Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Vẫn là đường xưa lối cũ:

Truyện ngắn  của Đặng Văn Sinh
unnamedVăn Việt: Đặng Văn Sinh sinh năm 1947 tại  Hải Dương, tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Là giáo viên Trung học phổ thông đã nghỉ hưu. Tác phẩm: Tập truyện ngắn: Khúc Trương Chi- 1992), Nước mắt của biển- 1997), Ảo ảnh -2000), Đêm trăng Tả Giàng  2002), Rừng Ken Chải - 2004) Tiểu thuyết: Người đàn bà trong lửa-1991), Vàng máu- 1994), Ga tàu - 1995), Hoa mận dại - 2001), Thanh kiếm Phù Tang - 2006), Bến Lở- 2008)

Tranh Tào Linh
 Thời còn trẻ, lúc nào Cao Học Ngâm cũng tự nhận mình là người Hà Nội để lòe thiên hạ. Thực ra quê hắn là một làng bán sơn địa miền trung châu mang đậm dấu ấn của nền văn minh đá ong.
 Bên kia sông Cái, đối diện với bãi chuối làng Hạ là khoảng không xa vời, nhìn đến ngút tầm mắt trong cái màn sương bàng bạc của buổi chiều mưa bụi. Ngã ba Hạc Trì nhập nhòa lẫn vào muôn ngàn ngọn sóng xô đẩy những tiếng vỗ cánh nhè nhẹ của đàn nhạn nước từ chín mươi chín chóp núi vùng Đất Tổ, sắp theo hình mũi tên, lặng lẽ bay qua.
 Ông thân sinh là  nhà nho nhưng Học Ngâm lại mù đặc thứ chữ vuông đầy tính biểu tượng. Hình như đầu óc hắn có vấn đề. Bởi lẽ, lúc ấy, Hán học tuy đã vào thời mạt vận nhưng không ít bạn bè cùng lứa đọc thuộc lòng Tam Tự Kinh, thì trái lại, hắn chỉ viết được mỗi cái tên nguệch ngoạc như gà bới.
 Lúc mới lọt lòng mẹ, ông bố nhìn thấy thằng con trán thấp, đầu bẹp, lưng dài, chân tay ngắn, lắc đầu bảo:
 -Tướng thằng này mai sau chỉ là phường làm mướn, nếu gặp may được chức quan nhỏ khó tránh khỏi vòng lao lý…
 Để hãm bớt phần nào cái tương lai chẳng mấy tốt lành mà quẻ tiên thiên Sơn địa bác[*] với đường chủ mệnh nằm ở hào sáu đầu** đã ngầm chỉ ra, ông đồ có ý định đặt tên cho cậu con thứ là Hối. Chữ “hối” bên trái có bộ “tâm đứng”, bên phải có chữ “mỗi” hàm ý con người luôn luôn phải tu tỉnh, sửa những điều sai trái của mình mỗi ngày.
 Được khoảng hai tháng, cu Hối bị bệnh phỏng trân châu, mụn nước vỡ loang ra khắp người, bỏng rát, làm hắn khóc xoe xóe như bị đồng cô bóng cậu về ốp. Bà Nhiêu Cảnh bên làng Vẽ bày cho cách ngâm thằng bé vào nước vỏ só pha với mật kỳ đà.
 Môn thuốc của con mẹ lang băm tỏ ra khá hiệu nghiệm. Sang ngày thứ ba thì Hối khỏi bệnh nhưng từ đấy da hắn chuyển sang màu nâu sẫm, thậm chí có vùng còn đen bóng chẳng khác gì mực tàu của ông bố mỗi khi viết chữ Nho. Bà mẹ hắn lúc ấy đã đã trạc tam tuần, nhìn thằng con vai u, nước da quái dị buột miệng bảo chồng:
 -Khỏi phải tìm tên nữa, theo tôi, cứ đặt nó là thằng Ngăm.
 Ông bố ngẫm nghĩ một lúc rồi khẽ gật đầu:
 -Cũng được, nhưng tên chữ thì gọi là “Ngâm”, nghĩa là đọc thơ văn diễn cảm, có ngữ điệu chứ không phải ám chỉ nước da “ngăm ngăm” như bà nghĩ.
 Hơn chục năm sau, khi đã choai choai, Học Ngâm giỏi đánh giậm và hay ăn cắp vặt, nhất là trứng gà. Trong xóm, nhà nào có gà đẻ là hắn rình rập thó cho bằng được dăm quả đút túi áo hoặc nhét giỏ cá mang ra đồng mút sống. Mãi sau này mọi người mới vỡ lẽ, đó là bài thuốc chữa bệnh da đen hắn học được từ một gã thầy Tàu chuyên nghề bẫy chim ngói ở Miễu Cò.
 Một lần Học Ngâm chôm được ổ trứng của bà Sáo Sậu, lẻn ra đến bờ ao thì bị tóm. Ông chủ nhà vừa  thua bạc về, đang cay cú, tức mình quật cho tay đạo chích mấy hèo rồi điệu sang giao cho thầy đồ. Chuyến ấy hắn bị một trận nhừ tử nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Mút trứng sống lâu ngày đã thành nghiện, thỉnh thoảng không được tráng miệng vài quả là hắn ta ăn không ngon ngủ không yên.
 Chưa đầy mười lăm, Học Ngâm đã sớm nổi máu gió trăng. Mùa hè, vào lúc chạng vạng, hắn hay lảng vảng dọc đường làng giả đò thả ống lươn hoặc cắm hóc*** cá chuối để nhìn trộm đàn bà con gái tắm truồng.
 Làng Hạ Lôi lắm ao chuôm, xung quanh trồng toàn tre gai. Gã đánh giậm lẩn khuất như ma, luồn từ bụi này sang bụi khác, phóng cặp mắt đùng đục, đảo loang loáng như mắt linh miêu làm chị em sợ hết hồn.
 Hôm ấy Học Ngâm sang đánh giậm ở cồn Mắt Quỷ. Mắt Quỷ là bãi cát bồi nằm lệch về phía hữu ngạn sông Sọc Dưa. Dải phù sa này hẹp nhưng vô cùng màu mỡ, dân Hạ Lôi chuyên trồng ngô và dâu tằm.
 Dịp ấy vào đầu tháng ba. Cả một rừng ngô xanh thẫm đang trổ cờ rì rào trước làn mưa bụi cuối xuân. Dưới sông sóng vỗ lao xao. Trên cao, bầy chuồn chuồn màu lá úa cắn đuôi nhau, chao đi chao lại như mắc cửi.
 Một con giang to đùng, mỏ dài như cặp kìm thợ rèn, từ bụi dừa nước, nghe tiếng mõ giậm oàm oạp vội cất mình bay lên. Nó vừa sải cặp cánh kềnh càng vừa lầu bầu chửi gã phá đám bằng thứ âm thanh kèn kẹt làm lũ chuồn chuồn hoảng hồn vội giạt ra, xô nhau, ẩn vào vườn chuối.
 Vào đúng lúc ấy, Học Ngâm từ dưới rộc bước lên, thoáng nhìn thấy bóng áo nâu non, trống ngực hắn tự nhiên đập thình thịch. Người phụ nữ lom khom vơ cỏ xếp vào quang, đôi lúc ngừng  tay sửa những sợi tóc mai lòa xòa trên má lấm tấm mồ hôi.
 Đấy là chị Hồi, một phụ nữ nạ dòng nổi tiếng làng Hạ vì có thành tích chưa đầy chục năm đã lần lượt tiễn hai ông chồng về chốn cửu tuyền, cho dù cả hai đều khỏe như vâm và chẳng hề có bệnh tật gì.
 Chị Hồi xấp xỉ ba mươi, người tầm thước, lưng eo, mông nở, có đôi gò má cao quá mức bình thường, và, đặc biệt lúc nào cũng ửng đỏ như là vừa nhấp vài ngụm rượu. Học Ngâm đảo mắt liếc quanh, cổ họng như bị ai bóp nghẹt, cứ nuốt nước bọt khan. Người thiếu phụ giả bộ cắm cúi cắt cỏ nhưng thỉnh thoảng lại liếc ngang thả cái nhìn đong đưa.
 Về khoản ấy thì gã trống choai này khá tinh ý. Hắn khẽ khàng vứt đồ nghề vào rãnh ngô, lẳng lặng tiến lại gần chị cắt cỏ. Chị Hồi nhìn trước nhìn sau rồi cũng quẳng liềm, vạch cây ngô lần vào giữa ruộng…
 Nhưng cuộc tình vụng trộm của Học Ngâm với người đàn bà nạ dòng chẳng kéo dài được bao lâu. Đúng chín ngày sau, chị Hồi chết đuối sau vụ lật thuyền ở vụng Giải. Mấy ả muộn chồng chuyên ngồi lê đôi mách bảo chị Hồi mắc chứng loạn tình, loại bệnh này ở dương gian vô phương cứu chữa nên hai đức lang quân  yểu mệnh gọi chị xuống âm phủ đoàn viên.
 Tất nhiên là làng Hạ Lôi không biết tí gì về mối quan hệ bí mật giữa Học Ngâm với người đàn bà quá cố. Buổi chiều, sau khi cánh phu đò vớt được xác chị Hồi đưa về làm ma thì đêm hôm ấy gã đánh giậm ra bờ sông làm chiếc thuyền bẹ chuối, trên để bát cơm quả trứng (vừa mới xoáy được ở quán bà Phó Đam) cùng mớ giấy tiền và ba nén nhang thả xuống nước tiễn hồn cố nhân. Vậy là cũng xong một kiếp người. Hắn gục mặt vào hai bàn tay, nước mắt lã chã rơi…
 Sự học đối với gã đánh giậm lúc ấy chẳng có gì là hệ trọng. Thậm chí hắn sẵn sàng quẳng sách vở vào bếp nếu không có ngọn roi mây của ông bố dữ đòn. Học Ngâm có trí nhớ không tồi nhưng đầu óc lại ù lỳ, hoàn toàn thiếu khả năng suy nghĩ mạch lạc. Các thày giáo chẳng hiểu vì sao đều nhất loạt coi hắn như một học trò cá biệt, còn bọn con gái thì luôn dè chừng vì cặp mắt hắn lúc nào cũng như muốn lột trần người ta ra mà săm soi.
 Vào dịp cuối hè năm Mùi, lớp tổ chức cắm trại ở Ba Vì bên xứ Đoài. Nửa đêm, anh chàng lần mò sang dãy lều con gái sờ soạng, bị đám nữ sinh tóm được. Họ châm nến soi rõ mặt kẻ tội đồ sau đó trói lại trình ông đốc trường.
 Học Ngâm bị trận đòn nhớ đời của mấy anh em nhà cô nữ sinh bị hắn sờ ti. Chuyện ấy cũng khốn nạn chẳng kém gì hình phạt đuổi học ngay sau đó. Hắn nhục quá chẳng còn dám vác mặt về làng Hạ, đành nhắm mắt đưa chân, dông thẳng ra thành phố, hy vọng tìm được việc làm kiếm miếng ăn độ nhật.
 Lang thang đầu đường xó chợ gần một tháng, Học Ngâm xin vào làm phu hồ cho một đội thợ ngõa. Lúc ấy mới bắt đầu thời kỳ hòa bình, nhiều công trình tiêu thổ kháng chiến giờ cần được tái thiết. Công việc khá nhiều, nhân lực lại hiếm, thành thử, loại dân lưu tán như hắn không đến nỗi chết đói.
 Đối với gã đánh giậm, cuộc đời từ đây đã sang trang mới. Thời kỳ bị kiềm tỏa bởi ông bố gia trưởng vĩnh viễn lùi vào quá khứ. Hắn trở thành kẻ tự do nhất trần đời nếu so với hoàn cảnh trước đây.
 Tuy nhiên, chưa đầy một năm đánh vật với vôi vữa, ăn ở nhếch nhác, thu nhập lại thấp, Học Ngâm đã chán đến tận mang tai, đang tính nước chuồn thì dịp may đến bất ngờ. Cô con gái ông trưởng phòng tổ chức liếc mắt đưa tình với chàng trai làng Hạ. Cô này cũng là gái quê nhưng thuộc thành phần õng ẹo, hành xử với thiên hạ theo kiểu trưởng giả học làm sang.
 Công bằng mà nói nàng ta có gương mặt không xấu với chiếc mũi khá duyên dáng, đặc biệt là cặp mặt đa tình, lúc nào cũng liếc trai lem lém. Nhũ danh  cha mẹ đặt cho là  Khuê, nhưng từ khi lên thành phố, để cho ra vẻ là tiểu thư chốn kinh kỳ, cô bèn thêm cho mình mỹ tự Mộng thành Hồ Thị Mộng Khuê. Đến đây cần  phải mở ngoặc thêm vài dòng cước chú, nếu không bạn đọc sẽ đặt câu hỏi, vì sao, con một gia đình cán bộ, xuất thân từ thành phần cơ bản thuộc giai cấp công nông mà bỗng chốc phải lòng gã thợ xây cha căng chú kiết.
 Nguyên do Học Ngâm là tay dẻo mỏ, thuộc trường phái mồm miệng đỡ chân tay và có tài bắt chước. Ở nhà, bị ông bố đè nén, bây giờ như chim sổ lồng, gã thề quyết chí lập thân bằng mọi giá.
 Qua một thời gian làm nghề phụ vữa, tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội, Học Ngâm cóp nhặt đủ kiểu đầu Ngô mình Sở vốn kiến thức táp nham, sau đó gã chế biến, xào xáo theo  phong cách Trạng Lợn rồi tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà vận dụng làm điểm nhấn cho những cuộc nói chuyện tào lao. Thói láu cá ấy, sau này nghĩ lại, chính hắn cũng phải tự khâm phục mình.
 Từ đấy, mỗi khi đám đông chạm đến đề tài sở trường là Học Ngâm thao thao bất tuyệt, hót có ngọn có ngành bằng chất giọng tuy thớ lợ đôi chút nhưng lại hàm chứa sự uyên bác rởm, khiến cho những người vốn ghét cay ghét đắng hắn cũng phải gật đầu tán thưởng. Với ông cựu đánh giậm làng Hạ Lôi, đấy có vẻ như là một thứ năng khiếu trời cho. Sau này, trong cuộc đời dài dằng dặc của kiếp người, cho dù đã mấy lần lên voi xuống chó, hắn đều nghiệm ra, khoa lợi khẩu đã hơn một lần cứu hắn thoát khỏi vòng lao lý.
 Vậy là nàng Mộng Khuê không phải người đẹp đầu tiên bị Học Ngâm cho ăn quả đắng bằng mấy ngón tài vặt. Cũng bởi cái liếc mắt đưa tình của cô con gái rượu mà ông bố trưởng phòng tổ chức ký quyết định cho gã phụ nề đi học trung cấp xây dựng.
 Lúc này lại đẻ ra một khó khăn. Nếu chuyển trình độ học vấn sang ngang theo tiêu chuẩn của bộ giáo dục thì thực chất Học Ngâm chưa tốt nghiệp cấp hai. Ông trưởng phòng lại phải một phen làm  trò xiếc để gã con rể tương lai được vào khoa dự bị.
 Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Cho dù ba năm tòng học khá vất vả vì vốn kiến thức vừa hụt hẫng vừa chắp vá, cuối cùng Học Ngâm cũng có được mảnh bằng tốt nghiệp hạng trung bình.
 Thời ấy, loại nhân viên kỹ thuật quốc doanh như hắn đắt chẳng khác gì tôm tươi. Ông trưởng phòng tổ chức, lúc này đã là phó bí thư đảng ủy, không bỏ lỡ thời cơ, làm văn bản xin đích danh hắn về phòng kỹ thuật công ty. Hiển nhiên, từ đây, Học Ngâm có thể nói lời chia tay với cánh phu hồ, chính thức bước vào “bàn giấy”, làm anh cán bộ chỉ tay năm ngón. Oai ra phết.
 Khổ một nỗi, anh chàng kỹ thuật viên mới ra lò vốn sẵn bệnh phong tình, mà phòng kỹ thuật lại có nhiều em trẻ, đẹp, hơn hẳn cô nàng Mộng Khuê giờ chẳng biết ăn phải thứ gì mà đã phát phì ra như chiếc thùng tô nô.
 Từ lâu, tình cảm của Học Ngâm đối với con gái ông phó bí thư vốn đã bàng bạc như sương chiều thu trên mặt hồ Tây, cứ chập chờn, chập chờn vừa loãng vừa mỏng, nay lại được chất xúc tác từ đám giai nhân trí thức khiến hắn lờ đi chuyện cưới xin mà cứ chơi bài lửng lơ con cá vàng.
 Chưa đầy hai tháng sau khi về công ty, Học Ngâm bị dính đòn vì dám cả gan thộp ngực cô Bòng. Nàng nhân viên can vẽ tái xanh mặt mày (không biết thật hay giả), hét toáng lên, chẳng kể gì đến thể diện gái trinh. Hắn bị cơ quan cảnh cáo về tư cách đạo đức, tác phong sinh hoạt đồi trụy rồi tống xuống đơn vị sản xuất, tiếp tục nghề vôi vữa.
 Bị đày đọa ở công trường đến năm thứ hai, Học Ngâm nhờ được ông bố một người bạn chuyển cho về tỉnh H. Tuy nhiên, cái án kỷ luật nằm trong hồ sơ cứ như lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu nên lúc nào hắn cũng nơm nớp lo sợ. Hắn giả vờ rập khuôn theo những nguyên tắc giáo điều nhiều khi rất vô lý của đám đông, chấp nhận kiểu sống lá mặt lá trái, thậm chí còn hạ mình phục vụ vô điều kiện ông trưởng phòng kỹ thuật để gây dựng niềm tin.
 Công việc đầu tiên tạo được chút ấn tượng với các vị lãnh đạo là Học Ngâm tham gia vào nhóm thiết kế hội trường nhân dân. Đó là một tòa nhà cố tình nới rộng chiều ngang, được lai ghép theo mẫu kiến trúc công nông binh của nước Nga Xô viết với kiểu dáng đền thờ cổ Hy Lạp nhưng lại để cho bốn mái diềm khá kệch cỡm chìa ra trông vừa nặng nề vừa tức mắt.
 Tất nhiên đấy không phải là tác phẩm riêng của một ai mà là công trình tập thể dưới sự chỉ đạo của ông trưởng ty xuất thân từ thành phần cố nông đã qua khóa đào tạo sáu tháng sơ cấp xây dựng. Có điều sau này, khi nhóm thiết kế tản mát mỗi người một nơi, hắn lại tự động đóng nhãn Made in Hoc Ngam vào “công trình kiến trúc nổi tiếng” ấy mà chẳng thèm bận tâm đến chuyện bản quyền.
 Với những người ngoại đạo, Học Ngâm thường giở khoa bịp bằng những thuật ngữ chuyên môn như Baroc, Rocchocho, classics hoặc Tân cổ điển, Hậu hiện đại, công năng, đơn nguyên vv… làm đám cử tọa chẳng có chút khái niệm gì về ngành kiến trúc, xây dựng cứ nghển cổ ra mà nghe, bái phục “ông anh” là bậc tài hoa.
 Sau vài công trình xây dựng vụn vặt, đại loại như mấy dãy nhà cấp bốn bệnh viện X, khu tập thể hai tầng nhà máy Y ngăn ra từng ô như chuồng chim, hoặc trụ sở hợp tác xã mua  bán huyện Z, Học Ngâm được xếp vào loại cán bộ có chuyên nhưng thiếu hồng. Hồng ở đây là phẩm chất cách mạng được cụ thể hóa bằng danh hiệu đảng viên.
 Chuyện này đối với chàng cựu đánh giậm khó bằng lên trời. Đến lúc ấy các nhà tổ chức rất tinh tường và mẫn cán mới thật sự sờ đến cái lý lịch rất không bình thường của hắn. Mấy năm trước, việc Học Ngâm được đi học làm ông chủ tịch xã gần như phát điên lên, không phải vì thành phần gia đình (nhà hắn xếp loại trung nông), mà cái chính là, có kẻ nào đó dám vượt quyền địa phương, chứng nhận vào lý lịch một thằng vô tổ chức, từng có thành tích bất hảo để hắn ta chui vào cơ quan nhà nước. Vậy là hồ sơ của Học Ngâm bị ủy ban xã “ngâm”lại.
 Mọi cánh cửa dẫn đến con đường vào đảng  gần như đã  khép kín. Hắn hiểu rất rõ, thời buổi này, nếu không có mác “đỏ” thì suốt đời chỉ là con tốt đen cho dù anh có tài giỏi cách mấy. Sau nhiều đêm mất ngủ, Học Ngâm chủ động xin xuống đội sản xuất của công ty xây dựng để “tự rèn luyện” đồng thời viết đơn đi học tại chức nhằm nâng cấp mảnh bằng đang mỗi ngày một mất thiêng bởi hằng năm công ty lại được bổ sung hàng loạt kỹ sư trẻ mới ra trường.
 ***
 Vào thời điểm Học Ngâm suy sụp tinh thần nhất thì hắn lại quyết định lập gia đình. Người tình trăm năm của hắn, cô Bích Toan vốn là gái quê nhưng cũng thuộc loại mỏng mày hay hạt, tổ trưởng công đoàn, đã hăm tám xuân xanh vậy mà có vẻ như vẫn còn kén chọn.
 Cuộc tìm hiểu  kết thúc chóng vánh bằng một lễ cưới giản dị . Cặp uyên ương được bố trí ở một gian nhà cấp bốn trong khu lán trại công trường vừa chật vừa nóng bức.
Có điều, chuyện ấy chẳng mấy quan trọng. Cái chính là chàng trai làng Hạ đã có vợ. Cuối cùng thì hạnh phúc gia đình cũng nằm trong tầm tay. Ở đời, con người ta mất cái này thì được cái khác. Đó là lẽ thường.
 Trong khi Học Ngâm đang thi tốt nghiệp những môn cuối cùng thì ở nhà Bích Toan sinh một tiểu thư. Con bé khóc ba ngày ba đêm liền. Hình như có chuyện thần giao cách cảm thật. Tại trường đại học, hắn ta chẳng nhận được tin tức gì mà bụng dạ nóng như lửa đốt đành nhờ một thằng bạn đèo xe đạp ra ga mua vé về thị xã H.
 Nhìn thấy bố, đứa trẻ sơ sinh chẳng những không nín mà còn gào to hơn. Cả nhà rối lên. Bà mẹ vợ vật vã khóc cho là ma làm, bắt phải mời thầy cúng giải hạn. Vừa lúc ấy, ông phó chủ nhiệm công ty xách một túi đường sữa đến thăm. Lạ thay, vừa nhìn thấy vị lãnh đạo có bộ râu quai nón, con bé toét miệng cười…
 Đứa lớn chưa đầy ba tuổi, Bích Toan lại đẻ một thằng con trai. Kịch bản cũng lặp lại y hệt lần trước, nghĩa là chỉ  khi ông sếp phó biết tin, mang quà đến thăm, cậu quý tử họ Cao mới nín khóc.
 Lúc này, Học Ngâm đã được làm phó trưởng phòng kỹ thuật công ty cho dù hắn vẫn chưa phải đảng viên. Cô Toan, sau khi sinh nở, người mỗi ngày một nhuận sắc, xinh xẻo như gái còn son. Ban chủ nhiệm chiếu cố đến hoàn cảnh khó khăn, điều về phòng tài vụ. Đến lúc này người thiếu phụ trẻ mới bộc lộ hết tài ngoại giao của mình. Chẳng biết cô ta giở những chiêu gì mà chưa đầy một năm đã có quyết định chuyển về phòng kế toán ủy ban huyện, còn ông chồng kỹ sư được kết nạp đảng , sau đó lên chức phó chủ nhiệm công ty.
 Ai cũng thấy cuộc đời Học Ngâm đang lên hương. Hắn bắt đầu học bài lên xe xuống ngựa theo tác phong của các đại gia. Hắn hòa nhập một cách dễ dàng vào hệ thống vận hành của guồng máy quản lý và nhanh chóng phát hiện ra, làm quan, dù là loại quan tép riu cũng cần phải có nghệ thuật, rằng quyền lực và các mối quan hệ có đi có lại là điều kiện tối cần thiết để làm giàu bằng con đường tắt. Đời người thì ngắn, đời làm quan lại càng ngắn, nếu không tranh thủ thời cơ, đến khi về vườn sẽ trắng tay.
 Thế nhưng, trong cái môi trường làm việc nửa dơi nửa chuột này, đâu chỉ mình Học Ngâm biết tính toán. Xem ra, thiên hạ còn khối  kẻ lõi đời. Bởi vì từ lâu, công ty đã hình thành mấy phe cánh luôn gầm ghè rình rập, chỉ đợi đối phương sơ hở là lập tức thọc dao găm vào sườn nhau.
 Người đời vẫn nói, quan trường như chiến trường, quả không sai, ngồi chưa nóng chỗ, cái ghế phó chủ nhiệm của Học Ngâm đã bị chiếu tướng, vì trong số các lãnh đạo công ty, chỉ hắn có bằng đại học.
 Ông chủ nhiệm, trình độ học vấn mới qua lớp bảy bổ túc, tạo nên sự chênh lệch đáng kể trong tương quan lực lượng. Hắn lại mới nhiễm thói hách dịch, thích ăn to nói lớn, đắc tội với không ít đồng nghiệp, tuy trong đầu rỗng tuếch. Vậy là một chiến dịch tẩy chay phó chủ nhiệm kỹ thuật được ngấm ngầm sắp đặt. Hắn thuộc loại ngựa chẳng còn non nhưng háu đá, sẵn sàng lao vào cuộc tao ngộ chiến, còn thắng hay bại thôi thì đành nhờ vào số phận.
 Không may cho Học Ngâm, vào thời điểm nhạy cảm này, vợ hắn, nàng Bích Toan, trưởng phòng kế toán, dính vào vụ B35 cùng với khá nhiều quan chức địa phương, tham ô hàng chục ngàn tấn thóc lấy tiền chia nhau. Vụ việc vỡ lở, kho nhà nước rỗng không mà tiền mua thóc đổi hạt đã giải ngân, đến hạn không giải trình nổi, cả dây lốc nhốc kéo nhau vào trại tạm giam, trong đó có ông cựu phó chủ nhiệm râu xồm, đang là chủ tịch ủy ban nhân dân huyện K.
 Đến lúc ấy Học Ngâm mới cay đắng nhận ra, hai đứa con hắn, thực ra chẳng có đứa nào là con hắn. Đứa đầu có lẽ là máu mủ của lão phó chủ nhiệm công ty, còn đứa sau, chỉ trời mới biết là sản phẩm của ông sếp nào mặc dù lúc nó ra đời gã rậm râu cũng vác mặt đến thăm.
 Bích Toan cùng đồng bọn bị khởi tố sau gần sáu tháng giam cứu. Ra tòa, cô ta và gã nhân tình lĩnh mức án mười hai năm. Hành Ngâm mất mặt với đám đồng liêu, bất chấp đạo nghĩa vợ chồng, viết đơn ly dị khi vợ vừa nhập trại cải tạo.
 Hơn một năm sau, hắn lấy vợ mới. Người nâng khăn sửa túi cho ông phó chủ nhiệm lần này là một nhà giáo chuyên dạy thể dục ở  trường trung học có bà mẹ kém chồng mười tuổi. Cái cảnh con rể hơn tuổi mẹ vợ đẩy Học Ngâm vào thế khó xử nên ít khi hắn dám dàn mặt nhạc mẫu.
 Cô giáo Vân Thê thuộc type phụ nữ không phải là kém nhan sắc nhưng vì cách đấy ít lâu, do nhẹ dạ cả tin, đánh đu với một gã thợ vẽ bịp bợm, bị lừa, gây ra tai tiếng nên mất giá. Vân Thê thương hoàn cảnh của ông phó chủ nhiệm, chấp nhận gá nghĩa Châu Trần nhưng dứt khoát không đồng ý nuôi hai đứa con riêng của chồng. Anh chàng đã một lần bị cắm sừng không biết làm thế nào đành phải về quê lạy van ông bố mở lượng hải hà cưu mang hai cháu.
 Tất nhiên, ông đồ già không hề biết, cái gọi là gia đình của hắn trước đây chỉ là một thứ tổ ba vạ cho lũ tu hú vô gia cư hứng lên vào đẻ trứng nhờ. Ghét con thì ghét thật nhưng dù sao những đứa cháu vẫn là máu mủ nhà mình, ông phải đổi giận làm lành.
 Năm năm qua, thực sự là những chuỗi ngày tháng căng thẳng đối với Học Ngâm, vì hắn vừa phải tìm cách khắc phục nền tài chính eo hẹp sau bi kịch gia đình, vừa phải chống chọi với các thế lực kình địch trong công ty lúc nào cũng nhòm ngó cái ghế phó chủ nhiệm như cú nhòm nhà bệnh.
 Đúng là người tính không bằng trời tính. Ngay từ lúc mới chào đời, quẻ tiên thiên đã chỉ ra đường quan lộ của chàng trai làng Hạ bị đứt đoạn quả không sai. Hắn bị công nhân tố giác sau vài phi vụ thông đồng với tay đội trưởng rút ruột công trình xây dựng. Ông trưởng phòng kế hoạch cùng với đoàn thanh tra của tỉnh còn phát hiện ra chuyện gian lận vật liệu trong quá trình thi công trụ sở ngân hàng nông nghiệp.
 Bằng chứng khá rõ ràng, Học Ngâm không cãi được cho dù hắn là kẻ rất to mồm mỗi khi biện bác. Trong cuộc họp đảng ủy, hắn bị phe lấy “hồng” làm tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất cán bộ, biểu quyết khai trừ khỏi đảng, đề nghị cách chức phó chủ nhiệm, chuyển hồ sơ sang viện kiếm sát yêu cầu truy tố về tội lợi dụng chức quyền tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Với tội danh ấy, theo Bộ luật Hình sự, hắn có thể phải “nhập kho”****, ngồi bóc lịch giết thời gian ít nhất bảy niên.
 Học Ngâm như kẻ mất hồn, chạy xuôi chạy ngược tìm thầy thợ giải cứu, hy vọng may ra thoát khỏi kiếp cơm tù. Mấy hôm sau, có một người đàn ông trạc bốn mươi đến gặp hắn vào buổi tối. Anh ta trước đây ở đội xây dựng, một năm đói quá, nhà lại đông con, phải đạp xe sang núi Gôi mua sắn khô ăn độn, chẳng ngờ, về đến cầu Ngà thì bị  quản lý thị trường vồ được.
 Chuyến ấy người công nhân khốn khổ đáng ra mất trắng mà lại còn bị phạt nữa, thật may, gặp xe ông phó chủ nhiệm vừa đi công tác về chớm đến đầu cầu. Sau một hồi dàn xếp, cánh thuế vụ nể đồng chí lãnh đạo công ty, tha cho. Nhớ ơn ấy, anh ta gợi ý Học Ngâm đến gặp cậu mình là ông Dương Đăng. Ông này là nhân sĩ, nghỉ hưu từ lâu, chẳng chức tước, quyền hành gì, thậm chí còn không là đảng viên nữa, nhưng tiếng nói lại rất có trọng lượng với bí thư, chủ  tịch tỉnh.
 Bất chấp liêm sỉ của bậc quân tử (tuy rằng hắn chưa bao giờ có cái đó), Học Ngâm quỳ sụp xuống vừa lạy vừa khóc, cầu xin ân nhân cứu mạng.
 Căn cứ theo lời thoán của hào lục ngũ***** trong quẻ Bác mà suy thì số hắn chưa đến nỗi phải đáo tụng đình. Hơn nữa, ông Dương Đăng là người giàu lòng vị tha, biết thừa Học Ngâm có tội nhưng vẫn trổ hết tài thuyết khách cứu hắn. Vậy là tay cựu phó chủ nhiệm thoát khỏi bộ quần áo sọc nhưng buộc phải về hưu non kèm theo những lời răn đe khá nặng nề từ những quan chức đầu ngành.
 Về vườn vài năm, gặp thời đất nước mở cửa, ngửi thấy mùi kinh tế thị trường, Học Ngâm làm hồ sơ xin thành lập công ty xây dựng. Nói là công ty nhưng thực ra chỉ là một đội thợ nề chuyên sửa chữa lặt vặt . Vốn đi vay, nhân lực thuê theo thời vụ, việc làm buổi có buổi không, thu nhập chẳng đáng là bao mà thuế thì tháng nào phòng tài chính cũng cho người đến tróc làm ông giám đốc phát hoảng, chưa đầy một năm đã phải vội xin giải thể.
 Sau đận ấy, Học Ngâm còn mở vài công ty nữa với nhiều loại ngành nghề kể cả nghề hút bể phốt nhưng đều thất bại. Cuối cùng Học Ngâm quyết định thành lập Công ty kinh doanh Chim cảnh. Có lẽ, sau mấy chục năm lăn lộn trường đời đầy gió bụi, giờ hắn mới tìm được cái nghề đúng sở trường.
 Công ty Chim cảnh có tên chính thức HanhngamVet Co.Ltd của hắn không nhập loại hàng sặc sỡ, lòe loẹt từ Hongkong, Macau hay Thailand  mà có một đội ngũ kỹ thuật viên sành nghề chuyên săn bắt và thuần hóa các dòng vẹt bản địa. Hắn là người đầu tiên phát hiện ra vẹt Việt Nam là loài chim  bắt chước giỏi nhất trần đời.
 Sau khi được tiêm loại chế phẩm kích thích vào tuyến yên do một gã ma cô vốn là đệ tử làm ăn của Học Ngâm từ biên giới “nước lạ” tuồn về, lũ vẹt đột nhiên xuất hiện khả năng kỳ lạ. Chúng không chỉ  biết nhắc lại  một số từ ngữ có âm tiết phức tạp mà còn ứng khẩu “sáng tác” những câu văn vần đại loại như là thơ câu lạc bộ phường nhưng thanh điệu thì chưa được chuẩn cho lắm.
 Với mặt hàng có một không hai trên đời đó, Học Ngâm trở thành nhà sản xuất độc quyền khu vực Đông Nam Á, doanh thu mỗi ngày một tăng. Ông chủ công ty còn xây dựng dự án mời chuyên gia nước ngoài dạy vẹt tiếng Ăng lê, tiếng Pháp và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ để xuất khẩu hàng sang thị trường Âu châu quảng bá cho nền công nghiệp sinh vật cảnh nước nhà.
 Chẳng biết vì doanh nghiệp làm ăn có lãi, đóng góp ít nhiều vào ngân sách tỉnh hay bởi tài bẻm mép, biết làm đẹp lòng các vị lãnh đạo, Học Ngâm được cơ cấu vào một hội đồng tư vấn địa phương mà nội dung hoạt động chính là, mỗi năm một lần họp để… vỗ tay, sau khi nghe ông tổng thư ký đọc bài tổng kết mùi mẫn rồi kéo nhau ra quán Bốn Mùa đánh chén.
 Chưa hết, cũng do tài lobby politician  trong những cuộc chén chú chén anh bằng tiền chùa như thế, một quan chức có tầm cỡ nghe bùi tai còn mạnh dạn đề cử hắn vào chức chủ tịch Hội chim, chó cảnh.
 Lại một lần nữa đời lên voi, ông giám đốc công ty tư nhân trong cơn phấn khích, đặt in hai ngàn năm trăm tấm danh thiếp, kê khai tất cả chức tước, thành tích cũng như các loại giải thưởng, kể cả hai giải khuyến khích của CLB thơ ngách 16, phường BL…
 Chỉ trong chưa đầy năm năm, cô giáo giảng dạy môn thể dục thể thao đã sinh cho Học Ngâm hai ái nữ. Cô nào cũng giống bố như đúc, nghĩa là làn da ngăm ngăm nhuộm vỏ só, khuôn mặt vừa thô vừa to quá cỡ cùng với cặp mắt tròn tựa hai hòn bi ve lúc nào cũng lờ đờ như mắt chuột khói.
 Tuy chỉ số thông minh của các cô bé này chỉ ở mức khiêm tốn nhưng Học Ngâm luôn tự huyễn hoặc mình là vợ chồng hắn đã sinh ra những nữ thần đồng. Hắn không tiếc tiền, mời đủ các loại thầy đến nhồi nhét vào đầu con gái rượu hầu hết các môn học thời thượng, còn việc chúng tiêu hóa ra sao thì hãy cứ đợi đấy . Nghe nói, một trong hai đứa đã bắt đầu có triệu chứng rối loạn tiền đình …
 Công ty đang liên tục phát triển thì đầu tháng trước, ông giám đốc tự nhiên mắc căn bệnh quái lạ, bị ngất xỉu trên đường đi thăm một mối hàng.
 Tại bệnh viện, các bác sỹ chẩn đoán là viêm bọng đái. Nói chung loại bệnh này dễ chữa, thậm chí không cần phải mổ. Thế nhưng, sau năm ngày điều trị theo phác đồ bằng những loại thuốc đặc hiệu, bệnh hắn không những không đỡ mà còn có nguy cơ mỗi ngày một nặng.
 Ông giám đốc đau quá kêu rống lên như lợn bị chọc tiết, bệnh viện liền quyết định can thiệp bằng dao kéo.
Hóa ra, trong tế bào bàng quang của Học Ngâm đã nhiễm một loại virus của bệnh dại từ loài vẹt hoang dã lây sang. Đây là chủng siêu vi lần đầu tiên được phát hiện ra ở Việt Nam nên các thầy thuốc nội địa, trong đó có những vị giáo sư tiến sỹ nổi tiếng, sau khi hội chẩn cũng phải lắc đầu.
 Căn bệnh bí hiểm này có chữa được không chắc còn phải chờ vào sự tiến bộ của nền y học thế giới trong tương lai, nhất là các nhà khoa học đã từng đoạt giải Nobel.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: