Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Câu chuyện khó tin về một anh hùng dân tộc biến thành kẻ phản quốc

Lịch sử tràn đầy những chuyện thú vị khó tin, đôi khi là hoàn toàn không thể tưởng tượng, khơi lên những cảm giác trái ngược. Lúc được muôn người sùng bái như anh hùng dân tộc, lúc bị người người phỉ nhổ.

Mùa hè năm 356TCN, một người dân thành phố Ephesus của Hy Lạp có tên là Herostratus đã đốt cháy Đền thờ nữ thần Artemis. Khi bị tra tấn, hắn đã thú nhận hắn làm việc đó hoàn toàn chỉ để hắn trở nên bất tử và con cháu hắn sẽ nhớ đến tên tuổi hắn. Ngoài án tử hình, Herostratus còn bị tuyên một hình phạt sau khi chết là làm tên tuổi hắn bị lãng quên. Ở La Mã cổ đại, bản án đó gọi là Damnatio memoriae.
Tuy nhiên, sử gia Cổ Hy Lạp Theopompus đã ghi lại cho đời sau cả về tội ác, lẫn hình phạt của hắn và như vậy, Herostatus vẫn đạt được mục đích của hắn.
Ngay cả tên một tên tội phạm, người ta cũng đã chẳng thể quên nổi, còn nếu cần lãng quên tên tuổi một vị anh hùng dân tộc thì sao?
Chẳng hạn như Benedict Arnold, rõ ràng là một người anh hùng chân chính của nước Mỹ.
Một sĩ quan chói sáng mà George Washington đánh giá cao, trong trận đánh Bemis Heights đã chặn đứng cuộc đột kích của quân Anh, truy đuổi họ và bằng các hành động quyết liệt của mình đã đưa quân đội hoàng gia Anh đến chỗ thất bại. Chỉ 10 ngày sau, quân Anh đã đầu hàng ở Saratoga, còn bản thân trận đánh được coi là sự kiện bước ngoặt trong Chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ.
Vào cuối trận chiến, một viên đạn bắn trúng chân Arnold và giết chết con ngựa của ông. Khi ngã, con ngựa làm gẫy cái chân đó của Arnold. Vết thương quá nặng nên ông buộc phải rời khỏi quân đội.
Sau khi bình phục, người anh hùng được muôn người thừa nhận (người thực sự là cứu tinh của nước Mỹ) được bổ nhiệm làm tư lệnh quân quản Philadelphia, thủ đô tương lai của nước Mỹ, nơi ông ta đã bắt đầu cuộc sống xa hoa, lấy vợ, nhưng sau đó nhanh chóng bị cáo buộc lạm quyền và làm giàu phi pháp.
Sự túng thiếu tiền bạc đã đẩy Arnold đi đến sự phản bội trắng trợn và đã định giao nộp cho quân Anh pháo đài West Point lấy 20.000 bảng Anh, nhưng sự phản bội của ông ta đã bị khám phá. Arnold kịp chạy sang phía quân Anh, làm chuẩn tướng Anh, dẫn quân đánh lại quân cách mạng Mỹ, rồi được nhận 55.000 USD và chuyển sang Anh, nơi ông ta chết 20 năm sau đó.
Đó chính là câu chuyện một người anh hùng tầm cỡ dân tộc đã biến thành một kẻ phản bội dân tộc.
Người ta kể rằng, khi Benedict Arnold dẫn quân của Vua Anh tấn công lại những đồng bào cũ của mình ở Virginia, trong số các tù nhân của ông ta có một sĩ quan can đảm và dí dỏm. Đáp lại câu hỏi của Arnold: “Người Mỹ sẽ làm gì ta nếu bắt được ta?”, viên sĩ quan nọ trả lời: “Họ sẽ cắt cái chân đã từng bị thương khi ông đã chiến đấu vẻ vang vì sự nghiệp tự do, và chôn nó với nghi lễ quân đội, còn các phần còn lại của cái xác sẽ bị treo lên giá treo cổ”.
Cái chân của Benedict Arnold được tôn vinh. Còn Benedict Arnold mãi mãi là kẻ phản bội.
Chính điều đó gần như đã được thực hiện. Năm 1887, người ta đã dựng một tượng đài nhỏ cho một cái chân của Benedict Arnold, nhưng không ghi tên ông ta. Mặt sau, tượng đài có ghi: “Để tưởng nhớ “người lính xuất sắc nhất” của Lục quân lục địa, người đã bị thương ở nơi này trong cuộc tấn công của (tướng Anh) Burgoyne vào đồn phía tây ngày 7/10/1777, đã giành được chiến thắng cho đồng bào mình trong trận đánh quyết định của Cách mạng Mỹ, giành cho bản thân mình quân hàm thiếu tướng”.
Một sự công bằng kỳ lạ của người Mỹ dành cho người anh hùng-phản bội Benedict Arnold của họ.
Theo VIETNAMDEFENCE.COM

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: