Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Vì sao người Việt quá nhiều tự hào, thiếu tự trọng?




Đó chính là nguyên nhân để những tính cách “dị biệt” làm cho người Việt trở nên xấu xí vẫn tiếp tục tồn tại. Liệu có cách nào khắc phục được tình trạng này?

Cùng dắt nhau đi về phía bóng tối

Trả lời cho câu hỏi trong những tính cách “dị biệt” làm nên đặc trưng người Việt thì đâu mới là tính cách căn bản, nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng thật khó để xác định được điều đó. Vì tính cách này là hệ quả nhưng cũng đồng thời là nguyên nhân của tính cách khác. Chẳng hạn, từ việc bế quan tỏa cảng mà người Việt coi cái gì của mình cũng là nhất, sinh ra thói tự mãn sớm. Cũng chính vì tự mãn, người Việt sẽ không có xu hướng làm gì đến cùng nên đẻ ra tính cẩu thả...

Vấn đề đặt ra là: Liệu người Việt có nhận biết được những tính xấu của mình? Nếu nhận biết được thì vì sao lại không thay đổi? ThS Trần Văn Phương, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy văn hóa tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì cho rằng, sở dĩ người Việt vẫn chưa thể “thức tỉnh” vì suy cho cùng “chúng ta chưa ý thức được mình ở đâu trên bản đồ thế giới. Chúng ta cũng chưa thể nhận biết được rằng với vị trí địa văn hóa như vậy thì nảy sinh tâm lý như thế nào, tích cực hay tiêu cực để mà tránh, nên mới dẫn đến chuyện có những tính cách “dị biệt” như thế.

Văn hóa không có sự hơn kém mà chỉ có sự khác biệt. Thế nhưng, vẫn có những ngưỡng để biết được rằng thế nào là hay, thế nào là dở. Tiếc rằng khi hội nhập, tính cách người Việt bộc lộ sự dở nhiều quá, đến mức dù kinh tế Việt Nam hiện tại có phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng lên thì những tính ấy vẫn chưa mấy thay đổi, làm người Việt trở nên xấu xí”, ông bình luận.

Nhà văn Tạ Duy Anh cũng thừa nhận: Chỉ khi hội nhập, hiện diện trước toàn cầu thì nhiều tính cách “dị biệt”, đặc trưng của người Việt mới bộc lộ điểm xấu. Điểm đáng lưu ý, theo nhà văn là khi ấy sẽ rơi vào tình trạng “chó chê mèo lắm lông”, bản thân mình cũng mắc những thói tật như không đúng giờ, cẩu thả, đố kỵ... rồi thì còn nói ai được nữa. Vì vậy mà người Việt cứ thế dắt nhau đi về phía bóng tối với những tính xấu mặc nhiên tồn tại. Còn số người có ý thức thay đổi thì lại chưa đủ lớn để kéo cả xã hội thay đổi theo.
Biển chỉ dẫn được đặt khuất sau cây và trên biển ghi sai tên phố Vũ Thạch (đúng là Vũ Thạnh) trên đường La Thành hàng năm trời thể hiện tính cẩu thả của người làm biển.

Quá nhiều tự hào, thiếu tự trọng

Theo nhà văn Tạ Duy Anh, một trong những lý do để người Việt khó có thể thay đổi được tính cách của mình là bởi chúng ta “có quá nhiều lòng tự hào và thiếu lòng tự trọng. Chúng ta vẫn sống với quá khứ hào hùng. Nhưng nên nhớ, việc đánh giặc ngoại xâm xong rồi. Bây giờ phải biết tự trọng để xác định rằng mình đang ở đâu trong thang bậc của nhân loại. Nếu nhìn ra bên ngoài thì đúng là chúng ta kém rất nhiều, đặc biệt là những sản phẩm mang tính công nghiệp, công nghệ thì hoàn toàn lép vế”.

Cũng theo nhà văn, chính vì có “quá nhiều lòng tự hào và thiếu lòng tự trọng” nên khi nghe ai đó nhắc rằng bên Mỹ, bên Nhật... người ta không như mình, họ hiện đại hơn, văn minh hơn... thì đáp trả: “Sang Mỹ (Nhật) mà ở”. “Đó là sự thô bỉ về mặt văn hóa. Đáng ra anh phải biết xấu hổ với những tính cách không tốt, là rào cản cho sự phát triển. Đằng này nhiều người tỏ ra chẳng biết xấu hổ là gì”, ông thẳng thắn.
Lý giải cho việc người Việt không biết xấu hổ, theo nhà văn Tạ Duy Anh là do tính trách nhiệm của người Việt còn rất kém. Điều đó xuất phát từ việc “ở nhiều nước, chẳng hạn như Nhật, người ta quan niệm đất nước là của từng người dân. Còn ở ta thì đất nước gắn với mỗi cái nhà của mình, còn con đường, khu chợ là của người khác. Chính vì quan niệm ấy đã chi phối cách hành động: người ta có thể thoải mái xả rác ra đường, vứt rác sang nhà hàng xóm, miễn sao không ảnh hưởng đến nhà mình. Như vậy thì làm sao mà phát triển được”.

Người Việt đang ngược chuẩn

Điều đáng lo ngại được nhà văn Tạ Duy Anh chỉ ra là người Việt đang có sự ngược chuẩn. Ông phân tích: “Có những cái đáng ra phải xấu hổ thì người Việt lại lấy đó làm tự hào. Ví như cứ phải vào quán bia ồn ào, bẩn bẩn mới thích, mới có hứng ăn uống mà không quen chỗ ăn sạch sẽ. Bởi ngồi ở những hàng quán đó thì mới dễ ngồi lê mách lẻo. Lệch chuẩn còn uốn nắn được chứ ngược chuẩn thì chết”.
Từ những phân tích đó, nhà văn cho rằng bây giờ cái quan trọng là phải tiêm cho người Việt thói bi quan, phải biết xấu hổ. “Tự hào đến thế là đủ rồi. Người Việt bây giờ đang có xu hướng đẩy cao sự vô liêm sỉ, ấy là anh không biết xấu hổ. Anh ra nước ngoài, thấy người ta phát triển thì phải xấu hổ chứ. Đằng này nhiều người chỉ cố gắng hơn người là ta từng đến đó, ở đó, ăn món đó, mua thứ đó chứ không nghĩ tại sao mình không phát triển thế này”, ông thẳng thắn.

Phải tạo ra nhân tố làm gương

Để thay đổi tính cách của một cộng đồng, theo ThS Trần Văn Phương, đó là một việc làm cực kỳ khó. Trước hết, nó cần có sự đồng thuận của cả xã hội. Phải làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là giáo dục để thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi dần hành vi của mỗi người. “Đó là một việc làm hết sức gian nan”, ông Phương nhấn mạnh.

Còn theo nhà văn Tạ Duy Anh, yếu tố giáo dục là cực kỳ quan trọng. Song ông cũng cho rằng, phải tạo ra nhân tố làm gương cho xã hội noi theo. Muốn vậy, những người làm công tác lãnh đạo, quản lý phải dần thay đổi mình, hoàn thiện mình. “Phải tạo ra tinh thần tự sỉ rất cao cho dân tộc này, chứ đến đâu cũng kính thưa ông nọ ông kia mà cứ phải khom lưng, cả một hệ thống a dua như thế thì sự dối trá đánh lừa cả xã hội, khó mà thay đổi được”, ông nói.

Nhìn nhận ở góc độ có những cái xấu được tạo ra từ chính môi trường xã hội, GS.TS Phạm Thành Nghị, Viện Tâm lý học cho rằng, hệ thống pháp luật cũng cần phải hoàn thiện, phải đảm bảo việc thực thi pháp luật nghiêm minh để người Việt bớt đi những tính xấu của mình. “Bây giờ người ta ngụy biện để khỏa lấp lỗi lầm nhưng xử lý chỉ qua loa, không đúng giờ nhưng cũng chẳng sao cả... thì làm sao mà mong thay đổi tính cách được”, ông Nghị nêu ý kiến.

ThS Trần Văn Phương cho rằng, sẽ không công bằng khi nhìn người Việt chỉ thấy toàn những tính xấu. Bởi thực tế, người Việt có rất nhiều tính tốt như sự cần cù, chịu thương chịu khó, tương thân tương ái, biết vượt qua khó khăn thử thách… Việc vạch ra những mặt xấu của người Việt không phải là cách để phủ nhận hay làm mất hình ảnh dân tộc mà chính là chúng ta đang nhìn thẳng vào sự thật, dám nhìn thẳng vào sự thật.
“Một dân tộc sẽ không thể lớn nếu chỉ chịu thừa nhận mặt tốt của mình. Phải thấy được cái chưa tốt, chưa phù hợp để tìm cách điều chỉnh. Như thế mới mong phát triển”, ông nói.

Thanh Thủy
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: