Dân trí
Thủ tướng yêu cầu phải mua đủ số lượng 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020 nhưng đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới mua được 7.700 tấn (4%), doanh nghiệp trúng thầu bỏ hợp đồng.
Liên quan đến kế hoạch thu mua gạo dự trữ trước yêu cầu đối phó với dịch bệnh Covid-19 diễn ra, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) về việc không mua được gạo và doanh nghiệp bỏ hợp đồng.
Thưa ông, tính tới thời điểm hiện tại ngày 14/4, gạo mua dự trữ theo kế hoạch được Bộ Tài chính, Chính phủ giao đến đâu và vì sao có hiện tượng doanh nghiệp bỏ hợp đồng cung cấp gạo mà trước đó đã trúng thầu?
- Đến thời điểm hiện tại (14/4) Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới chỉ mua vào được 7.700 tấn gạo dự trữ, không thay đổi so với 10/4, giao đến đây các doanh nghiệp trúng thầu không làm nữa.
Sắp tới, chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên về việc hủy đợt thầu vừa diễn ra, đồng thời sẽ tiến hành đợt thầu mới ở 22 cục Dự trữ trên cả nước. Kế hoạch sẽ được báo cáo cụ thể.
Không đủ số lượng cung ứng gạo thì chắc chắn phải đấu thầu lại không có cách nào khác, doanh nghiệp bỏ hợp đồng khi đã trúng thầu sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Đấu thầu.
Với hiện trạng trên, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có kiến nghị không cấp phép doanh nghiệp xuất gạo ra nước ngoài đối với doanh nghiệp trúng thầu gạo nhưng không ký hợp đồng giao gạo cho Cục Dự trữ?
- Không đề xuất bởi Chính phủ đã có phương án xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4 và cũng được thông qua rồi.
Dư luận đang dấy lên thông tin Tổng cục Dự trữ đưa giá chào mua quá rẻ khiến doanh nghiệp cảm thấy bất lợi không cung cấp, chấp nhận bỏ hợp đồng?
- Tại thời điểm mở thầu tại sao rẻ quá? Rẻ quá sao có doanh nghiệp trúng thầu.
Theo tôi, nhiều doanh nghiệp lý giải tại thời điểm mở thầu thì giá "được", nhưng những ngày sau họ bị tác động mạnh từ diễn biến thị trường giá tăng, nguồn cung không đảm bảo nên không mua được gạo, không cung ứng được.
Về giá đấu thầu, chúng tôi không được xây dựng, địa phương gửi về, Bộ Tài chính giao cho Cục Quản lý giá làm, chứ Tổng cục Dự trữ không làm.
Vậy, từ ý kiến chủ quan của Tổng cục Dự trữ, đâu là nguyên nhân khiến doanh nghiệp bỏ hợp đồng? Có hay không việc thiếu kiểm tra năng lực doanh nghiệp đấu thầu gạo?
- Họ không đủ cung ứng được nên họ bỏ. Bản chất chúng tôi là người đi mua hàng, ai chả muốn mua, nhưng không gặp nhau ở thời điểm.
Về quy trình kiểm tra các hồ sơ mở thầu, hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ tài chính nếu đáp ứng thì được tham gia thầu.
Việc kiểm định năng lực của các doanh nghiệp tham gia thầu dựa vào các tiêu chí tại hồ sơ. Trường hợp doanh nghiệp không cung ứng đủ hợp đồng đã trúng thầu sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật Đấu thầu.
Hiện có doanh nghiệp trúng thầu phải mua gạo ở các thương lái phía Nam. Trong điều kiện bình thường, các doanh nghiệp này vẫn đủ gạo để bán cho dự trữ, song giá gạo xuất khẩu đắt, các thương lái lưng không cung cấp gạo cho doanh nghiệp trúng thầu cho Dự trữ Nhà nước, dẫn đến nguy cơ cơ quan Dự trữ Nhà nước không mua được gạo?
- Tất cả gạo dự trữ Quốc gia không mua được ở phía Bắc, toàn bộ số gạo này mua tại Đồng bằng Sông Cửu Long, các doanh nghiệp đấu thầu đều công khai.
Về việc đấu giá mua gạo sắp tới, sẽ phải làm ngắn nhất về thời gian và trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, cố gắng theo quy định trong vòng 10 ngày để đấu thầu và mua được đủ số gạo theo quy định.
Nếu doanh nghiệp tiếp tục bỏ hợp đồng, sẽ báo cáo các cơ quan cấp trên, nếu không đành chịu.
Nguyễn Tuyền
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét