NGUYỄN THÀNH PHONG Tặng Nguyễn Quang Lập
Ông hơn tôi một ngàn ngày tuổi
Đáng lý ra phải xưng gọi em, anh
Nhưng tôi cứ ông, tôi ù xoẹ
Là bởi nghe tiếng gọi bạn từ mình.
Đời ta hoá cũng nhiều cay đắng
Thuở sinh viên hăm hở cửa vòm xanh
Rồi lặn lội qua trường văn trận bút
Nghe nhân tình réo gọi thở than.
Ghế hội đồng, ghế quan văn ông ngự
Ngự chán rồi thì bỏ đi luôn
Chức quan báo tàng tàng tôi cũng nắm
Nắm một chút rồi thì lại phải buông
Tôi ngồi ghế thấy đít thường thon thót
Giá áo túi cơm chịu mấy cho vừa
Chốn quan trường với ta là lạc lõng
Trung nịnh dũng hèn chuyện đã từ xưa.
Thế mà đến lúc sắp già ông bị xách
Rồi bất ngờ tôi cũng đáo trại mà ngơi
Ta qua chốn ấy một vài thoáng chốc
Để ngẫm thêm những dằng dặc nỗi đời
Có kẻ qua tù xong rồi ra làm tướng
Bao đứa vênh vang lại chỗ ấy vào nằm
Chỉ chúng ta, chẳng có gì thay đổi
Vào hay ra nơi nào, thì vẫn cứ người văn!
Tháng 4/2020
Ngày 30/4 là sinh nhật ông nhà văn Nguyễn Quang Lập. Năm nay có bài thơ này thay quà gửi đến chúc mừng sinh nhật ông!Ông Lập là bạn văn đầu đời của tôi, từ ngày trẻ măng là sinh viên ĐHBK Hà Nội, cùng lập ra Nhóm thơ Vòm Cửa Xanh. Ông Lập học K20 Vô tuyến điện, trước tôi 2 khoá, tôi học K22 Hoá thực phẩm. Ông Hà Đức Hạnh (Nhà thơ, hội viên Hôi Nhà văn Việt Nam) học khoa Hoá K21, trước tôi một khoá, ngày ấy cũng thích làm thơ, hay ra quầy bưu điện trong trường đọc ké báo Văn Nghệ, gặp tôi cũng đọc ké như vậy, thế là quen quý nhau, rồi đi tìm, gặp tiếp ông Lập. Ôi giời, tri kỷ đến mê tơi... Ba thằng trai tơ mới lớn, đã tán được em yêu nào đâu mà cứ viết thơ tình, phơ phớ tưởng tượng, rồi xa xót tha thiết, rồi gom mỗi người 10 bài, đánh máy thành tập thơ chung. Phần thơ ông Lập có tiêu đề "Cô đơn bến đợi", ông Hạnh thì "Dấu bàn tay em", còn tôi là "Quả tim vết nứt". Giờ nhớ lại không khỏi cười thầm khơ khơ trong bụng...Sau rồi gặp thêm các ông: Lê Quang Sinh, Kiều Anh Hương (sau này cũng thành danh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), Đoàn Thông (là giáo viên trong trường, sau cũng thành nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội), Đan Thành, Trần Quang Bình, Nguyễn Văn Thành, Tôn Quang Minh, Hải Quang (Ngô Hồng Oai, sau viết truyện cười lấy bút danh Nguyễn Ma Lôi)... Có thêm hai em cực xinh, cũng thích làm thơ, là Hồ Kim Nga và Thủy Tiên (làm thơ ký tên là Hải Vi), tất cả 15 người. Thế là lập thành nhóm thơ Vòm Cửa Xanh (cái cổng vòm ĐHBK Hà Nội hình parabol, xanh hoá thành biểu tượng). Nhóm đã tổ chức nhiều đêm thơ, chật ních người nghe ở Hội trường lớn C2. Các nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Quang Huy, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Hoa... Các cây thơ trẻ mới nổi ngày ấy bên trường ĐH Tổng hợp như Đặng Huy Giang, Vũ Toàn... cũng sang đọc thơ giao lưu hào sảng. Tôi chủ trì, làm MC, chọn thơ và cho anh em đọc. Có người được chọn rồi nhưng đêm ấy các nhà thơ nổi tiếng nói dài hết thời gian nên tôi đành cắt, không mời lên đọc, thành chuyện "ân oán" mãi mới gỡ ra được.Chuyện thơ phú thời sinh viên thế mà rồi vận vào nghiệp đời, có khi khổ sở. Như ông Lập và tôi, cũng đến cả bị bắt vào trại giam, lý do xa gần thì cũng là từ cái nghiệp viết cả.Mà hồi ấy, đã có điềm báo rồi. Nhóm thơ sinh hoạt, bị theo dõi. Đoàn trường cử người đến gặp, bảo yêu thơ lắm, xin được tham dự, thực ra là nhằm nắm lấy tình hình tư tưởng đám viết trẻ này. Nhóm tập hợp ra một tập thơ đánh máy tên là "Lời những người yêu nhau" gồm 15 tác giả. Có ông cốp to lắm, nhắn: Cẩn thận đấy, khéo đây là 15 con rắn độc". Hồ Kim Nga viết bài thơ tả một anh đến chơi nhà, rồi em đi tiễn ra trên con đường quen và kết bài thơ: "Tôi thì thầm, đêm nay trời đầy sao" bị phụ huynh (cũng làm cán bộ to) quát cho: "Sao không thì thầm đêm nay bao anh bộ đội đang đứng gác trẻn biên giới?".Trở lại chuyện Nguyễn Quang Lập. Ông Lập cũng khởi đầu viết lách như bọn tôi. Ông làm thơ tình "cải lương", kiểu: "Em đi qua trảng cỏ/Sương tan thành bình minh/Đi qua cánh đồng xanh/Thành líu lo chim hót/Đi qua dòng suối ngọt/Suối ngọt hoá lời ca/Đi qua trái tim ta/Thành tình yêu nồng cháy". Nhưng rồi do ông tài, ông đau đời mà thành một tác giả lớn, ở cả phương diện biên kịch điện ảnh, sân khấu và nhà văn. Có lẽ sau này văn học sử viết về thời này sẽ phải tôn vinh ông rất nhiều. Tiểu thuyết mới nhất của ông "Kiến, chuột và ruồi" sẽ là một niềm tự hào đặc biệt của Văn học ViệtDịp 30/4 nào tôi cũng nhớ ông Lập không chỉ vì ông sinh trùng ngày lễ ấy mà vì cách nhìn và kiến giải luôn luôn độc đáo và sâu sắc của ông. Như ông đã từng viết về ngày 30/4: "Sài Gòn đã giải phóng tôi".Ngẫm mà xem. Miền Bắc đã giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam ở phương diện quân sự, chính trị, thể chế. Nếu trong công cuộc thống nhất này, người ta biết để Sài Gòn và miền Nam giải phóng miền Bắc ở phương diện kinh tế thì đất nước hiện nay đã phát triển rất mạnh mẽ rồi. Sẽ không có sai lầm cải tạo tư sản tư doanh, sẽ không đói kém khủng hoảng thời bao cấp, thậm chí không có di tản, thuyền nhân. Sẽ là một cuộc hoà hợp, hoà giải đẹp đẽ. Sẽ không mất bao nhiêu thời gian uổng phí và đau khổ. Thực tế, Sài Gòn và miền Nam đã góp phần quan trọng vào giải phóng tư duy kinh tế khi hình thành đường lối Đổi mới năm 1986 và đến tận sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, bây giờ người ta mới công nhận kinh tế tư nhân, mới cho đó là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Bao nhiêu thời gian đã phí hoài, còn dài hơn rất nhiều thời gian xương máu để thống nhất đất nước.Nhà văn đau cái nỗi đau ấy, đưa ra những cái nhìn và kiến giải sâu sắc ấy đã từng lên bờ xuống ruộng, thậm chí có lúc còn bị xách vào tù, bị coi là phản động. Ôi chao, cái thân phận anh nhà văn có tài năng và biết đau đời!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét