Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Họ âm mưu làm cách mạng văn hóa chăng?


500_thumb_VKCG-300x150Chu Mộng Long – Câu chuyện bí mật lập Hội đồng bác bỏ luận văn Nhã Thuyên, thêm chuyện công khai sửa chữ trong Truyện Kiều, cùng với hàng loạt những hoạt động văn hóa những năm gần đây đã chứng minh một thứ tư duy văn hóa “hầm bà lằn” của những học giả “danh tiếng” Việt Nam.
Với tư cách những kẻ nhân danh tiếng nói chính thống – trung tâm, họ bác bỏ luận văn Nhã Thuyên vì đối tượng nghiên cứu là cái bên lề, nhưng cũng từ địa vị chính thống – trung tâm này, họ lại chủ trương bác bỏ những từ ngữ hàn lâm của đại thi hào Nguyễn Du, tùy tiện sửa chữ của Nguyễn Du cho thật dung tục để đưa kiệt tác của đại thi hào dân tộc ra bên lề dân gian.
Thế là sao?
Điều này có khác gì các hoạt động văn hóa – khoa học kì dị khác, cũng nảy sinh từ sự nhân danh chính thống – trung tâm. Một mặt, họ chủ trương kiên định Chủ nghĩa duy vật của Marx, nhưng mặt khác lại đề cao ngành Ma học, tôn vinh các nhà ngoại cảm và khuếch trương hoạt động duy tâm đồng bóng trong các lễ hội quốc gia.
Thế là sao?
Sách của Nhà xuất bản Văn Hóa – Thông tin, thì không thể nói là không chính thống!
Chẳng nhẽ nhóm Mở Miệng và Nhã Thuyên đã làm lung lay tận gốc cái lô cốt trung tâm, đẩy cái gọi là chính thống phải chạy loanh quanh bên lề???
Mà hình như… cái sự ‘hầm bà lằn” ấy có vẻ hậu hiện đại đấy?
Riêng cái món sửa hơn cả nghìn chữ trong kiệt tác Truyện Kiều để cho áng văn chương bất hủ kia bình dân hơn, đại chúng hơn, hiện đại hơn đã phản ánh đầy đủ não trạng ‘hầm bà lằn” của một nhóm những người mang danh nguyên khí của quốc gia.
Nhìn những câu chữ họ sửa chữa trong văn bản New Truyện Kiều của họ đủ thấy họ đã đái vào di sản văn hóa của dân tộc, như Andres đã đái vào Chúa.
Thực ra, người to gan đầu tiên dám sửa chữ khi bình Truyện Kiều là Xuân Diệu. Trong tập Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, khi bình Nguyễn Du, Xuân Diệu đòi sửa chữ “chen” thành “ben”: Rừng thu rỗ biếc ben hồng, vì ông cho rằng “chen” mang nghĩa xen lẫn không hay bằng “ben”, màu xanh bị “lang ben”; đòi sửa chữ “trĩu” thành “chíu”: Giọt sương chíu nặng cành xuân la đà, vì ông cho rằng “chíu” cũng là “trĩu” nhưng nhẹ hơn, tinh tế hơn.
Nhưng Xuân Diệu làm cái việc đó hoàn toàn nằm trong hệ thống tư biện của ông, không ảnh hưởng gì đến nguyên tác. Cái lí của ông là cho đến giờ không tìm thấy văn bản chữ Nôm của chính Nguyễn Du, hiện đang tồn tại nhiều dị bản chép lại, nên giữa chen với bentrĩu với chíu gần âm, với chữ Nôm đọc cách nào cũng được, quan trọng là chọn âm theo ông cho là hay. Tất nhiên ông quên rằng, chữ Nôm không chỉ biểu âm mà còn biểu ý chứ không thể tùy tiện.
Khi viết Truyện Kiều, ông quan Nguyễn Du đã từ bỏ địa vị trung tâm của nền văn chương Hán học, mượn lục bát để hướng ra bên lề cùng dân gian nhưng câu chữ vẫn lưu luyến với trung tâm – chính thống để né tránh sự trừng phạt, nếu có bị vua đánh trăm roi thì cũng đã chết rồi. Xem ra nhóm Kiều học mới này đang âm mưu làm một cuộc cách mạng văn hóa triệt để bắt đầu bằng việc Việt hóa, bình dân hóa, đại chúng hóa, hiện đại hóa 100% kiệt tác có một không hai của dân tộc. Cuộc cách mạng ấy phản ánh sâu sắc cái đuôi giấu kín lâu nay trong trình độ học thức của các giáo sư Việt Nam. Họ đang tư duy rằng, việc sửa chữa như thế không làm thay đổi nội dung của Truyện Kiều, vì lâu nay họ chủ trương bình Kiều, dạy Kiều chỉ với các nội dung: 1) Tố cáo chế độ phong kiến buôn thịt bán người, 2) Cất tiếng kêu thương cho thân phận phụ nữ dưới chế độ phong kiến thối nát.
“Chính trị đội lốt văn chương” là thế đó, các giáo sư đáng kính ạ!
Trình độ văn chương của họ chỉ có thế, họ tư duy chữa văn như thế, tôi không nghĩ họ “vô đạo” mà “phải đạo”, vì họ tư duy  vừa rất hậu hiện đại vừa kiên định lập trường cách mạng vô sản!
Tôi nghe bọn con nít tuổi teen có câu ranh ngôn: Ngu mà tỏ ra nguy hiểm, nghe chừng hậu hiện đại hơn mọi thứ hậu đậu, à quên, hậu hiện đại mà các giáo sư chính thống đang làm!
———————-

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: