TPO - Khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh bắt cá những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông là không có giá trị, Bộ NN&PTNT đề nghị ngư dân đi đánh bắt theo tổ đội, gặp sự cố có thể báo về đường dây nóng (024- 62737323) của Cục Kiểm ngư để được hỗ trợ.
Ngày 11/5, Bộ NN&PTNT cho biết, cơ quan quản lý nghề cá Trung Quốc thực hiện tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ 12 giờ ngày 1/5/2020 đến 12 giờ ngày 16/8/2020 trên các vùng biển trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương thông báo cho ngư dân biết về việc tạm ngừng đánh cá có thời hạn của phía Trung Quốc và khẳng định, việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá đối với những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông là không có giá trị.
Các địa phương động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.
Trong đó, Bộ NN&PTNT lưu ý, đối với tàu cá có Giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ năm 2019-2020 không sang khai thác tại vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
Bộ NN&PTN cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác hải sản của tàu cá trên các vùng biển, đặc biệt phối hợp quản lý chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này.
Khi có các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển đối với tàu cá và ngư dân, cần thông báo về về đường dây nóng của Cục Kiểm ngư, số điện thoại 024- 62737323.
Trước đó, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã lên tiếng, kịch liệt phản đối về Quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc biển Đông đến 12 độ Vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, Quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan.
Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét