Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

LỤC BÁT VÀ NHỮNG VẦN THƠ ĐAU


Bão Vũ


Phạm Xuân Trường, “một tay chơi lục bát có hạng” như có nhà văn nói, thuộc số những nhà thơ khá thành công ở loại thơ này. Khi bắt đầu đọc một bài thơ lục bát của Phạm Xuân Trường thì ta có thể yên tâm đọc hết bài mà không sợ gặp phải sự trúc trắc đâu đó về vần, luật. Đối với nhiều nhà thơ khác, tuy cũng thuộc hàng danh tiếng, nhưng tôi luôn nơm nớp sợ bị như thế, nên mới ướm đọc vài câu đầu thấy không gợi được điều gì thú vị thì vội bỏ ngay; không phải vì coi thường mà vì sợ sẽ gặp phải những lỗi về vần luật, là điều tối kỵ, là sự xúc phạm thơ lục bát và người đọc. Điều quan trọng nữa mà một người lành nghề lục bát đều hiểu là cách biểu đạt trong một bài thơ thuộc thể loại này phải khác hơn so với một bài thơ theo vần luật khác hay thơ tự do.



Bài thơ đầu tiên có tên Làm vua của Phạm Xuân Trường đã đoạt giải báoGiáo dục và Thời đại có thể đại diện cho thơ Phạm Xuân Trường. Bài ngắn, chỉ đọc một lần là có thể nhớ được ngay: Rủ nhau vô Huế làm vua/ Ngai vàng cũ hóa trò đùa hôm nay/ Tôn nghiêm rẻ đến thế này/ Thì ta chân đất điếu cày lên ngôi/ Vàng son ờ cũng thế thôi/ Chia tay Huế ngổn ngang trời mưa… mưa… Âm điệu và ý nghĩa của bài thơ lắng đọng da diết, khiến ta thấm thía nỗi buồn cho sự hưng vong thiên cổ.

Trong 7 tập thơ đã xuất bản của Phạm Xuân Trường phần lớn là thơ lục bát:Cỏ cháy - 2002, Ở trọ hồn làng - 2007, Bến chuồn chuồn - 2010, Ấn tượng trong tôi - 2010, Thần dược - 2015, Dị thảo và Kỳ hồ - 2019 đã đem đến sự thú vị cho người đọc, như tôi được biết qua những cuộc tiếp xúc với bạn bè văn chương. Có những bài thơ lục bát của Phạm Xuân Trường được giải thưởng. Riêng tập thơ Cỏ cháy đoạt giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Có thể thấy Phạm Xuân Trường đã bỏ công tạo ra một thứ ca dao, dân ca như cách làm của những tác giả lục bát danh tiếng. Đó là những bài thơ đậm chất quê cổ điển bày tỏ tâm sự, những khao khát của người bình dân có liên quan tới thời cuộc.
Máu đào một giọt chia hai/ Đứa đi quân dịch, đứa ngoài chiến khu/ Trời còn nín được cơn mưa/ Má sao nén được giọt thưa giọt dầy/ Mộ chồng một nén nhang gầy/ Con hai nấm đất bên này, bên kia/ Thắng thua ngủ dưới mộ bia/ Vô danh kia nữa thì chia cho đều… (Chiều nghĩa trang). Những câu: một giọt chia hai - nín cơn mưa - giọt thưa giọt dầy - chia cho đều… nghe gần với ca dao cổ.
Đã từng có những cuộc tranh cãi về nguồn gốc thơ lục bát. Số đông cho rằng lục bát là thơ riêng của người Việt Nam. Có người khẳng định lục bát thuộc về dân tộc Chăm. Thậm chí, có người chỉ ra rằng nhiều dân tộc trong vùng Đông Nam Á cũng có thơ lục bát… Phạm Xuân Trường cho rằng những điều ấy không quá quan trọng; chỉ biết rằng thơ lục bát đã tồn tại trên đất Việt từ lâu, người Việt Nam nào cũng biết đến thơ lục bát. Cũng với Phạm Xuân Trường, thơ lục bát vốn là của người bình dân mang ý nghĩa đẹp về con người và thiên nhiên, là phương tiện tốt nhất để nói về số phận, nguyện vọng của người dân. Bao đời nay dân chúng đã dùng thơ lục bát, để giãi bày, để ca tụng, phản kháng, đả kích… các hiện tượng của xã hội theo tâm trạng và hoàn cảnh của mình.
Trong thơ lục bát, điều nhà thơ cần nói sẽ không giống như với bài thơ theo vần luật khác hay thơ tự do. Những bài thơ lục bát thành công trong đó thường có tình ý, cách thức của những câu ca dao, dân ca cổ. Đó là sự vơ vẩn, ỡm ờ, lúng liếng, hoặc bâng khuâng, nghẹn ngào, hờn giận, trách móc, như một đặc tính của thể loại thơ này. Lục bát của Phạm Xuân Trường luôn chất chứa những đau đớn, ngậm ngùi thương cảm và cả sự giận dữ, khiến cho những vần thơ như phong dao, dân ca ấy không chỉ véo von tình tứ mà còn nhức nhối về kiếp người, về nỗi đời. Những bài thơ dù dài, ngắn, với đề tài nào cũng ít thấy những câu thơ vui, nhất là khi anh nói về những người dân thường, đã được nhiều người thuộc, ngâm ngợi thích thú, bởi những câu thơ như nói hộ những ấm ức trong lòng mình.
…Bàn cờ phận tốt mong manhThấp cao cỏ chả tranh giành với ai/ Khi vui phải biết đứng ngoài/ Đến khi máu đổ chẳng ai trước mình… (Cỏ hát). Và: …Ngổn ngang trên cánh đồng người/ Mẹ ngồi cời những nụ cười thành than (Đốt mã) - …Mẹ là khuyết con đang rằm/ Con ban mai nắng mẹ thăm thẳm chiều (Lòng mẹ) - …Bao nhiêu sẹo ở thân cành/ Gió ơi còn hát biếc xanh làm gì (Giếng chùa)…
Tôi đã chứng kiến sự tán thưởng thân thiện từ những người đã đọc thơ Phạm Xuân Trường. Họ bày tỏ cảm khoái với những vần câu thơ lục bát trước những nghịch lý, bất công.
Dẫu là chôn xuống vật lên/ Ngàn năm cỏ vẫn vững bền sinh đôi/ …Cầm bằng hai chữ hư danh/ Thảo dân và cỏ ta thành một đôi/ Thản nhiên xanh một kiếp đời/ Bao dung cỏ hát giữa trời vô danh… (Cỏ hát) …Kìa ai nửa tỉnh nửa mê/ Trắng tay còn một câu thề chặt đôi/ Đất đai giờ đã lên ngôi/ Tình người đồng kẽm buông xuôi giữa đời… (Chôn dọc).
Và sự cảm thông với những tấm lòng nhân hậu một thời, trước bạc bẽo của người đời: … Ngủ đi rơm rạ mùa thu/ À ơi sương giá ngày mù như đêm/ Ngủ đi giun đất yếu mềm/ Thôi đừng quặn nữa đau thêm lòng này/ …Rạ rơm ơi chớ giận hờn/ Nén đau cối gạo mo cơm chấm vừng/ Bây chừ qua ngõ dửng dưng/ Ai cần mặn muối cay gừng nhà quê… (Ngủ đi)
Nỗi đau của người mẹ tử sĩ đâu có thể xoa dịu bằng những bài thơ tán tụng vô cảm, cùng khuôn mẫu giả tạo. Về điều này, Phạm Xuân Trường có một câu thơ rớm máu, theo thể song thất lục bát: …Con chết thật, mẹ thì sống giả/ Biết làm sao gửi được xuống mồ/ Ai đem vàng mã vào thơ/ Để thêm lần nữa dưới mồ kêu đau… (Quán trọ)
Phạm Xuân Trường còn có tài làm tranh gò đồng. Anh đã kỳ công khắc họa tới gần 100 bức chân dung những văn nghệ sĩ mà mình yêu kính. Sau khi trưng bày ở các phòng triển lãm, anh đem về treo kín tường nhà, ngày ngày anh trò truyện với những chân dung ấy: … Rượu trong như nước mắt người/ Hai tay nâng chén con mời vĩ nhân/ Nguyên Hồng, Phùng Quán, Nguyễn Tuân/ Trần Dần, Lê Đạt, Huyền Trân, Lê Bầu… (Nhà tôi thành bảo tàng đêm)
Hòa Vang, một người nhiệt huyết. Nhưng từ thơ Phạm Xuân Trường, tôi đã thấy văn tài yểu mệnh này còn có những nỗi ngậm ngùi:… Vơi đi nắng lửa từng ngày/ “Vẹn nguyên trong dở dang” này phần em/ Người đi về phía không tên/ Tầm xuân hoa rụng trước thềm như mưa… (Bút gươm trao lại), (Vẹn nguyên trong dở dang là tên một truyện ngắn của Hòa Vang). Tôi lặng người khi đọc Phạm Xuân Trường viết về Nguyễn Bính: …Sống tha phương, chết tha hương/ Bốn phen cải cát nắm xương giang hồ/…Sống thì mắc nợ phù hoa/ Chết về với đất làm ma thất tình… (Viếng mộ Nguyễn Bính)
Thơ Phạm Xuân Trường thể hiện sự yêu ghét quyết liệt, như con người thực của anh. Trong bài Dở hơi, bức chân dung tự họa, anh viết: …Thật lòng ghét thật lòng yêu/ Thơ thì gàn dở nói điều xót xa/ Vơ vào toàn chuyện người ta/ Để mà khóc mướn để mà thương vay…
Có thể có người cho rằng thơ lục bát đã quá cũ kỹ vì tính gò ghép vần luật, hạn chế sự biểu đạt, và vì vậy thể thơ này khó còn chỗ trong nền thơ đương đại. Nghe có vẻ hữu lý, nhưng, nếu vẫn còn những câu lục bát làm cho người đọc khóc, cười, khoái hoạt và giận dữ thì nghĩa là thể thơ này vẫn còn sức sống mạnh mẽ. Xin hãy thử lắng hồn mình nghe Phạm Xuân Trường khóc những người bạn lính đã chết trận, không về dự buổi họp lớp cũ của những ông bà già ngày nay, vẫn “mày tao” thân thiết với nhau như ngày xưa. Bài thơ Họp lớp như lời khấn vọng các vong hồn tử sĩ:… Thương cho những đứa không về/ Lời nguyền đã cởi, câu thề đã buông/ Người ta bán đất mở đường/ Biết đâu sỏi đá lẫn xương chúng mày/ Khởi công rượu đỏ trên tay/ Phải chăng là máu chúng mày đấy thôi/ Quá giang những chuyến đò người/ Về đây góp một tiếng cười rồi đi…
Nguồn Văn nghệ số 13/2020

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: