Thế giới cùng lúc "ngủ đông" và bị đẩy vào cái mà người ta gọi là "những vùng nước chưa ai từng trải nghiệm
Covid-19 trở thành một đại dịch chưa từng có, với mức độ lây lan và nguy hiểm, không trừ ai, bất chấp các ranh giới về lãnh thổ hay giàu nghèo, ảnh hưởng đến tất cả các nước. Khó ai có thể lường trước, đại dịch bỗng chốc lan rộng khắp các châu lục, từ tâm dịch khởi đầu ở Trung Quốc, ra châu Á, tới toàn bộ châu Âu, rồi đến Mỹ.
Có thể nói, cả thế giới phải lao đao ứng phó với đại dịch. Các nước kể cả các cường quốc có tiềm lực về y tế, tài chính, vật lực, cũng đã bị tổn thất nặng nề. Thế giới đứng trước các nguy cơ lớn về suy thoái kinh tế và những thay đổi địa chiến lược chưa thể lường trước hết được. Liệu sắp tới thế giới sẽ đi theo hướng nào trước phép thử hết sức sâu rộng và nhiều chiều này.
Có lẽ chưa có đại dịch nào lan rộng ra hơn, với lượng lây nhiễm lan ra rất nhanh, cùng lúc ở trên 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có tới 4 triệu người bị nhiễm dịch, với gần 280.000 ca tử vong. Các nước, sớm hay muộn, cũng đã buộc phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất: Đóng cửa biên giới và phong tỏa xã hội.
Điều khác biệt và chưa từng có trong lịch sử, chính nằm ở phép thử kép: Cùng lúc, đại dịch xảy ra ở khắp nơi và cuộc đại phong tỏa mà các nước phải thực hiện, vừa đóng cửa biên giới với bên ngoài, vừa thực hiện phong tỏa, cách ly xã hội ở bên trong. Thế giới cùng lúc "ngủ đông" và bị đẩy vào cái mà người ta gọi là "những vùng nước chưa ai từng trải nghiệm".
Ở tầm quốc gia, cuộc sống, xã hội, kinh tế và các mặt hoạt động bị ngưng trệ và đảo lộn, với một loạt các hệ lụy, từ quá tải y tế, đến đình trệ kinh tế, sản xuất, dịch vụ, đến thất nghiệp, vỡ nợ, phá sản. Rồi bất bình đẳng, bức xúc xã hội. Các thiết chế quốc gia cũng đứng trước thử thách to lớn.
Ở tầm toàn cầu, người ta cũng chứng kiến các chiều thách thức chưa từng có: Sự ngưng trệ các giao dịch thông thường, như về kinh tế, thương mại hay du lịch, hay sự yếu kém của các thiết chế hợp tác, quản trị toàn cầu, khu vực. Trong khi đại dịch tiếp tục lan nhanh, thì các dòng dịch chuyển kinh tế, thương mại, dịch vụ hay nhân lực trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị đảo lộn.
Một đại dịch mang tính toàn cầu, nhưng đã không thể có được sự điều phối hay một giải pháp toàn cầu hay khu vực. Ngay cả các nước có tiềm lực cũng gặp lao đao. Các tổ chức khu vực, kể cả liên kết ở cấp độ cao như châu Âu, cũng lúng túng, bất lực trong phối hợp, ứng phó với đại dịch. Điều này dẫn đến việc quay trở lại câu chuyện quốc gia nào trước hết phải lo cho quốc gia nấy.
Một đại dịch đã vượt qua phạm vi về y tế, sức khỏe, đã tác động sâu sắc và đặt ra nhiều câu hỏi lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, kể cả về quản trị, ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Vấn đề đặt ra sau hơn 4 tháng xảy ra đại dịch là: Với những sự thay đổi, tác động mạnh mẽ như vậy, liệu thế giới có đứng trước một trật tự mới hay không?
Đến nay, dường như có 2 trường phái. Một cho rằng, thế giới đã thay đổi lắm rồi và sẽ bước sang trật tự mới hậu đại dịch; trường phái còn lại cho rằng, đại dịch vừa bộc lộ rõ hơn, vừa thúc đẩy trật tự thế giới vốn đang chuyển hoá, càng chuyển hoá nhanh chóng và sâu sắc hơn.
Đúng là, có nhiều cái, thế giới sẽ không thể quay về như cũ. Nhưng nếu nhìn vào những cái căn bản của một trật tự thế giới, nhất là về cấu trúc quyền lực và quản trị toàn cầu, cá nhân tôi thiên về trường phái thứ 2. Đó tiếp tục là trật tự thế giới đa cực, với vai trò nổi trội tiếp tục của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, trong đó, nhìn toàn cục, Mỹ vẫn ở vị trí số 1. Dù tương quan lực lượng tương đối Mỹ-Trung đã và sẽ tiếp tục thay đổi, nhưng Trung Quốc không những chưa thể vượt Mỹ về tổng thể, mà còn chưa đủ các yếu tố và năng lực để có thể thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới.
Quản trị toàn cầu cơ bản vẫn là cái trật tự, luật pháp và hệ thống thiết chế quốc tế, được xây dựng và phát triển từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay, nhưng sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi. Câu trả lời đầy đủ và thấu đáo chắc còn ở phía trước, khi đại dịch và quá trình hậu đại dịch còn đang tiếp diễn.
Điều chúng ta đang chứng kiến, dường như là cái hiện tại chưa thể bị thay thế, nhưng có nhiều thứ không còn phù hợp nữa và phải chuyển đổi. Đó là một quá trình song hành giữa củng cố, cập nhật và điều chỉnh ngay trong lòng trật tự thế giới hiện nay.
Đại dịch vừa qua càng cho thấy rõ hơn các chuyển động trong việc tái định vị và điều chỉnh về: cạnh tranh nước lớn, nhất là giữa Mỹ và TQ, chủ nghĩa đa phương và các tổ chức quốc tế, toàn cầu hoá và chuỗi cung ứng toàn cầu, liên kết khu vực, lợi ích quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh đó, các xu hướng dân tuý có thể có điều kiện nổi lên khi các nước định vị lại lợi ích của mình.
Mặt khác, công nghệ và kỹ thuật số đã và càng trở nên quan trọng trong mọi mặt đời sống, xã hội, kinh tế và quản trị chung, tạo đà cho áp dụng rộng rãi trong thời gian tới. Nhưng đợt phong tỏa dài hạn vừa qua cũng cho thấy nhiều mặt của cuộc sống này khó có thể "số hóa" hoàn toàn được.
Trước mắt, trong các chuyển động trên, đáng chú ý là những điều chỉnh về cạnh tranh Mỹ-Trung, chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động của công nghệ và sự tái định vị lợi ích của các quốc gia.
Giữa hai cường quốc số 1 và số 2, xu hướng cạnh tranh chiến lược tiếp tục gia tăng, trong khi lợi ích cọ xát sâu sắc và lòng tin chiến lược càng bị suy giảm.
Khi các quốc gia, bao gồm cả các trung tâm kinh tế lớn của thế giới bị phong tỏa như vậy, thì chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ và đảo lộn. Chính việc chuỗi cung ứng toàn cầu bỗng bị chặt đứt như vậy, người ta thấy được nhiều chiều của chuỗi cung ứng, cả mặt tích cực và tiêu cực. Trước hết, đó là tính tuỳ thuộc và liên kết chặt chẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là giữa các kinh tế lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu.
Mặt khác, các nước như Mỹ và châu Âu cũng thấy quá lệ thuộc vào Trung Quốc, khi gặp sự cố thì không có sự lựa chọn thay thế. Khi đó, nó không chỉ là lợi ích kinh tế, mà còn có lợi ích quốc gia, cần phải làm sao điều chỉnh. Thậm chí, Mỹ và một số nước còn tính chuyện dịch chuyển, tách và đưa các công ty của mình ra khỏi Trung Quốc.
Vậy điều gì sẽ xảy ra. Có thể nói, đây là quá trình nhiều chiều và phức tạp. Trước hết, với tính tuỳ thuộc chặt chẽ hiện nay, các trung tâm kinh tế lớn vẫn phải gắn với nhau, lợi ích kinh tế từ thị trường Trung Quốc là rất lớn, chưa kể việc chuyển đổi cũng không dễ dàng, hoặc rất tốn kém, hoặc những nơi khác dù có cộng lại, cũng khó có thể thay thế được.
Tuy nhiên, qua đại dịch lần này, chắn chắn xu hướng các nước tránh quá lệ thuộc vào Trung Quốc sẽ gia tăng. Điều khả thi hơn có thể là việc Mỹ, phương Tây rút một phần các sản xuất thiết yếu, quan trọng chiến lược, đồng thời cũng đa dạng hoá một phần các chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
Các yếu tố địa chiến lược và kinh tế, nhất là các nghi kị chính trị vừa qua, sẽ làm cho quá trình phân hoá và điều chỉnh này phức tạp và diễn ra từ cả hai phía. Trung Quốc cũng cần làm sao để nền kinh tế và nhất là công nghệ của mình tự chủ hơn, đề phòng một cuộc bao vây hay kiềm chế của Mỹ và phương Tây có thể gia tăng.
Như vậy, hậu đại dịch, để phục hồi và phát triển, các nền kinh tế lớn cần phải khôi phục lại chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đứt quãng vừa qua. Với các yếu tố như trên, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ không quay lại hoàn toàn như trước đại dịch. Phá vỡ các chuỗi liên kết là bất khả thi, nhưng chắc chắn sẽ dẫn đến tách biệt và đa dạng hoá.
Cái gốc của toàn cầu hoá này chính là từ sự định vị sao cho hiệu quả và mang lại nhiều lợi nhuận nhất, trước hết là từ các công ty tập đoàn đa quốc gia. Việc Trung Quốc trở thành đại công xưởng của thế giới cũng chính bởi lý do này, cả hai cùng có lợi. Mặt khác, không phải bây giờ, các nước mới tính chuyện chuyển dịch khỏi Trung Quốc. Mấy chục năm, Trung Quốc giờ đã rất khác, phát triển hơn, tiên tiến nhiều mặt, giá nhân công cũng gia tăng cùng thu nhập. Vì vậy, không chỉ các công ty nước ngoài mà cả các công ty bản địa của Trung Quốc cũng đã có những chuyển dịch sang các nước khác.
Trung Quốc không còn là công xưởng của thế giới như trước nữa. Trước đây, Trung Quốc cần kéo nguồn vốn, quản lý, khoa học kỹ thuật, dây chuyền của các nước, đặc biệt là Mỹ. châu Âu, phương Tây về Trung Quốc, còn các tập đoàn của các nước này lại cần lao động giá rẻ, thị trường lớn của Trung Quốc.
Nay các điều kiện trên, có cái còn, nhưng nhiều cái đã có thay đổi về chất. Trung Quốc thực sự đã bước sang giai đoạn phát triển mới, thậm chí vươn lên dẫn ở một số lĩnh vực, cộng với chủ trương đột phá dựa vào chất xám và công nghệ nhiều hơn. Cùng với đó là các tác động của cuộc cạnh tranh chiến lược, thương mại và công nghệ, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chính điều này đang tạo ra một cuộc chuyển dịch "cách mạng" mới về chuỗi cung ứng toàn cầu - Sự định vị lại Trung Quốc, nhìn từ cả hai phía thế giới và Trung Quốc, trong nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu. Quyền định vị giờ đây không còn thuần tuý chủ động từ các nước phương Tây như trước nữa. Điều này cũng đã và sẽ dẫn tới những sắp xếp khác nhau ở cấp độ khu vực. Các nước khác sẽ chịu tác động và cần lưu ý tính chuyển dịch nhiều chiều này để cân nhắc và định vị lợi ích của mình.
Đại dịch rất khác một cuộc chiến tranh, cuộc chiến tranh có kẻ thắng kẻ thua. Còn sau đại dịch, nước nào ít nhiều cũng bị thiệt hại, trong đó có về kinh tế. Sự thiệt hại này, nhất là với các nước lớn, không chỉ do kinh tế, sản xuất, dịch vụ bị chặn đứng, mà còn sức chống chịu và khả năng phục hồi của nền kinh tế quốc gia, cũng như sự vươn lên và tái định vị quốc gia trong nền kinh tế thế giới và trong quản trị toàn cầu. Đây là điều quyết định lợi thế của các cường quốc hậu đại dịch.
Có thể thấy, Trung Quốc thuận hơn khi ra khỏi đại dịch và đi vào giai đoạn phục hồi sớm hơn, nhưng Trung Quốc cũng chưa thể phát triển đầy đủ khi mà các đối tác chính, Mỹ và châu Âu chưa ra khỏi đại dịch. Đó là sự tùy thuộc chặt chẽ của chuỗi cung ứng. Dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ ở mức thấp nhất trong bốn thập kỷ qua. Châu Âu nhìn chung sẽ gặp khó khăn hơn, vừa do đại dịch nặng và kéo dài, vừa do sự khủng hoảng của liên kết khu vực trước đại dịch. Mỹ bị tác động nặng của đại dịch, nhưng nền kinh tế Mỹ có sức chống chịu lớn và trước khi bị đóng cửa, đang trong đà phát triển. Đây là điều kiện tạo cho kinh tế Mỹ có sức bật trở lại, dù có nhiều khó khăn, khi mà Mỹ đã bắt đầu mở cửa lại từng bước. Dù thế giới có thể đứng trước nguy cơ suy thoái, nhưng điều này cũng sẽ không tạo ra đột biến thay đổi tương quan lực lượng, trong đó có về kinh tế.
Thứ hai, sau đại dịch các nước, kể cả Mỹ và Trung Quốc đều phải đứng trước những khó khăn, thách thức nội bộ. Dù muốn hay không, các nước này cũng đều phải lo "dọn dẹp nhà cửa" trước, có câu chuyện củng cố vị thế nội bộ, có câu chuyện phục hồi, cải cách và có bứt phá vươn lên được không.
Với Mỹ, trước hết đó là câu chuyện bầu cử và chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 cuối năm nay. Đại dịch gây bất lợi cho Tổng thống đương nhiệm, nhất là khi làm mất đi thế mạnh của Trump về các chỉ số kinh tế, điều thiết yếu đối với Trump lúc này là sớm giành lại các điểm mạnh đó, tức là sớm có những kết quả về phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong khi đó phe dân chủ và ứng viên Biden đang tìm cách xoáy sâu vào những khiếm khuyết của Trump trong ứng phó với đại dịch và những hệ lụy, để tranh thủ cử tri. Có thể dự báo, cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới sẽ là giữa hai liên danh chưa từng có, giữa Donald Trump và Phục hồi kinh tế ở một bên, với phía bên kia là Joe Biden và Đại dịch Covid-19.
Nếu Trump phục hồi được kinh tế Mỹ thì sẽ có lợi thế. Nhưng, hai bên có một điểm chung, đó là xem Trung Quốc là một vấn đề trong tranh cử.
Trung Quốc cũng có cái khó lớn cả về nội bộ và về môi trường đối ngoại. Bất lợi đối nội trước hết ở những sai lầm trong ứng phó với đại dịch ở giai đoạn đầu, tác động đến niềm tin và dư luận không thuận trong nội bộ Trung Quốc. Kế đó là câu chuyện về kinh tế, dù có thể phục hồi sớm hơn, nhưng chưa thể quay trở lại như trước dịch và việc lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong bốn thập kỷ. Trung Quốc vừa qua đẩy mạnh tuyên truyền, tìm cách diễn giải lại và chứng minh thành công trong ứng phó với đại dịch có lý do chính là vì nội bộ.
Về đối ngoại, trước hết là câu chuyện lòng tin, có lẽ đã xuống mức rất thấp giữa Mỹ, châu Âu và phương Tây khác với Trung Quốc. Điều này càng bị phức tạp thêm bởi các bên tìm cách đổ lỗi cho nhau, đến chiến dịch yêu cầu điều tra Trung Quốc và WHO về việc chậm trễ và thiếu minh bạch thông tin trong xử lý dịch ban đầu, trở thành câu chuyện và sức ép nội bộ của nhiều nước đối với Trung Quốc.
Đồng thời dự báo, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, bao gồm cả chiến tranh thương mại và công nghệ sẽ có chiều hướng tăng và phức tạp hơn. Dù rằng, trước mắt Mỹ và Trung Quốc vẫn có nhu cầu giữ được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhưng nếu việc thực hiện trục trặc, thì khả năng căng thẳng thương mại hai nước lại gia tăng, nhất là khi Mỹ tiến gần hơn đến bầu cử.
Xu hướng chung, tuy cần tranh thủ nhau, nhưng Mỹ, châu Âu và phương Tây khác sẽ phải tính toán và định vị lại các chuỗi cung ứng toàn cầu với Trung Quốc, như đã nêu ở trên. Mặt khác, Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn trong triển khai sáng kiến BRI, khi mà nhiều nước hoặc thiếu lòng tin, hoặc gặp khó khăn khó khăn qua đại dịch, phải tính toán lại để tránh sa vào tình trạng nợ và tập trung cho các yêu cầu cấp bách hơn.
Tựu trung lại, các nước nhìn chung đều bất lợi trước đại dịch, kể cả với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Tuy tương quan và cấu trúc quyền lực chưa thay đổi về căn bản, nhưng cạnh tranh và thiếu lòng tin chiến lược giữa các nước lớn sẽ càng gia tăng thời kỳ hậu đại dịch. Có thể nói, Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ môi trường đối ngoại không thuận nhất từ khi mở cửa cho đến nay. Sự chuyển dịch này, về trước mắt, cũng sẽ gây những bất lợi nhất định cho Trung Quốc trong việc thực hiện các "đại giấc mơ" của mình.
Trong các khu vực, thì Đông Nam Á là nơi đầu tiên bị dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng, vì ngay cạnh và có những giao lưu các mặt chặt chẽ với Trung Quốc. Các ca ghi nhận đầu tiên ở khu vực xảy ra ngay tuần thứ ba của tháng 1/2020, ở Thái Lan, Việt Nam, Singapore, rồi Malaysia, Philippines, Indonesia…
Cũng chưa bao giờ trong lịch sử ASEAN và khu vực cùng một thời điểm, các nước cả bị nhiễm và không bị nhiễm, lần đầu tiên, đều đóng cửa biên giới, rồi thực hiện cách ly xã hội. Khu vực Đông Nam Á đã từng ứng phó gần nhất với dịch SARS nhưng mức độ lây lan để phải đóng cửa biên giới là chưa từng có, và thời gian cũng không dài và diễn ra ở cùng một thời điểm như vậy.
Các chuyển dịch về địa chiến lược và kinh tế đang đặt ra những bài toán lớn cho các nước trong khu vực. Các nước đều muốn tranh thủ và quan hệ tốt với các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu việc cạnh tranh và thiếu lòng tin chiến lược giữa họ gia tăng, mục tiêu này sẽ khó khăn hơn, chưa kể có thể có những phân hoá nhất định trong khu vực. Điều này làm cho ASEAN phải củng cố hơn nữa đoàn kết, dựa trên các lợi ích và nguyên tắc của mình, để thích ứng và ứng xử trước những thay đổi của tình hình.
Trước mắt, chắc chắn là câu chuyện về chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước khả năng có những thay đổi lớn. Đó là sự chuyển dịch nhiều chiều của các nền kinh tế lớn, bao gồm cả Mỹ, phương Tây và Trung Quốc.
Về nguyên tắc, nước nhỏ hơn sẽ phải phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng, khi có sự chuyển dịch thì cũng tạo ra cả cơ hội và thách thức mới. Yêu cầu là xử lý bài toán, vừa tranh thủ gắn kết để có lợi ích cho mình nhiều hơn, vừa đa dạng hoá để tránh lệ thuộc vào một hai thị trường, và nhất là phấn đấu định vị và tham gia ở các chuỗi cung ứng có độ bền vững và chất lượng cao hơn.
Mặt khác, châu Á, nhất là Trung Quốc ra khỏi đại dịch và đi vào giai đoạn phục hồi sớm hơn, trong khi các trung tâm kinh tế khác như Mỹ hay Châu Âu vẫn còn trong đại dịch và chưa rõ câu chuyện này sẽ còn kéo dài bao lâu. Trong khi về lâu dài, sẽ là câu chuyện dịch chuyển và điều chỉnh lại các chuỗi cung ứng toàn cầu giữa các trung tâm kinh tế lớn, thì khu vực sẽ tiếp cận và xử lý ngay việc phục hồi, mở rộng và kết nối trong khu vực, trước hết là với Trung Quốc. Khác với các cuộc khủng hoảng trước, như về tài chính 1997-98 hay đại dịch SARS 2003, lần này chưa thấy Trung Quốc có những kế hoạch lớn trong cứu trợ và phục hồi ơi khu vực, nhưng dư luận cho rằng, Trung Quốc sẽ ưu tiên nhiều hơn cho vành đai BRI và phần nào cho Đông Nam Á.
Do đó, sự chuyển dịch và phục hồi chuỗi cung ứng đầu tiên cũng sẽ bắt đầu từ khu vực này, trong đó có giữa Trung Quốc và ĐNA. Đây là điều các nước khu vực chắc chắn sẽ tranh thủ, vì đều cần phục hồi thoát khỏi đại dịch, nhưng cũng đứng trước các thách thức. Đó là bài toán về đa dạng hoá, tránh phụ thuộc. Hai là làm sao lựa chọn cái chất lượng cao hơn, bền vững hơn. Tiếp đó, là làm sao tiếp cận được các nguồn vốn FDI chất lượng cao và tránh việc các công ty bị bên ngoài thâu tóm, khi đều gặp khó khăn do đại dịch.
Vì vậy, quá trình ra khỏi đại dịch, với các nước nhỏ, yêu cầu đặt ra là phải lựa chọn, định vị cả về chuỗi cung ứng cũng như nguồn vốn có chất lượng cao, bền vững hơn, kết hợp được cả các yêu cầu trước mắt và lâu dài cho sự phát triển của quốc gia.
Theo T.Q.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét