Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

'Phải đóng cửa vĩnh viễn Formosa'?


"Ngày 1/7/2016, trong lúc Formosa đang nóng, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, "không thể vì phát triển kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân... Vậy thì đứng trước sự việc 3,5 triệu tấn bùn thài này, đây có phải là cơ hội để ông thực hiện tuyên bố "kiên quyết đóng cửa" hay không?"
'Phải đóng cửa vĩnh viễn Formosa'?
Mỹ Hằng 15 tháng 5 2019 - Thảm họa Formosa đã đẩy nhiều ngư dân miền Trung vào cảnh phải bán thuyền, treo lưới, lang bạt sang tỉnh khác làm thuê. Cá tiếp tục chết ở các tỉnh ven biển miền Trung trong khi giới chức không quản lý được hàng triệu tấn chất thải độc hại của Formosa mỗi năm. Formosa nên bị đóng cửa, nếu chính phủ làm mạnh tay - Bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Bền vững, nói.
"Một là Formosa phải dừng lại, hai là phải khắc phục hậu quả. Ở đây họ không dừng mà cũng không có động thái gì khắc phục cả, họ vẫn đang tiếp tục làm ô nhiễm môi trường Việt Nam. Formosa nên bị đóng cửa, nếu chính phủ làm mạnh tay," bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Bền vững nói với Mỹ Hằng của BBC hôm 14/5. Bình luận của bà Phương được đưa ra trong bối cảnh Formosa Hà Tĩnh bị phát hiện thải ra hơn 3 triệu tấn phế phẩm mỗi năm và có nhiều sai phạm trong buôn bán các chất thải này. Cùng lúc đó tiếp tục có tin cá chết.

Cá liên tục chết

Cá chết tại Quảng Bình năm 2016

Sự việc mới đây nhất xảy ra hôm 10/5, xác cá chết trôi dạt vào bờ biển Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng kéo dài tới hơn 1 km, bốc mùi hôi thối, theo Người Lao Động.

VN khó xử lý được bùn thải độc hại Formosa?
Formosa: Đã đền bù thỏa đáng?

Cá chết nhiều nhất tại cửa xả Phú Lộc với số lượng lên đến vài trăm kilogram. Ngoài ra, người dân cũng phát hiện nước biển đổi màu và sủi bọt bất thường.

Năm 2016, Formosa xả thải ra biển làm cá chết trắng tại bốn tỉnh miền Trung, ban đầu ở Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, sau đó lan ra Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Formosa sau đó đồng ý đền bù 500 triệu đô la và được hoạt động trở lại năm 2017.

Sự việc tương tự đã xảy ra tại chính bờ biển Nguyễn Tất Thành tháng 4/2018, số cá chết lên tới 2 tấn.

Hôm 11/5, cá heo trắng đầu đàn cùng cả đàn ngàn con dạt vào bờ biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, nơi gần nhà máy Formosa. Thông tin này được đăng tải trên báo Thanh Niên nhưng sau đó bị gỡ xuống.

Tháng 4/2018, hàng trăm kilogram cá, mực chết tại bờ biển Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Năm 2018, cá liên tục chết tại khu vực xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh và huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Riêng tại Quỳnh Lưu, số cá chết lên tới 1.500 tấn.

Những sự việc này xảy ra sau khi nhà máy thép Formosa của Đài Loan, đóng tại Hà Tĩnh, được hoạt động trở lại năm 2017, làm dấy lên nghi ngờ rằng Formosa tiếp tục là thủ phạm, đặc biệt sau khi công ty này bị phát hiện đang tồn đọng900.000 tấn chất thải độc hại mà BBC đã có bài viết.

Sau các vụ cá chết, giới chức địa phương thường cho hay đã lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Nhưng cho tới nay chưa có kết quả nào được công bố chính thức và công khai.

'Khói bụi vẫn mù mịt'

Cá chết tại Quảng Bình năm 2016

Một bạn trẻ quê gốc Nghệ An, hiện đang giúp việc tại Giáo xứ Quảng Bình, đề nghị không nêu tên, nói với BBC hôm 14/5 rằng tình hình môi trường sau khi Formosa hoạt động trở lại năm 2017 không được cải thiện.

Trong suốt ba năm qua, bạn trẻ này giúp việc cho các cha tại Quảng Bình để thu thập thông tin từ các hộ ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa tại ba địa phương là Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An. Mục đích là để giúp người dân ở đây 'đòi công lý' sau khi việc bồi thường được cho là không thỏa đáng.

"Số người tôi gặp rất nhiều, riêng một giáo xứ đã gặp tới khoảng 1000 giáo dân."

Trong vụ Formosa, chính quyền không làm gì được và cũng không cho dân làm gì cả - Bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Bền vững

"Thiệt hại rất lớn, có nhiều hộ chỉ nhận được một phần bồi thường, có hộ không nhận được. Trong khi đó, nhiều hộ vay mượn hàng tỷ đồng để đi biển bị mất sạch. Nay họ phải bán thuyền, bán lưới, lang bạt sang các tỉnh khác và sang Hàn Quốc làm thuê."

"Việc bồi thường đã kết thúc từ lâu rồi, xu hướng của người dân là không nhận thì không được. Nhưng sau khi nhận, họ tiếp tục khiếu kiện để đòi bồi thường thỏa đáng. Các chứng cứ này được thu thập và gửi cho luật sư tại Đài Loan để giúp đỡ về pháp lý."

Cũng theo bạn trẻ này, các ống cống cắm dưới biển của nhà máy Formosa Hà Tĩnh vẫn hoạt động, nhưng chỉ xả thải vào những ngày biển động - khi người dân không thể ra biển được. Khi đó có những thợ lặn chứng kiến. Nhiều thợ lặn từng bị khó thở, ngất xỉu khi lên bờ.

"Tôi từng có việc thường xuyên phải chạy xe ngang qua nhà máy Formosa, và chứng kiến các cột khói bốc lên cuồn cuộn. Nhưng hoạt động xả khói này chủ yếu diễn ra rầm rộ vào ban đêm."

"Cách nhà máy Formosa Hà Tĩnh 3km vẫn có thể thấy khói bụi mù mịt. Các nhà dân ở khu vực này treo quần áo trắng trước nhà buổi sáng thì buổi chiều chúng đen kịt."
'Gang xỉ' độc hại thành hàng hóa?
Bài trên báo Thanh Niên về vụ cá chết 
ở Vũng Áng hôm 11/5/2019 đã bị xóa

Hôm 8/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói với báo chí Việt Nam rằng chưa nhận được văn bản kiến nghị từ công an Hà Tĩnh về vụ việc Formosa tồn đọng khoảng 900.000 tấn phế thải độc hại, và mỗi năm phát sinh hơn 3 triệu tấn chất thải rắn.

Bài viết về vụ việc này đăng kèm công văn số 495/CAT - CSMTr của công an Hà Tĩnh gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên Môi trường hôm 6/4, đăng trên tờ Một thế giới, được Báo Mới đăng lại, đã bị xóa.

Bộ này cũng khẳng định là từ sau sự cố năm 2016 thì việc theo dõi, kiểm tra xả thải của Formosa Hà Tĩnh diễn ra liên tục 24/24 và hiện số phế thải khổng lồ của Formosa đang được 'lưu giữ an toàn'.

Đại diện Bộ này nói một số lượng lớn phế thải của Formosa như xỉ gang, xỉ thép đã được bán cho các nhà máy xi măng trong nước, hoặc xuất khẩu ra nước ngoài để tái sử dụng, hoặc dùng làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng, giao thông.

Tuy nhiên các chuyên gia môi trường cho hay nhiều phế liệu của Formosa khi đưa vào tái sử dụng sẽ sinh ra chất thải độc hại nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài ra, Formosa thực tế tự thuê các đơn vị tư nhân phân tích chỉ tiêu môi trường của các chất xả thải, cơ quan chức năng không lấy mẫu đối chứng, nên kết quả 'khó khách quan', theo điều tra của cảnh sát môi trường Hà Tĩnh.

Thêm nữa, việc mua bán khối lượng phế thải khổng lồ của Formosa được cho là diễn ra 'bát nháo', 'khó kiểm soát', theo Tiền Phong.

Theo điều tra của Tiền Phong, chính ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã ký công văn hợp thức hóa 'gang xỉ' là 'sản phẩm hàng hóa' chứ không phải 'chất thải' nguy hại. Từ đó mở đường cho phế thải này từ Formosa Hà Tĩnh tuồn về các cơ sở gang thép Thái Nguyên với số lượng khoảng 70.000 tấn/năm.

Formosa cũng cung cấp gang xỉ qua nhiều trung gian, các trung gian này bán lại gang xỉ cho các nhà máy và cả tư nhân ở Thái Nguyên.

Đầu tháng 5/2019, chính sở Tài nguyên Môi trường Thái nguyên đã có văn bản gửi cấp Bộ, cho biết xỉ gang Formosa Hà Tĩnh bán cho các đơn vị ở tình này là phế thải nguy hại, có chứa nồng độ pH vượt ngưỡng quy chuẩn hiện hành, theoTuổi Trẻ.

Gang xỉ mà ông Thức đang cho phép Formosa buôn bán thực chất là xỉ khử lưu huỳnh. Khi đưa vào tái chế ở các lò hồ quang sẽ phát thải ra lượng lớn khí SO2 độc hại.

Chính Formosa Hà Tĩnh cũng 'đánh tráo khái niệm', gọi bùn thải, trong đó có loại bùn lò cao chứa chì độc hại, là 'bùn khoáng', 'bùn quặng' - hai loại khoáng chất thiên nhiên quý giá.

"Người ta đang cố tình đánh tráo tên chất thải nhằm đánh tráo bản chất về sự độc hại của chất thải," theo một vị chuyên gia nói với Tiền Phong.

BBC đã liên hệ với một số chuyên gia môi trường tại Việt Nam để đề nghị bình luận về vụ việc, nhưng không được hồi âm.

'Phải đóng cửa vĩnh viễn Formosa'?

"Tôi có đọc được tin mới đây về việc Formosa tiếp tục xả thải ra môi trường, trong khi Bộ Tài nguyên Môi trường chưa thấy có động tĩnh gì," bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Bền vững nói với BBC hôm 14/5.

"Ở Việt Nam chưa có luật biểu tình nên tôi chỉ chia sẻ các thông tin này trên Facebook và trên trang của Trung tâm để mọi người cùng góp tiếng nói, xem chính phủ có động thái gì không. Theo kinh nghiệm của tôi, ở các nước có luật biểu tình thì riêng phản ứng của người dân cũng khiến công ty đó phải chỉnh sửa lại hoạt động của mình. Nhưng ở Việt Nam người dân đi biểu tình thì thậm chí còn bị bắt giữ. Chính phủ hạn chế quyền biểu đạt của người dân nên họ không thể hiện được thái độ của mình với việc xả thải của Formosa. Chính quyền thì không làm gì được và cũng không cho dân làm gì cả."

"Không chỉ riêng vụ Formosa mà những vụ việc hủy hoại môi trường thì tôi cho rằng mọi người dân Việt Nam đều có trách nhiệm cùng lên tiếng."

Bà Phương cũng nói hiện thời thông tin về vụ việc còn quá mới nên chưa kịp có kế hoạch gì, nhưng chắc chắn các nhóm môi trường sẽ lên tiếng kiến nghị về vụ việc. Và nếu chính phủ cho biểu tình thì bà đã 'xuống đường' rồi.

"Formosa vẫn đang tiếp tục làm ô nhiễm môi trường Việt Nam. Nếu họ không tuân thủ thì thì nên bị đóng cửa, nếu chính phủ làm mạnh tay," bà Phương nói.

Nhà toán học, blogger Phạm Minh Hoàng thì viết trên Facebook cá nhân rằng sự việc Formosa thải ra hơn 3 triệu tấn phế phẩm mỗi năm là một 'cú sốc' đối với người dân và rằng "Phải đóng cửa vĩnh viễn Formosa!"

"Ngày 1/7/2016, trong lúc Formosa đang nóng, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, "không thể vì phát triển kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân... Vậy thì đứng trước sự việc 3,5 triệu tấn bùn thài này, đây có phải là cơ hội để ông thực hiện tuyên bố "kiên quyết đóng cửa" hay không?"

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48250439


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: