Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

Việt Nam lên tiếng việc được mời điện đàm ở “Bộ tứ kim cương” mở rộng


Dân trí Xác nhận lãnh đạo Việt Nam tham gia các cuộc điện đàm với Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Úc, New Zealand, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết nội dung điện đàm là về việc phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
>>Việt Nam phản ứng việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự tới đá Chữ Thập

Việt Nam lên tiếng việc được mời điện đàm ở “Bộ tứ kim cương” mở rộng - 1
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại cuộc họp báo chiều 14/5.
Điện đàm không chính thức 
Chiều 14/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời các câu hỏi đề nghị khẳng định thông tin Việt Nam tham gia các cuộc điện đàm vừa qua với các nước Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Australia, New Zealand (“Bộ tứ kim cương” mở rộng) vừa qua.
Bà Hằng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới, gây ra những tác động tiêu cực nặng nề cho hầu hết tất cả các quốc gia, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với mong muốn chung tay và đóng góp vào nỗ lực chung nhằm đẩy lùi dịch bệnh, Việt Nam đã và đang tích cực hợp tác với các nước, các tổ chức khu vực, nhất là ASEAN, các tổ chức của Liên Hợp Quốc; tham gia nhiều cơ chế trao đổi với các hình thức và ở nhiều cấp khác nhau như Hội nghị quốc tế và khu vực, điện đàm song phương hoặc nhiều bên của lãnh đạo cấp cao, cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng…
Trên tinh thần đó, vừa qua, Việt Nam đã cùng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand tiến hành điện đàm không chính thức.
Trong đó, Việt Nam cùng các nước tập trung cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước, tại khu vực và trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm và biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như các hình thức hợp tác hiệu quả trong công tác bảo hộ công dân, cung ứng trang thiết bị y tế, phối hợp trong các hình thức viện trợ nhân đạo, duy trì giao thông và giao thương cũng như việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa và hồi phục nền kinh tế hậu Covid-19.
Việt Nam tin rằng thông qua các cơ chế hợp tác, trao đổi, điện đàm với tinh thần xây dựng và có trách nhiệm, các quốc gia và cộng đồng thế giới sẽ cùng nhau sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh đồng thời từng bước khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, thông tin từ báo chí quốc tế cho biết Mỹ đang lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bằng cuộc đối thoại nhóm “Bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD), gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand, được gọi là “Bộ tứ kim cương mở rộng” (QUAD Plus).
Căn cứ nào để mở lại đường bay với các nước?
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời về kế hoạch, thời điểm mở lại đường bay tới Hàn Quốc và các nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “Như các bạn đã biết nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19, cũng như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam đã có một số điều chỉnh trong chính sách xuất nhập cảnh. Việt Nam đánh giá cao sự thông hiểu và mong muốn tiếp tục nhận được phối hợp chặt chẽ của các nước trong việc thực hiện các biện pháp này”.
Bà Hằng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ theo dõi sát tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế và có các điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế.
Cho biết thêm về các biện pháp của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, người phát ngôn khẳng định, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, đến nay Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là một cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam.
Bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả, Chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế.
Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng Covid-19 như bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như giữa Việt Nam với bên ngoài; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, logistics…; tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn bảo đảm phòng chống dịch.
Chưa đề nghị kéo dài nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam
Về thông tin Việt Nam mong muốn duy trì chủ tịch luân phiên ASEAN thêm một năm để bù đắp lại thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, người phát ngôn Bộ Ngoại giao phân tích, hiện Việt Nam đang tập trung làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Thời gian qua, dù có những khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam đã và đang phát huy tốt vai trò Chủ tịch trong thúc đẩy đoàn kết, chủ động thích ứng của ASEAN trước dịch bệnh, tiếp tục duy trì đà hợp tác, triển khai hiệu quả các ưu tiên trong năm 2020.
Trong ASEAN chưa có ý kiến nào đề nghị kéo dài nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam.
Phương Thảo 

Không có nhận xét nào: