Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Tin sách:


Nhà văn nữ không trẻ lắm Phan Thúy Hà (sinh năm 1979) vừa ra mắt cuốn sách mới, nóng hổi, sau một loạt cuốn để lại nhiều rung động trong đời sống xã hội và văn chương, như “Đừng kể tên tôi”, “Tôi là con gái của cha tôi”, “Qua khỏi dốc là nhà”... Với ai thế nào thì tôi không biết, chứ riêng mình, sau khi đọc xong mấy cuốn vừa kể, thầm nghĩ đã lâu lắm trên văn đàn bàng bạc nhàn nhạt xứ này, lại có cái đáng để ta bỏ thời gian và sự say mê vào mà không uổng phí. Có thể xem đây là hiện tượng, sự khởi sắc giữa buổi chợ chiều văn nghệ kéo dài đã quá lâu.

Tôi có may mắn được tác giả cho đọc sớm, khi sách đang còn trong thời gian nộp lưu chiểu, cơ quan quản lý xuất bản đang thẩm định lần cuối cùng trước khi ra đại trà. Cũng từng rụt rè góp ý với tác giả, cái tên cuốn sách hiền lành quá - “Gia đình”, dễ làm cho người mua sách lơ đễnh, lướt mắt lướt chân vụt qua, dễ gây hiểu nhầm là thứ văn chương ngôn tình đang phổ biến của bọn trẻ 8X, 9X, nhất là thời buổi vàng thau lẫn lộn khó phân biệt được giá trị “văn dĩ tải đạo”.

Vậy thì phải nói ngay, cuốn sách trang nhã, độ dày vừa phải, 274 trang, mang cái tên “Gia đình” nhẹ bẫng ấy lại chứa trong nó tấn siêu bi kịch của một thời đại bi thảm cách nay đã gần 70 năm, mang tên Cải cách ruộng đất (CCRĐ). Một cụm từ mà những người đã chứng kiến, đã trải qua, và con cháu họ, chỉ nghe lại thôi đã rùng mình khiếp sợ.

Sự có mặt của “Gia đình” khơi chuyện CCRĐ vào thời điểm này dù là chậm muộn, thậm chí cực muộn nhưng lại vô cùng cần thiết. Thông tin về CCRĐ bấy lâu nay bị nhà cầm quyền che giấu, bưng bít, cố tình lờ đi khiến tấn bi kịch thời đại rơi vào vòng mù mờ hư thực, nửa có nửa không, nửa sai nửa đúng. Dòng thời gian trôi đi cuồn cuộn, kiếp người mong manh, phận người như chiếc lá, chỉ mươi năm nữa thôi những nhân chứng, người trong cuộc sẽ rơi rụng dần, CCRĐ sẽ rơi vào quên lãng. Thế hệ trẻ lớn lên ngơ ngác không biết CCRĐ là cái gì mà sao cha ông chúng ngày xưa từng hãi hùng làm vậy.


Lại nhớ, sau khi đọc xong cuốn “Đừng kể tên tôi” của Phan Thúy Hà, tôi cảm nhận rất rõ rằng nếu nói “văn sử bất phân” (văn và sử không thể chia ra rành mạch) thì có lẽ rất đúng với Hà và tác phẩm của Hà. Cuốn đó, và cả cuốn “Gia đình” này, Phan Thúy Hà không làm văn chương, cô chỉ làm nhiệm vụ của người biên sử, chép lại những phần mà người ta cố tình chép thiếu, để làm thứ tư liệu cho mai sau những người làm sử tử tế nếu có thực hiện một cuốn toàn thư chân thật khách quan thì dựa vào đó mà bổ sung vào. Cô không viết tiểu thuyết, không một chút hư cấu, cũng không hề thấy chút nào trữ tình ngoại đề theo dòng cảm xúc. Tác giả chỉ tỉ mẩn nhặt những số phận, con người, cảnh đời, máu, nước mắt, bi kịch, những u gồ bướu cục của lịch sử chắp lại cho có hàng có lối. Tất cả đều người thực việc thực, người mà không tin thì còn có trời xanh kia chứng giám. Suốt hơn hai trăm trang chữ, nhiều khi đọc tới đoạn nào đó chỉ muốn hét lên. Ví dụ:

“Hai dân quân giải cha về. Cha không được vào nhà. Phải đứng ngoài chuồng lợn.

Cha đứng dưới mái chuồng lợn. Một sợi dây thừng nối từ chỗ trói tay buộc vào gốc cây.

Hai cánh tay trói sát sườn. Bàn tay vẫn cử động được.

Chị em tôi ra với cha. Tôi bưng bát cơm mời cha. Bàn tay cha giơ ra đón. Sợi dây trói giật mạnh. Bát cơm rơi xuống. Người dân quân đứng trong bụi cây cầm sợi dây hả hê đứng nhìn.

Cha ngồi xuống, nhặt từng hạt cơm vào miệng.

Ba năm sau, tôi cùng mẹ lên nghĩa địa trại giam đưa cốt cha về” (truyện số 3, Trần Lệ kể)

“Nhà tôi chẳng có của cải gì mà tịch thu. Trong bếp có vài cái nồi. Mở vung nồi ra thấy có cơm nguội. Là phần cơm chiều mẹ để dành cho chúng tôi, nhưng giờ là cơm của nông dân. Họ vốc ăn hết ngay trong bếp. Ngoài vườn có cái sành đựng nước tiểu, họ đổ nước tiểu, lấy sành.

Nơi bắn cha tôi là trường cơ bản ở bên Minh Sơn.

“Oan quá trời ơi”. Cha tôi kêu lên một tiếng. Một nắm giẻ nhét vào mồm. Phát súng đầu tiên không nổ. Phát thứ hai không nổ. Thứ ba không nổ.

Thay người bắn. Chỉnh lại súng.

Một cái dây tròng vào cổ. Xác cha tôi được kéo đi từ trường cơ bản xuống Bến Nại. Giữa lối trâu đi. Xác ông Long cũng nằm đó, úp mặt, trong con mương. Ông Long bị bắn vào buổi sáng. Hai người cùng làng Châu Hạ” (truyện số 5, Phan Thị Tứ kể).

Những đoạn như vậy nhiều lắm, đầy nước mắt, bi thương, căm giận. Tất cả những địa chủ ấy đều là nạn nhân của “cuộc cách mạng long trời lở đất”, bị quy đôn thành phần lên cho đủ chỉ tiêu, số lượng địa chủ mà “trên” giao. Dù sau này chính quyền có sửa sai thì thân xác họ cũng bị vùi ba thước đất mất rồi, chỉ còn nỗi uất hận căm hờn trong lòng người còn sống, khó mà sửa được.

Điều đáng mừng là Nhà xuất bản Phụ Nữ đã mạnh dạn chịu trách nhiệm ra cuốn sách như thế này. Cũng có thể do thời thế đã đổi thay, tuy nhiên sự sợ sệt, e dè, ngại ngần về tai họa giáng xuống đầu, dù vô hình vẫn còn mạnh lắm. Suốt mấy chục năm, muốn tìm hiểu về CCRĐ, người ta phải lén lút, giấu diếm tìm đọc sử của Hoàng Văn Chí, vào những tư liệu lưu truyền không chính thống của Hữu Loan, Trần Dần, Vũ Thư Hiên, Trần Đĩnh... Sau nữa, may nhờ có cái gọi là công cuộc đổi mới, có thêm những “Ba người khác” của Tô Hoài, Cuồng phong” (Nguyễn Phan Hách), “Chuyện làng Cuội” (Lê Lựu), “Thời của thánh thần” (Hoàng Minh Tường), gần đây “Kiến, chuột và ruồi” (Nguyễn Quang Lập)… Tôi không dám so “Gia đình” và Phan Thúy Hà với những danh thư và những cây đa cây đề kia, chỉ rụt rè mà rằng sự khác hẳn trong cuốn sách của Hà là sự thật lịch sử so với những điều được hư cấu, tiểu thuyết hóa, hình tượng văn chương.

Thế hệ sinh nửa cuối thập niên 50 chúng tôi vẫn còn quá nhỏ khi diễn ra CCRĐ, nhưng chuyện về trận cuồng phong điên loạn ấy thì nghe đầy tai, từ nhân chứng, từ người tai nghe mắt thấy. Nào chuyện cụ Nguyễn Khắc Niêm quan đại thần triều Nguyễn (bố ông Nguyễn Khắc Viện), tham gia kháng chiến, bị đấu tố, bị đánh chết trên đường giải giam. Chuyện cụ Phan Võ (cha giáo sư Phan Ngọc) nhân sĩ yêu nước nổi tiếng, bị quy tội trong CCRĐ, sắp bị lôi ra bắn thì may có cái thư của cụ Hồ chuyển về kịp thời cứu thoát. Chuyện bà Nguyễn Thị Năm công lao hãn mã với kháng chiến, được người cộng sản ưu tiên lôi ra bắn đầu tiên (từ năm 1953). Chuyện nhà nước sửa sai, cụ Hồ ‘lau nước mắt” hối hận, ông Võ Nguyên Giáp ra sân vận động đứng xin lỗi đồng bào (có lẽ đây là lần duy nhất chế độ này nhận lỗi về CCRĐ), ông Trường Chinh mất chức tổng bí thư để hạ nhiệt căm hận của dân… Thực ra, chế độ này còn nợ rất nhiều về CCRĐ, trong đó có lý do quan trọng là họ không muốn trả.

Nói đâu xa, ông anh rể tôi là nạn nhân CCRĐ. Bố anh là lý dịch hương thôn, chức phó lý nhưng làm cho kháng chiến. Tới khi phát động cải cách, họ lơ hết công lao, quy thành địa chủ và quốc dân đảng, bắn ngay sau khi đấu tố. Ông giời đội xử cụ chính là người từng được cụ cưu mang. Nhà cửa ruộng vườn bị tịch thu, vợ con bị đuổi ra ngoài, con cái sau này bị cấm không cho những quyền lợi như người bình thường ngoài quyền lao động khổ sai, làm công nhân cầu đường. Có những lúc, anh em ngồi trầm ngâm thế sự, tôi hỏi anh nghĩ thế nào về CCRĐ, anh chỉ gọn “thù muôn đời muôn kiếp”.

Làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi từng chứng kiến cuồng phong CCRĐ. Cụ chánh Ninh (họ Ngô Duy) là người biết chăm lo cho làng xã, không gây điều tiếng gì, con cụ là ông phán Cơ sống ngoài phố giàu có, cha con xây ở làng dinh cơ tòa ngang dãy dọc hoành tráng cho gia đình. CCRĐ, gia đình bị quy địa chủ, đội cải cách và bần cố nông vào dinh cơ ấy bậy từng hòn gạch, mấy gia đình bần cố vào chia nhau ở, khi tôi còn bé vẫn vào khu đó chơi và được nghe kể lại câu chuyện tang thương mới chỉ xảy ra vài năm trước.

Đồng môn với tôi có anh Lê Văn Sơn người Triệu Sơn, xứ Thanh. Sau khi tôi có bài viết về cải cách ruộng đất, anh điện bảo, chú viết cái ấy mà không hỏi anh, anh chính là nạn nhân của nó đây, bố anh suýt chết, mấy anh em anh suốt bao nhiêu năm phải tự cải tạo bằng cách đi lao động XHCN, đi bộ đội, TNXP rồi mới thay đổi được lý lịch để người ta xét cho đi học. Anh bảo CCRĐ là cái vết nhơ trong lịch sử hiện đại xứ này.

Nhớ những chuyện ấy, để nói với nhau rằng sách “Gia đình” của Phan Thúy Hà là tiếng nói chân thực nhất về CCRĐ, là bản án hùng hồn về trận cuồng phong được gọi mỹ miều bằng “cách mạng cho người cày có ruộng”.

Biên thêm tí chút, như để cảm ơn sự dũng cảm và công phu của tác giả: Ai muốn mua sách, chỉ cần nhắn tin địa chỉ và số điện thoại của mình cho cô Hà, điện thoại số 0904289439. Chuyển khoản: Phan Thị Thúy Hà, số tài khoản 26810000211539- BIDV Thái Hà, Hà Nội.

Nguyễn Thông 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: