Virus Corona: Tại Sao Đảng Cộng Sản Trung Quốc Nói Dối?
Tổng thống Trump đang công khai đề xuất khả năng Trung Quốc phát tán virus Corona là có tính toán. Nhưng tại sao Trung Quốc lại cố tình phát tán con virus này khi nó làm hại chính Trung Quốc? Từ góc nhìn lịch sử và thực trạng kinh tế, chúng ta có thể có câu trả lời khá thuyết phục: Trung Quốc muốn che giấu tai họa kinh tế bằng cách đổ lỗi cho virus Corona...
Thật khó để hình dung một quốc gia lại cố tình phát tán dịch bệnh để đóng cửa nền kinh tế của chính mình và làm tổn hại hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu sinh mệnh công dân của mình. Nhưng đối với chính quyền Trung Quốc thì điều này không phải là không có khả năng, do trong lịch sử họ đã nhiều lần đàn áp đẫm máu người dân của chính mình. Nhưng nếu họ thực sự đã làm vậy, thế thì mục đích là để làm gì?
Dĩ độc trị độc?
Tờ Gateway Pundit cho rằng có thể là do chính quyền Trung Quốc không còn khả năng ngăn cản đà sụp đổ của nền kinh tế nên đã dẫn tới quyết định này.
Theo Blackwill & Tellis (2015), “Trong nhiều thập kỷ, tốc độ tăng trưởng cao GDP chính là căn cứ tồn tại hợp pháp của chính quyền Trung Quốc”. Nhưng bây giờ là thời điểm mà Trung Quốc không còn năng lực duy trì “căn cứ tồn tại hợp pháp của mình”. Bởi vậy, nếu khiến cả thế giới lao dốc vì Covid-19 và nhân cơ hội đó kiếm tiền thì Trung Quốc có cơ hội thắng lớn trong trò chơi sinh - tử này.
Quay trở lại tình hình kinh tế trong vài năm trở lại đây của Trung Quốc, nước này đã từng phải đối diện với khủng hoảng dư cung (2016-2017) ngành sản xuất nhôm thép và khai khoáng. Cuộc khủng hoảng này thực tế đã tạo ra nhiều doanh nghiệp xác sống - “zombie” (doanh nghiệp thực tế đã phá sản nhưng không được phá sản trên sổ sách để ngân hàng không phải ghi tăng nợ xấu trên sổ sách). Đây là giai đoạn nợ xấu tăng mạnh và bong bóng bất động sản (BĐS) phình to với hơn 50 thành phố ma và 64 triệu căn hộ không người ở… Đúng thời điểm này, Mỹ tiến hành cuộc thương chiến vô tiền khoáng hậu với Bắc Kinh, việc này không khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”. Thực tế sau 2 năm thương chiến, Trung Quốc bắt đầu ngấm đòn, dòng tiền chạy khỏi thị trường tài chính, doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, tăng trưởng thấp, bong bóng BĐS chỉ chực chờ nổ…
Một nền kinh tế nóng bỏng bởi nợ và các bất cân đối trầm trọng sẽ khó có thể tiếp tục che giấu. Khi không thể che giấu tai họa kinh tế thì virus Corona chính là một mũi tên trúng 3 mục đích: (i) đổ lỗi thảm họa kinh tế là do virus; (ii) đánh sập nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối thủ lớn; (iii) xây dựng hình ảnh “cứu rỗi thế giới”, tăng cường ảnh hưởng địa chính trị trên toàn cầu, thậm chí soán ngôi dẫn dắt thế giới của Mỹ về kinh tế và hoàn thành sớm “Giấc mộng Trung Hoa”.
Tám lý do kinh tế có thể khiến Trung Quốc “phát tán virus có tính toán”
Sau đây là 8 lý do chứng tỏ nền kinh tế Trung Quốc đang vướng vào rắc rối lớn đến mức “không thể khắc phục” từ trước khi đại dịch xảy ra. Đây có thể là nguyên nhân khiến Trung Quốc quyết định “phát tán virus có tính toán” như nghi ngờ của nhiều chính khách Mỹ và Châu Âu...
1. Trung Quốc đã xây dựng quá nhiều BĐS với mức độ tồi tệ hơn cả Mỹ hồi năm 2008
Rải rác khắp Trung Quốc là khoảng 50 thành phố ma, hơn 64 triệu căn hộ ma, trong khi chỉ số giá BĐS không ngừng tăng trưởng mạnh. Chuyên gia, tổ chức tài chính trong và ngoài Trung Quốc không ngừng cảnh báo về bong bóng nợ BĐS của nền kinh tế này. Bong bóng BĐS không thể kìm hãm không chỉ vì thành tích tăng trưởng mà còn vì NHTM có thể phá sản nếu thị trường BĐS đổ vỡ… Năm 2019, nhiều trang tin kinh tế nhấn mạnh tình trạng hiện tại của Trung Quốc rất giống với tình trạng BĐS của Mỹ vốn đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ vào năm 2008.
Để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng và ngoài ra, họ còn đầu tư vào các dự án nhà ở lớn trên cả nước. Những nỗ lực này đã giúp củng cố nền kinh tế Trung Quốc vốn đã đang tăng trưởng nhanh.
Theo ABC News và South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng), có hơn 50 thành phố ma, và 64,5 triệu căn hộ không người ở rải rác khắp Trung Quốc. Dù vậy, nhiều thành phố và công trình BĐS vẫn còn đang tiếp tục được đầu tư và xây dựng.
Trong các thành phố ma này, cái gì cũng có, từ các tòa cao ốc san sát cho tới công viên, hồ nước, hệ thống giao thông quy hoạch đẹp đẽ, chỉ thiếu bóng người. Nghịch lý là người dân lại không thể chi trả nổi một chỗ để an cư bởi giá nhà đất không ngừng tăng.
Một ví dụ điển hình là thành phố Kinh Tân, được xây mới hoàn toàn từ năm 2003, cho khoảng 300.000 dân cư ngụ. Thành phố Kinh Tân chỉ cách Bắc Kinh 120km, trên đường đến cảng biển Thiên Tân. Thành phố còn có một tổ hợp biệt thự được coi là lớn nhất châu Á với khoảng 8.000 ngôi nhà. Có thể nói, đây là một nơi ở lý tưởng cho tầng lớp trung, thượng lưu với những căn hộ hết sức rộng rãi, nhiều sân golf, trung tâm thương mại cao cấp… Tuy nhiên, thành phố này hiện tại vẫn là một đô thị “ma”.
2. Liên quan đến khủng hoảng BĐS là ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS mất khả năng thanh toán ngắn hạn
Tỷ lệ thanh toán ngắn hạn của các doanh nghiệp BĐS đang đạt mức thấp nhất mọi thời đại, và ở mức được xem là mất khả năng thanh toán ngắn hạn dưới 0,5 lần (tiền mặt/nghĩa vụ nợ ngắn hạn).
Với thực trạng quá nhiều thành phố ma trên khắp Trung Quốc thì khả năng doanh nghiệp BĐS mất khả năng trả nợ do thiếu hụt tiền mặt là tất yếu. Theo thống kê của Bloomberg về số liệu kế toán công khai của 80 doanh nghiệp BĐS thì năng lực thanh toán ngắn hạn của nhóm này đã giảm mạnh từ năm 2015 - 2018, từ 2,97 lần xuống còn 1,33 lần. Trong đó, đáng lưu ý là ¼ trong số 80 doanh nghiệp BĐS này rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán ngắn hạn khi chỉ số thanh toán ngắn hạn thấp hơn 0,5 lần (là mức an toàn tối thiểu về khả năng thanh toán mà một doanh nghiệp nên có).
3. Nợ dài hạn của Trung Quốc cũng đang trên đà tăng nhưng làn sóng vỡ nợ trái phiếu tăng mạnh trên thị trường nợ quốc tế
Bloomberg lưu ý, trong khi kinh doanh đang bùng nổ, các nhà phát triển thị trường BĐS cũng đang tích lũy các khoản nợ dài hạn. Các công ty đã bán nhiều trái phiếu hơn trong thị trường nội địa - và với mức giá rẻ nhất khi các nhà đầu tư gạt bỏ những lo ngại về vỡ nợ. Trong khi đó, doanh nghiệp phải đối diện với chi phí cao hơn cho những khoản nợ bằng đô la khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ trong suốt thời gian thương chiến.
Theo số liệu của Viện Tài chính quốc tế (IIF), trong số 14 nền kinh tế có nợ khu vực doanh nghiệp phi tài chính lớn nhất, thì doanh nghiệp phi tài chính của Trung Quốc đang đứng trên một núi nợ khổng lồ, chiếm tới 165-170% GDP. Đáng lưu ý là rủi ro thanh toán của khối nợ doanh nghiệp phi tài chính Trung Quốc cao hơn hẳn các nền kinh tế khác do tỷ lệ nợ/tiền mặt thấp nhất trong số 14 nền kinh tế có mức nợ doanh nghiệp lớn nhất hiện nay.
- Nghĩa vụ trả nợ của các chi nhánh doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài (đơn vị: tỷ USD) (Nguồn: Bloomberg)
Chuyên gia phân tích kinh tế trưởng của Moody là Mark Zandi đã cảnh báo vào tháng 12/2019 - thời điểm trước đại dịch - rằng khoản nợ doanh nghiệp lên tới 13 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 100% GDP của Trung Quốc, đã trở thành mối đe dọa đối với hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nước này nói chung.
Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt mức kỷ lục trong năm 2019 tại Trung Quốc, phá vỡ kỷ lục năm 2018 trước đó, là kết quả của sự tăng trưởng thấp nhất trong gần ba thập kỷ. Hơn 150 công ty trong nước đã không thể thanh toán các khoản nợ với tổng trị giá khoảng 19 tỷ USD. Con số này tăng từ 120 công ty và 17,6 tỷ USD trong năm 2018.
Dù đã vỡ nợ kỷ lục 2 năm liên tiếp, các công ty Trung Quốc vẫn phát hành thêm 1,4 nghìn tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp mới vào năm 2019, với 90,5% tiền mặt được huy động bởi các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Do nhà đầu tư quốc tế tin tưởng rằng Bắc Kinh sẽ cứu trợ các doanh nghiệp nhà nước của mình, một lượng trái phiếu Trung Quốc ngày càng tăng đã được phát hành ra nước ngoài và có mệnh giá bằng USD để được hưởng lãi suất thấp hơn.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ cùng với việc Enodo Economics báo cáo rằng Trung Quốc đã phải chịu đựng dòng vốn ròng tháo chạy lên tới 748 tỷ USD, 4,9% doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc (POE) đã vỡ nợ trái phiếu trong năm 2019. Nhưng một cú sốc thực sự đối với các nhà đầu tư là 2,9 tỷ USD trong số 18,6 tỷ USD vỡ nợ là “trái phiếu đô la”.
Vụ vỡ nợ đình đám nhất là sự sụp đổ vào cuối tháng 11 năm ngoái của Tập đoàn Tewoo được hậu thuẫn bởi chính quyền thành phố Thiên Tân. Công ty này đã vỡ nợ 2,05 tỷ USD, bao gồm 300 triệu USD trái phiếu đô la được bán chủ yếu cho các nhà đầu tư quốc tế.
4. Khối nợ của Trung Quốc rất khổng lồ và chưa thể xác định chính xác quy mô nợ
Tổng số nợ của Trung Quốc vẫn chưa xác định được; S&P ước tính số tiền không được báo cáo bởi chính quyền địa phương và các ngân hàng là hơn 6 nghìn tỷ USD:
Theo nghiên cứu từ S&P Global Ratings, Trung Quốc có thể đang ngồi trên một đống nợ ẩn giấu lên tới 40 nghìn tỷ nhân dân tệ (6 nghìn tỷ USD).
Nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc tăng nợ và giữ nó khỏi bảng cân đối kế toán của họ, để tránh các giới hạn cho vay do chính quyền trung ương áp đặt. S&P nói rằng đây là một vấn đề đang gia tăng trong nước, và số nợ được giữ theo cách này có thể sẽ tăng lên trong những năm gần đây.
Lưu ý rằng ở Mỹ, việc duy trì các tài khoản ngoại bảng được coi là gian lận. Tài khoản ngoại bảng là tài khoản của các khoản nợ không được hiển thị trong báo cáo tài chính của một tổ chức.
5. Nguy cơ chính quyền Trung Quốc phải tiếp quản những khoản nợ từ khu vực doanh nghiệp tư nhân là rất lớn
Chính phủ có thể phải tiếp quản những khoản nợ này khi chúng mất khả năng thanh toán. Không chỉ mức độ nợ ẩn do chính quyền địa phương nắm giữ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà còn có nguy cơ những khoản nợ đó bị vỡ. Phần lớn các khoản nợ được giữ bởi cái gọi là công cụ nợ của chính quyền địa phương (LGFV), và S&P báo cáo rằng chính phủ trung ương có thể sẵn sàng để những LGFV này nộp đơn xin phá sản trong tương lai.
“Nguy cơ vỡ nợ của LGFV đang gia tăng. Trung Quốc đã mở ra khả năng cho các LGFV không có khả năng trả nợ có thể nộp đơn xin phá sản, nhưng quản lý hậu quả vỡ nợ là một nhiệm vụ ghê gớm đối với lãnh đạo cấp cao”, báo cáo lưu ý.
Tổng nợ của khu vực phi tài chính của đất nước, bao gồm nợ hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ, sẽ tăng lên gần 300% GDP vào năm 2022, tăng từ 242% trong năm 2016. Lo ngại rằng nếu đống nợ này tiếp tục tăng, một cú “nổ bóng bay” ngoạn mục có thể sắp xảy ra (theo Business Insider).
6. Các công ty lũ lượt rời khỏi Trung Quốc trước Covid-19 vì thương chiến và sau đó tiếp tục tháo chạy do Covid-19
Từ tháng 9/2019, trước khi xuất hiện đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo khảo sát công bố bởi Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang đẩy nhanh tiến trình rời khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại tiếp tục gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh. 26,5% doanh nghiệp được hỏi cho biết, trong 12 tháng qua, họ đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các khu vực khác. Con số này tăng 6,9% so với kết quả khảo sát vào năm ngoái. Kết quả khảo sát của AmCham cũng chỉ ra rằng các ngành gồm công nghệ, phần cứng, phần mềm và dịch vụ chứng kiến sự dịch chuyển lớn nhất. Được thực hiện với sự hợp tác của PwC, khảo sát trên có sự tham gia của 333 doanh nghiệp thành viên của AmCham - văn phòng tại Thượng Hải, Trung Quốc. Khảo sát được thực hiện từ ngày 27/6 đến 25/7, khoảng thời gian Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý nối lại đàm phán thương mại và trước các đòn thuế quan gần đây của hai bên.
Tháng 8/2019, Bloomberg cho biết khoảng 25% nhà máy chuyên sản xuất quần áo thể thao cho các thương hiệu lớn của nước ngoài như Nike và Adidas tại Trung Quốc đã ngừng hoạt động. Nguyên nhân là các công ty nước ngoài đồng loạt rút khỏi Trung Quốc để tránh thuế trừng phạt của Mỹ.
Vì thương chiến, trong suốt 2 năm 2018 - 2019, đặc biệt nửa cuối năm 2019, Trung Quốc thực sự chứng kiến hàng loạt hãng sản xuất lớn FDI ngừng hoạt động và tháo chạy khỏi nền kinh tế này. Dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán chỉ làm tăng thêm tốc độ tháo chạy của làn sóng đầu tư FDI khỏi Trung Quốc mà thôi.
7. Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trước khi dịch bệnh xảy ra đã gần như âm
BBC đã đưa tin về số liệu chính thức của Trung Quốc từ tháng 1/2020. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2019 đạt mức thấp nhất trong gần 30 năm qua và một số nhà kinh tế tin rằng con số tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc năm 2019 không cao như con số báo cáo, thậm chí có thể ở mức tăng trưởng âm.
8. Virus Corona Vũ Hán là một kẻ sát nhân. Nó đang giết chết nền kinh tế Trung Quốc!
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nguy hiểm. Virus Corona có thể đang giết chết nền kinh tế này và làm khốn khổ nền kinh tế toàn cầu. Bạn có thể tưởng tượng các nền kinh tế hoàn toàn đóng cửa trong một tháng không? Đây là điều chính xác đã xảy ra với Trung Quốc và toàn thế giới. Ngay cả khi Trung Quốc muốn quay lại sản xuất và xuất khẩu thì sự đóng cửa của phần còn lại của thế giới do đại dịch cũng đủ để đánh quỵ nền kinh tế đang nguy kịch ngày; giống như một “thảm họa” kép vậy.
Sân bay đẳng cấp thế giới của Hồng Kông đã xử lý hơn 71 triệu hành khách trong năm 2019, tức là khoảng 200.000 hành khách mỗi ngày. Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh Hồng Kông, giờ đây, nó giảm xuống còn khoảng 7.000 hành khách mỗi ngày. Hồng Kông không phải là sân bay lớn duy nhất ở Trung Quốc gặp tình cảnh như vậy. Toàn bộ đất nước đều đang như thế, hầu như không có chuyến bay quốc tế nào đến và đi từ Trung Quốc trong tháng qua
Đường phố ở một số thành phố bị đóng cửa. Những con đường vắng tanh. Tất cả điều này gây thiệt hại cho nền kinh tế. Chỉ một vài năm trước đây dưới thời chính quyền Obama, thế giới đã nói rằng Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ về GDP, và các báo cáo cho rằng điều này có thể đã đang xảy ra rồi.
Nhưng Trung Quốc hiện đang sụp đổ rất nhanh. Liệu các lý do về kinh tế có đủ sức thuyết phục cho giả thuyết Trung Quốc buộc phải sử dụng virus Corona “một cách có tính toán” như một nỗ lực cuối cùng để giữ thể diện với người dân trong nước và phần còn lại của thế giới hay không? Thậm chí, xa hơn, virus Corona Vũ Hán cũng là vũ khí để Trung Quốc đánh quỵ nền kinh tế Mỹ và đồng minh, tìm kiếm cơ hội phục hồi từ khủng hoảng vật tư và thiết bị y tế phòng dịch toàn cầu?
Trà Nguyễn - Thanh Hương / NTD
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét