Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

Hệ lụy khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ


15/05/2019 TP - “Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên biến động của đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ có tác động nhất định đến VND. Bên cạnh áp lực từ diễn biến quốc tế, nguồn cung USD trong nước cũng bắt đầu hạn chế khi cán cân thương mại chuyển sang thâm hụt 550 triệu USD trong tháng 4. Rủi ro với tỷ giá VND/USD đang gia tăng”, đó là nhận định của giới đầu tư.
Tỷ giá VND/USD đang biến động theo 
chiến tranh thương mại Mỹ - Trung 
Trong tuần qua, đồng NDT đã mất giá thêm 1.3%, hiện ở mức 6.82 NDT/USD. Một phân tích của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS) với tên gọi “Chuyên đề về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” đã chỉ ra: Trung Quốc có thể phá giá đồng NDT để làm giảm tác động thực tế của thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu đến Mỹ. Giả sử, nếu NDT giảm giá 10%, thì với thuế quan 25% Mỹ áp lên hàng Trung Quốc, giá hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chỉ tăng 15%. Thực tế, từ thời điểm Tổng thống Donald Trump tuyên bố tăng thuế lên 25% với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc đồng DNT đã giảm giá gần 2%. 

Tuy nhiên, theo đại diện nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MB nêu ra, nếu áp dụng biện pháp này Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu và có mức nợ vay cao. “Do đó, một sự kỳ vọng phá giá nội tệ lớn có thể vượt ngoài tầm kiểm soát và gây thách thức cho nền kinh tế với áp lực lạm phát tăng, dòng vốn đầu tư đảo chiều và sự sụt giảm tại các thị trường tài sản nhạy cảm như thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bất động sản. Ngoài ra, mức thuế quan Mỹ áp dụng cho hàng Trung Quốc là rất cao (25%), do đó để giảm toàn bộ tác động của điều này bằng việc giảm giá NDT tương ứng (25%) là bất khả thi”, đại diện nhóm phân tích MBS khẳng định.

Cũng theo nhóm này, nếu Trung Quốc chọn giải pháp phá giá nhân dân tệ để trả đũa Mỹ, áp lực giảm giá lên VND sẽ tăng lên đáng kể, do hai nguyên nhân chính. Một là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải chủ động hạ giá VND để tránh làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đối với các quốc gia mới nổi khác. Hai là dòng vốn đầu tư có thể xuất hiện tình trạng rút lui khỏi các thị trường mới nổi do quan ngại suy thoái tại Trung Quốc do đó gây sức ép lên VND.

Vẫn trong tầm kiểm soát

Trao đổi với PV Tiền Phong mới đây, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này vẫn cập nhật từng động thái của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đại diện NHNN thừa nhận sức ép lên tỷ giá đến từ nhiều phía nhưng không đến mức quá căng thẳng, vì quan trọng là NHNN đang chủ động trong điều hành. Đồng thời dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng đang ở mức kỷ lục sau khi NHNN liên tục mua vào từ đầu năm tới nay.

Kết thúc tuần qua, tỷ giá ở mức 23.285 VND/USD mua vào và bán ra 23.405 VND/USD trên ngân hàng và 23.350 VND/USD mua vào và bán ra 23.370 VND/USD trên thị trường tự do, tăng so với cuối tuần trước. Sau gần 4 tháng đi ngang, chỉ trong khoảng 3 tuần gần đây, tỷ giá VND/USD giao dịch trên ngân hàng đã tăng 0,52% ở chiều mua vào, và 0,65% ở chiều bán ra so với thời điểm đầu năm. Tỷ giá trung tâm cũng tăng lên mức 23.057 đồng/USD. Tính từ đầu năm 2018, tỷ giá đồng USD trong hệ thống ngân hàng tăng 580-600 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên biến động của đồng NDT sẽ có tác động nhất định đến VND. Bên cạnh áp lực từ diễn biến quốc tế, nguồn cung USD trong nước cũng bắt đầu hạn chế hơn khi cán cân thương mại chuyển sang thâm hụt 550 triệu USD trong tháng 4. Rủi ro với tỷ giá đang gia tăng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích khối Công ty Chứng khoán SSI cho biết, vẫn có những cơ sở để tin tưởng rằng tỷ giá sẽ tiếp tục được kiểm soát, bởi: Chính phủ và NHNN có kinh nghiệm điều hành; Dự trữ ngoại hối hiện đang ở mức cao nhất từ trước tới nay; Triển vọng gia tăng nguồn vốn FII từ những thương vụ bán vốn lớn và Trung Quốc sẽ phải có biện pháp mạnh nhằm kiểm soát đồng nội tệ như đã từng làm trong năm 2018.

Ngày 14/5, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết: NHNN đang theo sát diễn biến thị trường. “Nếu đồng NDT bị phá giá thì VND khó tránh khỏi không bị tác động. Nhưng vấn đề “lõi” của thị trường ngoại tệ là thanh khoản. Nếu thị trường căng cứng không có bán ra mới đáng ngại. Còn hiện nay doanh số vẫn ổn định”, ông Hà nói.

“Vậy, doanh nghiệp Việt nhập khẩu cần lưu ý điều gì?”, theo ông Hà, “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chúng ta đã biết trước cả năm nay và mỗi năm “có một kiểu”. Nhưng năm ngoái tình hình khó thế mà điều hành tỷ giá vẫn trụ vững, thì năm nay chắc chắn doanh nghiệp có thể yên tâm. Quan trọng nhất là giữ ổn định thị trường, và đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp”, ông Hà khẳng định.

Tỷ giá ngoại tệ ngày 14/5 diễn biến theo xu hướng đồng USD và NDT trên thị trường thế giới giảm khá mạnh sau khi Trung Quốc tuyên bố đánh thuế trả đũa Mỹ. Chứng khoán Mỹ giảm 500 điểm. Ngày 14/5, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức: 23.054 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.200 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.699 đồng/USD (không đổi).



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: