩ có bị ảnh hưởng trước sự can thiệp và định hướng thẩm mỹ bởi thị trường?”

TC: Tất nhiên là phải có. Không những có mà còn rất nặng nề, nhất là vào thời đại toàn cầu hóa. Tất cả đều bị chi phối một cách nhanh cực kỳ và rộng khắp, bởi mạng lưới thông tin và các công cụ tuyệt diệu giúp hoàn thiện các ước muốn của con người vốn vụng về về mặt sáng tác mà lại muốn nhanh chóng tạo ra tác phẩm ngon lành. Do đó mọi sự độc đáo và cá tính sớm bị sao chép, biến tấu, rồi chẳng bao lâu những cái mới ấy sẽ biến thành hàng chợ, một thứ nghệ thuật đồng dạng, na ná, hời hợt, thời trang.

Do đó, ngày nay, chúng ta thấy rất ít những khuôn mặt nghệ sĩ như Van Gogh, Gauguin, Matisse, Rousseau, Modigliani, Chagall, Miró, Picasso hay Dali… và cũng hầu như không còn thời đại bùng nổ những trường phái nghệ thuật như thời mỹ thuật hiện đại ở châu Âu vào những thập niên đầu của thế kỷ 20. Tình trạng này xảy ra không riêng cho mỹ thuật, mà trong mọi lãnh vực như âm nhạc, nhiếp ảnh , video, trình diễn… Tài năng nghệ thuật ngày nay rất đông nhưng không mấy ai là thiên tài, mặc dù đã có rất nhiều sự kiện nghệ thuật được tổ chức qui mô hằng năm tại nhiều nơi trên thế thế giới. Kể cả những nghệ sĩ đương đại đã và đang đắt giá như trường hợp của Damien Hirst, một nghệ sĩ người Anh có tác phẩm trị giá trên cả trăm triệu USD (Sotheby’s đã từng bán được 198 triệu USD cho nhà tỷ phú Charles Saatchi) cũng không mấy được coi như thiên tài nghệ thuật thậm chí còn đi ngược lại xu thế văn minh của thời đại bảo vệ động vật hoang dã, thậm chí còn bị phong trào nghệ thuật Stuckism chống đối rất ồn ào ở ngay tại trung tâm Luân Ðôn ngày nay. Có thể nói, ngày nay với bàn tay phù thủy của ngành quảng cáo, đã chấm dứt thời đại của những huyền thoại nghệ thuật. Bàn tay ấy có thể nhanh chóng biến một ai đó thành một ngôi sao nghệ thuật lẩy lừng và cũng dễ dàng biến nó vụt tắt đi bất cứ lúc nào. Những câu chuyện tự cắt tai mình hay đưa lòng bàn tay trên ngọn lửa của nến cho cháy bỏng vì tình yêu, vì cô đơn của Van Gogh, hay Paul Gauguin bỏ Paris qua sống đời lang thang cùng thổ dân Tahiti để vẽ “Chúng ta đang ở đâu, từ đâu đến và sẽ đi về đâu”… chắc chắn mãi mãi là chuyện cổ tích.

Và cũng đừng lầm lẫn rằng ngày nay, những tổ chức sự kiện nghệ thuật mang ý nghĩa “Phi lợi nhuận” (non-profit), “Vì cộng đồng” mà không bị chi phối bởi quyền lực đen thương mại hay chính trị. Những nhà khởi xướng ra Nghệ Thuật Ðương Ðai đã hô hào phá bỏ các định chế có tính “giai cấp”, nghe ra rất tuyệt nhưng sau nhiều thập niên qua, ngày nay, những nhà tổ chức các sự kiện nghệ thuật lớn trên thế giới đã cho thấy có một thứ “định chế mới”, định chế ẩn mình, thông qua các foundation, các tài trợ… còn thành lũy kiên cố hơn rất nhiều so với thời mỹ thuật hiện đại.

Ðó là phần chìm của tảng băng nghệ thuật đương đại, mặt nổi của nó ngày càng tan chảy vì chính sự nghèo nàn và rỗng cũng như tính dễ dãi trong việc hoàn thành tác phẩm mà nội dung thường dựa vào thời sự hoặc môi trường sống của con người. Cái lớn lao của Nghệ Thuật Ý Niệm do Marcel Duchamp khởi xướng vào những thập niên đầu thế kỷ 20 là đã tạo ra cho nhân loại ngày nay một thế giới nghệ thuật phi nghệ thuật, một thế giới nghệ thuật của mọi người, một thế giới nghệ thuật phi thiên tài và có tính toàn cầu như trong lý thuyết mà những người chủ trương đã khởi xướng vào thời kỳ đầu. Nhưng Nghệ Thuật Ý Niệm nay đang bị đồng tiền của những sức mạnh thị hiếu “bệnh hoạn” làm nó giãy chết.

Tham vọng của những người chủ xướng thứ nghệ thuật từ chối trật tự thang bậc và lâu đài, cổ xúy cho thứ nghệ thuật công xã tưởng chừng rất lý tưởng, nhưng ngày càng cho thấy nó gây ra phản cảm nhiều hơn là chinh phục giới yêu nghệ thuật. Suy cho cùng, tài năng lớn vẫn luôn tạo ra sự khác biệt. Trong sáng tạo nghệ thuật không có chỗ cho sự đồng dạng và đồng đẳng.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Damien Hirst:




“Có phải nghệ thuật đương đại đang rơi vào thoái trào và người ta muốn quay lại bảo thủ?”

TC: Cá nhân tôi đến bây giờ vẫn ủng hộ cái mới và vẫn không chủ trương bảo thủ trong sáng tạo. Tuy nhiên, tôi cũng muốn có một cái nhìn công bằng trong đánh giá cho từng giai đoạn của đường đi lịch sử mỹ thuật và cũng không coi bảo thủ luôn không tốt. Bảo thủ luôn giữ gìn cái tốt và có giá trị phản biện để cái mới ra đời với kết quả tốt hơn. Không phải tất cả cái mới đều có phẩm chất cao, nó phụ thuộc vào tài năng và tâm hồn của mỗi tác giả lớn hay nhỏ, đặc biệt hay tầm thường. Nếu nghệ thuật đương đại để mình phụ thuộc vào thời sự và công nghệ thì nó sẽ không có đời sống lâu dài, nó sẽ bị kết thúc như bản chất của thời sự. Nghệ thuật không thể là một thứ mì ăn liền, không là một công việc cùng làm với đại chúng và cũng không là trò chơi bệnh hoạn của một số ít trưởng giả thừa mứa tiền bạc. Mặt khác, hãy cẩn thận với truyền thông, vì nó cũng bị lũng đoạn bởi những thế lực đứng sau lưng, khi thời đại ngày càng thuộc về đồng tiền chính trị.

Và có lẽ, cái hay nhất của Nghệ Thuật Ý Niệm, là tiên đoán từ rất sớm rằng thế giới nghệ thuật trong thế kỷ 21 và tiếp theo là thời kỳ của nghệ thuật “hiện hữu mà không tồn tại” như thứ hỗn loạn chính trị đang diễn ra trên khắp hành tinh chúng ta hôm nay.

Cali, tháng 9 năm 2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: