Sau khi ký hợp đồng xuất bản bằng tiếng nước ngoài cuốn nhật ký những ngày Vũ Hán bị phong tỏa, nhà văn Phương Phương nhận được nhiều tin nhắn dọa giết.
Nhà văn Phương Phương trả lời báo chí hôm 22/2 ở Vũ Hán. Ảnh: AFP.
|
Phương Phương, nhà văn 65 tuổi ở Vũ Hán, trở nên nổi tiếng toàn cầu sau khi hé lộ những chi tiết về cuộc sống người dân của thủ phủ Hồ Bắc - tâm dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới - với 60 bài viết được đăng trên tài khoản truyền thông xã hội. Tuy nhiên, quyết định phát hành nhật ký ở các nước phương Tây đã gây ra tranh cãi tại quê nhà của nữ tác giả. Đồng thời, gần đây Phương Phương tiết lộ bà nhận được nhiều lời đe dọa và đang lo lắng cho mạng sống của bản thân cũng như cả gia đình.
Khác xa với tin tức chính thức từ truyền thông nhà nước, nhật ký của Phương Phương kể về những điều bà thực sự nghe, đọc và nhìn thấy trong đại dịch. Phương Phương cũng chia sẻ cảm nhận cá nhân từ góc độ của một trí thức, một người dân Vũ Hán. Bài đăng đầu tiên của bà vào ngày 25/1, hai ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa.
Trong một bài chia sẻ được đọc nhiều nhất và cũng gây tranh cãi nhất của Phương Phương, đăng ngày 13/2, bà mô tả cảnh tượng thảm khốc bên trong một nhà hỏa táng địa phương. Tác giả nói rằng bà nhận được một bức ảnh từ người bạn bác sĩ, cho thấy sàn của nhà hỏa táng đầy những "chiếc điện thoại vô chủ" từng thuộc về những người đã bị đem đi thiêu.
Còn trong bài đăng ngày 17/2, Phương Phương tiết lộ các bệnh viện "cứ vài ngày lại hết một tập giấy chứng tử" và xe tải chất đầy túi đựng xác được đưa đến nhà hỏa táng.
Nhà văn Phương Phương vào năm 2010. Ảnh: Weibo.
|
Hiện nhiều bài viết của Phương Phương đã buộc bị xóa do các miêu tả quá thẳng thắn và gây sốc. Trong cuộc phỏng vấn với hãng Caixin tuần trước, Phương Phương cho biết tài khoản Weibo của bà đã tạm thời bị dừng hoạt động. Nhiều người dùng mạng đã xúc phạm Phương Phương và bêu địa chỉ nhà bà. Thậm chí, nhật ký của Phương Phương trên Caixin cũng biến mất ngay sau khi được xuất bản. Một số trang web của Trung Quốc có trụ sở ở nước ngoài đã tìm cách đăng lại tác phẩm của bà.
Theo Radio France Internationale, một độc giả đã gửi đe dọa tới Phương Phương dưới dạng áp phích khổ lớn dán trên đường phố Vũ Hán. Báo cáo cho biết tấm áp phích được một người tự xưng là nông dân làm, buộc tội nhà văn 64 tuổi "gây nguy hại cho đất nước" và yêu cầu Phương Phương tự sát để đền tội. Trên mạng, một số người gọi nữ nhà văn từng đạt giải thưởng văn học uy tín nhất quốc gia năm 2010 là "kẻ phản quốc".
Tuy nhiên, những người hâm mộ trung thành vẫn bảo vệ Phương Phương. Một người viết: "Phương Phương chẳng nợ ai cả. Các người cũng có thể tự do viết một cuốn nhật ký ngược với những gì bà ấy đã viết, dịch nó và xuất bản ở nước ngoài!".
Trong tháng 6, nhật ký về những ngày phong thành ở Vũ Hán của Phương Phương sẽ được xuất bản ra hai thứ tiếng là Anh và Đức. Tác giả khẳng định sẽ quyên góp từ thiện từng đồng nhận được và tặng cho gia đình của các nhân viên y tế tuyến đầu đã qua đời.
Phương Phương tin rằng Vũ Hán của bà sẽ sớm lấy lại năng lượng và trở về với nhịp sống sôi động như xưa.
Nhà văn Phương Phương 65 tuổi, tên thật Uông Phương. Bà sinh ở Nam Kinh, theo cha mẹ tới Vũ Hán, Trung Quốc, sống từ năm hai tuổi. Năm 1978, bà học khoa Văn, Đại học Vũ Hán, trở thành phóng viên, biên tập viên ở Đài truyền hình Hồ Bắc sau khi tốt nghiệp. Phương Phương còn từng làm tổng biên tập tạp chí Contemporary Celebrities (Kim Nhật Danh Lưu). Bà sáng tác tiểu thuyết, tản văn từ cuối thập niên 1980. Năm 2012, tiểu thuyết Vạn kiếm xuyên tâm của bà được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, kể về cuộc đời một người phụ nữ Vũ Hán. Phương Phương là nguyên Chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Hồ Bắc, hiện là ủy viên Hội nhà văn Trung Quốc.
|
Tùng Anh (Theo CNA)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét