Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

TRO KHON ĐA THAY:

Phan Cự Đệ- Cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm
tải xuống (4)
Phan Cự Đệ(1933 – 2007)
 Trương Tửu (1913 – 1999) là nhà văn, nhà nghiên cứu, giáo sư trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau vụ Nhân Văn Giai phẩm, ông bị thải hồi, sống bằng nghề đông y và (buộc phải) im lặng cho đến cuối đời.
 Đăng lại bài của Phan Cự Đệ, một người học trò của giáo sư Trương Tửu, xuất bản cách đây hơn nửa thế kỷ là để rút ra một bài học: Lịch sử rất công bằng. Chỉ bốn năm sau khi Trương Tửu mất, các tuyển tập của ông lần lượt được xuất bản: Nguyễn Bách Khoa: Khoa học văn chương (Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn, nxb Văn hóa – Thông tin, 2003), Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu, phê bình (Nguyễn Hữu Sơn – Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn, nxb Lao động – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2008, 1088 trang), Trương Tửu: Tuyển tập văn xuôi (Nguyễn Hữu Sơn – Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn, nxb Lao động, 2009, 888 trang). Năm 2008, Khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học nhân dịp 95 năm sinh của ông. Và năm ngoái, nhân 100 năm sinh của giáo sư Trương Tửu, Hội Nhà văn Việt Nam và sau đó, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức liền hai cuộc hội thảo về ông.
 Trong một bài tưởng niệm người thầy của mình, giáo sư Nguyễn Đình Chú cho rằng những bài phê phán Trương Tửu chỉ là của những “kẻ gây sự”. Và ông tin “một vài người nay ở thế giới bên kia chắc phải hối hận vì đã bóp méo để gây hệ lụy nặng nề cho tác giả”. Ông sung sướng viết: “Sương đầu ngõ đã tan. Mây giữa trời đã vén.” Quả thế! Nhưng đó chỉ là trường hợp Trương Tửu. Còn cái lối “phê bình chỉ điểm” hay “phê bình kiểm dịch” thì mù lịch sử hay bất cần lịch sử. Và sống rất dai. “Ngõ” và “trời” văn hóa văn nghệ của nước ta vẫn còn đầy sương và mây, chưa thể “lạc quan cách mạng” ngay được!

tải xuống (3)
Trương Tửu (1913 – 1999
 Gần đây, báo chí đã vạch trần những tư tưởng chính trị và văn nghệ phản động của Trương Tửu. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn nói lên ở đây thái độ và phương pháp giảng dạy của Trương Tửu mấy năm qua ở Đại học ảnh hưởng đến nhà trường và sinh viên như thế nào.
 Với cương vị một giáo sư ở trường, Trương Tửu luôn luôn tìm cách đả kích vào lãnh đạo, gây bè phái để chia rẽ hàng ngũ giáo sư, sinh viên. Trước mặt sinh viên, Trương Tửu luôn luôn nói xấu, vu khống các giáo sư Đặng Thai Mai, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giàu là những người có trách nhiệm lãnh đạo ở Đại học. Trương Tửu lại câu kết với một số giáo sư khác để tìm cách gây khó khăn cho ban giám đốc, gây khó khăn cho lãnh đạo. Năm nào Trương Tửu cũng mua chuộc một số sinh viên làm “tay chân” xung quanh mình. Dưới sự giáo dục của Trương Tửu, họ trở thành những kẻ kiêu căng, tự do vô kỷ luật, gây chia rẽ bè phái trong sinh viên, nói xấu cán bộ, nói xấu Đảng (Hầu hết sinh viên tham gia viết “Đất mới” đều là “tay chân” của Trương Tửu).
 Năm vừa qua, trong thời gian đi thực tập, Trương Tửu khuyên sinh viên sư phạm cứ giữ vững “lập trường đại học” (tức lập trường Trương Tửu!) chống lại “lập trường phổ thông”, chống lại quan điểm sách giáo khoa của Bộ giáo dục. Kết quả sinh viên về các trường không chịu dạy theo sách giáo khoa, thậm chí có sinh viên công kích sách giáo khoa ngay trước mặt học sinh, gây rất nhiều khó khăn cho lãnh đạo, làm mất đoàn kết với một số giáo sư phổ thông.
 Ở lớp, lợi dụng cương vị giáo sư, Trương Tửu đã xuyên tạc văn học sử theo phương pháp suy luận duy tâm chủ quan để bênh vực cho lập trường văn nghệ phản động của mình. Những quan điểm văn nghệ sĩ phải tự do tư tưởng, phải chống đối lại chính quyền, không cần sự lãnh đạo của Đảng cũng có nghệ sĩ thiên tài, luôn luôn được lắp đi lắp lại và lồng vào các giờ lên lớp.
 Cần phải nói rõ rằng mấy năm qua, Trương Tửu không hề viết giáo trình cho sinh viên. Lý do chính là vì Trương Tửu là người hay nói bừa bãi, xuyên tạc trắng trợn nên không dám viết, sợ phải chịu trách nhiệm trước “giấy trắng mực đen”! Trong lúc giảng cho lớp Văn 3 vừa qua (giai đoạn văn học 1930-1945), Trương Tửu không chú ý đến thơ văn yêu nước như thơ văn Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, thơ văn cách mạng hồi Xô-viết Nghệ Tĩnh, hồi Mặt trận Bình dân, thơ Tố Hữu, v.v… Trương Tửu chỉ nhấn mạnh và đề cao có Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Nhận định của Trương Tửu về Vũ Trọng Phụng thay đổi như chong chóng qua từng năm học. Khen chê hoàn toàn theo chủ quan của mình. Trong giáo trình (miệng) 1957, Trương Tửu đặc biệt đề rất cao Vũ Trọng Phụng. Một mặt khác, lúc kết hợp giảng về phương pháp hiện thực của Vũ Trọng Phụng, Trương Tửu đã cố ý hạ thấp vai trò của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan. Trong giáo trường (a) mấy năm trước, Trương Tửu cho rằng Nguyễn Công Hoan không lúc nào chế riễu mai mỉa kẻ bị áp bức như Vũ Trọng Phụng. Trương Tửu nói: “Toàn bộ văn nghiệp của Nguyễn Công Hoan tố cáo kịch liệt chế độ làm khổ người nghèo lương thiện, văn nghiệp có tính chất cách mạng. Nguyễn Công Hoan là nhà văn phản phong kịch liệt”. Ngay năm ấy Trương Tửu cũng đánh giá Ngô Tất Tố là “phản phong sâu sắc hơn cả” so với các nhà văn hiện thực thời ấy. Nhưng đến năm 1957, Trương Tửu chỉ nhấn mạnh vào tính chất “lạc hậu” của Nguyễn Công Hoan (“Cô giáo Minh”, “Thanh đạm”) mà không nêu ưu điểm của Nguyễn Công Hoan. Ngô Tất Tố không được nhắc tới, Nguyên Hồng bị lu mờ. Trong khi đó chỉ một mình Vũ Trọng Phụng được đề lên rất cao. Trương Tửu cho Vũ Trọng Phụng là một nhà văn chiến đấu cho chủ nghĩa hiện thực, tác phẩm có một nội dung hiện thực rất vĩ đại.
 Đặc biệt Trương Tửu đề cao cuốn “Vỡ đê”. Trương Tửu nói ở lớp: “Vũ Trọng Phụng viết ‘Vỡ đê’ là để chứng minh sự thất bại của cải lương chủ nghĩa. ‘Vỡ đê’ là sự tan hoang của cải lương chủ nghĩa trước sức tấn công của giai cấp thống trị”. Nhân vật Phú trong ‘Vỡ đê’ đã đi từ chỗ trôi vào cải lương đến chỗ thấy rõ sự thất bại của cải lương chủ nghĩa. Thế mà, theo Trương Tửu, lúc đó Đảng ta lại chủ trương cải lương chứ không chủ trương đấu tranh cách mạng! (Cần chú ý rằng luận điệu này là luận điệu của bọn Trốt-ky hồi đó). Như vậy tuy không kết luận, Trương Tửu đã làm cho sinh viên thấy Vũ Trọng Phụng sáng suốt hơn Đảng. Điều này phù hợp với lập luận của Trương Tửu trong Giai phẩm cho rằng văn nghệ sĩ có khả năng “phát hiện sự thật toàn diện”, văn nghệ sĩ sáng suốt hơn Đảng, “trong tương lai, văn nghệ sĩ sẽ là chứng nhân mọi hành động của Đảng trước tòa án lịch sử ngàn đời”!
 Sự thật, Vũ Trọng Phụng có đáng đề cao như vậy không? Thái độ chính trị của Vũ Trọng Phụng như thế nào? Hiện nay chúng ta chưa đủ tài liệu để kết luận đầy đủ về Vũ Trọng Phụng, nhưng qua một vài biểu hiện về mặt thái độ chính trị, ta thấy Vũ Trọng Phụng không đáng được đề cao quá mức như vậy.
 Vũ Trọng Phụng đã nhìn quần chúng với một con mắt mỉa mai, ngòi bút tàn nhẫn không thương xót. Đây là một đoạn trong “Giông tố”: “Trẻ con người lớn đứng xem đen ngòm… Một người lính quát một tiếng, thế là cả cái đống người tò mò ấy tan tác ra như một đàn ruồi ở sau mông con bò lúc bị cái đuôi bò đập một cái vậy”.
 Nhưng có một điều quan trọng là trong một tác phẩm nhan đề “Nhân sự chia rẽ giữa Đệ tam và Đệ tứ” (b) xuất bản ở Sài Gòn năm 1938 (nhà xuất bản Thanh Mậu), Vũ Trọng Phụng đã dựa vào những tài liệu phản động của bọn đế quốc chủ nghĩa và theo luận điệu của bọn Đệ tứ quốc tế để xuyên tạc sự nghiệp cách mạng tháng 10, sự nghiệp của Lê-nin, để đề cao Trốt-ky, phỉ báng Sta-lin.
 Vũ Trọng Phụng viết: “Trong khi Lê-nin trốn tránh ở Phần Lan thì Trốt-ky đã ở nhà ra lệnh tổng công kích… Cái giời khởi công sắp đến. Trong hai tuần lễ, Trốt-ky đã tàng trữ khí giới và phân phát cho mọi người, họp đảng viên thành những tốp nhỏ có những kẻ chắc chắn đem đặt các quân đội của mình tại những yếu điểm. Sau cùng theo mật chỉ của Trốt-ky, Lê-nin lại đeo tóc giả, ăn mặc đàn bà, từ Phần Lan về Pê-tờ-rô-grát”.
 Thật là một sự xuyên tạc trắng trợn về sự chuẩn bị Cách mạng tháng 10! Vũ Trọng Phụng hạ thấp vai trò của Lê-nin để đề cao Trốt-ky.
 Một mặt khác, chúng ta cũng cần xét tại sao năm vừa qua Trương Tửu đề cao Vũ Trọng Phụng hơn các năm trước? Trong mấy năm trước, Nhân văn, Giai phẩm chưa ra đời, tư tưởng chống Đảng tức là chống chế độ, chống chủ nghĩa xã hội của Trương Tửu chưa dám bộc lộ một cách trắng trợn. Năm vừa qua, gặp “cơ hội tốt” ở bên ngoài, Trương Tửu mới ngang nhiên đề hết sức cao Vũ Trọng Phụng để cố tình hạ thấp vai trò các nhà văn đảng viên (như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng).
 Cuối cùng, như ở trên đã nói, đề cao Vũ Trọng Phụng, đề cao tác phẩm “Vỡ đê”, Trương Tửu có dụng ý đề quá cao vai trò của văn nghệ sĩ, hạ thấp vai trò của Đảng. Trương Tửu cố làm cho sinh viên hiểu rằng: “Vũ Trọng Phụng có chịu sự lãnh đạo của Đảng đâu, thế mà cũng là nhà văn hiện thực vĩ đại!” Như vậy, theo Trương Tửu, đúng là văn nghệ sĩ sáng suốt hơn Đảng, đứng trên Đảng, có thể “phát hiện sự thật toàn diện” hơn Đảng!
 Dụng ý của Trương Tửu trong lúc giảng dạy rất là thâm độc. Có thể nói Trương Tửu đã nhiều lần xuyên tạc giáo trình đề đầu độc tư tưởng của sinh viên. Chỉ qua việc giảng dạy, ta cũng đủ thấy phương pháp nghiên cứu văn học của Trương Tửu là phương pháp duy tâm chủ quan, thích ai thì khen, ghét ai thì chê, hoàn toàn theo ý muốn cá nhân của mình. Về thái độ chính trị thì đó là chủ nghĩa cơ hội, phản động, lợi dụng thời cơ để phất cờ, hôm nay nói thế này, mai nói thế khác một cách rất giáo giở.
 Với một lập trường chính trị phản động, thù địch với tư tưởng xã hội chủ nghĩa, với những quan điểm văn nghệ tư sản lỗi thời, với một phương pháp giảng dạy hoàn toàn duy tâm chủ quan, cơ hội, chúng ta có thể kết luận rằng: trong mấy năm qua, Trương Tửu đã tỏ ra không xứng đáng một tý nào với cương vị giáo sư một trường Đại học của chế độ ta, một chế độ tốt đẹp đang tiến dần lên xã hội chủ nghĩa.
 ● Nguồn: (báo) Độc lập, Hà Nội, s. 354 (10.4.1958), tr. 3.
……………………………………………………. 
 (a) Chỗ này có lẽ ở báo gốc có lỗi in, có thể dạng đúng là “giáo trình” (Lại Nguyên Ân chú)
 (b) Bài báo dài của Vũ Trọng Phụng nhan đề “Nhân sự chia rẽ của Đệ Tam và Đệ Tứ, ta thử ngó lại cuộc cánh mệnh cộng sản ở Nga từ lúc khởi thủy cho đến ngày nay” thoạt đầu đăng “Đông Dương tạp chí” trong tháng 9 và tháng 10/1937, khi Vũ Trọng Phụng là thư ký tòa soạn phần tiếng Việt của tạp chí này; sau đó, H.V.T. (= Huỳnh Văn Tài) đem in thành sách riêng tại nhà in Thanh Mậu, Sài Gòn, 1938, 28 trang 14×20 cm. (L. N. A. chú).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: