Di vật cổ ở Trường Sa, Hoàng Sa
Trinh Nguyên
26/09/2014 03:00
“Từ hội thảo thông báo khảo cổ học năm nay, nhiều tư liệu về chủ quyền sẽ được công bố”, PGS-TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nói.
Đồ gốm men phát hiện ở Trường Sa Lớn và Nam Yết - Ảnh: Hữu Thiết |
TS Lại Văn Tới, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, không thể quên những ngày thực hiện chương trình nghiên cứu khảo cổ học ở Trường Sa trong mấy đợt 1993, 1994, 1995 và 1999. Ông đã đợi nhiều năm mới công bố những nghiên cứu, câu chuyện của mình ở hội thảo thông báo khảo cổ học toàn quốc vào hôm qua (25.9). Trong những lần ấy, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng Khánh Hòa, hải quân để khai quật khảo cổ trên các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết và Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh, An Bang, Trường Sa Đông, Tốc Tan và Đá Tây.
Dấu mốc chứng minh sự quản lý của nhà nước VN
“Kết quả khai quật đã phát hiện được các di tích, di vật thuộc thời đại đồ sắt sớm, tương đương với văn hóa Sa Huỳnh muộn - Champa sớm ở ven biển miền Trung VN. Có cả các di tích, di vật gốm sứ và đồ sành thời Lý - Trần (thế kỷ 14) đến các di vật thời Lê - Nguyễn cho tới đầu thế kỷ 20. Nó cho thấy chủ quyền lâu dài, liên tục của nước ta”, TS Lại Văn Tới cho biết.
|
Nhưng tại hội nghị thông báo khảo cổ học lần này, ông Tới không nói nhiều tới những kết quả đó mà chia sẻ về việc phục hồi bia chủ quyền trên quần đảo này hồi năm 1994. Khi đó, ông cùng đồng nghiệp đã phát hiện một tấm bia thời VN Cộng hòa. Bia chìm sâu xuống mặt đất, chỉ còn phần đầu nhô lên, đã bị vỡ thành nhiều mảnh. “Nếu không được sửa chữa và phục hồi thì chỉ sau thời gian ngắn, bia sẽ bị vỡ”, ông Tới nhớ lại. Việc đo vẽ, ghi chép, phục hồi được thực hiện ngay sau đó.
“Những người lính đảo đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy chúng tôi quan sát, đo đạc một cái bia đã hỏng của chế độ Sài Gòn cũ. Chúng tôi vừa làm việc, vừa giải thích cho họ hiểu vì sao tấm bia đáng được tôn trọng, phục hồi. Đó chính là di tích lịch sử, là dấu mốc chứng minh sự quản lý của nhà nước VN tại quần đảo Trường Sa”, ông Tới nói.
Cũng tại hội thảo năm nay, dù chưa công bố chính thức thành bài nghiên cứu, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, cũng chia sẻ về đợt nghiên cứu ở Trường Sa mới nhất của mình. “Năm 2014, chúng tôi phát hiện gốm của cư dân văn hóa Sa Huỳnh ở Trường Sa Lớn. Cũng có những mảnh gốm của người Việt thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Chúng khẳng định thêm những nghiên cứu điều tra trước đó là khách quan, khoa học”, ông Liêm nói.
"Dấu tích khảo cổ kết hợp với tư liệu Hán Nôm, lịch sử khẳng định sự có mặt sớm và liên tục của người Việt ở Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là dấu vết không thể chối cãi về chủ quyền của người Việt với hai quần đảo này và biển Đông”, ông Liêm nói. Cũng theo nhà nghiên cứu này, các nghiên cứu đang được tiếp tục hoàn thiện cùng với việc quy hoạch khảo cổ học ở Trường Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc.
Khai quật khảo cổ học ở đảo Trường Sa - Ảnh: Hữu Thiết |
Thuyền bọc đồng và cọc Bạch Đằng
|
Một báo cáo khác mô tả cách thức hải quân thời Nguyễn đóng thuyền bọc đồng để bảo vệ chủ quyền biển đảo. TS Phạm Hữu Công, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết thuyền bọc đồng chính là phương tiện chiến đấu và vận tải thủy quan trọng được các vua Nguyễn quan tâm chỉ đạo sản xuất. Thủy thủ đoàn có thể từ vài chục đến hàng trăm người tùy theo kích cỡ thuyền. Cũng theo ông Công, hình ảnh này đã được thể hiện trên chiếc đỉnh quan trọng nhất của Cửu đỉnh là đỉnh Cao.
“Đây là những chiến thuyền hiện đại nhất của VN thời bấy giờ nên thường được cử đi công tác khắp đất nước cũng như đi tuần ngoàibiển Đông, chống giặc biển... Chúng nhiều lần được cử đi công tác ở nước ngoài. Có thể kể là hai chiếc thuyền Thụy Long, Phấn Bằng đã đi đến Hạ Châu - Malaysia, thuyền Linh Phượng đã đến Giang Lưu Ba, Indonesia”, ông Công nêu trong báo cáo. Duy có điều đáng tiếc, ngoài tài liệu hiện không còn một tiêu bản thuyền đồng nào.
Cùng trong mạch kể về chủ quyền, một cọc gỗ Bạch Đằng cũng được phát hiện ở Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Hố đào được mở sát chân đê nhằm tìm kiếm tư liệu liên quan đến các cọc gỗ được quân dân nhà Trần đóng xuống sông, khiến đoàn thuyền của quân Nguyên Mông bị đại bại trong trận chiến năm 1288. Chiếc cọc đã được tìm thấy như thế. “Thân cọc hình trụ tròn, một phần còn nhẵn bóng. Cọc được đóng vào lớp phù sa màu nâu hồng, chân chạm đến lớp cát đáy sông”, TS Lê Thị Liên, Trưởng phòng Khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ, cho biết.
Cũng tại bãi cọc này, xương người có vết chặt cũng được tìm thấy. Các nhà nghiên cứu cho biết đây là đoạn xương cẳng tay trái người. Vết chặt cho thấy những đường xước mảnh của một lưỡi kim loại rất sắc. Đây là dấu tích xương người thứ 6 được tìm thấy tại Yên Giang. Năm phần di cốt khác đã được nghiên cứu cho thấy đều ít nhiều liên quan đến chiến trận 1288.
Kết hợp lại, theo TS Lê Thị Liên: “Sự hiếm hoi của cọc gỗ chứng minh lần nữa về quy mô và cách đóng cọc của quân dân nhà Trần. Việc nghiên cứu chi tiết sẽ giúp diễn giải chiến lược, quá trình chuẩn bị, quy mô và diễn biến của cuộc chiến 1288”. Việc nghiên cứu của bà Liên cũng là giai đoạn đầu của đề án bảo tồn phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng sông Bạch Đằng.
Trinh Nguyễn
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét