Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

30 tháng 4: Vài ý kiến về Hòa hợp dân tộc.

Tôi tán thành nhiều ý trong bài này nhưng cũng không tán thành 1 số ý. Riêng câu khen "Người Mỹ đã làm được một việc đầy tính nhân văn, để thiên hạ ngưỡng mộ. Khi chiến tranh Nam Bắc Mỹ kết thúc. Bên thắng cuộc tuyên bố: trong chúng ta không có ai là người chiến thắng", thì tôi không tán thành. Chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ là chiến tranh giữa người Mỹ với người Mỹ; hoàn toàn không có người nước ngoài can thiệp, chỉ đạo, cung cấp vũ khí, thậm chí mang quân vào giúp đỡ miền Nam hay miền Bắc. Chiến tranh Nam Bắc ở Việt Nam có gốc từ khi Pháp xâm lược chiếm đóng Việt Nam, sau đó Pháp trao lại cho Mỹ tiếp tục. Mỹ đạo diễn toàn bộ cuộc chiến, thoạt đầu cùng với Ngô Đình Diệm hô hào Bắc Tiến; tiếp đó khi thấy thế yếu nên chuyển sang phòng ngự kết hợp phản công, kể cả mang máy bay ném bom khắp miền Bắc. Mỹ và các đồng minh cũng mang hàng triệu quân sang tham chiến, sang cả Lào để bao vây Việt Nam phía Tây (Hạm đội 7 chặn phía Đông). Như vậy chiến tranh Nam Bắc ở Việt Nam là chiến tranh giải phóng dân tộc (đánh đuổi Pháp) và chống lại sự chiếm đóng kiểu thực dân mới (thông qua hàng loạt chính quyền thân Mỹ, nghe Mỹ, từ Ngô Đình Diệm do Mỹ đưa về... đến Nguyễn Văn Thiệu). Nếu Mỹ tôn trọng Hiệp định Genève năm 1954, không can thiệp vào Nam Việt Nam, để Việt Nam tổng tuyển cử tự do, thì Việt Nam sẽ thống nhất với cái giá rẻ hơn vô cùng nhiều so với thực tế.

Thư “Bên thắng cuộc”: Vài ý kiến về Hòa hợp dân tộc
Sắp đến ngày 30.4 rồi. Đường phố lại tràn ngập cờ hoa, khẩu hiệu, các phương tiện truyền thông lại có các bài viết với những câu từ đẹp nhất để ngợi ca chiến thắng, đặc biệt vào những năm chẵn. Sẽ có hàng triệu người vui, nhưng Bác Kiệt đã nói, có hàng triệu người buồn.
Trong tâm trạng một người đã đi lính “Bên thắng cuộc”, đã tham gia chiến dịch mùa xuân năm 75, tôi không nghĩ nhiều về niềm vui chiến thắng, tôi nghĩ nhiều về Hòa hợp dân tộc.


Sống ở chế độ nào thì phải phụng sự chế độ ấy. Đó là điều đương nhiên. Khi chiến tranh hai miền xảy ra, tất cả đều bị cuốn vào cỗ máy chiến tranh do nhà cầm quyền hai bên vận hành: Thanh niên trai tráng trực tiếp cầm súng chiến đấu, các lực lượng còn lại làm công tác phục vụ cho cuộc chiến. Ai cưỡng lại sẽ bị ghép vào tội phản bội Tổ quốc.

Nói cách khác, chiến tranh là cuộc chơi của nhà cầm quyền, của các chính trị gia, mà bên nào cũng cho rằng mình là chính nghĩa. Người dân phải hành động theo chỉ đạo của nhà cầm quyền, không có sự lựa chọn nào khác.

Vậy có công bằng không, khi cuộc chiến kết thúc, tất cả những người và gia đình có người tham gia vào cuộc chiến “bên thua cuộc” đều bị phân biệt đối xử. Nhiều người bị tù đày. Họ và gia đình họ có thể chống lại hoặc đứng ngoài cuộc chiến để tránh được hậu quả xấu khi kết thúc chiến tranh? Đó là điều không tưởng được chia đều cho cả hai bên.

Có một điểm chung giành cho cả hai, kể cả bên thắng và thua. Đó là những đau thương mất mát, là những người lính, và cả những người không trực tiếp cầm súng, ngã xuống nơi chiến trận, là những người thương bệnh binh, là nỗi đau của các bà mẹ mất con, những gia đình mất người thân và cho đến bây giờ, di chứng chiến tranh, nhiễm chất độc còn dai dẳng.

Đau xót hơn, di chứng về sự chia rẽ thắng thua vẫn còn sau gần 40 năm khi chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

Dưới góc nhìn nhân văn thì tất cả đều là con người, đều chung nòi giống, đều là con cháu Lạc Hồng. Chả lẽ chỉ một bên biết đau, được chăm sóc đền bù, được vỗ về an ủi, bên kia là gỗ đá sao?

Nhà nước mình từ lâu đã có chủ trương và việc làm cụ thể để hòa hợp dân tộc. Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Một Dân tộc muốn phát triển mạnh mẽ, cần nhiều yếu tố, trong đó đoàn kết là yếu tố vô cùng quan trọng. Có khác gì một gia đình, một dòng họ, lục đục kéo dài hỏi làm sao phát triển được.

Cuộc chiến đi qua đã được 39 năm nhưng hố sâu ngăn cách vẫn thăm thẳm, cũng chỉ vì việc làm cụ thể chưa được bao nhiêu, nhiều cái còn hình thức. Nếu nói đúng bản chất thì các nhà Lãnh đạo hiện nay chưa thực tâm hàn gắn, còn nặng thành kiến, còn cảnh giác, còn phân biệt đối xử.

Mời khách vào nhà phải thực lòng, cửa phải rộng mở, thái độ vồn vã với nụ cười trên môi. Nếu mời vào mà khóa cửa thì chỉ là lời đãi bôi, khách biết ngay tấm lòng giả dối của chủ nhà

Người Mỹ đã làm được một việc đầy tính nhân văn, để thiên hạ ngưỡng mộ. Khi chiến tranh Nam Bắc Mỹ kết thúc. Bên thắng cuộc tuyên bố: trong chúng ta không có ai là người chiến thắng. Cùng với tuyên bố bất hủ ấy là những việc làm cụ thể đầy tính nhân văn. Vì vậy, vết thương chiến tranh được hàn gắn rất nhanh. Sao mình không học những việc làm tuyệt vời như vậy?

VN mình đã không làm được như họ. Nhưng chúng ta cần sửa sai trong suy nghĩ, cần bao dung, cần thực tâm, cần những việc làm cụ thể, chẳng hạn:

- Ngày 30.4 nên gọi là ngày “ Hòa hợp Dân tộc” thay cho cách gọi trước đây.

- Có chế độ trợ cấp chăm sóc các thương binh, các bà mẹ có con là Liệt sĩ trong chính quyền Việt nam cộng hòa.

- Tìm kiếm hài cốt bị mất tích của những người lính trong chế độ VNCH.

- Có chế độ trợ cấp, chăm sóc các người lính VNCH (cả con cái họ) bị nhiễm độc da cam trong cuộc chiến.

- Không phân biệt thành phần khi tuyển dụng nhân lực vào bất kỳ cơ quan nhà nước nào

- Không dùng các từ ngữ làm tổn thương những người trong chế độ VNCH (Ngụy quân, Ngụy quyền, bán nước, tay sai cho Mỹ…)

Và rất rất nhiều những việc làm khác nữa

Chỉ có những việc làm cụ thể, hướng thiện, chân thành…mới tạo được niềm tin của nhân dân trong nước và cộng đồng kiều bào nước ngoài, mới đắp lành vết thương chiến tranh, mới tạo được đoàn kết Dân tộc và mục tiêu Hòa hợp Dân tộc mới thành công.

Nguyễn Quang Cảnh.
Hà Nội. 22-4-2014
(Blog Hiệu Minh)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: