Có một cách dịch khác, là "Tôi tư tưởng, vậy là có tôi". Quả là có vị khác với cách dịch đã quen thuộc lâu nay "Tôi tư duy tức tôi tồn tại".
Tư duy hay tư tưởng thì đều là "suy nghĩ", phát động não bộ làm việc, ý như là cách nói quen dùng "động não". Haiku của Nhật Bản có câu: "Một tiếng ho cũng một con người". "Ho" cũng là hành động có mang ý thức. Một tiếng ho, dù bất cứ thế nào, cũng là chỉ dấu của cái tôi đang hiện hữu, tất cả được trân trọng như nhau. "Tôi ho tức tôi tồn tại".
Bây giờ, có lẽ nên có thêm câu "Tôi phản đối tức tôi tồn tại". Phản đối là hành động bắt đầu của quá trình phản tỉnh hay tự phản tỉnh, để hướng đến vận động đổi mới, xây dựng cái mới.
Tuy nhiên, vấn đề chính là chất của "phản đối".
Nếu là phản đối gắn với tri tính, tức là gắn với suy nghĩ/động não thực sự thì mới mong có được sự phản tỉnh.
Còn nếu phản đối chỉ đơn thuần là hành động phá rối không kèm theo tri tính, tức không suy nghĩ/động não thực sự thì mãi chỉ là phá rối. Không có ý nghĩa hướng đến sự tự giác ngộ.
Kêu gọi người khác suy nghĩ nhưng bản thân mình lười suy nghĩ. Kêu gọi dân chủ nhưng hành động của mình lại hoàn toàn không có gì là dân chủ, thậm chí là phản dân chủ. Kêu gọi tôn trọng quyền con người nhưng hành động của mình là phản lại nhân văn và phản lại nhân quyền. Kêu gọi tôn trọng sự thực, nhưng bản thân mình lại không ngại điêu toa. Kêu gọi thượng tôn pháp luật, nhưng bản thân mình đang không có ý định tuân pháp luật.
Cho nên, để phân biệt, có lẽ cần có câu nữa, là "Tôi phá rối tức tôi tồn tại".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét