Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Ngồi nhà kể chuyện:

CUỘC GỌI LÚC NỬA ĐÊM
Truyện ngắn của Doãn Hồng Giang

 Bố cục và cỡ cảnh trong quay phim điện ảnh. | Trung tâm đào tạo ...
( Ảnh chỉ có tính minh họa chôm của bác gu gồ )

Đêm hôm trước, lúc gần sáng, có cuộc điện thoại. Tiếng một cô gái lạ từ đầu dây bên kia:
- Em xin lỗi vì đã gọi cho anh vào giờ này. Vì gấp không để đến sớm mai được, sợ anh lỡ vì việc khác
Gã càu nhàu:
- Lỡ gọi rồi, có gì cứ nói..
Lúc đó tầm ba giờ sáng. Người ta chỉ gọi khi có việc khẩn cấp. Lại là người lạ. Không biết cô ta gọi có việc gì?
Nói đi, nói về một hồi, rồi gã cũng hiểu ra mục đích, ý muốn của cô ta. Một việc có thể gọi là kỳ dị, chưa xảy ra bao giờ.
Gã lồm ngồm ngồi dậy. Tháng ba âm trời còn rét ngọt. Bên ngoài sáng trăng suông mờ mờ mịt mịt, cảnh vật không nom rõ cái gì ra cái gì. Vào những đêm trước, lúc này gã đang say giấc. Công việc cắt dán, dựng hình, làm phim buộc gã thường xuyên ngủ muộn. Vào lúc cả khu dân cư chìm sau trong giấc ngủ, xung quanh im ắng, làm như mọi người đột nhiên biến mất, gã mới lên giường. Chỉ còn tiếng vợ gã ngáy ò ò như mọi đêm. Phải công nhận vợ gã đẹp, chỉ mỗi tội ngáy hơi to. Lâu ngày gã đã quen và chả chú ý mấy nữa.
Gã lấy túi đồ, lôi cục nạp pin cho chiếc máy. May mà cô ta gọi đến. Để đến mai mới nạp điện chắc chắn là không kịp.
Xem lại mấy cuộn băng, kiểm tra chế độ làm việc của máy. Ổn. Gã lại giường ngủ tiếp. Vợ gã vẫn không hay biết gì. Có lẽ cả ngày trên lớp, cô nàng đã mệt nhoài vì đám học trò. Nàng đang nói mơ, mắng mỏ đứa trò nào đấy.
Quá giấc, gã trằn trọc mãi không ngủ lại được. Lại bật dậy pha ấm trà. Lần đầu tiên trong đời, gã phát hiện ra uống trà một mình giữa đêm khuya như này có cái thú là lạ rất khó miêu tả.
**
Nàng mặc áo xanh cổ vịt, váy hồng, trên đầu hai bên thắt nơ đỏ. Mặt thoa phấn, lông mày kẻ đậm, mi nối, trông nàng giông giống diễn viên rạp xiếc. Vẻ hài hài của nàng, chút nữa thì gã bật cười. Qua màn giới thiệu, nàng bảo:
- Em muốn quay một cơlip kỷ niệm để mang đi xa. Có khi lần này về Việt Nam là lần cuối..
- Cô muốn cảnh quay chung với gia đình, bạn bè hay là anbum cá nhân?
- Không. Em muốn cảnh quay đám cưới, nhân vật chính em là cô dâu! Có cảnh hội hôn, quan viên hai họ, đưa đón dâu như mọi đám cưới người ta.
- Ở đâu, sao không báo trước?
- Ngay ở đây. Mãi sáng hôm qua em mới nảy ra ý định này. Đánh bạo hỏi thử xem, anh có thực hiện được không? Bây giờ đang mùa cưới, nhờ anh liên hệ với đám nào đó giúp em mượn đám của họ, lồng cảnh giúp em có được không?
- Cô muốn quay cảnh nào, ban đêm ban ngày cũng được. Nhưng lồng ghép vào đám cưới khác e không được đâu. Không đám cưới nào người ta chịu cho mình xen vào mượn khung cảnh cưới xin của họ..
Cô ta có vẻ thất vọng, ngồi tư lự một lúc, rồi nói:
- Chính vì thế em mới nhờ đến anh. Có người mách chỉ có anh mới có thể giúp được việc này. Thợ ảnh, quay Camera không thiếu. Nhưng làm việc này được người ta bảo chỉ có anh, nên em mới đến đây. Bao nhiêu tiền em cũng chi mà!
Thực kỳ lạ. Gã đã làm cho không nhớ bao nhiêu đám, chưa có lần nào như lần này. Quay một đám cưới hiện tại cô dâu không có hôn trường, không quan viên hai họ, không khách mời và không luôn cả chú dể! Có mà tài thánh cũng không thể làm nên chuyện này huống hồ gã chỉ là tay phó nháy hạng xoàng, ở xứ đồng rừng này. Thật là một đơn hàng éo le, quá rắc rối, khó thực hiện.
Không biết cô ả vì lẽ gì mà cố thiết, năn nỉ gã bằng được cơ chứ? Vừa lúc có “Sơn ba tong” ghé đưa trả gã chiếc đồng hồ mà gã nhờ y chữa. Chả hiểu lý do gì mà dân thị trấn này gọi y bằng cái tên như thế? Quay lại chỗ “cô dâu đợi chờ”, gã bảo:
- Có cách rồi. Nếu cô đồng ý thì Sơn nó nhận đóng thế, nhưng “cát xê” tương đối cao.
Nàng hỏi cát xê là gì? Gã nói là tiền thù lao, kiểu như người ta trả cho ca sĩ hay diễn viên ấy. Nàng phẩy tay, không thành vấn đề. Rồi rút từ trong cái ví bằng da cá sấu  ra ba tờ bạc xanh. (Bằng nửa tháng lương của vợ hắn làm nghề gõ đầu trẻ). Cử chỉ ấy làm Sơn lúng túng. Y chưa bao giờ thấy ai chi tiền bạo tay đến thế cho một công việc chả tốn nhiều công sức như việc này. Kịch bản được được phác thảo. Dù gì nó cũng là một cuốn phim, kiểu ngôn tình. Thống nhất giữa hai bên, cả bọn kéo nhau vào hàng ăn điểm tâm. Từ sớm đến giờ gã chưa kịp bỏ miếng nào vào bụng.
Quán đồng rừng, món nhắm chẳng có gì nhiều ngoài chân gà và thịt lợn. Sơn bảo chân gà là môn người Tàu ủ thuốc không nên ăn. Nàng gọi đĩa lòng và cái lưỡi lợn. Ăn uống là chuyện nhỏ, chỉ sơ sơ như thế. Nàng dùng bát phở một loáng đã xong. Gã chưa thấy đàn bà con gái có ai ăn nhanh như thế. Còn lại hai người. Sơn kể gã mới biết là nàng với y quen nhau. Không những quen mà còn biết về nàng khá rõ. Chả thế mà nghe qua lời yêu cầu khi nãy y đã bằng lòng ngay. Y không sợ là nếu vợ y nhìn thấy cảnh sắp quay sẽ phản ứng như thế nào?
Thì ra hai người cùng làng, cùng ở Khuôn Sải cách đây cả chục cây số. Nàng từng là hoa khôi của bản, đã có một đời chồng. Đột nhiên mấy năm trước bỏ nhà đi đâu biệt tăm. Sơn ba tong có lần về thì được nghe kể: Vợ chồng nàng bàn nhau cho nàng sang Đài Loan làm ăn một thời gian kiếm tiền về trả nợ ngân hàng. Anh chồng bản tính hiền lành. Ngoài cái vẻ đẹp trai ra, chả được tích sự gì. Ra ở riêng mấy năm mà không có tiền làm nổi ngôi nhà, tạo nổi con trâu. Một trận hắn ốm nàng phải vay tiền trăm chữa chạy.. Năm sau nàng về bắt gặp trong nhà có người đàn bà khác. Đàn ông mà. Mấy ai giữ được khi vợ vắng nhà? Sáng hôm sau nàng lẳng lặng xách túi ra đi, khi anh chồng còn chưa tỉnh giấc.
Sơn bảo:
- Trần đời, em chưa thấy thằng chồng nào ngu như thằng thằng này. Nhà nó nghèo không có cả tiền để làm đám cưới. Con bé đã phải theo không về nhà nó. Làm thằng đàn ông bất tài phải cho vợ đi làm thuê nước người.. Vợ gửi tiền về cứ như của bắt được, ăn tiêu phá mả mới nên nỗi..
Đang dở câu chuyện thì nàng về. Tay xách theo một túi lớn đựng đồ. Theo sau còn một cô gái ăn mặc bizit, tay xách một túi nhỏ, nhìn qua là biết đựng đồ trang điểm cô dâu. Cô ta là chủ cửa hàng cho thuê váy áo và trang điểm gần đấy. Thực ra công việc này có thể làm luôn ở chỗ cô. Ngặt vì còn “chú dể” đang ở đây, nên cô mới xách đồ sang theo.
Một đám hiếu kỳ không biết tự khi nào đang đứng xúm xít ngoài cửa dòm vào. Gã phải giục cô làm trang điểm cho “chú dể” nhanh nhanh tay lên.
Cả bọn theo “kịch bản” kéo nhau ra bến phà ngay chân đồi bên trên có ngôi chùa cổ. Chỗ ấy có bãi cát hẹp với nhiều tảng đá lô nhô lộ trên mặt sông, giống như “tiểu Hạ Long” thu hẹp. Bắt đầu những cảnh quay”kỷ niệm trước ngày cưới”. Cô Dâu ngả người vào lòng chú dể bên hòn đá có hình con voi.. Cảnh hai người hôn nhau, phía sau cảnh nền là sóng vỗ nhấp nhô..
Vừa lúc có tiếng ca nô hú còi, dắt phà từ bờ bên kia sang. Đúng là không hẹn mà gặp. Đó là một đám cưới đông chật người đang đứng trên phà. Con phà chạy chậm hẳn không như lúc thường chở khách. Dù là đi đường sông cũng phải “đi như rước dâu”, không thể vội. Cập bến, người theo đoàn lên trước, ba chiếc xe con bóng nhoáng lên sau.
Gã ra hiệu đôi “cô dâu chú dể” của mình tiến sát chiếc xe đi đầu. Anh tài xế trợn tròn mắt nhìn cả hai như sợ có sự nhầm lẫn nào chăng?
Gã vội vàng chạy lại dúi vào tay hắn tờ bạc to màu xanh, rồi thì thầm gì đấy. Anh tài trẻ gật đầu, làm bộ mở cửa xe mời “cô dâu chú dể” lên xe. Chỉ là động tác thế thôi chứ họ đâu cần lên xe làm gì? Cũng là lúc cặp cô dâu chú dể thực sự tiến lại. Họ bước lên xe, vào chỗ ngồi. Gã tiếp tục quay như đó là một liên đoạn tiếp theo. Đoàn  xe đón dâu chính thức từ từ chuyển bánh, một lúc sau khuất sau cổng chùa..
Đến lúc này gã mới thở phào trút đi gánh nặng, mồ hôi mồ kê nhuễ nhõa, lưng áo ướt như đi mưa về.
Thật là hú vía, may mà không xảy ra chuyện gì.  Đám cưới vùng này người ta kiêng nhiều thứ lắm, làm gì có chuyện dễ dãi cho hắn chen vào dù chỉ một “tiểu đoạn”?
Nàng bảo gã hỏi xem gần đây có đám cưới nào không? Nếu có mượn luôn người ta hôn trường một lúc, đủ để quay có cảnh bài trí, phông bạt, quan khách đông vui. Gã nói cái đó không cần. Gã là tay chuyên phục vụ cưới xin, các cảnh ấy trong ổ lưu máy tính của gã có đầy. Phần mềm làm phim gã mới mua có đủ ứng dụng cắt dán, lồng ghép theo yêu cầu. Nàng có vẻ chưa tin lắm, nhìn vẻ mặt ái ngại của gã, miễn cưỡng bằng lòng.
Đêm hôm ấy gã thức gần như trọn đêm để thực hiện cái cơlip vô đối này.
***
Ba năm sau. Tình cờ gã gặp lại nàng ngoài cổng chợ “Ba lá cờ hồng”, ngoài thành phố. Nếu nàng không hỏi, gã cũng không nhận ra. Nàng đổi khác đến không ngờ. Nàng lại đang đi cùng với anh “chồng” hờ ngày trước là Sơn ba tong!
Ngày mưa dầm, sương khói mù trời phủ lên thành phố. Chẳng hiểu sao tâm trạng lúc bấy giờ gã chợt nhớ lại trước lúc gặp nàng câu chuyện về Sơn. Cái anh chàng “Sơn ba tong” chả lấy gì đặc biệt mà đôi lúc lại hiện về trong tâm trí gã. Gã nhận ra một điều: Ở đời không có gì là ngẫu nhiên, nó luôn có mối liên hệ vô hình mà mắt thường, ý thức giản đơn không nhận ra.
Số là sau lúc nhập vai đóng bộ phim bất ngờ ấy với nàng ít ngày, gia đình chàng Sơn xảy ra xung đột. Cái tủ quầy hàng sửa chữa đồng hồ bị quăng ra đường. Đủ loại đồng hồ đeo tay, cơ có, điện tử có vung vãi khắp mặt đường. Rôi cả quần áo và chiếc xe máy Sim Sơn cũng chung số phận.
Không ai ngờ người vợ hiền lành, thùy mị, ít nói của Sơn lúc bấy giờ lại có cái có bộ dạng như vậy. Mới biết đàn bà khi ghen, nổi điên lên hung dữ như thế nào.
Khi ấy gã không có mặt. Gã đang làm chương trình cho một hội cựu binh ở cuối huyện. Mọi chuyện gã chỉ được nghe vợ gã kể lại. Giả dụ như gã có mặt khi ấy cũng chả giải quyết được gì. Có khi chỉ làm tình hình xấu thêm vì cuộc chơi dại. Người ta có thể đóng bất cứ vai gì cũng được nhưng chớ đóng vai, hoặc cho mượn vai làm vợ làm chồng.
Trong muôn kinh nghiệm ở đời khi lấy vợ lấy chồng, kinh nghiệm này là cay đắng nhất. Cuộc nhập vai hôm ấy Sơn chỉ coi như một chuyện đùa, không ngờ có kết cục tai hại như vậy.
Ai cũng nghĩ Sơn bỏ đi đâu đó ít ngày, khi nào câu chuyện nguội đi, rồi về. Nhưng mọi người đã lầm. Từ sau buổi ấy Sơn không về nữa
Giá như hôm ấy gã từ chối không nhận làm cái “bộ phim” đóng giả vợ chồng quái quỷ này thì gia đình Sơn đã không tan nát.
Vợ Sơn vốn trước đây rất thân mật với vợ chồng gã thì giờ đây thù ghét khinh thị ra mặt. Thị gặp gã ngoài đường không cả chào hỏi, thậm chí không thèm nhìn mặt. Nhưng mọi sự ở đời, giống như muôn ngàn sự vật rồi cũng trôi vào quên lãng. Chả còn mấy ai nhắc đến anh chàng “Sơn ba tong” với câu chuyện cưới xin giả mạo ngày nào nữa. Người ta cũng quên luôn cái cô nàng dở hơi đi làm mướn nước người về, có tí tiền về ăn chơi không phải lối. Đành rằng người ta thông cảm cho tình cảnh của cô ngày trước. Cô lấy chồng nghèo, chưa được một lần mặc áo cô dâu. Đến cả đăng ký cho hợp lý, hợp pháp cũng không.. Một anh chồng bất lực về mọi mặt. Không lo nổi cuộc sống cho vợ con, khi có điều kiện lại không biết giữ mình.
Cô nàng làm cơlip ấy để rửa mối hận này chăng?
Gã là kẻ có linh tính khá nhạy cảm. Sớm nay chạy xe ra đây vì một chuyện khác, chả liên quan gì đến câu chuyện ngày nào. Tình cờ gặp nhau.
Cả ba ghé vào một tiệm cả phê. Chỗ này trông ra con hồ đẹp nhất thành phố. Lúc này khách khứa không đông.
Gã định hỏi Sơn từ đó đến giờ đi những đâu? Còn nàng thì gã đã biết ngay hôm sau nàng sang Đài. Chưa kịp hỏi thì nàng đã kể cho gã nghe. Sang bên ấy nàng được người nhà tin cho biết cảnh ngộ của Sơn. Nàng tìm cách liên hệ, bảo hắn có muốn sang nàng sẽ giúp bày cách làm thủ tục? Xuất khẩu lao động cũng cần số tiền không nhỏ, nhưng với nàng bây giờ cái đó đã không thành vấn đề. Rồi chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra.. 

Sơn nói hai người về nước kỳ này là ở hẳn, không đi nữa. Hai người đã mua được căn hộ mặt tiền ở thành phố này. Hắn sẽ mở lại nghề chữa đồng hồ và kiêm sửa luôn điện thoại..
Gã hỏi chắc cô chú bây giờ chả cần tôi làm phim nữa?
Cô nàng bảo: “ Bây giờ điện thoại thông minh, ai cũng có thể làm nhà quay phim. Nhưng để hòm hòm công việc, bọn em lại nhờ bác. Mà phải công nhận bác làm nghề mát tay thật..” Lời khen như chàm lửa vào mặt gã!
Gã nhớ lại cuộc gọi lúc nửa đêm năm nào. Từ đó đến nay đã xảy ra bao nhiêu chuyện buồn, vui trong đời. May mà cảnh quay hôm ấy còn có một kết thúc có hậu của hai trong ba con người có liên quan. Giả như..  
Gã không dám nghĩ tiếp nữa!
==========================




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: