Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Kyle Bass: Thế lực nhà họ Đặng muốn Tập Cận Bình “ra đi”


Gần đây giới quan chức và chuyên gia từ nhiều nước phương Tây đã không ngừng cáo buộc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tắc trách trong ứng phó dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới (còn gọi là virus Trung Cộng) khiến dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng. Bản thân ông Tập Cận Bình tự xưng “đích thân chỉ đạo” phòng chống dịch bệnh phải chịu trách nhiệm chính, trong khi thể chế ĐCSTQ cũng xuất hiện xu thế lên tiếng “chống Tập Cận Bình”. Trên Twitter vào ngày 12/4, nhà quản lý quỹ phòng hộ của Mỹ là Kyle Bass đã gây chú ý với thông tin chỉ ra, theo tình hình nội bộ của ĐCSTQ mà ông biết thì hiện nay thế lực gia đình cố lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình muốn ông Tập Cận Bình “ra đi”. Trong cùng thời gian, thông tin tương tự đã được lưu hành một cách kỳ lạ trên không gian mạng internet tiếng Trung.
Ông Kyle Bass (Ảnh: wikipedia)
Hôm 12/4 người sáng lập Haiman Capital này đã chia sẻ trên Twitter: “Ở Trung Quốc, Tổng bí thư Tập đang gặp rắc rối. Theo thông tin nội bộ của tôi, giới quyền quý trong Đảng muốn Tập Cận Bình giải nhiệm, giới quyền quý Quảng Đông (gia tộc cố Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình) đang bắt đầu thúc đẩy thay đổi và phản đối cái gọi là ‘hoàng đế trọn đời’”. Tuy nhiên, ông Kyle Bass không tiết lộ chi tiết cụ thể
Ông Bass được biết đến là người dự đoán đúng cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn (Subprime mortgage crisis) năm 2008 tại Mỹ, từ lâu ông đã có lập trường mạnh mẽ chống lại ĐCSTQ. Hiện, ông là thành viên của “Ủy ban ứng phó về Nguy cơ hiện tại: Trung Quốc” (Committee on the Present Danger: China, CPDC).
Nhà họ Đặng có thể trở thành lá cờ chống Tập Cận Bình
“Chú Đặng” mà Bass nhắc đến trong tweet là chỉ nhà lãnh đạo quá cố của ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình. Trong lịch sử ĐCSTQ, vai trò của ông Đặng luôn gắn liền với cái gọi là cải cách và mở cửa.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhìn chung không mấy đụng chạm đến giới con cháu thế hệ Đỏ, nhưng đã chạm đến gia tộc ông Đặng Tiểu Bình. Cháu rể của ông Đặng là Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn Bảo hiểm Anbang, vào tháng 5/2018 đã bị kết án 18 năm tù. Ngoài việc bị tịch thu tài sản 10,5 tỷ nhân dân tệ còn bị cưỡng chế thu hồi tài sản phi pháp hơn 752 tỷ nhân dân tệ. Mặc dù thời điểm trước sau khi Ngô Tiểu Huy bị thanh trừng thì cháu gái của ông Đặng Tiểu Bình đã ly hôn với ông Ngô, nhưng vụ việc này vẫn được xem như là thách thức của ông Tập đối với gia đình họ Đặng.
Sau Đại hội 19 ĐCSTQ, phe chống Tập Cận Bình trong ĐCSTQ dường như đang tập trung dưới ngọn cờ của nhà họ Đặng. Trong hai năm gần đây của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, có thông tin cho rằng chia rẽ xung đột giữa ông Tập Cận Bình và phe “thái tử Đảng” do con cháu nhà họ Đặng đứng đầu đã gia tăng. Trong bài phát biểu của ông Tập vào tháng 10/2018 khi kết thúc chuyến thị sát Quảng Đông, ông Tập có động thái hiếm thấy khi không nhắc đến ông Đặng Tiểu Bình, gây những suy đoán về mâu thuẫn nội bộ ĐCSTQ. Cư dân mạng internet cũng chú ý đến bài phát biểu của ông Đặng Phác Phương, con trai cả ông Đặng Tiểu Bình, nhắc nhở người nắm quyền nên “có tinh thần cầu thị”“giữ đầu óc tỉnh táo và biết giới hạn của bản thân”. Bài phát biểu nhấn mạnh “Lý luận Đặng Tiểu Bình” mà không đề cập đến “Tư tưởng Tập Cận Bình”.
(Ảnh chụp màn hình bài viết “Đặng Thác Phương thay cha lên tiếng nhắc nhở và cảnh cáo lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình” trên trang RFA)
Thời điểm đó, tờ Financial Times của Anh có bài viết cho biết, “Ngay dịp kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa đã nổi lên chia rẽ giữa hai gia đình quyền lực nhất Trung Quốc”.
Đại dịch lại làm cuộc chiến ngầm trong ĐCSTQ trỗi dậy
Dưới tác động của dịch bệnh trong vài tháng qua, nội bộ ĐCSTQ đã xuất hiện những tiếng nói chống Tập Cận Bình. Ngày 12/4, ngoài những dòng tweet của người sáng lập Hayman Capital đã đề cập ở trên còn có những nguồn tin gây sóng gió trên Twitter tiếng Trung cho rằng đang có cuộc chiến dữ dội giữa ông Tập Cận Bình và phe chống đối.
Trong đó Twitter nổi tiếng @5xyxh đã tweet rằng, theo thông tin đáng tin cậy, bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước, thành viên gia đình nhiều quan chức cấp cao ĐCSTQ thuộc thế hệ Đỏ thứ hai theo phe chống ông Tập Cận Bình đều được bảo vệ đặc biệt, nhưng tình cảnh của ông Tập  cũng khá bị động.
Trạng thái tweet cho biết cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào đã đưa ra một kế hoạch thỏa hiệp, theo đó ông Tập không phải giải nhiệm mà chỉ cần nhượng bộ rút về tuyến hai, giao lại công việc cho 2 ông Lý Khắc Cường và Vương Kỳ Sơn chủ trì. Hiện hai phe đang chia sẻ trách nhiệm, ông Tập không chịu rút lui, còn phe quân đội cũng có động thái khác thường. Thông tin cho biết kế hoạch này hiện nay được cho là có lợi nhất đối với ông Tập. Nếu ông Tập kiên quyết giữ thái độ cứng rắn thì có thể chịu kết cục tồi tệ hơn, còn phe quân đội cũng có những động thái bất thường. Tuy nhiên, vì thông tin nội bộ không thể cung cấp nguồn tin nên chỉ mang tính tham khảo.
Ngoài ra, hôm 12/4 nhà văn bất đồng chính kiến ​​“Ngọn đèn cũ” (Laodeng) cũng đã tweet cho biết, có người cung cấp thông tin đổ lỗi cho ông Tập Cận Bình về nguyên nhân sâu xa của thảm họa hiện nay, qua đó chỉ ra hiện đã có điều kiện cơ bản để thay thế ông Tập. Bởi vì vô số thảm bại do ông ta gây ra, như về đối ngoại thì toàn thấy kẻ thù, về đối nội thì vấn đề cũ chưa được giải quyết đã xảy ra những vấn đề mới, trong quản lý lãnh đạo thì xây dựng tệ sùng bái cá nhân, làm việc với đồng nghiệp thì chỉ thấy cái tôi cá nhân ác ôn… Vì vậy phải hạ bệ ông Tập để tránh khủng hoảng gia tăng.
Twitter “老灯@ laodeng89”: Tôi nhận được bài viết ngắn này được lưu hành trong ĐCSTQ. Dường như quả thực có biến động ngầm.
Là lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình hiện đang phải đối mặt với áp lực chính trị lớn nhất trong sự nghiệp. Đại dịch “virus Trung Cộng” kéo dài gần 4 tháng đã ảnh hưởng toàn thế giới, gần đây nhiều chính trị gia từ nhiều nước đã không ngừng lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ che giấu và cũng cấp thông tin sai lệch về dịch bệnh, lợi dụng cơ hội để thực hiện tuyên truyền chính trị, bán lại vật tư chống dịch bệnh với giá cao. Yêu cầu truy cứu trách nhiệm và đòi ĐCSTQ bồi thường đang ngày càng mạnh mẽ, hiện nhiều nước đã bắt đầu có hành động thực tế. Ngày 10/4 đã có người thậm chí gửi yêu sách trên trang web của Nhà Trắng, yêu cầu đưa lãnh đạo của ĐCSTQ và Tổ chức Y tế Thế giới ra Tòa án Quốc tế để xét xử về tội “diệt chủng”.
Về nội bộ ĐCSTQ, sau khi cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ nóng bài viết lên án ông Tập Cận Bình của chuyên gia bất động sản Nhậm Chí Cường thuộc thế hệ Đỏ thứ hai trong ĐCSTQ, mọi người lại đặc biệt chú ý đến một lá thư kiến nghị được cho là của giới quan chức cấp cao trong ĐCSTQ yêu cầu triệu tập Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị để thảo luận về vấn đề bãi nhiệm ông Tập Cận Bình. Thư kiến nghị này được ông chủ Trần Bình của SunTV chuyển tiếp.
Theo một bài phỏng vấn độc quyền của Vision Times (tiếng Trung) đối với ông Trần Bình công bố vào ngày 11/4, ông cho biết bối cảnh ra đời “Thư kiến nghị” này là: Trước khi nổ ra dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tàn phá thế giới thì quan hệ Trung-Mỹ đã “không thể quay trở lại”. Bây giờ với bệnh dịch hoành hành thì tình hình càng “không thể quay lại”. Về vấn đề một số nước phương Tây khởi kiện và đòi ĐCSTQ bồi thường vì gây ra thảm họa này, ông Trần Bình cho rằng xu thế này sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, hiện nay Trung Quốc đã đi đến thời điểm quan trọng phải có cải cách.
Ông Trần Bình cho rằng Trung Quốc không thể đi lùi, cho nên phải tiến tới một hệ thống chính trị hoàn toàn mới trả lại quyền lực cho người dân, nếu không sẽ khó tồn tại. Ông tin rằng nội dung của bức thư thể hiện một xu thế ý dân trong xã hội Trung Quốc hiện nay, xu thế ý dân này hy vọng rằng Trung Quốc sẽ có cải cách trong hòa bình. Ông kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện tại là ông Tập Cận Bình hiểu rõ thực trạng, nếu ông Tập hiểu thì cho thấy ông là nhà lãnh đạo sáng suốt; trái lại sẽ thành tội nhân thiên cổ.
Tuy nhiên, trước đó trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông, bà Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu phó giáo sư của Đại học Thủ đô Bắc Kinh và là chuyên gia về lịch sử Trung Quốc, đã nhắc nhở: Không ai còn có thể có bất kỳ hy vọng nào đối với chính quyền này, cách duy nhất là giải thể nó. Sau khi giải thể ĐCSTQ thì xã hội Trung Quốc mới được bình thường giống như các xã hội khác. Nhìn chung các nước đã xây dựng được hệ thống chính trị tương đối hoàn chỉnh, có nền dân chủ, pháp trị, hướng theo các giá trị phổ quát… Nhưng khi nào còn tồn tại ĐCSTQ thì không thể thực thi được những điều đó. Chừng nào vẫn còn là ĐCSTQ thì việc thay đổi một người cầm quyền chỉ như thay thang không thay thuốc.
Về việc ông Nhậm Chí Cường được cho là viết bài lên án Tập Cận Bình đã che giấu tình hình dịch bệnh, đang bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật thành phố Bắc Kinh điều tra. Nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) ở hải ngoại đã chỉ ra: Việc Nhậm Chí Cường bị điều tra đã đánh dấu sự vỡ mộng hoàn toàn của tất cả các ảo tưởng trong Đảng hy vọng trở lại con đường Đặng Tiểu Bình; cũng đánh dấu mọi nỗ lực của giới thương nhân và chính trị trong thể chế muốn thúc đẩy đổi mới ĐCSTQ đã triệt để thất bại.
Tuyết Mai /Trithucvn
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: