Hồng Khanh(thực hiện)
Nhiều kiểu trưởng giả học làm sang trong kiến trúc lắm đặc biệt ở phía Bắc. Sự học đòi chỉ làm tổn hại tiền bạc. Bản chất của kiến trúc đâu chỉ là tiền – Ông Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam chia sẻ.
Nhân ngày Kiến trúc Việt Nam (27/4), ông Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với PV Vland về những suy nghĩ của ông về sự phát triển của nền kiến trúc và thế hệ KTS hôm nay.
Kiến trúc xanh không phải là mốt
PV: Xã hội ngày càng phát triển nhu cầu cũng ngày càng phát triển hơn. Không chỉ là ăn no, mặc ấm mà phải là ăn ngon mặc đẹp và đối với nhu cầu ở cũng vậy. Giờ đây nhu cầu ở không chỉ đơn thuần là một mái nhà. Ông có đánh giá như thế nào về nhu cầu và xu hướng phát triển của kiến trúc trong cuộc sống hiện đại ngày nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Vạn:
Kiến trúc bao giờ cũng phải gắn liền với cuộc sống và gắn liền với thực trạng của xã hội và đất nước. Đất nước giàu có thì kiến trúc phát triển và ngược lại. Có chiến tranh thì kiến trúc không thể lên được. Kiến trúc là một sản phẩm có điều kiện để phát triển. Tất nhiên thời đại nào thì có kiến trúc thời đó.
Ngày nay nhiều gia đình đã có tích lũy và khi tích lũy thì như truyền thống dân tộc Việt Nam có ăn có mặc phải có ở. Thậm chí có một số vùng ăn chưa no, mặc chưa tốt nhưng phải lo chỗ ở tốt. Nhưng cũng có vùng họ không thực sự quan trọng về chỗ ở như ở Đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn. Điều đó là tùy vào thiên nhiên, khu vực, văn hóa vùng miền. Càng ngày kiến trúc càng cải thiện đặc biệt là lớp trẻ họ có nhu cầu thay đổi không gian, kiểu sống, nếp sống. Điều này đã tạo ra sự chuyển biến trong kiến trúc. Và đó là xu hướng phát triển tốt đáng ghi nhận.
Tuy nhiên xã hội càng phát triển thì người ta nghĩ đến môi trường chung. Không chỉ dừng lại ở không gian nội tại mà còn nghĩ đến việc giữ gìn không gian xung quanh bền vững. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu. Riêng đối với ngành kiến trúc tiêu thụ khoảng 30% năng lượng. Từ đó người ta đặt ra vấn đề phải xoay kiến trúc sang một xu hướng là kiến trúc bền vững, thân thiện môi trường trong đó nổi bật là kiến trúc xanh.
Người ta bảo kiến trúc xanh là mốt thời đại. Nhưng thực ra đây không phải là mốt. Đó là nhu cầu của phát triển. Đi ngược lại nhu cầu này là chúng ta đang tự tiêu diệt chính mình. Đó cũng là lý do Hội KTS Việt Nam khuyến khích mọi người đi về với kiến trúc xanh. Bởi nó không chỉ đảm bảo cho cuộc sống hiện tại mà còn là tích lũy cho tương lai.
PV: Có một thực tế là nhiều người nhận thức rõ về kiến trúc xanh trong đời sống nhưng họ lại cho rằng kiến trúc xanh chỉ là dành cho giới thượng lưu lắm tiền nhiều của mới có thể “chơi” được kiến trúc xanh. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ông Nguyễn Tấn Vạn:
Khí hậu biến đổi nhanh chóng khiến con người nghĩ đến việc phải gắn nhiều vấn đề với việc phát triển xanh như du lịch xanh, kiến trúc xanh…
Người ta cho rằng kiến trúc xanh là mốt của người thượng lưu dành cho người giàu lắm tiền nhiều của mới làm được. Nhưng đâu phải như vậy.
Tôi nhớ ngày xưa cách đây khoảng 30 năm Việt Nam đạt được một giải thưởng quốc tế là ngôi nhà ở nông thôn với một lý thuyết là cân bằng sinh thái. Ngôi nhà nông thôn là tiêu biểu cho việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hợp lý. Đơn giản chỉ là trồng giàn mướp lấy mướp ăn, xử lý hệ thống biogas… Đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói một câu mà tôi nhớ mãi: Đây chính là con đường kiến trúc mà chúng ta phải theo. Chỉ có điều chúng ta đã không đưa nó thành được một phong trào, xu hướng.
“Trong kiến trúc nhiều trưởng giả học làm sang lắm”
PV: Nhận thức được con đường đi của kiến trúc mà chúng ta phải theo đuổi ngay từ những năm 70 nhưng lại không đưa thành được phong trào, xu hướng để đến bây giờ kiến trúc vẫn phải loay hoay trong phát triển kiến trúc xanh. Điều gì đã cản trở việc đẩy mạnh kiến trúc xanh cách đây 30 năm không thể thành một xu hướng mạnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Vạn:
Cuộc sống càng phát triển càng đặt ra bài toán rằng chúng ta đã mất mát nhiều quá. Cản trở lớn nhất ở đây là nhận thức. Bản chất không phải là tiền. Có người rất nhiều tiền nhưng không biết làm sẽ làm tổn hại đến kiến trúc, môi trường. Con người phải có nhận thức đúng thì mới có thể làm đúng. Phải vận động từ những người quản lý, những nhà đầu tư sau đó mới đến người xây dựng, kiến trúc sư.
Khó khăn lớn nhất là vận động được mọi người, chủ đầu tư nghe theo tư tưởng này rất chậm. Người ta đang chạy theo chủ nghĩa hình thức nhiều. Kiến trúc là cái đẹp nhưng cái đẹp không chỉ là hình thức mà còn là ở bản chất. Người ta đang chạy theo xu hướng kiến trúc hoành tráng, gờ chỉ, hoa lá… mà không nhìn thấy việc đáng phải làm. Nhiều kiểu trưởng giả học làm sang trong kiến trúc rất nặng nề đặc biệt ở phía Bắc. Sự học đòi chỉ làm tổn hại tiền bạc, không thích hợp với khí hậu miền Bắc nóng ẩm.
PV: Vậy Hội KTS Việt Nam cũng như bản thân mỗi KTS hiện nay đang làm gì để gây dựng tư tưởng kiến trúc xanh thành một xu hướng bởi hơn hết kiến trúc không chỉ cho hôm nay mà còn là cuộc sống mai sau?
Ông Nguyễn Tấn Vạn:
Vấn đề là phải tuyên truyền vận động. Phải có thái độ phê phán thẳng thắn. Khen cái hay thì được nhưng chê cũng không được ngại bất cứ ai.
Thứ hai là phải đào tạo đội ngũ kiến trúc sư. Chúng tôi đã có giải thưởng riêng cho sinh viên để thúc đẩy sự sáng tạo của họ. Chúng ta nói nhiều nhưng vẫn còn nặng về hành chính. Chúng tôi vẫn có những trang đen cho những công trình phản kiến trúc đấy thôi.
Bảo chúng ta nghèo nên làm kiến trúc không đẹp. Điều đó đâu có phải. Năng lực chúng ta có thể tự vận động nhưng chúng ta đang rất lạc hậu trong nghệ thuật kiến trúc. Có người qua bên Pháp nhìn nhà đẹp thế nhưng bên Pháp đẹp thì cứ để nó đẹp như vậy ở Pháp. Nếu anh bê nguyên kiến trúc đó về thì chỉ là sự lạc hậu. Thế giới đua nhau sáng tạo những điều mới hợp với xu hướng xã hội hiện đại thì tại sao ta lại rập khuôn, bắt chước như vậy?
Tôi phải nhắc lại rằng: kiến trúc hôm nay không chỉ đảm bảo cho cuộc sống hiện tại mà còn là tích lũy cho tương lai cho con cháu chúng ta. Đừng làm để rồi cháu con chúng ta phải gánh chịu hậu quả.
Xin cảm ơn ông!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét