Paul Nguyễn Hoàng đức
Không có danh thật là bất hạnh! Đó là cách mà người Trung Quốc gọi là “vô lại”, một thứ bất hạnh lớn nhất của trần gian, bởi vì cuộc sống khi đó giống bèo bọt trôi trên sông chẳng để lại bất kỳ một dấu vết nào, hoặc như một tiếng hô vào vách đá bé đến mức không thể thấy tiếng vọng ra.
Nếu danh chỉ vì lợi, mà lợi là dục vọng của con người, điều đó thật không đơn giản chút nào. Nhưng đại văn hào Dostoievski đã nói cách thật dễ hiểu: “Nổi tiếng là sống trong tim trong não người khác”. Đây là một phương ngôn rõ ràng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nổi tiếng ư, chẳng phải trong óc người khác thường trực có hình ảnh của ta là gì. Nhưng làm sao để cư trú được trong óc của người khác? Muốn thế ta phải có cống hiến gì về trí tuệ, về học thuyết, hay về isme?! Còn cư trú trong tim ư, ta đã cống hiến gì cho trái tim của người khác khiến người ta rung động? Người Việt có câu “ Thế gian chuộng của chuộng công/ nào ai có chuộng người không bao giờ”. Không làm gì thì đừng có mong nổi tiếng trong tim trong óc người khác! Ấy mà tuy vậy, vẫn có những kẻ lười chảy thây ruồi đậu mép không thèm đuổi, hy vọng dùng một số mẹo vặt để được cấp visa đi vào óc vào tim người khác. Mẹo đầu tiên là mượn thế ỷ dốc của hội đoàn, thôi rồi các loại ưu tiên, nào đăng báo, nào in sách, nào hộ chiếu đi tây tầu, rồi mấp mé vào cửa chung kết của các ban giám khảo. Nhưng mượn thế hội đoàn cũng chẳng khác gì thỏ mượn oai cáo, nhìn thấy sư tử đích thực liền run lẩy bẩy. Chưa hết người ta làm sao có thể nổi tiếng được trong một dàn đồng ca? Muốn trội hơn người, số này liền tung ra chiêu lĩnh xướng bừa bãi, muốn đánh lừa mọi người rằng, tôi phải thế nào mới được lĩnh xướng chứ. Kết quả có hàng loạt các sáng tác dị hợm ra đời, nào sex tóe loe, sex tùm lum, bạ đâu cũng sex, rồi văng tục chửi bậy cả trong nghệ thuật lẫn ngoài đời để trấn áp người khác… Nhưng than ôi cách làm cò con đầu gấu chợ búa đó làm sao có thể bước tới ranh giới của thi hào?
Một lần tranh luận, có vài người trong cuộc nói rằng: chỉ có người mẫu, ca sĩ, diễn viên , cầu thủ mới có ngôi sao. Còn nhà văn , nhà thơ là những người có đẳng cấp tinh thần cao hơn hẳn những cổ họng, những vòng eo, những động tác thì không thể bị gọi là ngôi sao. Tuy vậy, nhưng có rất nhiều tác giả thơ văn thích hội chứng sao. Có người lên đọc thơ còn tự giới thiệu “ Nguyễn A xin kính chào quí vị”. nghĩa là anh ta dùng lối chào tự giới thiệu của các ca sĩ hay MC, vì sợ người ta chưa biết đến tên mình. Câu chuyện giới thiệu dù nhỏ thôi, nhưng cho chúng ta biết về ứng xử văn hóa. Chuyên môn nào có văn hóa của chuyên môn đó, là nhà thơ tại sao người ta lại nhầm địa chỉ , và háo danh đến độ dùng cách giới thiệu của ca sĩ?
Nổi tiếng là khao khát chính đáng của con người nhưng chỉ trong trường hợp người ta thực tài, thực đức, và thực việc làm. Còn trái lại chỉ là thứ ngụy danh. Người Trung Quốc quan niệm có ba loại nổi tiếng:
1-Lập công: giống anh lính lập công trên chiến trường vậy. Loại này thấp nhất.
2- Lập danh: muốn danh tiếng nổi như cồn, muốn thành sao, muốn best seller. Loại này cao hơn.
3-Lập Đức: là cách âm thầm làm nên những giá trị đạo đức, hoặc giúp đỡ người, hay làm từ thiện mà chẳng cần ai biết đến công lao của mình cả. Loại này cao nhất.
1-Lập công: giống anh lính lập công trên chiến trường vậy. Loại này thấp nhất.
2- Lập danh: muốn danh tiếng nổi như cồn, muốn thành sao, muốn best seller. Loại này cao hơn.
3-Lập Đức: là cách âm thầm làm nên những giá trị đạo đức, hoặc giúp đỡ người, hay làm từ thiện mà chẳng cần ai biết đến công lao của mình cả. Loại này cao nhất.
( Trích 'Bêu danh thành sao')
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét