Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

Điểm lại những vụ án oan sai trong vài năm gần đây


Việc 3 cụ ông (1 người đã mất trong thời gian giam giữ) được cơ quan chức năng minh oan, xin lỗi và đính chính công khai tại Vĩnh Phúc một lần nữa nhắc người ta nghĩ về hàng loạt những vụ án oan sai trước đây, gây bức xúc trong dư luận.
3 cụ ông ở Vĩnh Phúc mang án oan giết người gần 40 năm
Sáng 9/10, sau gần 40 năm mang án oan giết người, 3 cụ ông (1 người đã mất trong thời gian giam giữ) đã được cơ quan chức năng minh oan, xin lỗi và đính chính công khai trước toàn xã hội.
plus_1_mdrr

Ông Trần Ngọc Trinh.

Theo nội dung vụ án, khi cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc xác định được hung thủ thực sự gây ra cái chết cho ông Chu Văn Quản (Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (cũ)) lúc bấy giờ, lần lượt ông Trần Chung Thám, Trần Ngọc Trinh, Khổng Văn Đệ đều có “quyết định đình cứu” từ VKSND Vĩnh Phú, với nội dung xác nhận cả 3 không liên quan đến việc ông Quản bị giết.
4 lần bị kết án tử hình dù vô tội
Chiều 25/4/2017, buổi xin lỗi của TAND Cấp cao tại Hà Nội với ông Hàn Đức Long, người bị kết án tử hình oan về tội giết người được tổ chức tại ở xã Phúc Sơn (huyện Tân Yên, Bắc Giang).
Vụ án xảy ra vào tối 26/6/2005, thi thể một bé gái ở xã Phúc Sơn được tìm thấy. Sau bốn tháng không tìm ra thủ phạm, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang quyết định tạm đình chỉ vụ án.
f1ff50a591e378bd21f2

Ông Hàn Đức Long và người vợ đã không ngại gian khó, ngày ngày tháng tháng đi kêu oan cho chồng.

Cơ quan điều tra sau đó nhận được đơn của cụ Ngô Thị Khuyến và con dâu tố cáo người cùng thôn là Hàn Đức Long đã hiếp dâm hai mẹ con. Từ đó, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam ông Hàn Đức Long. Ông Long cũng thú nhận mình là thủ phạm hiếp và giết cháu bé trên.
Trải qua hai phiên tòa sơ thẩm, hai phiên tòa phúc thẩm, Hàn Đức Long bị kết án tử hình. Tại các phiên tòa, ông Long kêu oan, không nhận tội và khai bị ép cung, bức cung, dùng nhục hình.
Theo các quyết định trên thì bản chất là ông Hàn Đức Long đã được xác định không phải là thủ phạm. Như vậy, ông đã bị bắt giam oan, truy tố oan, xét xử oan và chịu giam cầm trong suốt 11 năm. Ông bị bắt vào ngày 18/10/2005 và đến tối ngày 20/12/2016 thì được trả tự do.
28 năm mang tiếng giết chồng, giết cha
Ngày 24/10/2017, TAND tỉnh Điện Biên tổ chức buổi Công khai xin lỗi với bà Đặng Thị Nga (SN 1938, ở Tuần Giáo, Điện Biên) và 2 con trai gồm Trịnh Công Hiến (SN 1963, đã mất) và Trịnh Huy Dương (SN 1970) vì điều tra, truy tố, xét xử oan cho họ về hành vi giết chồng, giết cha.
Theo hồ sơ, năm 1989, bà Nga phát hiện chồng mình là ông Trịnh Huy Tùng chết dưới giếng. Vài ngày sau, công an tỉnh Lai Châu (cũ, nay tách thành Lai Châu và Điện Biên) bắt giữ bà Nga và các anh Hiến, Dương để điều tra hành vi giết người.
TAND tỉnh Lai Châu cũ tuyên phạt bà Nga 36 tháng tù treo về tội che giấu tội phạm, các anh Hiến và Dương lần lượt nhận án 18 năm tù và 12 năm tù về tội giết người. Ngày 23/9/1989, Công an huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (cũ) khởi tố vụ án hình sự “Giết người” theo Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 1985.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Đặng Thị Nga, ông Trịnh Công Hiến và ông Trịnh Huy Dương (là con đẻ của ông Tùng và bà Nga) để điều tra về tội giết người
Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù 10 năm khiến gia đình tan nát
Tháng 8/2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị công an huyện Việt Yên, Bắc Giang cho rằng ông là thủ phạm giết cô hàng xóm Nguyễn Thị Hoan tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên. Qua các cấp xét xử, tòa án xác định ông phạm tội giết người, tuyên án tù chung thân. Suốt quá trình bị bắt, xét xử và khi bị kết án, ông liên tục kêu oan.
Vợ ông cũng ròng rã tới nhiều cơ quan công quyền kêu oan cho chồng. Tháng 7/2013, trong đơn gửi VKSND Tối cao, bà cho hay đã tự xác minh được thủ phạm của vụ án là Lý Nguyễn Chung. Xem xét đơn, Cục điều tra VKSND Tối cao đã vào cuộc.
75c3d19910dff981a0ce

Ông Nguyễn Thanh Chấn được thả tự do năm 2013.

Tháng 11/2013, ông Chấn được VKSND Tối cao tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt. Hai hôm sau, TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người. Vụ án được điều tra lại.
Trước đó ít ngày, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, nhận đã giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn cùng 59.000 đồng. Sau khi điều tra, xác minh, Chung bị bắt giữ và khởi tố về tội Giết người, Cướp tài sản. Đầu năm 2014, ông Chấn chính thức được công nhận vô tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn hiện đã nhận số tiền bồi thường hơn 7 tỷ đồng.
Vụ án “vườn điều” khiến ông Nén và cả gia đình vướng vòng lao lý
Với hai lần bị kết án tử, ông Huỳnh Văn Nén được xem là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, được gọi là "Người tù xuyên thế kỷ".
Tháng 4/1998, ông Nén bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp chiếc nhẫn. Hơn 2 năm sau, TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản, tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Sau 12 năm cơ quan điều tra không buộc tội được các bị can, không tìm ra hung thủ, gia đình ông Nén được minh oan, bồi thường gần một tỷ đồng.
Riêng ông Nén không được giải quyết vì đang thi hành bản án chung thân vì bị cho là giết bà Bông, cướp nhẫn vàng.
Gần 17 năm ngồi tù, cuối năm 2015, Công an tỉnh Bình Thuận đình chỉ điều tra đối với ông Nén sau khi tìm ra hung thủ giết bà Bông. Không lâu sau ông được TAND tỉnh công khai xin lỗi tại địa phương.
Ngay khi được minh oan, ông viết đơn gửi VKSND Tối cao đề nghị xử lý hình sự 14 cán bộ trong ngành công an, VKS, TAND tỉnh Bình Thuận gây oan sai cho ông và 9 thành viên trong gia đình vợ.
Tháng 4/2016, ông Nén đến TAND tỉnh Bình Thuận nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại 18 tỷ đồng vì phải mang 2 án oan về tội Giết người.
Trần văn Thêm - người đã mang thân phận “tử tù” hơn suốt 40 năm qua
Sáng 11/8/2017, tại hội trường trung tâm huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương gồm đại diện TAND Cấp cao tại Hà Nội, VKSND Cấp cao tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, ngụ tại Bắc Ninh), người đã mang thân phận tử tù hơn suốt 40 năm qua.
4a67e93d287bc125986a

Ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, ngụ tại Bắc Ninh), người đã mang thân phận tử tù hơn suốt 40 năm qua được Tòa xin lỗi công khai.

Ông Thêm cùng em họ là ông Văn đi mua hàng, về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên vào chòi ven đường để ngủ. Khoảng 1 giờ sáng, khi đang ngủ thì ông Thêm thấy choáng váng vì ai đó đã đập búa vào đầu mình. Cùng lúc, tên cướp cũng đã kịp đập một nhát vào đầu ông Văn.
Nghe tiếng kêu cứu, người dân đưa anh em ông Thêm vào BV cấp cứu nhưng ông Văn đã chết. Cho rằng ông Thêm là hung thủ giết người, tháng 8/1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm. Tháng 8/1973, cấp phúc thẩm tiếp tục y án sơ thẩm.
Đầu năm 1976, ông Thêm được bác sĩ ở Bộ Công an cấp một tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống bình thường đến nay. Thời điểm này, ông đã bị giam năm năm sáu tháng bảy ngày.
Với thủ phạm sát hại ông Nguyễn Khắc Văn, do bối cảnh đất nước sau chiến tranh nên nhà chức trách chưa đưa ra xét xử. Đầu những năm 1980 nghi phạm đã chết. Bộ Công an cho rằng đây là "lý do vụ án bị kéo dài đến nay và ông Thêm chưa được cơ quan có thẩm quyền nào xác định vô tội".
Đến năm 2014, với sự giúp đỡ của người thân và Luật sư, gia đình ông mới tìm thấy hai bản Sơ thẩm và Phúc thẩm lưu trữ tại Công an tỉnh Bắc Ninh. Từ đây vụ án được lật lại.
Tại buổi xin lỗi công khai, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Phó Thủ tưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an, đã công bố quyết định đình chỉ bị can. Theo đó, kết quả điều tra cho thấy, có căn cứ xác định ông Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn. Căn cứ các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, quyết định đình chỉ bị can đối với bị can Trần Văn Thêm.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: