Thoát Hoa – Cuộc vượt ngục mới
Gần đây, trên mạng đã bắt đầu nói tới từ THOÁT TRUNG. Về mặt nội dung, tôi hoàn toàn tán thành việc nói tới việc đào thoát ra khỏi một nhà ngục đang kìm kẹp hướng đi đến tương lai của dân tộc. Đó là một việc trọng đại cần cùng suy nghĩ thậm chí là phải bắt đầu một văn hóa biết chấp nhận “đồng ý với việc có bất đồng”, chứ không chỉ là vấn đề hô hào kích động tinh thần, chém gió áp đặt người khác bằng đủ thứ lý luận dân tộc chủ nghĩa. Tuy nhiên, cá nhân tôi thích từ THOÁT HOA hơn là THOÁT TRUNG, để tránh những việc hô hào dân tộc chủ nghĩa có tính đối phó, thời sự trước mắt. Cho dù không xảy ra sự kiện giàn khoan, chúng ta vẫn phải nghĩ đến việc thoát ly khỏi ảnh hưởng xấu của VĂN HÓA TRUNG HOA, chúng ta sẽ không thiển cận nghĩ rằng phải tỏ một thái độ cực đoan với người Trung quốc chỉ để chứng tỏ rằng mình yêu nước.
Tôi đã đọc bài Thoát Trung Luận của Giáp Văn Dương, bài của Nguyễn Nhã, đã nghe Trần Ngọc Vương nói, đọc nội dung của cuộc tọa đàm của quỹ Phan Chu Trinh và nhận thấy Thoát Hoa còn là một con đường dài cả về nhận thức và hành động. Trước hết, dường như chúng ta có rất nhiều mong muốn, nhưng chúng ta vẫn chưa tính đến các ràng buộc và những khó khăn, do đó chúng ta vẫn hô hào và thực ra chưa có giải pháp. Và sau rất rất nhiều năm, chúng ta lại đối diện với vấn đề này, không tiến hơn được so với tiền nhân một bước nào.
Phải nhận thức rằng những cố gắng THOÁT HOA trong quá khứ, dù chúng ta sẽ mãi tự hào và trân trọng, nhưng không phải là những lần vượt ngục thành công triệt để. Bằng chứng là hết lần này tới lần khác, chúng ta vẫn luôn luôn phải ra những tuyên ngôn mới. Nếu như tuyên ngôn “đánh cho dài tóc, đánh cho đen răng” và võ công của Quang Trung là một cuộc THOÁT HOA thành công, làm sao đến hôm nay chúng ta vẫn phải băn khoăn, làm sau ngay sau đó các đời vua dù chống đối lẫn nhau vẫn phải nhận sắc phong “An Nam Quốc Vương”. Miến Điện, Thái Lan và Lào đâu là nước lớn mạnh hơn ta, đâu có nhận tước phiên vương, và đâu có bị Trung quốc đe dọa hết lần này đến lần khác. Vì vậy, THOÁT HOA hay không chính là ở chúng ta, không cần nhìn vào Trung Quốc. Trong Tứ Đại Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tiến hành Thoát Hoa thành công, cần gì tìm kinh nghiệm ở đâu xa, cũng là trước hết họ hiểu họ muốn gì.
Nếu đọc qua văn học, sách vở Trung Quốc, chúng ta thấy người Việt Nam ta suy nghĩ còn theo lối Trung hoa cổ hủ hơn cả người Trung Quốc. Những tư tưởng mà họ đã muốn vứt đi cả rồi, ta vẫn còn giữ chằng chằng. Nào là Kinh Dịch, âm dương bát quái, địa lý,… có lẽ người Việt còn mê và thạo hơn cả người Trung Quốc. Trong lịch sử cũng có chuyện, khi người Trung Quốc đã bỏ lối ăn mặc phong tục từ thời Đường, Tống, thì người Việt Nam ta vẫn giữ phong tục của Đường Tống và tự hào về điều đó, tự hào là giữ văn minh Hoa Hạ hơn cả người Trung Quốc.
Nếu chúng ta chỉ chống Trung Quốc ngoài mồm, không tháo bỏ những xích xiềng về thói quen, cách nghĩ bên trong, thì cuộc THOÁT HOA sẽ thất bại ngay từ đầu. Không đơn giản là chúng ta không dùng hàng hóa Trung Quốc, không hợp tác kinh tế với Trung Quốc, không dùng nguyên vật liệu, không bán hàng cho Trung Quốc, không tìm hiểu về văn hóa, lịch sử ngôn ngữ Trung Quốc thì có nghĩa là chúng ta đã THOÁT HOA.
Chúng ta tự hào về việc sử dụng chữ cái La Tinh. Đó là một điều kiện may mắn cho việc Thoát Hoa nhưng không hề là dấu hiệu là chúng ta đã Thoát Hoa thành công, vì nó không phải là nỗ lực nội tại của chúng ta, mà chỉ là một món quà tặng ngẫu nhiên của lịch sử và cố gắng thành công của một nhóm người đáng kính.
Tuy nhiên, như người tù khổ sai Papillon trước ngàn trùng sóng bể cũng phải thấy được hết những khó khăn nguy hiểm để mài sắc quyết tâm đi tới tự do, có lẽ cũng cần hé lộ những khó khăn của việc THOÁT HOA, để xem ai là người đồng hành, đỡ phải mất thời gian cưu mang vô ích những người thoái chí. Vì nói và tưởng tượng đến đích thì dễ, nhưng mấy ai dám trả giá trên đường đi. Trước hết, về kinh tế, THOÁT HOA sẽ tránh được sự phụ thuộc bấp bênh vào nguồn nguyên liệu, thị trường và những tiểu xảo của thương lái Trung Quốc. Nhưng cả một bộ máy nhập xuất phi mậu dịch cũng là chính chúng ta tạo dựng nên, ai bỏ được cám dỗ của những đồng tiền dễ dàng. Thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, là phải đầu tư vào công nghệ, sẽ không có những tiến sĩ, giáo sư quanh năm rảng ranh, dễ dàng mang bằng cấp ra nói chuyện vu khoát “không đàm ngộ quốc”. Tất cả sẽ đo bằng hiệu quả công việc, bằng các mối hàn, bằng các dòng lệnh, bản thiết kế theo tiêu chuẩn. Tất cả sẽ phải đi vào khuôn khổ của ISO như những cậu học trò của hệ thống giáo dục châu Âu, phải nắn nót từng trang từng chữ, bị khiển trách. Liệu có chịu được không.
Về mặt tinh thần, việc tự lực tạo ra một hệ thống giá trị mới (vốn phải là công việc của nhiều thế hệ) là một việc không tưởng. Chúng ta chỉ có một lựa chọn duy nhất là hội nhập với tư tưởng phương Tây. Chỉ có văn hóa phương Tây, khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại, các giá trị nhân bản về cá nhân con người đã được thử thách qua nhiều thế hệ mới có khả năng dứt chúng ta khỏi cơn nghiện quay trở về hệ thống tư tưởng phi nhân Trung Quốc.
Chúng ta cần phải dứt khoát THOÁT HOA đến mức không phải sợ hãi khi cần tiếp xúc học hỏi những giá trị tích cực của TRUNG HOA, như người Nhật, người Hàn đã làm. Nhưng trước mắt, chúng ta sẽ phải hiểu nhiều hơn về Socrates, Aristotelles, Platon hơn những Khổng Lão Mặc, về Washington, Napoleon, Robespierre,… nhiều hơn những Đường Thái Tông, Bao Chửng, Lưu Gù,… Chúng ta sẽ phải biết nhiều đến logic, nhị phân, tương đối luận,… hơn những Kinh Dịch, Bát Quái mơ hồ mà chóng vánh cho chúng ta được cảm giác là người uyên bác. Lười suy nghĩ mà có cảm giác nganh hàng với các chuyên gia hàng chục năm kinh nghiệm sau một thời gian chỉ mất công lý luận mơ hồ ai mà không thích, không mê. Liệu chúng ta có gan từ bỏ vầng sáng đó để trở thành một cậu bé học việc chuốt từng giòng lệnh, mối hàn.
Những vấn đề chúng ta mới đặt ra ngày hôm nay, đã có những tiền nhân đi trước, lao tâm khổ tứ, thậm chí trả bằng cả xương máu tính mạng để thể nghiệm vạch ra các bước cụ thể. Chúng ta sẽ không phải đi từ đầu, chỉ cần chúng ta quyết tâm làm điều đó và trước hết có một con đường đi khả dĩ là Âu Hóa.
Vấn đề trước tiên là Âu Hóa có thể mang đến cho chúng ta một tương lai tươi sáng hay không. Các cuộc cải cách thành công của Nga, Nhật, Hungari đều là Âu Hóa và sau đó họ đều trở nên hùng mạnh hay sống sót và trở nên văn minh. Người Thái Lan ngay từ thế kỷ 14, 15 dưới triều vua Asoka đã cử sứ thần sang Âu Châu để hướng tới văn minh, trong khi đầu thế kỷ 19, chúng ta vẫn không tin có đèn điện. Chúng ta học thuộc và nói theo những thành tích tự ru ngủ của văn minh Trung Hoa. Cần phải thấy rằng, người Hy Lạp đã biết Trái Đất tròn, tính được chu vi với sai số chưa tới 1/1000 trong khi người Trung Hoa vẫn khăng khăng Trái Đất hình vuông cho tới gần đây. Tôi không bao giờ tin có một logic chủ toàn có khả năng phát triển cơm no áo ấm, thay thế tư duy phân tích. Toàn bộ vật dụng xung quanh ta đều dựa trên phát minh của khoa học công nghệ Tây phương. Hầu như các dân tộc có tư duy minh triết nhưng lờ mờ đều phải vật lộn với đói nghèo khốn khổ.
Vấn đề thứ hai, các thói quen có thể thay đổi hay không. Chúng ta ngày nay thích uống rượu vang hơn rượu quốc lủi, ngồi xe hơi hơn cưỡi ngựa, để tóc ngắn hơn tóc dài, ăn mặc gọn ghẽ, sống có vệ sinh có lý gì không thể thay đổi các thói quen đã hủ lậu mọt ruỗng. Trước hết chỉ cần chúng ta bớt lười suy nghĩ, sống và làm việc một cách bình thường, như những người bình thường lương thiện trên đời là đủ
————-
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét