Muốn biết người dân nghĩ gì, muốn gì thật quá đơn giản. Công việc này nếu báo chí, văn học nghệ thuật thay đổi cách làm từ trước tới nay, phản ảnh trung thực đời sống xã hội, không chỉ nhằm tuyên truyền là biết liền! Nhưng liệu như vậy bề trên có chấp nhận không? Đây mới là mấu chốt mà hầu như rất ít khi được những vị đại biểu cho người dân đặt câu hỏi! Nếu các quan đi thực tế chưa chắc đã nắm được. Ở cở sở người ta sẽ đón tiếp lọng trọng bằng những biểu ngữ thật to và nghệ thuật sắp đặt sẽ bày ra để các vị ngâm cứu. Chưa chắc đã thấy vấn đề nếu vẫn trống dong cờ mở rầm rộ từ xưa tới giờ. Tất nhiên còn một cách khác. Bề trên phải cải trang vi hành, lặng lẽ chạy xe máy một mình. Hình như cũng đã có người làm việc này nhưng hiếm hoi lắm. Dù sao còn quan chiêm đến người dân như một số vị dưới đây, bàn dân biết ơn nhiều lắm!
- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc MTTQ Lù Văn Que nói, muốn biết dân nghĩ gì thì phải đi thực tế, không thể ngồi trong 4 bức tường phán “tào lao”.
Sáng nay, UB TƯ MTTQ VN họp tổng kết hoạt động của các hội đồng tư vấn, trước thềm Đại hội MTTQ VN sắp diễn ra.
Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân nêu một số vấn đề, trong đó có hiệu quả thực hiện chức năng giám sát, phản biện, đặc biệt quan tâm hàng đầu liệu những hoạt động của MTTQ đã chạm đến nhân dân thực sự.
Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân |
Làm thế nào để biết được lòng dân, hiểu được dân nghĩ gì, phản ánh đúng nguyện vọng của người dân, qua đó giám sát hiệu quả thực tiễn? - ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.
GS Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học - giáo dục kể, một hôm, ông nhận được điện thoại của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Nội dung trao đổi xoay quanh các phương án kỳ thi chung quốc gia lúc đang trong giai đoạn lấy ý kiến và có nhiều tranh luận trái chiều.
Ông chợt giật mình khi nghe những băn khoăn, trao đổi của Phó Thủ tướng bởi lẽ ra MTTQ phải nhạy bén, thức thời, vào cuộc ngay lúc đó tham gia giám sát, phản biện với không ít thành viên của mình chính là các nhà khoa học, giáo dục đầu ngành trên cả nước.
Lắng nghe được dân nghĩ gì không phải là câu hỏi dễ nếu thiếu sự nhạy bén. GS Nguyễn Lân Dũng cũng dẫn ra một cuốn sách gây xôn xao dư luận gần đây không xuất bản chính thức trong nước mà ông cho rằng, có những thông tin rất nên được phản ứng trở lại để dân hiểu rõ.
“Liệu lòng dân đã nghĩ đúng hay sai khi tiếp nhận thông tin? Vậy thì các hội đồng tư vấn phải phản ánh nguyện vọng đúng hay không đúng của dân để xã hội lành mạnh”.
Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học - giáo dục Nguyễn Lân Dũng |
Hay một cuộc triển lãm gần đây ở Hà Nội khi chưa chuẩn bị thấu đáo, không phản ứng kịp thời dẫn đến phản ứng của dư luận phải đóng cửa. Nhưng lý do nêu ra đóng cửa là mất điện theo ông lại rất trẻ con. “Ngày nay dân có rất nhiều nguồn thông tin và có nhiều tư duy khác nhau lắm, nên không thể đáp lại dư luận một cách trẻ con” - GS nói.
Chức năng giám sát, phản biện xã hội là “vinh dự, trách nhiệm” của MTTQ nhưng theo ông phải làm hiệu quả, tiết kiệm. Ngay việc tổ chức bộ máy như hiện nay là sự lãng phí lớn, nhiều khi có cuộc họp triệu tập thành viên từ Nam ra Bắc 20 người đi dự, mỗi người chỉ nói một vài câu. GS kiến nghị chỉ nên duy trì mỗi hội đồng một số nhân sự chủ chốt, còn lại tổ chức cộng tác viên không cố định, dựa trên từng nội dung, chuyên đề riêng.
'Lực bất tòng tâm'
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc Lù Văn Que nói cơ chế, nhiệm vụ, quyền hạn của các hội đồng vẫn hạn chế nên dù muốn làm nhiều nhưng “lực bất tòng tâm”.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc Lù Văn Que |
Ông cũng cho rằng, muốn biết dân nghĩ gì thì phải đi thực tế, không thể ngồi trong 4 bức tường phán “tào lao”. Cần đổi mới một số cơ chế chính sách, tạo điều kiện để hoạt động khảo sát từ thực tế được chú trọng nhiều hơn.
Ông cho rằng phải tránh tính hình thức, hành chính trong các hoạt động.
“Nhiều khi chúng tôi đi khảo sát thực tế về cặm cụi viết bao trang giấy, gửi lên không thấy ai nói gì, anh em cảm thấy tủi thân, không biết làm được hay không?” - ông Que chia sẻ.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa - xã hội Nguyễn Túc cũng khẳng định, giai đoạn hiện nay đã khác, phải đặt vấn đề “nghe dân nói, nói dân nghe”, giám sát, phản biện, chứ không phải hoạt động theo kiểu tổ chức hành chính. Muốn giám sát, phản biện tốt thì phải chuyên sâu và chuyên lâu.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa - xã hội Nguyễn Túc |
Trong nỗ lực cơ cấu hiệu quả hoạt động của MTTQ VN, ngoài 7 hội đồng tư vấn đang hoạt động thường trực, kiến nghị về lập một hội đồng tư vấn về dư luận xã hội đang được xem xét.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2014 - 2019 là nhiệm kỳ UB TƯ MTTQ VN các cấp thực hiện nghị quyết Đại hội Mặt trận lần thứ VIII với những trọng tâm về công tác tuyên truyền “Mặt trận lắng nghe nhân dân nói, nói cho nhân dân hiểu” và thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân theo những quy định trong Hiến pháp.
Với chức năng tư vấn, các hội đồng tham gia giám sát, phản biện xã hội các nội dung liên quan đến lĩnh vực tư vấn theo yêu cầu của Ban Thường trực UB TƯ MTTQ.
Ông lưu ý, các hội đồng cần có trao đổi thông tin kịp thời, bám sát nhiệm vụ của MTTQ hằng năm để tư vấn cho đúng, cho trúng. MTTQ Việt Nam cam kết chậm nhất trả lời mỗi tháng những vấn đề thắc mắc của các hội đồng và MTTQ Việt Nam có thể “đặt hàng” đột xuất đối với các hội đồng.
Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét