TS Michael Pillsburry, tác giả “The Hundred-Year Marathon”, cảnh báo thế giới về tham vọng bá chủ toàn cầu của Trung Quốc. (Hình: Trích xuất từ màn hình Fox News)
Vào cuối tuần vừa qua, tại Reston, Virginia, Phong Trào Việt Hưng đã cho ra mắt cuốn sách “Cuộc Đua Marathon 100 Năm” do Dịch Giả Trần Lương Ngọc dịch sang tiếng Việt từ cuốn sách “The Hundred Year Marathon – China’s Secret Strategy to Replace America as the Global Superpower,” của tác giả Michael Pillsbury
Ông Michael Pillsbury hiện là Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Chiến Lược Trung Quốc thuộc Viện Nghiên Cứu Hudson. Ông cũng một tham vấn của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và là cố vấn của Tổng Thống Trump về Trung Quốc.
Trước đây ông còn giữ nhiều chức vụ khác trong Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao, Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế, Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA) và Văn Phòng Thượng Viện Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông còn là một bình luận gia bằng tiếng Quan Thoại của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (Voice of America – VOA).
Ông tốt nghiệp Standford University với bằng cử nhân về Lịch Sử và Columbia University với bằng tiến sĩ. Ông thông thạo tiếng Quan Thoại. Ngoài cuốn sách kể trên, ông còn viết hai cuốn khác về Trung Quốc: (1) Chinese Views of Future Warfare (1998), (2) China Debates the Future Security Environment (2000).
Cuốn sách “The Hundred Year Marathon” đã được dịch ra bẩy thứ tiếng: Hàn, Nhật, Trung Hoa – Đài Loan, Trung Hoa - Đại Lục, Hindi, Mông Cổ và Việt Nam. Xem ra các nước láng giềng của Trung Quốc rất muốn biết tham vọng của Trung Quốc ảnh hưởng tới họ ra sao.
Trước đây đã có những sách viết về sự lớn mạnh của Trung Quốc và lợi ích đối với thế giới như China’s Megatrends (2010) của John & Doris Naisbitt và “When China Rules the World (2009) của Martin Jacque. Pillsbury nhìn Trung Quốc ở một khía cạnh khác hẳn. Qua lăng kính của ông, Trung Quốc là một đe dọa cho trật tự thế giới. Tham vọng của Trung Quốc là vào năm 2049 sẽ thay thế Hoa Kỳ ở vị trí đại cường quốc, đồng thời phá hủy chế độ dân chủ tự do toàn cầu, đúng vào lúc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.
Trung Quốc trước đây thường lập đi lập lại nhiều lần rằng Trung Quốc không trông đợi gì ngoài việc trỗi dậy trong hòa bình, rút kinh nghiệm của các đế quốc trong quá khứ không bao giờ muốn trở thành bá quyền. Chiến thuật của Đặng Tiểu Bình là “thao quang dưỡng hối”. Điều này có nghĩa là che dấu giai đoạn lớn mạnh cho đến khi lớn mạnh thực sự. Trung Quốc biết rằng họ cần vài chục năm nữa mới có thể bắt kịp thế giới. Trong thời gian này, Trung Quốc tránh những đụng độ với thế giới bên ngoài để phát triển bên trong.
Nhìn vào sự trối dậy của Đức và Nhật đã đưa đến cuộc cạnh tranh quyền lực, ảnh hưởng và tài nguyên ở Âu Châu và Á Châu và kết thúc bằng cuộc Thế Chiến Thứ II, Trung Quốc từng tuyên bố tránh đi vào những vết xe đổ của hai quốc gia này và theo đuổi chính sách hợp tác với Tây phương.
Theo sự nghiên cứu của Pillsbury, chính Trung Quốc đã có sáng kiến mở cửa đón nhận Hoa Kỳ, tiếp Tổng Thống Nixon tại Bắc Kinh vào năm 1971 chứ không phải do công trình của Ngoại Trưởng Kissinger.
Tây Phương trong vài thập niên vừa qua đều có khuynh hướng suy nghĩ rằng giao kết với Trung Quốc sẽ đưa đến hợp tác. Cũng trong khuôn khổ này, Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương đã ủng hộ mãnh liệt Trung Quốc gia nhập vào Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund – IMF) vào 1980 và Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (World Trade Organization) vào 2001.
Theo tác giả, nhiều Tổng Thống Hoa Kỳ gần đây đã tin tưởng rằng khi phát triển kinh tế Trung Quốc sẽ hỗ trợ một nền kinh tế mở và chấp nhận những ý niệm tự do dân chủ. Nhưng hiển nhiên những gì đã xẩy ra và đang tiếp tục ở Trung Quốc không theo chiều hướng mà Tây phương mong đợi.
Khổng Tử từng nói “Không thể có hai mặt trời trên bầu trời.” Chủ Tịch Mao Trạch Đông lấy câu nói của Khổng Tử làm châm ngôn cho chiến lược phát triển Trung Quốc của ông từ thập niên 1950. Khát vọng này đã được lập lại qua cuốn sách “Giấc Mơ Trung Hoa” của Liu Mingfu, một đại tá Quân Đội Nhân Dân, xuất bản vào 2010 để canh tân đất nước trong thế kỷ 21 và trả thù các cường quốc thực dân gồm Anh và Nhật về một thế kỷ bị nhục mạ dưới thời Nhà Thanh. Chính cuốn sách này đã mô tả cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang xẩy ra trên thực tế, và là động lực thúc đẩy Pillsbury viết về “Một Trăm Năm Chạy Đua.”
Kể từ khi được xuất bản, cuốn sách “The Hundred Year Marathon” gây nhiều tranh cãi vì giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục tuyên bố rằng Trung Quốc ước vọng chia xẻ thịnh vượng chung với thế giới theo đó mọi quốc gia đều thắng lợi qua một số chương trình như “Nhất Đai, Nhất Lộ”, Ngân Hàng Phát Triển Hạ Tầng Cơ Sở và cùng với Brazil, Nga, và Ấn Độ trong nhóm bốn quốc gia thành lập Ngân Hàng Phát Triển Mới (New Development Bank).
Tuy nhiên theo Pillsbury, một người thông thạo tiếng Quan Thoại, hiểu sâu rộng chính trường và văn hóa Trung Quốc, dường như từ khi Tập Cận Bình củng cố quyền lực, thống trị Trung Quốc, ông ta đã vội vã bỏ chánh sách của Đặng Tiểu Bình, phô trương sức mạnh và đe dọa các nước láng giềng khiến nhiều nước bừng tỉnh, kể cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ. Không những gây hấn ở Biển Đông và Biển Nam Trung Hoa, Trung Quốc còn hăm dọa cả Ân Độ, Nam Dương, Mã Lai và Brunei, tăng cường đàn áp Tây Tạng và Tân Cương.
Hi vọng mở mang và phát triển kinh tế, đem lại sự thịnh vượng sẽ làm cho Trung Quốc biến thành một quốc gia dân chủ, dường như tan vỡ. Cuộc tàn sát đẫm máu ở quãng trường Thiên An Môn vào 1989 đã làm nhiều người thất vọng. Con đường dân chủ hóa xem ra quá xa vời với Trung Quốc.
Điều này càng thấy rõ dưới thời Tập Cận Bình, một lãnh tụ thuộc thế hệ thứ năm, sinh ra sau Đệ Nhị Thế Chiến và sau khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đã được thành lập. Tập Cận Bình củng cố quyền lực bằng cách triệt hạ nhiều viên chức Cộng Sản Trung Quốc kể cả một số thành viên trong Bộ Chính Trị qua chiến dịch chống tham nhũng, thành lập một số ban mới do chính ông làm chủ tịch như Ủy Hội An Ninh Quốc Gia và các ủy ban lãnh đạo về cải tổ kinh tế và xã hội, cải tổ và hiện đại hóa quân đội, bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ vào 2018.
Ngoài ra, Bắc Kinh trong vài năm gần đây tiếp tục bắt giữ những người chỉ trích chế độ, một số nhà báo và luật sư. Báo chí kiểm soát bởi nhà nước nói về những xấu xa của Tây phương.
Trung Quốc xem ra không cần phải dấu diếm tham vọng bá chủ thế giới nữa. Bắc Kinh đã bắt đầu tham dự vào chiến tranh mạng, thu thập công nghiệp quốc phòng và tình báo của Hoa Kỳ, tuyên truyền văn hóa và bành trướng ảnh hưởng ở Á Châu và Phi Châu.
Về kinh tế, Trung Quốc đã thiết lập kế hoạch chiến lược “Made in China 2025” từ 2015. Theo đó, Trung Quốc sẽ chuyển dần từ một nhà máy sản xuất hàng rẻ tiền, phẩm chất thấp, sử dụng giá nhân công thấp cho thế giới qua một nước công nghệ sản xuất hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao, sử dụng 40% nguyên liệu sản xuất trong nước vào 2020 và 70% vào 2025. Những ngành công nghệ cao bao gồm công nghê dược phẩm, xe hơi, hảng không, semiconductor, thông tin IT và máy móc tự động (robotics).
Vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước Công Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Chủ Tịch Tâp Cận Bình tuyên bô một cách tự tin rằng “Không có một thế lực nào có thể lay chuyển được nền móng của một đại quốc. Không một thế lực nào có thể ngăn chặn nhân dân Trung Quốc và đất nước Trung Quốc tiến lên hàng đầu.”
Ngoài ra, Chủ Tịch Tập Cận Bình còn nhấn mạnh về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Quốc và thực thi đầy đủ lý thuyết căn bản, đường lối và chính sách của Đảng,
Chính sách chuyển trục về Á châu và thành lập Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – CPP) của Tổng Thống Obama là một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ tim cách đối phó với thử thách mới của Trung Quốc. Rất tiếc Tổng Thống Trump đã nhầm lẫn rút Hoa Kỳ ra khỏi tổ chức này ngay khi ông vừa mới nhậm chức vào 2017.
Tác giả Pillsbury cho rằng Hoa Kỳ có năm ngộ nhận đối với Trung Quốc: (1) Giao kết đưa đến hợp tác; (2) Trung Quốc đang tiến dần đến dân chủ; (3) Tình hình nội bộ của Trung Quốc rất mong manh; (4) Trung Quốc muốn giống Hoa Kỳ; và (5) Phe diều hâu Trung Quốc yếu thế.
Theo Pillsbury, chiến lược chạy đua dài hạn của Trung Quốc bao gồm học hỏi kỹ thuật tân tiến của Tây phương, phát triển một nền kinh tế mạnh mẽ và sau cùng tiến lên vị trí đại cướng quốc số một của thế giới trong ba đến bốn thập niên tới.
Chiến lược chạy đua 100 năm của Trung Quốc bao gồm chín điểm: (1) Che dấu ý định cho tới thời điểm thích hợp mới ra tay; (2) Ly gián đối phương bằng cách mua chuộc các cố vấn; (3) Kiên nhẫn chờ đợi; (4) Sử dụng những ý tưởng và kỹ thuật của đối phương. (5) Sức mạnh quân sự không phải là một yếu tố then chốt; (6) Để duy trì tư thế thống trị, bá quyền có thể có những hành động liều lĩnh; (7) Duy tri thế mạnh qua hai yếu tố lừa địch thủ và chờ đợi; (8) Đo lường sức mạnh tương đối của Trung Quốc; (9) Luôn luôn cảnh giác để không bị bao vây và lừa dối.
Để đối phó với thử thách của Trung Quốc, tác giả đề nghị Hoa Kỳ một số hành động qua 12 giai đoạn: (1) Đầu tiên là cần nhận định rõ thử thách của Trung Quốc; (2) Cứu xét lại những chương trình của Hoa Kỳ vô tình làm lợi cho đối phương; (3) Đo lường khả năng cạnh tranh; (4) Đặt ra một chiến lược đua tranh để phát triển nhanh hơn đối thủ; (5) Thống nhất chính sách đối với Trung Quốc; (6) Xây dựng liên minh giữa Hoa Kỳ với các nước láng giềng của Trung Quốc; (7) Che chở những nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc; (8) Chống lại những hành động gián điệp, ăn cắp kỹ thuật, bí mật quân sự qua mạng; (9) Đòi hỏ Trung Quốc bảo vệ môi trường; (10) Phanh phui nạn tham nhũng tại Trung Quốc; (11) Ủng hộ các nhà dân chủ; (12) Theo rõi cuộc tranh chấp nội bộ giữa phe diều hâu và phe cải tổ tại Trung Quốc.
Trái với một số bình luận gia cho rằng Trung Quốc đã thắng cuộc chạy đua, Pillsbury cho rằng Hoa Kỳ còn vài thập niên để ngăn chặn Trung Quốc bằng một chiến lược cạnh tranh kinh tế hữu hiệu và hỗ trợ những nhà đấu tranh dân chủ Trung Quốc. Ông không chủ trương tạo một cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng ủng hộ sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong một số lãnh vực.
Nguyễn Quốc Khải
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét