Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

ĐẠI GIAN ĐẠI ÁC TẦN CỐI VÀ CÁI BÁNH QUẨY


Trần Xuân
Bánh quẩy xuất xứ từ Trung Quốc vào đầu thế kỷ XII dưới triều Tống Cao Tông (1127-1163). Từ nguyên gọi tên bánh này là 油 炸 鬼= YÓU ZHÁ GUǐ, phiên âm Hán-Việt là DU TẠC QUỶ; DU là DẦU, TẠC là CHIÊN, QUỶ là QUỶ, nghĩa là con quỷ bị chiên trong dầu sôi. Bánh quẩy theo chân người Hoa sang nước ta kể hàng trăm năm nay, dùng ăn với phở cháo bún miến khá ngon. Lúc đầu nhại âm Quảng Đông gọi là DẦU CHÁO QUẨY, ít lâu sau giản lược CHÁO QUẨY, ngày nay gọi ngắn gọn là QUẨY.
Nhà Kim sau khi chiếm gọn Bắc Tống liền xua quân thôn tính Nam Tống nhưng đều bị danh tướng thiên tài quân sự Nhạc Phi (1103-1142) đánh bại. Năm 1136 Nhạc Phi đem quân Bắc Phạt, thu hồi vùng đất rộng lớn, từ đó quyết tâm khôi phục lại Trung Nguyên. Nhưng lúc này Triều đình Nam Tống bị phân hóa mạnh, vua nhu nhược hèn kém, Tể tướng Tần Cối thông đồng ôm chân giặc, chủ trương giảng hòa chịu cống nạp cầu an, tạo mâu thuẫn lớn với phe chủ chiến của Nhạc Phi. Cối ấp ủ âm mưu hãm hại Nhạc Phi, bí mật triệt thoái quân, tạo thế “cô quân độc tướng” đẩy Nhạc Phi vào đường chết, nhưng bất thành. Tần Cối và vợ là Vương Thị bày mưu mới, tung tin Nhạc Phi phỉ báng Triều đình, Cao Tông ngu tối tin là thực, Tần Cối nhân đó hạ độc Nhạc Phi và con trai ông là Nhạc Vân. Đó là ngày 25 tháng Chạp Âm lịch 1141.
Tin danh tướng Nhạc Phi bị Tần Cối hãm hại nhanh chóng lan truyền khắp nơi, dân chúng nghiến răng căm phẫn nguyền rủa kẻ bán nước. Một người thợ bánh ở kinh thành cho ra mẻ bánh nặn hình vợ chồng Tần Cối xoắn vào nhau chao trong chảo dầu, đặt tên là bánh DẦU CHAO QUỶ, dân chúng thấy lạ chen chúc mua.
Vì chữ QỦY (鬼) là con quỷ và chữ CỐI (檜) người Trung Quốc phát âm giống nhau (GUǐ và GUI) nên chữ DU TẠC QUỶ vừa có nghĩa DẦU CHAO QUỶ vừa có nghĩa DẦU CHAO CỐI (Tần Cối)… Chuyện đến tai Tần Cối, hắn phái lính đến bắt người thợ bánh, phá nát nhà cửa, nhưng ông này được người báo trước đã cao chạy xa bay.
Đến địa phương khác ông vẫn làm thứ bánh ấy, nhưng để che mắt bọn cầm quyền và tránh tai vạ, bánh chỉ là hai rẻo bột xoắn vào nhau, không có mặt mũi chân tay như trước, tên bánh thì vẫn như cũ…
Năm đầu Long Hưng 1163, Tống Hiếu Công hạ chiếu giải oan cho Nhạc Phi, khôi phục chức tước, dời hài cốt an táng dưới núi Thê Hà cạnh Tây Hồ, Hàng Châu. Năm đầu Nguyên Khánh 1195 Tống Ninh Tông truy phong Nhạc Phi là Nhạc Vương, xây miếu thờ.
Trước mộ danh tướng Nhạc Phi người ta đặt tượng vợ chồng Tần Cối đang quỳ đúc bằng gang có hàng rào sắt vây quanh. Tính từ năm 1475 đến 1979 tượng vợ chồng Tần Cối đã đúc đi đúc lại 13 lần đủ thấy những kẻ bán nước ôm chân giặc dù nhất thời đắc ý nhưng vẫn không thoát khỏi sự phán xét của lịch sử và búa rìu dư luận.
Tuy miếu thờ có nội quy “Không xâm phạm di tích lịch sử” nhưng đoàn người đông đúc hàng ngày đến dâng hương lên ban thờ Tướng quân Nhạc Phi lúc trở ra không ai bảo ai đều khạc nhổ lên mặt hai pho tượng vợ chồng Tần Cối.
Nghìn năm đã trôi qua chừng nào chiếc bánh quẩy còn tồn tại thì chừng ấy tội ác bán nước, giết người tài của Tần Cối còn bị phơi bày dưới ánh sáng mặt trời.
Tượng vợ chồng Tần Cối

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: