Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Tôi muốn người dân và binh lính Trung Quốc đọc bài này:

(Kênh 13) – Hàng ngàn cựu binh Trung Quốc từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Việt Nam, nay phản đối chính quyền bỏ rơi họ, và họ có thể bị đánh đập, bị tù trong một cuộc chiến khác với các cán bộ chính quyền.
Ảnh: Cựu binh Trung Quốc phản đối việc họ bị chính quyền bỏ rơi
Ảnh: Cựu binh Trung Quốc phản đối việc họ bị chính quyền bỏ rơi
Hiện ngày càng nhiều cựu binh Trung Quốc tham gia các cuộc phản đối việc được hưởng trợ cấp lương hưu thấp, cùng thái độ vô cảm của các “đầy tớ nhân dân”, theo hãng tin Pháp AFP.
Cựu binh cao tuổi cũng bị no đòn
Cựu binh Teng Xingqiu cho biết: “Công an nói với tôi, rằng họ hy vọng tôi sẽ chết trong tù”. Người đàn ông gầy yếu này hoạt động phản đối nên đã bị kết án 3 năm tù hồi năm 2009. Thân thể ông Teng mang những vết sẹo mà ông nói đó là hậu quả của những trận đòn mà công an giáng xuống người ông.
Khi đồng ý hẹn gặp phóng viên AFP, ông Teng 56 tuổi đưa mắt quan sát những máy quay phim bảo vệ an ninh trên các con phố, rồi mới chọn một quán hàng rong để ngồi nói chuyện.
Tình hình căng thẳng trên biển Đông hiện nay, từ khi Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, là diễn biến mới nhất trong quan hệ Việt- Trung.
Từ sự kiện này, ông Teng nhắc lại việc ông từng là lính đóng ở biên giới Trung-Việt trong cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu hồi tháng Giêng 1979, khi Bắc Kinh tuyên bố “phải dạy Hà Nội một bài học” về việc Việt Nam đưa quân tình nguyện qua Campuchia giúp tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot, một đồng minh của Trung Quốc.
Cựu binh Teng mặc quân phục đi phản đối
Cựu binh Teng mặc quân phục đi phản đối
Ông Teng nói: “Là công dân Trung Quốc, dĩ nhiên chúng tôi muốn ra trận tuyến để bảo vệ đất nước. Nhiều đồng chí đã hy sinh, nhiều người trong trung đội tôi tử trận”.
Chiến tranh biên giới 1979 là cuộc chiến trên bộ lớn gần đây nhất của bộ đội Trung Quốc, và bị quân đội Việt Nam đánh bại, phải rút quân sau gần 1 tháng chiến đấu. Họ công nhận bị chết 6.954 lính, trong khi số liệu khác nêu số lính Trung Quốc tử trận là hơn 20.000 người.
Nhà sử học Mỹ gốc Trung Quốc Xiaoming Zhang nói: “Cuộc chiến ấy rất khốc liệt. Dân thường Việt Nam bí mật kết hợp với quân đội, ngay cả phụ nữ và người già cũng sẵn sàng bắn chúng tôi, khủng khiếp lắm”.
Nhưng dù Bắc Kinh trơ tráo tuyên bố thắng trận khi rút quân, nhưng không hề có một tượng đài quốc gia nào được xây để kỷ niệm cuộc chiến bại ấy. Bắc Kinh cũng hiếm khi nhắc lại nỗi nhục chiến tranh ấy, kể cả khi họ lớn tiếng cáo buộc tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc 1.400 lần ở khu vực biển gần giàn khoan Haiyang Shiyou 981.
“Nỗi đe dọa cho sự ổn định của xã hội”
Mỹ có hàng trăm bộ phim và tiểu thuyết kể về sự thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam của riêng họ, nhưng trải nghiệm chiến tranh biên giới của cựu binh Trung Quốc hiếm khi được nói đến. Các câu chuyện này luôn bị kiểm duyệt gắt gao.
Cùng lúc, Bắc Kinh bắt đầu cải tổ, phần nào thay nền kinh tế bao cấp để chuyển qua nền kinh tế thị trường. Là quân nhân xuất ngũ, ông Teng được cấp việc làm tại một xí nghiệp quốc doanh, nhưng sau đó ông bị sa thải, nên ông đành kiếm sống bằng nghề thu gom rác.
Neil Diamant, một giáo sư ở đại học Dickinson (Mỹ) đã nghiên cứu nhiều hoạt động đòi quyền lợi của cựu binh Trung Quốc, nói những người lính như ông Teng đã bị “bỏ rơi” bởi chính sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, và nay nhiều người phải đi xin ăn, phải chịu chi phí y tế tốn kém.
Trung Quốc thường tuyên bố hỗ trợ tối đa cho các cựu binh – ước tính hàng triệu người -nhưng các quy định lại chồng lấn lên nhau, và khi áp dụng lại rất tệ.
Ông Teng kể mỗi tháng, ông kiếm được khoảng 1.000 Nhân dân tệ (160 USD) từ những việc vặt, nhưng ông nghĩ lẽ ra chính quyền phải cho ông hưởng mức lương hưu tương đương mức thu nhập 2.800 NDT ở thành phố Yiyang của ông, thuộc tỉnh Hà Nam (miền trung Trung Quốc).
Ông Teng bị kết án 3 năm tù vì tội “tụ tập gây rối nơi công cộng”, sau khi ông cùng nhiều cựu binh mặc quân phục đến trước các cơ quan công quyền để phản đối.
Cựu binh Teng khoe huy chương
Cựu binh Teng khoe huy chương
Trung Quốc đã chứng kiến hàng trăm cuộc phản đối hàng năm của hàng ngàn cựu binh, với hơn 10.000 cựu binh tham gia các cuộc phản đối ở 11 tỉnh hồi cuối tháng 5. Các cựu binh vẫn thể hiện tinh thần yêu nước của họ, như nhóm nọ ở tỉnh Hồ Bắc thường hát bản “Chiến đấu ca” trong đó có lời “thề quyết đập tan đế quốc Mỹ” trong cuộc phản đối gần đây.
Những cuộc phản đối này là một trong những nỗi đe dọa lớn nhất cho sự ổn định xã hội tại Trung Quốc, theo lời Xue Gangling, Hiệu trưởng Trường đại học chính trị – pháp luật Trung Quốc, nói với báo Tài Kinh có uy tín ở Trung Quốc hồi năm ngoái.
Cũng năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ cắt giảm số quân, trong một nỗ lực cải tổ quân đội nhằm lập một đạo quân thiên về không chiến và hải chiến. Tuyên bố này càng làm tăng nỗi lo ngại rằng các cựu binh sẽ tăng cường phản đối.
Nhưng chính quyền xem các cuộc phản đối có tổ chức là một nguy cơ nên mạnh tay trấn áp. Bên cạnh đó, bất kỳ lời nói việc làm nào tỏ ý bất trung với quân đội – một rường cột của Đảng Cộng sản Trung Quốc – cũng là lời nguyền rủa nhắm tới các lãnh đạo Trung Quốc, những người luôn nhấn mạnh rằng Quân đội giải phóng nhân dân phải luôn tuân thủ mọi chỉ đạo của Đảng.
Các nhà báo Trung Quốc giấu tên, nói với phóng viên AFP: “Các nhà kiểm duyệt chặn mọi tin tức về những cuộc phản đối liên quan quân đội”. Giáo sư Diamant nói: “Các vấn đề quân sự luôn nhạy cảm, người ta cảm thấy sự nguy hiểm cực kỳ cho các cựu binh vận động mà không có sự hậu thuẫn nào. Người cơ nhỡ, các nhà bảo vệ môi trường có thể phản đối, nhưng các cựu binh thì cấm chỉ”.
“Tụi tao đánh mày cho chết”
Ông Teng thường xuyên kháng nghị vượt cấp ở Bắc Kinh, nhưng cán bộ địa phương lại giam ông bất hợp pháp. Khi ở tù, ông thường xuyên bị đánh đòn, quản giáo còn buộc ông ăn cơm đổ tràn xuống sàn xà lim. Ông kể với AFP: “Họ bảo: nếu mày không nhận tội, tụi tao sẽ đánh mày đến chết”.
Nay, mọi hoạt động của ông Teng đều bị giám sát, công an lắp đặt một máy quay phim bên ngoài nhà ông. Công an cũng bắt giam ông 24 giờ sau cuộc nói chuyện giữa ông với AFP. Họ cảnh cáo ông không được tiếp xúc với báo chí.
Các cán bộ thành phố Yiyang từ chối bình luận về vụ việc của ông Teng khi AFP liên hệ.

Wang Guolong, một cựu binh từng có 14 năm đi lính và nay tham gia phản đối, cho biết: “Họ bắt ông Teng để cảnh cáo chúng tôi chớ nên tụ tập đông người. Nhưng hoàn cảnh chúng tôi cũng thế. Có hàng triệu cựu binh đói khổ như chúng tôi trên đất nước này”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: