Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
(Bùi Giáng)
Tôi nhìn mình trong gương, đôi mắt đã nói dối tôi, rằng nhà thơ chỉ là một gã hơi say và hay lên cơn mộng mị. Nhưng cũng đôi mắt, hình như đã nói sự thật. Nó cho tôi biết cánh tay màu hồng nhạt của tôi đã được thay thế bằng cánh tay của ai đó, màu xám, lắp vào cơ thể tôi bằng những con bu-lông thép. Máy bơm ô-xy và hệ thống lọc máu cho phép tôi tiếp tục thở và bài tiết. Ngay cả khi chính tôi chạm vào thân thể mình, giờ đây đã hoá kim loại, tôi vẫn không cảm thấy gì. Không có gì. Kim loại lạnh ngắt như xác chết làm tôi hơi sợ. Tôi ghét sự mất mát và nỗi buồn. Dây điện thay thế mạch máu của tôi, nó chỉ xanh đỏ loè loẹt nhưng không có nhịp đập cho tôi biết tôi đang sống.
Tôi đã chết?
Hoặc chỉ là một phần con người của tôi đã biến mất, thay thế bằng một cỗ máy nào đó, nhưng biết làm thơ?
Tôi nắm chặt các ngón tay lại với nhau để tạo thành một bàn tay sắt, cảm thấy tiếng rin rít của kim loại chạm vào nhau trong lòng bàn tay. Tôi làm sao còn có thể nghe hay chạm vào sự mềm mại của mưa khi nó liếm vào ô kính cửa sổ? Có vẻ như tôi đang ở trong tù, không còn thấy được thế giới bên ngoài. Đây là những gì? Tôi sẽ như thế nào? Linh hồn của tôi bị khoá trong một nhà tù lùng nhùng dây nhợ, rối tung lên trong chương trình mã hoá, với một mạng lưới các sợi kim loại và những ống thép.
Họ đã làm cho tôi chết, phải không?
Sự tức giận sôi sục trong tôi như chảo dầu nóng. Tôi đập vỡ gương soi mặt trong phòng tắm. “Bạn chỉ là bước tiếp theo trong quá trình tiến hoá của chúng tôi, như loài vượn ngày xưa giờ biến thành vẹt.” Họ thì thầm trong tĩnh lặng. Rồi chính họ khen tôi: “Bạn đại diện cho tương lai của nhân loại.”
Tương lai nhân loại? Tôi bật cười. Nếu vậy thì tương lai nhân loại sẽ về đâu khi tôi không còn là một con người. Tôi là một con vẹt, một thử nghiệm. “A,” tôi hét lên. “Đây là một phép lạ khoa học?”
Phép lạ? Ừ, phải rồi.
Tôi nhìn lại mình, như tất cả các lần phê và tự phê, mấy trò kiểm điểm đầy ra trong cuộc đời tôi. Tôi thấy các dữ liệu của tôi đã được chương trình tự động “nâng cấp” mà không cần hỏi ý kiến tôi. Tôi in các dữ liệu của mình ra giấy, phòng khi chương trình bị virus. Nó đầy đủ các chi tiết như: xương của tôi cấu tạo như thế nào, tim đập ra sao, phổi sẽ thở bao nhiêu lần trong một phút, cả tỷ lệ chất xơ khi bài tiết. Và quan trọng nhất, thần kinh của tôi phải được cài đặt trong đầu tôi, chứ nếu nhầm chỗ kiểu như trái tim không để lên đầu mà đại tràng chui lên đầu thì tôi hoá thành loài tôm giật lùi, phọt cứt lung tung không còn làm công hay vẹt nữa thì chết. Tôi còn đọc kỹ việc sửa đổi các cơ bắp của cơ thể, phòng khi cần có đủ sức tranh ăn hay đánh nhau.
Tôi có thực sự còn gọi là một con người?
Nhưng sẽ như thế nào, khi mọi thứ vẫn lưu trữ trong đầu tôi. Những cảm xúc, kỷ niệm... được pha trộn, thay thế, lộn xộn với những thứ xanh xanh đỏ đỏ dây nhợ nhân tạo? Làm thế nào tôi biết chắc ký ức của tôi là của tôi?
“Đó là tấm gương soi cho bạn, đẫm máu và khá đắt tiền,” họ nói với tôi, ra vẻ đau khổ. Đẫm máu? Thông điệp “đẫm máu” này tôi nghe quen tai lắm rồi. Lời nói của tôi giờ đã thành một thứ âm thanh được lưu lại và phát tự động. Ví dụ như khi tức giận, khi vui sướng, khi rên rỉ... nó đã được chỉnh theo cường độ của dòng điện có ổn áp. Tôi thử gào lên, được. Tôi thử khóc, hình như vẫn còn, tôi vẫn có thể khóc được. Họ giải thích chương trình cho phép tôi kêu gào hay khóc, phòng khi tôi đói quá mà họ không để ý. Thế là tôi khóc ngon lành. Tôi hỏi họ: “Tại sao các anh lại phá vỡ tôi?” Họ cười: “Đó, bạn đã tự xác nhận, bạn là một người máy đội lốt nhà thơ, như mấy thứ luận văn chính trị đội lốt văn chương đang đầy ra trong thời buổi này.”
“Bạn có chết mất xác cũng không sao, nói gì đến chuyện phá vỡ hay bóp méo vo tròn. Chúng tôi còn tạo ra nhà ngoại cảm, nhà sư, nhà giáo... suốt ngày quay cuồng như múa rối chạy bằng pin, nói gì đến mấy thằng làm thơ vô tích sự như bạn.” Họ mỉm cười.
“Chàng đừng nghĩ đó là tai nạn. Em không thấy có gì thay đổi,” vợ tôi nói với tôi. “Chàng vẫn là con người. Dù chàng là ai, chàng cũng cần ngủ với em và phụ với em nuôi con.”
Tôi được nàng định nghĩa và được mọi người công nhận như tập hợp các bộ phận của cơ thể, như một bài giải phẫu mà sinh viên năm thứ nhất đã thuộc lòng. Nhưng có điều các em sinh viên không biết là tôi có thể được lắp pin và thay pin mới, tuỳ khi nào họ muốn. Sợ nhất là mỗi khi tôi đau đớn và khóc, họ tưởng tôi đói lại thay pin như kiểu người ta nhét bánh đúc cho vịt, làm cổ họng tôi hơi nghẹn ngào. Không sao, họ giải thích, bạn chỉ cần ít nước lã, đó là thứ rất rẻ nên luôn miễn phí.
Điều trớ trêu là cái trí tuệ nhân tạo của người máy lại giúp cho tôi làm thơ khá nhanh. Tôi viết về những quả đồi trọc thành cánh rừng thơ mộng, những dòng sông cạn kiệt thành thủy điện ấm nóng, những đứa bé đi mẫu giáo nhúng đầu vào thùng nước vẫn cười, những thạc sĩ văn chương thật ra là những tên phản động... Có khi tôi còn viết những bài thơ định nghĩa về một con người, tha hồ cao thượng dũng cảm trí tuệ nhân văn thông minh có râu rụng lông đầu trọc yêu nước đảo ơi đất ơi nước ơi anh ơi em ơi dân ơi... gì tôi cũng vẽ ra, đủ hết. Đến lúc này vợ tôi bắt đầu sợ. Nàng nghĩ miếng ăn có gì đâu mà tôi phát điên như vậy, cứ tự tạo rahuyền thoại sợ hãi hay tôn giáo cơm cháo làm gì, lỡ phạm phòng phạm huý gì thì chết đứng, lấy ai phụ nàng nuôi con. Tôi còn thích ví thơ của “bạn tôi” với mấy ông bà Nobel nhân loại vẫn đầy ra trong sách, tha hồ đọc vào thấy lạnh buốt hay sôi bỏng, nhức xương hay chỏng gọng chỏng mông còn quá hơn đứng đường. Vợ tôi khóc và nàng xin họ đo lại chỉ số IQ cho tôi. Nhưng họ cười, vì họ biết thừa sức mạnh của người máy họ tạo ra.
“Người máy,” vợ tôi khóc, “chàng là gã ăn mày thì có.”
Nhưng dĩ nhiên tôi từ chối tước vị đó. Nó không nằm trong danh hiệu thi đua khen thưởng hàng năm họ vẫn bình bầu và xét cho tôi. Bằng khen, giấy khen của tôi nhiều đến mức vợ tôi phải treo lên hành lang hay phòng tắm mới đủ chỗ.
Một lần tôi chở vợ tôi về nhà ngoại ăn giỗ. Tôi bị một gã tâm thần tông thẳng vào người. Tôi biết chắc gã là kẻ tâm thần, vì chẳng ai dại gì dính vào người máy như tôi. Nhưng vụ tai nạn làm tôi biết đau trở lại, thậm chí trong cơn đau đớn tôi cảm thấy hình như trí nhớ bị giảm. Cảm giác đau đốt cháy tôi như a-xít ăn mòn kim loại. Họ lập tức đi tìm tôi khi thấy mất tín hiệu. Nhưng lúc này cái thứ mà họ phải tìm kiếm lại là một con người. Không phải là một khối kim loại dây nhợ xanh đỏ mà là một cục thịt đã bị mất hai cánh tay, một chân và một nửa khuôn mặt. Tôi muốn chết. Nhưng vợ tôi nói tôi vẫn có thể sống. Đó là một phép lạ mà nàng nói có lẽ là do Tạo Hoá.
Nàng cười: “Chàng biết không, đôi khi Phật, Chúa bây giờ cũng chỉ là câu chuyện hài hước.”
Không còn là khối kim loại nên cơ thể tôi bắt đầu bốc mùi, tôi vào phòng tắm. Một nửa còn lại của cơ thể tôi là thịt da nên vẫn cảm thấy cái lạnh buốt khi vòi sen chảy xuống. Tôi thử nhổ nước miếng. Thành công. Tôi ói. Thành công. Tôi đái. Thành công. Nhìn xung quanh, tôi thấy vô số người đang ngồi trên vỉa hè ẩm ướt và bẩn thỉu. Có xác chuột chết. Mọi người đang nói về những cánh đồng bị thu hồi, nói về ly trà đá vỉa hè ở đây giá bằng 2 ký thóc ở quê. Người lạc quan thì nói sắp tới đây ăn cám cả lũ. Người bi quan thì nói cám cũng không đủ mà ăn. Có lẽ khi không còn nhận được sự hỗ trợ về âm thanh, tôi mới nghe thấy tiếng la, tiếng kêu... Tôi lắng nghe mọi người nói chuyện. Tôi nghe tiếng quát tháo của một ông nào đó khi ông muốn bẻ tay một người đang ngồi ngơ ngác ở vỉa hè. Không còn sự hỗ trợ về ánh sáng, tôi nhìn thấy ông đội cái mũ rất lạ, hình như đầu của ông có hai cái sừng, vui và lạ mắt. Một con chó, có lẽ đói, sủa vào giấc mơ. Có hai người và một con thỏ nhấp nhô trong căn nhà phía bên kia đường. Hình như họ hơi mệt và le lưỡi thở. Tôi nhìn, nghe tất cả. Tôi còn biết khi ông có sừng dắt người ta về, ông còn kêu người ta viết đơn xin tự tử nữa. Nhiều thứ tôi chưa bao giờ nghe nên tôi thấy rất hay.
“Tai nạn thật khủng khiếp, nhưng chàng còn sống,” vợ tôi nói. Nàng dừng lại, như thể nàng cần một hơi thở tự nhiên bằng phổi của chính nàng.
“Không tồn tại,” tôi kêu lên. “Tại sao họ cứ thích mọi thứ không tồn tại như vậy nhỉ?” Cả tiếng chó sủa và giấc mơ? Nhấp nhô và thở? Mưa hay vợ tôi khóc? Tôi không biết, nhưng tôi cảm thấy những giọt nước trôi trên thịt da tôi. Tôi thử búng ngón tay của mình. Nó kêu lên những tiếng lóc chóc. Những giọt nước mắt trượt xuống mỏng manh và nhẹ, ấm nóng lăn qua ngón tay tôi. Ngón tay tôi đang tách phần kim loại từ thịt da tôi, như bây giờ tôi mới biết cách tách đôi nàng.
Vợ tôi nói: “Họ thì có thể, nhưng em biết chàng sẽ không bao giờ kiếm ăn khốn nạn như vậy.”
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét