Ngày càng nhiều sự cường điệu về tầm quan trọng của các mối quan hệ và sự kết nối. Điều này khiến số đông bỏ qua sự thật là trải nghiệm tinh thần sâu sắc và cơ bản nhất luôn phát sinh ở sâu bên trong, nơi cần sự cô đơn và yên tĩnh để lắng nghe tâm trí của mình.
Có một người đàn ông tên là Daisuke Nagasato.
Anh ấy 39 tuổi, đẹp trai, chưa lập gia đình. Daisuke là một người theo chủ nghĩa độc thân. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, anh đã mua một chung cư đơn thân lớn ở Tokyo để tiện sử dụng một mình, không phải chung đụng với bất cứ ai. Daisuke tôn trọng sự cô đơn và tự do, từ chối hôn nhân. Ngoài công việc, sở thích hàng ngày của anh là tập thể dục, đạp xe và đi du lịch.
Các đồng nghiệp từng hỏi anh rằng, một người sống như vậy có thấy cô đơn và lạnh lẽo hay không. Anh Daisuke trả lời: “Hãy đến phòng tập thể thao và squats 100 cái, bạn sẽ không còn đủ sức mà tự hỏi mình có cô đơn hay không”.
Đứng trước sự phản đối từ gia đình, nhất là người cha có phần truyền thống của mình, anh Daisuke cũng nói: “Tại sao một người không thể sống một mình chứ? Con không gây rắc rối cho ai, cũng không làm hại ai cả”.
Câu chuyện được đề cập ở đây xuất phát từ bộ phim truyền hình Nhật Bản “Kazoku no Katachi" (tựa đề tiếng Anh là “The State of Union”) nổi tiếng gần đây. Nó kể câu chuyện về cuộc sống của một người đàn ông và một người phụ nữ thành thị thích sự cô độc và sống một mình.
Ai cũng biết rằng, phim ảnh luôn phản ánh chính cuộc sống xung quanh ta. Cho nên, ngoài đời thực, chắc chắn luôn có những người như Daisuke Nagasato tồn tại, chỉ là cách thể hiện mỗi người hoặc ít hoặc nhiều mà thôi. Có người chủ động lựa chọn sự độc thân, không bước chân vào hôn nhân. Có người vẫn kết giao bạn bè, yêu đương và kết hôn như bình thường, nhưng vẫn đề cao tầm quan trọng của tự do cá nhân, những khoảng không gian riêng tư một mình.
Thích cô đơn, hưởng thụ cảm giác độc thân một mình, tự do sở hữu một không gian riêng - đây chính là mục tiêu và quan niệm cần có của mỗi một người thành công và có bản lĩnh.
Thật ra, có hơn 31 triệu người ở Hoa Kỳ chọn sống một mình. Nhà tâm lý học xã hội người Mỹ, Bella M. DePaulo, là một hình mẫu điển hình của lối sống độc thân đó. Bà đã qua độ tuổi nửa trăm nhưng vẫn chú trọng chủ nghĩa độc thân, không ngừng nghiên cứu về sự cô đơn và những tác động mà nó đem lại.
Theo quan điểm của bà, cô độc hay một mình chưa bao giờ là điều đáng xấu hổ.
Trái với tưởng tượng của nhiều người, bà Bella không hề hướng nội. Bà có sở thích giao lưu, thăm hỏi bạn bè và tham gia nhiều hoạt động giải trí. Nhưng trong nhiều thập kỷ của cuộc đời, bà luôn độc thân và cảm thấy tự hào về cách sống của mình.
"Tôi sống cô đơn nhưng không bao giờ cảm thấy cô đơn khi ở một mình. Tôi tận hưởng những khoảnh khắc đó. Thật ra, những khoảnh khắc thực sự khiến tôi cảm thấy chán nản, mệt mỏi, đau đầu, lại là khi ở bên người khác".
Đại đa số những con người hiện đại đều có một cảm giác chung, đó là càng trưởng thành, họ càng dễ cô độc. Đồng thời, càng lớn tuổi hơn, người ta lại càng thích ở một mình.
Tại sao? Có lẽ đó là vì chúng ta luôn khao khát có một không gian riêng của chính mình, nhưng thực tế, không gian đó chỉ ngày càng nhỏ hơn theo thời gian.
Khi khoa học kỹ thuật xâm chiếm không gian cá nhân, quyền riêng tư của mỗi người đều khó có thể giữ được vẹn toàn. Dù là công việc, sự nghiệp hay quan hệ, xã giao, chúng ta đều phải không ngừng tiếp xúc với mọi người. Cho nên, thỉnh thoảng, chúng ta bất chợt lại thấy mình cười cười nói nói bâng quơ trong một nhóm người xa lạ, chỉ để đạt một mục đích nào đó, còn sau đó chẳng đọng lại chút ý nghĩa gì về tinh thần.
Chỉ có lúc cô độc, chúng ta mới dừng lại để lắng nghe bản thân. Tại đó, ta có thể đọc sách, nghe nhạc, có thể xem phim, nghe kịch, cũng có thể nằm ườn bên cửa sổ nắng ấm để nhẹ nhàng nhâm nhi một tách trà hoặc cà phê. Một mình tự “sạc điện” cho bản thân, một mình tự giải quyết những gánh nặng tinh thần và cơ thể mệt mỏi.
Einstein từng nói: “Khi còn trẻ, tôi thấy đau khổ vì sự cô đơn. Nhưng khi trưởng thành, tôi phát hiện nó lại là điều tuyệt vời vô cùng”.
Thật vậy, trái ngược với những gì người ngoài tưởng tượng, khi có thể vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa bản thân và thế giới bên ngoài, ở một mình và tận hưởng sự cô đơn, chúng ta sẽ thực sự cảm thấy cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
Năm 2013, một báo cáo về thói quen ăn uống của người Mỹ cho thấy, trong 60% trường hợp, mọi người chọn ăn sáng một mình và xác suất ăn trưa một mình là 55%. Một nghiên cứu năm 2000 cũng chỉ ra rằng, so với những năm 1980, các cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ ít ăn cùng nhau hơn. Tại Nhật Bản, ngày càng có nhiều nhà hàng bắt đầu cung cấp chỗ ngồi ăn một người.
Có lẽ bạn sẽ cho rằng, chính nhịp sống bận rộn của xã hội hiện đại khiến nhiều người không rảnh để dùng bữa với người khác. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người chủ động nhận thức tầm quan trọng của việc ở một mình. Cho dù có bạn bè hay bạn đời, họ vẫn khát vọng sở hữu và tận hưởng không gian riêng tư.
Trong một cuộc khảo sát về người trưởng thành Mỹ, 85% tin rằng khoảng thời gian cô độc một mình đóng vai trò quan trọng, trong khi đó, 55% trong số họ xếp nó vào mức độ “phi thường quan trọng”. Ngược lại, chỉ có 9% cảm thấy không quan trọng.
Năm 1988, nhà phân tích tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, Anthony Storr đã viết trong cuốn sách "Cô độc: Sự trở lại của bản thân" (Tên gốc: “Solitude: A Return to the Self”) rằng:
“Nhiều người đang cường điệu quá mức tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ và sự kết nối. Vâng, đúng là nó quan trọng. Nhưng ở rất nhiều thời điểm, trải nghiệm tinh thần sâu sắc và cơ bản nhất của con người diễn ra ở sâu bên trong chúng ta, và chúng yêu cầu sự cô độc làm tiền đề”.
Đại chúng hay mặc định rằng, “Người này sống cô độc quá, đáng thương ghê”, hoặc là “Đến tuổi này mà vẫn sống một mình, chắc là có vấn đề gì rồi”. Và qua đó, họ tự nhận định cuộc sống của đối tượng đó thật thất bại, thật sai lầm.
Nhưng trên thực tế, nếu sự “cô đơn” ấy xuất phát từ nhân tố bên ngoài, khi bạn bị tập thể xa lánh, cách ly, đánh mất kết nối với cộng đồng xung quanh, đó chỉ là cô đơn giả tính. Còn với sự “cô đơn” thực thụ, mỗi người trong đó đều tích cực trải nghiệm, hưởng thụ và chủ động lựa chọn phương thức sống một mình của chính mình. Với cách sống đó, họ được tự do một mình, làm điều mình muốn, lắng nghe cảm xúc bản thân, tự suy ngẫm và giải quyết vấn đề của riêng mình.
Ở một mình có thể mang lại nhiều ý nghĩa tích cực. Trong số đó, tự do và giác ngộ cảm hứng là ý nghĩa lớn nhất mà sự cô độc có thể mang lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét