Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

MẢ PHÁT.



           *  Ghi chép - MINH DIỆN
               Cứ mỗi lần anh em Trần  Ngưu, Trần Khuyển  về  thăm quê  là  làng xóm lại  nháo nhác cả lên. Trẻ con chạy theo những chiếc xe hơi bóng lộn  nhặt mấy tép kẹo cao su. Đám thanh niên choai choai dán mắt vào những bộ quần áo mốt thời trang. Các bà nội trợ kháo ầm chuyện vợ đại gia ra chợ tiêu tiền như vãi trấu .Rồi họ hàng, người thân  hỉ  hả đón tiếp Ngưu, Khuyển. Có  cụ  tám chín chục tuổi , khăn đóng, áo the kính cẩn nghiêm trang hệt như đón quan trạng vinh quy bái tổ thời phong kiến.
Nhiều  lần anh em Ngưu, Khuyển được xe mô tô cảnh sát dẹp đường đưa về tận nhà, rồi quan đầu tỉnh tới thăm, kéo theo  quan huyện,  quan xã  như   bầy  nhặng.
              - Mả nhà ấy phát !
              Lão Hựu  bán  nước ở đầu làng bảo thế.   Đã ngoài  tám chục  tuổi , lại mù , nhưng  việc  gì trong làng lão cũng biết nhờ  nghe lỏm  chuyện ở cái quán nước dưới gốc cây đa cổ thụ này.
               Lão Hựu kể:
              - Ngày sang cát  ông  Mã , vừa  mở nắp quan tài  mọi người hoa cả  mắt vì  tơ  hồng  phủ kín  khô cốt . Biết mả  phát  vội   đạy nắp quan tài lại, lấp đất y như cũ,  làm  lễ tạ  Long mạch và xây lăng . Cái lăng to hơn lăng  cụ Tổ họ Trần ở gò Sói đấy.
               Chuyện mả  phát  thực  hư thế nào chưa  rõ,  nhưng  anh em  Trần  Ngưu, Trần Khuyển  phất lên như diều gặp gió . Ngưu  từ  một  phó phòng   nhảy  lên giám đốc , rồi Tổng giám đốc  một công ty quốc doanh trong Nam, danh  tiếng nổi như  cồn.  Ngưu cứu  thằng em  bị bắt vỉ tội buôn lậu ma túy ra,  đưa từ  Hà Giang  vào Sài Gòn , cho làm chức trưởng   phòng kinh doanh. Từ đó hai anh em   tự tung tự tác, biến  một doanh nghiệp nhà nước  thành  chùm kế ngọt vặt  hái không thương  tiếc.
                 Một số cán bộ, công nhân  công ty  làm đơn tố cáo , Thanh tra  đã vào cuộc  và  báo  chí  đã  đăng  tải   vụ  làm trái quy định nhà nước  và  tham nhũng của  anh em  Ngưu , Khuyển.   Trong  khi  mặt hàng  M  trong nước  sản xuất  giá rẻ, chất lượng cao đang tồn kho,   thì  Ngưu , Khuyển  lại  báo cáo lên trên  là chất lượng kém ,  cung không đủ cầu ,  rồi   nhập từ Trung quốc về  hàng  ngàn tấn  để lấy tiền lại quả .  Vì  lợi riêng   Ngưu, Khuyển đã làm nhà nước lỗ vốn  hàng  triệu đô la , tàn nhẫn hơn là đẩy hàng ngàn   nông dân sản xuất  M  vào cảnh nghèo đói , vì  làm ra sản phẩm không tiêu thụ được. 
                 Ai cũng bảo phen này thì anh em nhà ấy toi.   Nhưng thanh tra , báo chí rộ lên  vài bữa rồi im luôn.  Thế rồi  Trần Ngưu  được chuyển lên làm chuyên viên cơ quan thanh tra chính phủ.  Từ  một đối tượng bị thanh tra , Ngưu nghiễm nhiên  trở thành  quan thanh tra ,  “chân mình  dính cứt  mê mê  lại cầm bó đuốc  đi rê  chân người”.   Trần  Khuyển  nhày  lên chức Tổng giám đốc công ty  thay Trần  Ngưu, thẳng tay  dẹp hết những phần tử chống đối  và  sau khi cổ phần hóa,  giành  luôn chức chủ tịch hội đồng quàn trị, thâu tóm toàn bộ quyền hành  vào tay mình.  Anh em Ngưu , Khuyển  đã  chuyển bại thành thắng  dễ như trở bàn tay.
               Năm kia Trần Khuyển về quê ăn tết , lãnh  đạo huyện đến thăm và nói với  Khuyển:
               - Quê ta đang chập chững bước vào con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vốn liếng và kinh nghiệm rất hạn chế,rất mong các anh  giúp đỡ.
               Khuyển  cướp lời:
               - Kinh nghiệm , vốn liếng không thiếu!
               Khuyển  được  mời đi thăm một số  doanh nghiệp  trong huyện . Nhìn những “doanh nghiệp vườn”  làm ăn manh mún  Trần Khuyển  tỏ ra thông cảm  và hứa sẽ giúp đỡ.  Sau bữa cơm thân mật đầu năm , các doanh nghiệp gói ghém ít bánh cáy, bánh đa cua , sản  phẩm  tự  làm ra  biếu  Khuyển làm quà quê hương, Khuyển cười , bảo:
               - Các vị phải đổi mới tư duy, dẹp mấy cái khung dệt chiếu, mấy cái chảo bánh cáy, bánh cua đi! Thời buồi này muốn đổi  đời  phải kinh doanh bất động sản.
                Bà Thành chủ cơ sở dệt chiếu than thở:
                - Bác bảo quê mình moi đâu ra đất? Bình quân đầu người chưa đầy sào ruộng, không cấy lúa thì đói nhăn răng.
               Khuyển nói:
               - Ai bảo  gà què ăn quẩn cối xay ? Phải đi ra ngoài , đừng quẩn quanh ở xó bếp, thấy ông bù rau đã tưởng quả núi!
                Dù bị chan tương xát ớt vào mặt như vậy nhưng các vị giám đốc vườn vẫn há hốc mồm nghe. Miệng kẻ sang  có gang có thép,người ta lại chỉ cho cách làm ăn thì còn gì bằng?
                Khuyển đưa ra một bản dự án khu đô thị mới, bảo:
               - Đây là dự án của riêng tôi. Nhiều  người mới  mua  nền,   bán  lại  đã lời gấp , bốn lần. Đồng hương tôi  sẽ giảm cho 20%.
                Nghe Khuyển nói,các  chủ  doanh nghiệp vườn mắt sáng lên. Không  ngờ đầu Xuân  năm mới  đã  gặp may mắn!  Ai cũng muốn chia  miếng bánh của  Trần Khuyển  dù chưa nhìn thấy nó vuông tròn béo bở thế nào?  Bà Thành nói rất văn vẻ:
                - Dự án bác Khuyển có nhã ý dành cho quê hương như bông hoa thơm,  mỗi người ngửi một tý! Ta nên thành lập một ban đại diện để tiện liên hệ với bác Khuyển.
                Ban đại diện được thành lập ngay tại chỗ và  bà Thành được cử làm trưởng ban. Khuyển   uống cạn ly rượu chúc mừng.
                Ăn tết xong, Khuyển mua vé máy bay hạng doanh nhân cho  4 người trong ban đại điện  vào Sài Gòn  để “ Thấy tận mắt  dự  án kinh doanh bất động sản bác Khuyển dành cho quê hương”.
                Mấy ông bà nhà quê lần đầu tiên vào thành phố lớn  như chim chích vào rừng , chả biết đường nào mà lần.  Khuyển  cho ngồi xe  hơi lên Thủ Đức,   chỉ  khu đất phân lô vuông vức như bàn cờ , bảo  đấy  là đất  dự  án , mình đã bỏ tiền xây dựng cơ sở hạ tầng.  Khuyển nói:
                - Tôi bán cho người ta ba triệu đồng một mét.  Đồng hương tôi bớt 20%, chỉ lấy hai hai triệu tư. Bảo đảm  có sổ hồng , không trên hai chục triệu một mét tôi làm chó ăn cứt!
                Khuyển vẫn giữ cách ăn nói quê mùa bỗ bã, lại thề độc như thế  ai không tin.  Nhất là khi Khuyển cho mọi người đi thăm cơ ngơi của anh em mình  mọi người càng phục lác mắt. Giữa nội thành Sài Gòn tấc đất mấy tấc vàng , mà   Ngưu, Khuyển  mỗi người hai , ba ngôi biệt thự, có ngôi nằm   giữa khuôn viên mấy ngàn mét vuông  đất. Trời đất  ơi , sao giàu sang thế này!  Bà Thành  cứ thốt lên như vậy khi  rờ  tay vào những bộ salon  Khuyển nói làm bằng gỗ sưa quý hơn vàng. Mấy người đàn ông  lắc đầu lè lưỡi  nhìn  ngắm hàng trăm bình rượu ngâm tay gấu, nhung hiêu, sâm Cao ly xếp từ ngoài sân vào trong nhà và  đàn  chó Bergie , con nào cũng to như con bò .
                  Bà Thành  nói với bốn người trong ban đại diện:
                 - So với  bác Ngưu, bác Khuyển mình  như con muỗi so với con voi. Nghe nói nhờ mả cụ Mã  phát !
                Ngẫm nghĩ một lúc, bà Thành  bảo mọi người:
                - Ta  mua hương hoa xin phép bác Khuyển thắp nhang cho cụ Mã, xin cụ tí  lộc rơi lộc vãi!
                Ngày xưa ông Mã  đi bộ đội , trên đường hành quân vào chiến trường B không chịu đựng được gian khổ hy sinh nên đã đảo ngũ . Về  địa phương, thuộc  diện B quay,  nên Mã bị cắt hết tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm  sống chui rúc như chuột .  Có mỗi chiếc quần bộ đội  rách đũng phải  lật đằng sau ra đằng trước, khi lội xuống sông đánh dậm   cởi ra quấn trên đầu. Giờ  hình ông ấy lồng khung kính trên bàn thờ , mặc áo sỹ quan đeo quân hàm đại tá, ngực đỏ rực huân chương chiến công,  chiến sỹ vẻ vang.  Dương sao âm vậy, nhờ mả phát , con trên dương thế thăng quan tiến chức  giàu sang , bố dưới âm ty  từ một anh lính B quay biến thành đại tá!
               Mấy ngày ở thành phố Hổ Chí Minh,bà Thành và bốn người trong ban đại diện mua đất còn được Trần Ngưu, Trần Khuyển dẫn đi dự  buổi họp mặt đầu năm của Hội  đồng hương tỉnh nhà .   Nhìn sự thân mật giữa  Ngưu, Khuyển với ông tướng đầu bạc  chủ tịch hội đáng kính và những quan chức đầu tỉnh ở quê  vào , bà Thành và những người cùng đi càng tin tưởng Khuyển,  đinh ninh  phen này sẽ đổi đời.
              Từ Sài Gòn về, bà Thành và ban đại diện gấp rút  vận động góp vốn cho dự án.  Cảnh  làm ăn manh mún, vốn liếng  mỏng cánh chuồn,  nên hầu hết  phải mang nhà  thế chấp ngân hàng vay tiền.  Có người phải bốc  nóng bát họ hoặc  hùn hạp với anh em mới được 240 triệu đồng  để mua một  cái nền 100  mét vuông.  Chật vật mãi  bà Thành mới   gom  được  24 tỷ đồng 
               Hôm tiễn chân bà Thành mang tiền vào Sài Gòn mua đất vui như  hội. Không vui sao được khi có người xẻ của cho?  Bỏ ra  hai triệu tư mua một mét vuông đất,  nay mai thành hai mươi  triệu, buôn ma túy cũng chả lãi bằng.  Bác Khuyển chả đã nói như đinh đóng cột thế là gì?  Bác ấy đã chả thề độc sẵn sàng làm  chó  ăn cứt  nếu nói sai đó thôi!
              Cô Soan nói với chồng:
              - Nhà mình có hai nền. Sẽ  bán một nền lấy tiền xây nhà và mở cừa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng , anh khỏi phải đi nhặt vôi.
              Hai vợ chồng Soan ngoài ba mươi tuổi có đứa con trai  bảy  tuổi. Khi thằng bé mới lên ba, Soan để con cho chồng nuôi , sang Đài Loan làm osin. Lương  vợ  gửi về , chồng không tiêu đồng nào, vẫn đi nhặt vôi thuê kiếm tiền nuôi con.  Sau bốn năm nhịn ăn, nhịn mặc , gom góp được hơn bốn trăm triệu. Soan  vừa hết hợp đồng về nước thì gặp dịp mua nền dự  án trong Sài Gòn, vợ chồng bàn nhau thế chấp luôn căn nhà , gom đủ 480 triệu mua 200 m2, hai nền...
              Bà Thành cùng bốn người đại diện mang tiền vào Sài Gòn  giao choTrần Khuyển . Nhận tiền xong, Trần Khuyển bào:
              - Hai  bốn tỷ  được 10.000 m2 . Về nói với mọi người chờ tôi làm sồ hồng cho từng người. Trong thời gian chờ đợi nếu ai không muốn mua đất nữa thì tôi trả lại tiền , lãi suất 3% tháng.
             Từ Sài Gòn về , bà Thành thông báo cho từng người mua đất. Bắt đầu từ đó ngày nào bà cũng ngong ngóng chờ đợi anh nhân viên Bưu điện mang bì thư chuyển phát nhanh đựng sổ đỏ, sổ hồng tới. Nhưng càng mong càng mất hút. Sốt ruột bà gọi điện thoại cho Khuyển, Khuyển bào chờ. Chờ mãi, chờ mãi , Khuyển mới gửi ra một bản hợp đồng mua bán đất ruộng của một công ty lạ hoắc chả liên quan gì với Khuyển và công ty Khuyển.
              Biết bị lừa, mọi người  bảo nhau đòi lại tiền. Khuyển hứa sẽ trả lại. Nhưng thời gian cứ trôi và lời hứa trôi tuột theo thời gian. Lúc đầu gọi điện thoại Khuyển còn nói chuyện, sau không thèm bắt máy . Ba bốn lần bà Thành phải  bay vào Sài Gòn trực tiếp gặp Khuyển . Nhưng  cũng chỉ nhận được những lời hứa suông.
              Lần cuối cùng cách đây vài tháng , Khuyển tráo trở, nói như một thằng du côn:
              - Không trả! Có tiền cũng đéo trả!
              Bà Thành dọa:
              - Chúng tôi sẽ đi kiện!
              Khuyển cười khẩy:
              - Kiện lên trời thằng này cũng đéo sợ!
              Khuyển huýt sáo gọi đàn chó Bergie tới đuổi bà Thành khỏi nhà. Những con chó to như con bò , khi bà Thành mang tiền tới nộp cho Khuyển chúng   ve vẩy đuôi  chào đón ,  giờ nhe hai hàm răng nhọn hoắt như muốn ngoạm cổ bà. Chủ và chó hệt như nhau.
               Sáu  năm  đã trôi qua .  Những người dân quê tôi gom góp từng đồng mồ hôi nước mắt mua đất của Khuyển  mong  được đổi đời , đã tắt ngấm hy vọng được giao đất , hoặc đòi lại tiền. Tuyệt vọng, cô Soan đã ôm đứa con trai lao xuống sông tự tử , may mà người chồng cứu được.
               Trần Ngưu và Trần Khuyển vẫn  trơ  như đá. Tết vừa qua cả hai anh em hắn vẫn về quê tổ chức ăn uống linh đình. Những người bị quỵt tiền mua đất nhòm vào , thấy có những vị  quan tham  đang uống rượu ngâm tay gấu của Khuyển mang từ Sài Gòn ra, mặt đỏ như gấc đằng đằng sát khí . Chạm vào hắn có khi mắc tội gây rối trật tự , vào tù như chơi. Những nạn  nhân của trò lừa đảo đành nuốt nước mắt . 
                 Lão Hựu bán nước ở gốc đa đầu làng nói với tôi:
                - Ngày xưa  dù đánh  đĩ  chín phương cũng  phải  chừa  một phương  để lấy chồng! Nay anh em  nhà ấy không chừa  phương nào . Lợi kỷ tổn nhân khởi vô quả báo!  Dẫu mả bố chúng nó phát mà bất nghĩa bất nhân  như thế thì sớm muộn cũng có ngày!
                Ông già mù mắt mà  lòng sáng, trái lại có những kẻ khoe sáng suốt mà lòng dạ  đen tối!  Tôi bỗng nhớ lời ông Khổng Phu Tử: “Bất nghĩa như phù thả, quý ư ngã như phù vân”, làm điều bất nghĩa mà giàu sang thì chỉ như đám mây trôi mà thôi.                                                                M D

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: