Ngày 13/1/2017, bảy ngày trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống, nhóm trợ lý của ông đã phải đối mặt với một “thách thức” lớn: Một đại dịch Cúm mới sẽ lây lan khắp toàn cầu... (Ảnh tổng hợp)
Ngày 13/1/2017, bảy ngày trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống, nhóm trợ lý của ông đã phải đối mặt với một “thách thức” lớn: Một đại dịch Cúm mới sẽ lây lan khắp toàn cầu, và chủng virus nguy hiểm này sẽ hạ gục các thành phố như London và Seoul trước khi khiến toàn bộ hệ thống y tế châu Á sụp đổ...
Cảnh báo Đại dịch
Các quan chức của Bộ Y tế Hoa Kỳ cảnh báo rằng, đây có thể trở thành đại dịch cúm tồi tệ nhất kể từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Bộ này cũng đã phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh đã xuất hiện ở bang California và Texas. Đây là viễn cảnh thực tế khá đáng sợ mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt, và trách nhiệm của Tổng thống sắp tới là phải bảo vệ người Mỹ trong một cuộc khủng hoảng tồi tệ có khả năng sẽ xảy ra.
Nhưng không giống như đại dịch viêm phổi Vũ Hán hiện đang tàn phá khắp toàn cầu, đại dịch cúm do chủng virus có tên là H9N2 năm 2017 này đã không xảy ra. Đó chỉ là một trong số các kịch bản mà các thành viên trong nội các của chính quyền sắp mãn nhiệm Barack Obama đưa ra cho những trợ lý hàng đầu của Tổng thống Trump, như là một phần của cuộc diễn tập “chuyển tiếp” bắt buộc đối với thành viên của chính quyền mới.
Nhóm trợ lý của ông Trump được cho biết là có thể phải đối mặt với những thách thức cụ thể, chẳng hạn như tình trạng thiếu máy thở, thiếu thuốc kháng virus và các nhu yếu phẩm y tế khác…
3 giờ chiều ngày 13/1/2017, các trợ lý của chính quyền cũ và mới đã tề tựu tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower nằm ngay sát cạnh Nhà Trắng. Khoảng 30 đại diện thuộc nhóm trợ lý của Tổng thống Trump - nhiều người trong số họ sắp trở thành thành viên Nội các - đã được sắp xếp ngồi đan xen với “đối tác” của chính quyền sắp mãn nhiệm Obama.
Và theo lời kể lại của một số người đã tham dự, bầu không khí lúc đó rất kỳ lạ và lạnh lùng. Với sự hiện diện của Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn - người đang bị Đảng Dân chủ cáo buộc có mối liên hệ mờ ám với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ trong “vụ án” Nga-Trump kéo dài cho tới nay- đã phủ một bầu không khí ảm đạm lên buổi diễn tập ngày hôm ấy.
Sean Spicer, Thư ký báo chí Nhà Trắng đầu tiên của Tổng thống Trump, một trong số những người tham gia cuộc họp đã kể lại rằng, ông hiểu lý do các “bài tập” như vậy có thể hữu ích, nhưng mô tả những gì mà nhóm của Tổng thống Obama chuyển giao chỉ là một khối thông tin khổng lồ nhưng rất “lý thuyết”. “Thực tế, mọi thứ không đơn giản gói gọn trong một buổi thuyết trình. Một cuộc họp ngắn như vậy không thể giúp bạn chuẩn bị cho một đại dịch có quy mô toàn cầu”. Sean Spicer nói.
Lợi dụng virus, Đảng Dân chủ “ủ mưu” phản pháo
Hơn 3 năm sau, vào những ngày tháng 3/2020, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tấn công trên toàn nước Mỹ, và các trợ lý của chính quyền tiền nhiệm Obama đang tận dụng sự kiện này để chỉ trích Tổng thống Trump.
Susan Rice - Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Obama đã đề cập đến cuộc họp ngày 13/1/2017 như là một trong những nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm “giúp đỡ” người kế nhiệm có thể đương đầu với thách thức mới. Cùng với các chính trị gia Dân chủ khác, bà Susan Rice chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump đã giải tán nhóm An ninh y tế toàn cầu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), vốn đóng vai trò chính trong việc tổ chức phản ứng của Mỹ trước đại dịch toàn cầu.
Sau nỗ lực phế truất Tổng thống Trump bất thành (tháng 1/2020), Đảng Dân chủ tiếp tục đi tìm lý do để có thể “quậy phá”, và virus corona Vũ Hán đã xuất hiện đúng lúc. Tổng thống Trump từng cáo buộc rằng, Đảng Dân chủ đang sử dụng coronavirus như là trò lừa bịp mới của họ nhằm hạ thấp uy tín của ông.
Có thể nói, đây là thời điểm Tổng thống Trump lâm vào tình cảnh tứ bề thọ địch. Không chỉ vừa phải lo ứng phó với sự lan rộng của virus, đối phó với làn sóng tuyên truyền của ĐCSTQ đổ vạ cho nước Mỹ là nguồn cơn gây ra đại dịch toàn cầu, mà ông còn phải hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của Đảng Dân chủ và giới truyền thông cánh tả của Mỹ.
Ngày 4/3, một nhóm gồm 60 nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã viết một lá thư cho Tổng thống Trump chỉ trích gắt gao cách ứng phó của chính quyền trong đại dịch ở mọi vấn đề, từ việc chậm trễ ban bố lệnh khẩn cấp, thiếu dụng cụ xét nghiệm virus, giảm tài trợ y tế công cộng, cắt giảm các cơ quan liên bang cho đến sắc lệnh cấm đi lại từ Trung Quốc.
Giới truyền thông cánh tả, vốn được coi là cánh tay nối dài của Đảng Dân chủ đã thổi phồng dịch bệnh lên một mức độ cao hơn so với thực tế, gây tâm lý hoang mang và góp phần là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán sập sàn đỏ rực.
Cánh phóng viên cũng gây áp lực, dồn dập chất vấn Tổng thống Trump về tình huống ông tiếp xúc với một vị quan chức Brazil có phản ứng dương tính với virus corona Vũ Hán. Và khi ông Trump tuyên bố “gần như chắc chắn sẽ đi” và “sẽ xét nghiệm sớm thôi” thì giới truyền thông cánh tả lại tỏ ra bất ngờ, và Đảng Dân chủ thì hoàn toàn chưng hửng khi bác sĩ riêng công bố kết quả âm tính với con virus của Tổng thống.
Được sự “yểm trợ” của truyền thông cánh tả, các nghị viên Dân chủ tìm đủ mọi cách để làm “rối trí” Tổng thống. Họ chỉ trích ông Trump từ việc nhỏ cho đến việc lớn, phê phán ông từ việc bất cẩn bắt tay với nhiều người, săm soi cách ông điều chỉnh micro khi phát biểu và quy kết cho đó là những hành động “có thể gia tăng nguy cơ gây truyền nhiễm”.
Họ sẵn sàng đăng đàn khẩu chiến trên các phương tiện truyền thông, như Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer đã khơi mào trên Twitter (24/2) với việc gọi Tổng thống Trump là kẻ "bất tài" vì đã đưa ra “yêu cầu cắt giảm 16% ngân sách của CDC”.
Hòa điệu với truyền thông cánh tả cố tình phóng đại mức độ dịch bệnh, Bernie Sanders, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ cũng dùng từ ngữ rất mạnh khi phóng đại dịch bệnh có “quy mô của một cuộc chiến lớn” cùng “số thương vong thực sự có thể còn cao hơn những gì mà Quân đội đã trải qua trong Thế chiến Thứ 2”. Cuối cùng, ông Bernie Sanders kết luận: “Sự bất tài và bất cẩn của chính quyền hiện nay đã gây nguy hiểm cho tính mạng của nhiều người ở đất nước này”.
Trước khi Tổng thống Trump gọi đích danh virus corona là “Virus Trung Quốc”, ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ, Cựu phó Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích cụm từ “virus nước ngoài” mà ông Trump từng sử dụng. Ông cựu phó Tổng thống thời Obama quy kết những từ ngữ của ông Trump mang tính “kỳ thị”, và cho rằng không được “phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc quốc gia, chủng tộc, giới tính hoặc mã ZIP".
Thật trùng hợp, phát biểu của ông Joe Biden cũng rất giống với giọng điệu của Tổng Giám đốc WHO - người từng khuyến cáo công dân toàn thế giới “không nên gọi tên như vậy vì sẽ dẫn đến nạn phân biệt đối xử và định kiến kỳ thị”. Và trong cả hai trường hợp trên, cũng không hề “ngẫu nhiên” bởi độ giống nhau đến kỳ lạ khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu nước này "vô cùng phẫn nộ" sau khi Tổng thống Donald Trump gọi virus corona chủng mới là "virus Trung Quốc”. Ông ta cũng nhấn mạnh đó là “một kiểu kỳ thị".
Lại cũng có một bộ phận những người Mỹ “mến yêu mến thương” Trung Quốc khi cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump nên tập trung giải quyết dịch bệnh trong nước hơn là nỗ lực đổ lỗi cho Bắc Kinh về sự bùng phát coronavirus có thể gây tổn hại cho những nỗ lực chống lại sự lây lan. Giọng điệu này cũng giống hệt người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 12/3 phát biểu: "Chúng tôi mong rằng một số quan chức Mỹ lúc này hãy tập trung sức lực cho việc ứng phó với virus và thúc đẩy sự hợp tác, không đổ lỗi cho Trung Quốc".
Có thể nói, những diễn biến phức tạp của virus Vũ Hán trên nước Mỹ cũng phần nào tương đồng với tâm trạng đầy phức tạp của một số cựu quan chức Mỹ dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Obama và những nghị viên Dân chủ. Họ cho rằng, bằng cách đáp trả Trung Quốc đang suy yếu vì dịch bệnh, chính quyền Tổng thống Trump đang lãng phí “cơ hội vàng” để “xây dựng niềm tin với một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh, và họ (chính quyền Trump) cần phải hợp tác để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia hiện tại và trong tương lai, bao gồm cả Đại dịch”.
Có điều, những vị quan chức Đảng Dân chủ có tư tưởng muốn “xây dựng niềm tin” với chính quyền Bắc Kinh, hẳn cũng không khó để nhận ra bản chất lưu manh và tráo trở của quan chức ĐCSTQ. Nhất là trong trường hợp cụ thể sát sườn với lợi ích của nước Mỹ.
Vừa qua, trong một bài báo trên Tân Hoa Xã , cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, Bắc Kinh đã khoe khoang về việc xử lý ổn thỏa dịch bệnh đến từ một loại virus có nguồn gốc ở thành phố Vũ Hán và bắt đầu lên tiếng đe dọa phương Tây. Bài báo cũng tuyên bố rằng, Trung Quốc có thể áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu dược phẩm vào Mỹ (bao gồm các loại thuốc kháng sinh) và sẽ đẩy nước Mỹ vào "biển coronavirus hùng mạnh".
Khi dịch bệnh bùng phát ở châu Âu và nước Mỹ, âm mưu thâm độc của ĐCSTQ chính là cắt toàn bộ nguồn cung cấp các loại thuốc kháng sinh và vật tư y tế vào các quốc gia này, hòng biến nước Mỹ trở thành một Vũ Hán thứ hai.
Vậy, hãy xem nội các chính quyền Tổng thống Donald Trump phản ứng thế nào với siêu cường thứ 2 Trung Quốc, nơi gieo rắc virus nguy hiểm và đổ vạ cho nước Mỹ.
Nghị viên Đảng Cộng hòa: “Trung Quốc phải trả giá!”
Trong bối cảnh các thuyết âm mưu từ Trung Quốc cho rằng nguồn gốc thực sự của virus nằm bên ngoài Trung Quốc, và do quân đội Mỹ gieo rắc vào Vũ Hán thì chính quyền Tổng thống Trump đã có những hành động đáp trả vô cùng mạnh mẽ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien đã cáo buộc Trung Quốc che đậy cuộc khủng hoảng sức khỏe. Ngoại trưởng Mike Pompeo nhiều lần “dán nhãn” virus corona là của Vũ Hán. Trong khi đó, các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã đưa ra những cảnh báo về vai trò quá lớn của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với ngành Dược phẩm.
Phản ứng cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump trước những lời vu vạ của Bắc Kinh theo nhiều cách trong tuần vừa qua, cũng phản ánh tương đồng với chính sách của ông Trump từ khi lên nhậm chức. Đó là chưa có một đời Tổng thống nào dám tuyên bố thẳng thừng: ĐCSTQ cầm quyền là một mối đe dọa toàn cầu lâu dài.
Trong nội các, Ngoại trưởng Mike Pompeo là người chỉ trích Trung Quốc nhiều nhất. Ông từng trả lời phỏng vấn với CNBC rằng: “Đây là một thử thách cực kỳ khó chịu khi làm việc với ĐCSTQ để có được bộ dữ liệu cuối cùng, làm giải pháp cho việc bào chế vaccine và cả cách thức đương đầu với dịch bệnh”.
Việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đổi tên “thương hiệu” COVID-19 thành Virus Vũ Hán trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNBC đã gây ra phản ứng dữ dội từ chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng, ông Pompeo sử dụng thuật ngữ Virus Vũ Hán để đáp trả lại việc các quan chức Trung Quốc đang “cổ vũ” thông tin coronavirus xuất xứ từ Mỹ đang tràn lan khắp các MXH tại Trung Quốc.
Để vạch trần thói bưng bít thông tin của ĐCSTQ, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien đã gửi một thông điệp cứng rắn tới chính quyền Bắc Kinh: "Thật không may, thay vì áp dụng các biện pháp tốt nhất, dịch bệnh này ở Vũ Hán lại bị che đậy. Có rất nhiều nguồn tin mở từ Trung Quốc, từ các công dân Trung Quốc, rằng các bác sĩ liên quan đã bị bịt miệng hoặc bị cách ly hoặc đại loại như vậy, khiến những gì liên quan đến con virus này không được nói ra". Trung Quốc "có lẽ phải trả cho cộng đồng thế giới hai tháng để trả lời."
Trong nội các của Tổng thống Trump, Peter Navarro là Cố vấn thương mại cấp cao có tư tưởng cực kỳ cứng rắn với Trung Quốc. Ông đã cảnh báo dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán sẽ là một bài học cảnh tỉnh để Mỹ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất các loại thuốc và thiết bị y tế quan trọng. Trong buổi trả lời với Fox News, ông cho biết: Nước Mỹ có “rất nhiều hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc” và “Chúng tôi phải đưa họ trở về lại Hoa Kỳ”.
Trong khi đó, một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bày tỏ mối quan ngại tương tự về sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Marco Rubio (bang Florida) hôm 12/3 đã chủ trì một phiên điều trần có chủ đề: The coronavirus và chuỗi cung ứng doanh nghiệp nhỏ của Mỹ để chỉ ra một loạt “lỗ hổng” của Mỹ. Hầu như tất cả các nguyên liệu dược phẩm ở Hoa Kỳ đều đến từ Trung Quốc, bao gồm cả kháng sinh như azithromycin, penicillin và cephalosporin.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton (bang Arkansas) là một trong những người chỉ trích ĐCSTQ mạnh mẽ nhất khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lan rộng. Cũng giống như Ngoại trưởng Pompeo, ông đã gọi nó bằng cái tên virus Vũ Hán, và còn đưa ra giả thuyết rằng, chủng virus này là thứ vũ khí sinh học của Trung Quốc.
Ngày 12/3, Thượng nghị sĩ Tom Cotton tuyên bố ông buộc phải tạm thời đóng cửa văn phòng của mình tại Washington, DC và yêu cầu nhân viên làm việc từ xa, sau khi một nhân viên của Thượng viện xét nghiệm dương tính với virus Vũ Hán. Ngay sau đó, ông đã phát biểu cực kỳ mạnh mẽ:
“Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng quyết tâm, lòng kiên trì và trí tuệ của người dân Mỹ sẽ một lần nữa giúp đất nước chiến thắng loại virus corona Vũ Hán đang là mối đe dọa đến sức khỏe và phúc lợi của chúng ta.
Vượt qua thử thách này, chúng ta sẽ càng mạnh mẽ hơn nữa, và chúng ta sẽ buộc tất cả những người đã khiến thế giới chịu đựng [dịch bệnh] phải chịu trách nhiệm. Chúng ta chắc chắn sẽ thành công trong tương lai”.
Sau đó, Thượng nghị sĩ Cotton đã phản hồi một bình luận trên Twitter có nội dung “Trung Quốc sẽ phải trả giá vì điều này” rằng: “Đúng vậy”.
Tổng thống Trump tung cú liên hoàn “Virus Trung Quốc”
Trong khi các cộng sự của Tổng thống Trump bận rộn đối phó với các tuyên truyền vu khống của “giặc ngoài”, thì ông chủ yếu đứng cạnh bên lề trong cuộc chiến ngầm với Đảng Dân chủ và ĐCSTQ, hạn chế chỉ trích về nguồn gốc địa lý của virus mà chỉ “gắn mác” một cách nhẹ nhàng cho nó là “virus nước ngoài” hoặc “tất cả chúng ta biết nó đến từ”.
Nhưng ngày 17/3, Tổng thống Trump đã bất ngờ công khai sử dụng cụm từ “Virus Trung Quốc” trên Twitter: “Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các ngành như hàng không và các lĩnh vực khác, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi Virus Trung Quốc. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết!” .
“Virus Trung Quốc” đã trở thành cụm từ “bom tấn” bắn sang bên kia địa cầu, khiến chính quyền Bắc Kinh sôi sục đăng đàn, phẫn nộ chỉ trích nhằm thẳng vào Tổng thống và đổ vấy cho ông đang “kỳ thị và bài ngoại”.
Trong buổi họp báo ngày 17/3, Tổng thống Trump cho biết chính quyền Bắc Kinh đang tuyên truyền thông tin sai lệch về virus corona và cho biết ông đã dùng từ “virus Trung Quốc” là chính xác. Khi được hỏi: “Trung Quốc và những người khác đã chỉ trích ông vì ông đã sử dụng cụm từ Virus Trung Quốc, liệu ông có tiếp tục sử dụng cụm từ đó nữa hay là không?”. Tổng thống Trump trả lời: “Trung Quốc đang đưa ra thông tin sai lệch rằng quân đội của chúng ta đã mang virus đến cho họ. Đó là giả dối, và thay vì tranh cãi, tôi phải gọi chính xác nơi mà nó đến. Nó thực sự đến từ Trung Quốc”.
Khi phóng viên tiếp tục hỏi rằng: “Các nhà phê bình đang cho rằng ông sử dụng cụm từ đó tạo ra sự kỳ thị?”. Tổng thống Trump trả lời dứt khoát: “Không, tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng việc nói quân đội chúng ta mang virus tới cho họ mới là tạo ra sự kỳ thị. Gọi tên nó là “virus Trung Quốc” là chính xác”.
Bất chấp truyền thông cánh tả chỉ trích, ĐCSTQ tăng cường phản bác, Tổng thống Donald Trump không hề nao núng. Rạng sáng ngày 18/3, cụm từ Virus Trung Quốc lại tiếp tục được Tổng thống sử dụng với cường độ dày đặc trên Twitter, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng, ông đã tung ra cú liên hoàn 3 Tweet, trong đó ở Tweet cuối ông viết: “Tôi đã luôn luôn nghiêm túc với dịch Virus Trung Quốc và tôi đã làm rất tốt ngay từ đầu, bao gồm cả quyết định rất sớm của tôi về việc cấm nhập cảnh từ Trung Quốc - mà điều đó đi ngược lại với mong muốn của hầu hết tất cả mọi người. Nhiều sinh mạng đã được cứu. Còn tin tức của nhóm Fake News (Tin giả) thì đều sai lệch và thật đáng xấu hổ”.
Cả ba tweet đều nhắc tới ba lần cụm từ “Virus Trung Quốc” nhằm phủ đầu chính quyền Bắc Kinh khi ông gọi đúng tên, đúng nơi xuất xứ của virus, chặn mưu đồ của ĐCSTQ lợi dụng đại dịch virus để tấn công nước Mỹ. Đồng thời, đây cũng là đòn vạch mặt giới truyền thông cánh tả, vốn thường xuyên chống phá chính quyền Tổng thống Donald Trump bằng mọi giá.
Bắc Kinh, trong ưu thế lợi dụng quyền tự do ngôn luận của thể chế dân chủ phương Tây, đã áp dụng đúng mô thức: Những gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.
Với tham vọng đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền ra toàn thế giới, hơn một thập kỷ qua, ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều tiền để thâu tóm các phương tiện truyền thông phương Tây, và “đào tạo” những phóng viên nước ngoài để “kể câu chuyện về một Trung Quốc tốt đẹp”, nhưng cũng sẵn lòng “tiêu diệt” kẻ thù của nó thông qua kênh mặt trận TRUYỀN THÔNG....
Xuân Trường / NTD
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét