Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

CÁCH DÙNG NGƯỜI TÀI CỦA TÀO THÁO



Ngụy là nước mạnh nhất trong ba nước đời Tam Quốc. Có nhiều yếu tố làm nước Ngụy hùng cường như đất rộng, người đông, quân đội thiện chiến. Nhưng điều cơ bản đứng đầu nước Ngụy là người có nhiều mưu lược và rất tinh thông ĐẠO DÙNG NGƯỜI. Đó là Tào Tháo. Sử quan Trần Thọ nói: “Sở dĩ Tào Tháo thu nạp được nhiều nhân tài thiên hạ vì ông áp dụng khôn khéo ĐẠO DÙNG NGƯỜI chứ không phải THUẬT DÙNG NGƯỜI.
Vừa nắm quyền lực trong tay, Tào Tháo đã ban bố rộng rãi “Cầu hiền lệnh” nghĩa là thông báo tuyển chọn thu nạp nhân tài. (Xin nói ngay, chữ HIỀN là từ Hán-Việt (賢) có nghĩa: đức hạnh, tài năng hơn người, đừng lầm với chữ HIỀN là HIỀN LÀNH trong tiếng Việt).
Biết Tào Tháo là bậc anh hùng có tài kinh bang tế thế, nhân tài khắp nơi ùn ùn kéo về quy nạp dưới trướng. Cách chọn hiền tài của Tào Tháo khác người thường nên hiệu quả rất lớn. Chỉ tiêu tuyển chọn nhân tài của ông không quá coi trọng đạo đức là “tiêu chuẩn hàng đầu”, vì quá chú trọng đạo đức sẽ nảy sinh ba vấn đề:
1- Có đức nhưng bất tài thì đó là người tốt nhưng vô dụng.
2- Quá cầu toàn về đức nhiều khi bỏ sót người tài chỉ vì họ mắc một vài tật xấu nhỏ.
3- Đề cao đạo đức lên đầu lập tức đẻ ra hạng đạo đức giả, dùng mánh lới che đậy bản chất, bịt mắt bề trên.
Mục tiêu chọn người tài của Tào Tháo luôn ưu tiên “có tài là dùng”, không có nghĩa bỏ qua tiêu chuẩn đạo đức, nhưng không quá khắt khe săm soi những sở đoản nhân cách nhỏ nhặt. Ông nói: “Cao quá dễ gãy, trắng quá dễ bẩn, nước trong quá không có cá, người chấp nhặt xét nét quá không có bạn”.
Điển hình là chuyện ông không trừng trị Đinh Bùi. Bùi là tướng trông coi việc chăn nuôi gia súc có tính tham vặt; đôi khi đem bò già bò gày của nhà đổi lấy bò non bò béo của trại. Khi nghe có người tố giác, Tào Tháo gạt đi, nói: “Đinh Bùi giống con mèo giỏi chuột nhưng mắc tật ăn vụng, không vì thế mà bỏ vì hắn hữu dụng”.
Nhiều người sợ cấp dưới từng là kẻ đối lập hoặc kẻ thù của mình, tìm cách hãm hại hoặc xa lánh. Tào Tháo thì không. Ông chủ trương “chiêu hiền, nạp phản” nghĩa là thu dụng cả những kẻ từng chống đối mình, thậm chí cả tử thù của mình; Trần Lâm, Giả Hủ là bằng chứng hùng hồn. Trong trận Quan Độ, Trần Lâm giúp Viên Thiệu thảo hịch chửi bới, vu khống, nguyền rủa Tào Tháo rất cay độc vậy mà khi bị bắt vẫn được Tào Tháo tự tay cởi trói, trách đùa: “Muốn chửi thì chửi mình ta là đủ, cớ sao lại chửi cả tổ tiên ba đời nhà ta?!” Liền đó phong Trần Lâm làm Tư không quân mưu tế tửu.
Trận đánh Trương Tú, Tào Tháo trúng mưu Giả Hủ phải trả cái giá quá đắt: Tào Ngang là con, Tào An Dân là cháu và danh tướng Điển Vi đều bị giết; Tháo trúng tên may mắn thoát chết! Thế mà khi Giả Hủ đến hàng, Tháo bỏ qua thù cũ, mừng vui khôn xiết, cảm kích đón tiếp; khen Hủ là bậc kỳ tài, mưu lược hơn người; từ đó mọi đại kế đều đem bàn cùng Hủ.
Tướng của Tào là Ngụy Chủng thua trận bỏ theo Trương Mạc, Tháo nghiến răng thề tìm giết Chủng, nhưng khi bắt được liền tha, còn phong giữ chức Thái thú Hà Nội.
Văn Sính tướng của Lưu Tôn trốn chạy, nhiều người xin đuổi theo giết, Tháo ngăn lại, sai vẽ hình dán khắp nơi chiêu dụ, lệnh không làm tổn thương. Sính cảm phục ra hàng, được phong Thái thú Giang Hạ, từng đánh bại Quan Công, Tôn Quyền sợ không dám hành quân qua đất; Tào Tháo khen Sính là “tài đức kiêm toàn”.
Có một sự kiện nói rõ vấn đề này. Sau khi Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu ở Quan Độ có thu hồi được rất nhiều thư từ của một số tướng lĩnh nao núng đã ngấm ngầm liên hệ với Viên Thiệu. Ông không đọc mà ra lệnh đốt trước hàng quân khiến những kẻ hai lòng thoát chết vô cùng cảm kích. Tào Tháo nói :"Lúc Viên Thiệu mạnh thì ngay bản thân ta còn không chắc giữ nổi, nói chi người khác !"Nghe qua, mọi người vô cùng cảm động trước tấm lòng bao dung to lớn của Tào Công.
Đánh trận nếu thắng, Tào Tháo chia đều chiến công cho tướng sĩ; khi thất bại riêng mình nhận lỗi. Nếu người giỏi bên Lưu Bị chỉ đếm trên đầu ngón tay thì ngược lại Tào Tháo có đến 102 danh tướng văn võ vào loại thiên tài; kể qua vài cái tên quen thuộc như Tuân Du, Tuân Úc, Quách Gia, Trình Dục, Giả Hủ, Trương Cáp, Trương Liêu, Từ Hoảng, Văn Sính, Nhạc Tiến, v.v… Hai phần ba nhân tài của Tào Tháo vốn trước kia là người của những tập đoàn hùng mạnh như Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu, Dương Phụng, Trương Mạc, Lã Bố…
Tóm lại cách chọn nhân tài của Tào Tháo quy tụ vào mấy điều kiện then chốt:
1- Đã là người tài nhất thiết phải có thực tài qua thử thách.
2- Không phân biệt thành phần xuất thân.
3- Không phân biệt người từng đối lập với mình.
4- Đặt người tài vào đúng cương vị hợp với sở trường của họ.
Sở dĩ sự nghiệp chính trị của Tào Tháo có được thành công rực rỡ hơn Lưu Bị và Tôn Quyền là nhờ nhân tài thiên hạ đổ dồn về ông. Ưu thế là ông khôn khéo áp dụng cách thu phục nhân tài bằng ĐẠO DÙNG NGƯỜI sáng suốt, tinh vi nhưng cũng rất uyển chuyển sáng tạo. Sử quan Trần Thọ đánh giá Tào Tháo là nhà chính trị lỗi lạc nhất đời Tam Quốc là rất trung thực, khách quan.
Tào Tháo (tranh cổ TQ)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: