Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Nét quê xứ Đoài



Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời
Đây là một góc nhà tôi (Hà Nguyên Huyến ở xã Đường Lâm), một trong những ngôi nhà cổ còn giữ được tương đối nguyên vẹn... Ảnh của nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Tiếp - Hội viên Hội LH VHNT Hải Phòng.


Theo chiều dài lịch sử, trải suốt từ Bắc vào Nam chúng ta có biết bao làng quê xinh đẹp và trù phú... Thế rồi do chiến tranh, do phát triển không có định hướng, những làng Việt Nam nổi tiếng đó dần biến mất. Mãi đến năm 2005, sau rất nhiều khảo cứu, Bộ VHTT quyết định công nhận LÀNG ĐƯỜNG LÂM (thực tế là xã Đường Lâm) là LÀNG VIỆT CỔ. Đây là một làng quê thuộc địa bàn hành chính của thị xã Sơn Tây, (Hà Tây) thành phố Hà Nội. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với cộng đồng facebook làng quê nổi tiếng trong lịch sử này...
ĐƯỜNG LÂM - ĐẤT HAI VUA
Hà Nguyên Huyến
Nói đến Đường Lâm là nói đến vùng đất của một cộng đồng dân cư gồm năm, sáu làng họp lại. Không nên quan niệm Đường Lâm là một xã với sự phân chia hành chính hiện thời do các làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Cam Lâm, Đoài Giáp, Phụ Khang, Văn Miếu… làm nên. Bởi như thế khó có thể đánh giá một cách tổng quan về Lịch sử - Văn hoá đã diễn ra trên mảnh đất này.
Đường Lâm tên nôm gọi là Kẻ Mía, có lẽ tục danh này được bắt đầu từ một cái tên rất chữ nghĩa: Cam Giá (mía ngọt). Cam Giá xưa kia được chia thành hai tổng (đơn vị hành chính tương đương với cấp xã hiện nay): Cam Giá Thượng tổng và Cam Giá Hạ tổng. Cam Giá thượng là các xã thuộc miền Cam Thượng, Thanh Lũng, Bình Lũng… (nay thuộc về huyện Ba Vì). Cam Giá Hạ là xã Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây).
Phải chăng, dải đất hữu ngạn sông Hồng từ thời thượng cổ, khi chưa có hai bờ đê sừng sững chạy dài định vị dòng sông (đê sông Hồng trở thành hệ thống có lẽ vào triều đại các vua Lý), để mỗi khi vào mùa lũ, nước lại ào ạt đổ về đỏ ngầu phù sa, bồi đắp nên tam giác châu thổ đồng bằng Bắc Bộ mà sông Hồng là cái trục phân chia ranh giới rất rõ rệt: Vĩnh Phúc – Hà Tây. Dải đồng bằng hữu ngạn sông Hồng kéo dài từ những bậc thềm của núi Tản (Tản Viên sơn – núi tổ) xoải mãi về xuôi, tạo ra một miền phì nhiêu trù phú, một năm hai vụ, bốn mùa rộn vang tiếng canh cửi tằm tang… Ngọt mãi đến tận bây giờ với một địa danh đã đi vào lịch sử bằng những kỳ tích như những huyền thoại.
Đường Lâm là vùng đất bán sơn địa, trên những quả đồi trung du thuộc làng Cam Lâm đến tận bây giờ vẫn còn những cái tên: Đồi Cấm, Nghẽn Sơn, Vũng Hùm… in đậm dấu tích một thời trai trẻ của anh em Phùng Hưng, Phùng Hãi…
Truyền thuyết kể lại rằng: Thủa ấy trên đồi là rừng đại ngàn rậm rạp, dưới là trằm giộc lau lách um tùm. Năm ấy cọp về, có một con cọp hung dữ đã bắt đi bao mạng người. Dân trong vùng sợ hãi không dám vào rừng kiếm củi, hái chè. Đêm đêm cọp dữ còn mò cả vào làng rình bắt trâu bò lợn gà. Khắp cả làng chưa nhọ mặt người đã vội vã về nhà, luồng lạch rấp kín, cỗng ngõ văng chặt. Xóm làng eo óc một nỗi sợ hãi rình rập bất cứ lúc nào.
Có một trai làng cực kỳ khoẻ mạnh quyết tâm diệt trừ hổ dữ trừ hoạ cho dân làng. Lựa một tháng cuối đông, gió bấc se sắt thổi, khí lạnh trên đồi tràn về rờn rợn da người, chàng trai bện người nộm bằng rơm đem vào đồi. Đến bên mép nước cắm xuống, ba bốn đêm liền như thế… Đêm ấy như bao đêm trước, hỗ dữ ra vũng nước còn xót lại duy nhất trong vùng. Trước khi vục đầu uống, hổ ta lấy tay tát đổ người nộm như mọi hôm thường vẫn thế. Nhưng nó đâu có ngờ hôm nay có một cánh tay rắn chắc đã túm chặt lấy bờm và liên hồi giáng xuống những quả đấm nặng như búa tạ… chàng trai thông minh dũng cảm, có sức khoẻ phi phàm đó chính là Phùng Hưng!
Phùng Hưng sinh ra và lớn lên ở làng Cam Lâm (xã Đường Lâm). Nửa sau thế kỷ VIII, đất nước ta chịu ách đô hộ của nhà Tuỳ Đường cực kỳ hà khắc. Phùng Hưng đã cùng em là Phùng Hãi, Bồ Phá Cần và mưu sỹ là Đỗ Anh Hàn... chiêu tập binh mã cùng nhân dân phất cờ khởi nghĩa. Từ quê hương ông tiến đánh thành Tống Bình (Thành Hà Nội), đập tan đạo quân xâm lược của Cao Chính Bình, dành lại quyền độc lập tự chủ (791 – 802). Nhân dân tôn vinh ông là Bố Cái Đại Vương.
Nói đến Phùng Hưng không thể không nói đến một người con ưu tú nữa đó là Ngô Quyền. Ngô Quyền là con trai Châu Mục Đường Lâm Ngô Mân (ông chính là người làng Cam Lâm). Ngô Quyền sinh ra tướng mạo tuấn kiệt hơn người, mắt sáng như sao, sức địch muôn người. Thủa tráng niên đã từng ghì sừng hai con trâu đực đang đánh nhau cho đến lúc chúng hoảng sợ mà buông nhau bỏ chạy.
Lớn lên ông là gia tướng cho Dương Diên Nghệ, trấn thủ châu Hoan và châu Ái. Sau loạn Kiều Công Tiễn, ông đã trấn yên nước nhà và tiến hành cuộc kháng chiến chống thù ngoài. Trận đánh trên sông Bạch Đằng thể hiện sự thông minh tài trí của một thiên tài trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta...
Một nhân vật lỗi lạc nữa đã để lại mốc son chói lọi trong trang sử nước nhà là Thám Hoa Giang Văn Minh. Cụ Giang Văn Minh sinh năm Nhâm Ngọ (1582) ở làng Mông Phụ. Tháng hai năm Mậu Thìn (1628) đời Lê Vĩnh Tộ ở nước ta có khoa thi Hội, Giang Văn Minh đỗ đệ nhất giáp tiến sỹ, cập đệ tam danh (Khoa thi năm ấy không có Trạng Nguyên và Bảng Nhãn). Năm Đinh Sửu (1637), Thám Hoa Giang Văn Minh được triều đình cử làm Chánh xứ, dẫn đầu một phái bộ sang Trung Quốc.
Sử cũ chép rằng: Trong khi hội kiến với vua nhà Minh, xứ thần Giang Văn Minh đã trổ tài thao lược, đối đáp với “Thiên triều” rất khẳng khái. Một lần vua Minh ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (cột đồng trụ đến nay rêu đã phủ xanh). Cụ Giang Văn Minh đã đanh thép đối lại rằng: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu thù còn loang đỏ)! Vua Minh nổi giận vì bị nhắc đến nỗi nhục thua trận thời Nam Hán, liền sai mổ bụng xứ thần Giang Văn Minh xem “gan to, mật lớn” đến nhường nào! Thám Hoa Giang Văn Minh tử nạn, vua Minh tiếc một bậc tài danh, sai người ướp thuỷ ngân và đưa thi hài cụ Giang Văn Minh về nước.
Đường Lâm không chỉ là mảnh đất “địa linh” sinh “nhân kiệt”, tên tuổi họ đã gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc, mà Đường Lâm còn là một địa chỉ văn hoá có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu những “Cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ”. Theo những nghiên cứu đánh giá gần đây của một số học giả thì làng Mông Phụ (thuộc xã Đường Lâm) là: Đại diện duy nhất về lúa nước của châu Á còn xót lại!
Làng Mông Phụ là một làng Việt cổ đá ong, đá ong ở đây được xây dựng với một quy mô rộng lớn và hoành tráng. Nghệ thuật kiến trúc và xây cất bằng đá ong cực kỳ khoa học và tinh xảo, tiêu biểu là đình làng Mông Phụ. Căn cứ vào niên đại xây dựng còn xác định được, đình Mông Phụ đã có cách đây 364 năm. Ngôi đình mang đậm dấu ấn của kiến trúc Việt - Mường (đình có sàn gỗ), có thể nói đình Mông Phụ là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc. Những nét tài hoa có một không hai ấy còn được lưu giữ trên những bức trạm cốn, đầu dư… tinh vi trong từng nhát đục, song cũng cực kỳ tinh tế trong quy hoạch tổng thể mang tính vĩ mô.
Giai thoại kể lại rằng: Đình Mông Phụ được đặt trên đầu một con rồng mà hai giếng làng là hai mắt. Sân đình được đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh, có vẻ như là một nghịch lý đối với kiến trúc hiện đại. Song, thực ra đó là một dụng ý của ngưòi xưa. Khi mưa xuống, nước từ ba phía đình ào ạt đổ vào (nước chảy chỗ trũng), phải chăng đó là một khát vọng về một đời sống ấm no! Sau đó nước lại từ từ thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo hai mép đình (chống thuỷ lôi tâm). Từ xa nhìn lại, trong mưa hai rãnh nước vẽ nên hai râu rồng vừa thật lại vừa ảo… Quả là một ý tưởng hết sức lãng mạn của các kiến trúc sư cổ.
Trước cửa đình là một cái sân rộng. Sân này là nơi biểu diễn các trò khi làng vào đám (hội làng). Không chỉ là như thế, sân này còn là một cái “ngã sáu” khổng lồ, xoè ra như những cánh hoa. Đây là nơi quy tụ mọi con đường trong làng về trung tâm, rồi lại từ đây toả về các ngõ xóm. Có điều rất đặc biệt, dù là đến hay đi về bất cứ xóm nào trong làng thì không ai phải quay lưng lại trực tiếp với hướng đình. Thật là độc đáo!
Vốn là mảnh đất giàu truyền thống, đến những năm đầu thế kỷ XX làng Mông Phụ lại sản sinh ra những người con ưu tú khác, đó là cụ Phan Kế Toại (1898 – 1973). Phan Kế Toại là con trai của cụ Tuần phủ Phan Kế Tiến. Lúc còn trẻ cụ Toại được cha cho đi du học tại Pháp. Ở Pháp ông được đưa vào đào tạo ở trường “Hành Chính” trong khi nguyện vọng của ông muốn được học “Luật”. Tại Pháp cụ Phan Kế Toại đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng bôn ba hải ngoại. Nguyễn Ái Quốc khuyên ông nên học trường “Hành Chính”, sau này có nhiều điều kiện giúp ích cho nước nhà… (theo lời kể của hoạ sỹ Phan Kế An, con trai trưởng của cụ Phan Kế Toại).
Học xong Phan Kế Toại về nước, ông được thăng, nhậm từ Tri phủ đến Khâm sai đại thần… Sau Cách mạng tháng tám bùng nổ, ông bỏ nhiệm sở về nhà, sống nhàn tản như một người làng. Nếu có ai hỏi ông chỉ cười mà rằng: Lão giả an tri (già rồi về nhà dưỡng lão). Sau đó ông nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã lên Việt Bắc tham gia vào cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.
Tại “chiến khu” ông được Chính phủ cử giữ chức: Bộ trưởng Bộ nội vụ. Chức năng của Bộ nội vụ ngày ấy rộng hơn bây giờ, nó bao gồm cả Bộ Công an trong quản lý lãnh đạo… Ở cương vị của mình trong Chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc ông đã có một phần đóng góp rất khoa học và quan trọng, nhiều nhân sỹ sống trong “thành” (Hà Nội) tấm tắc khen ngợi và tham gia rất tích cực. “Hoà bình lập lại” (1954) ông cùng Chính phủ về Hà Nội. Cụ Phan Kế Toại được Đảng và Nhà nước cử giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ.
Sinh thời, cụ Phan Kế Toại rất quan tâm đến đời sống dân làng. Chính cụ đã mang nghề làm nón lá, áo tơi về làng Mông Phụ. Cụ đã mở lớp dạy nghề ngay tại từ đường họ Phan. Rất tiếc trong làng có kẻ độc mồn bảo: Cụ đi làm quan với thiên hạ, lại đem cái nghề… ăn mày về làng! (ăn mày nón lá, áo tơi).
Cũng thời điểm này, dân làng Phú Châu, phủ Quảng Oai đã du nhập nghề trằm nón vào, hiện nay đã trở thành nghề truyền thống của làng. Mang nghề về làng không thành, cụ Toại mang cô-ta của nhà máy sợi Nam Định về cho làng dệt ra công. Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, nhà máy sợi dưới Nam đóng cửa, hàng trăm khung dệt của làng Mông Phụ gác trên xà nhà cho nhện xây tổ… Thế mới biết cụ Phan Kế Toại là người nhìn xa trông rộng. Dân làng Mông Phụ đã đánh mất thời cơ du nhập một nghề vào làng.
Trong thời kỳ hiện đại còn một người nữa phải kể đến là Bộ trưởng Bộ thuỷ lợi Hà Kế Tấn. Cụ Hà Kế Tấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống rất nổi tiếng về nghề thợ mộc. Ông nội của cụ Tấn là “đầu mục xứ” (người cai quản và điều động thợ của cả Xứ Đoài). Lớn lên cụ Tấn ra Hà Nội kiếm sống và được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Trong phong trào “cách mạng dân tộc – dân chủ” 1936 - 1939 (lan sang các nước thuộc địa của Pháp) Cụ Hà Kế Tấn đã thành lập “Ái hữu thợ mộc” ở Hà Nội. Ái hữu này đấu tranh với nhà cầm quyền đòi dân sinh, dân chủ…
Toàn quốc kháng chiến, cụ Tấn lên chiến khu, “Hoà bình lập lại” cụ Hà Kế Tấn được Đảng và Nhà nước cử giữ chức Bộ trưởng Bộ thuỷ lợi. Có thể nói Bộ trưởng Hà Kế Tấn là một trong những người đặt nến móng cho Công trình thuỷ điện Hoà Bình. Cũng giống như cụ Toại, cụ Tấn cũng hết sức chăm lo đến đời sống dân làng Đường Lâm. Cụ là người quy hoạch và xây dựng hệ thống thuỷ lợi của đồng đất Đường Lâm. Nơi đây là một vùng bán sơn địa nên rất nhiều khó khăn trong canh tác. Bắt đầu từ năm 1966, nhờ vào hệ thống thuỷ lợi qua các mương tưới cấp I và cấp II, đời sống người nông dân trên mảnh đất này cũng được cải thiện đáng kể…
Nói đến Đường Lâm còn rất nhiều tên tuổi phải kể đến, đó là cụ Phó bảng Giá Sơn - Kiều Oánh Mậu ở làng Đông Sàng. Chính Kiều Oánh Mậu là một trong những người hiệu đính Truyện Kiều của Nguyễn Du. Có thể nói nhờ vào bản Kiều này (cùng với hai bản Kiều khác là: Bản Kiều Kinh – Do Tự đức biên soạn và bản Kiều của Phạm Quý Thích) là những tư liệu hết sức bổ ích cho việc hiệu đính và biên soạn Truyện Kiều sau này của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Vào thế kỷ XVII ở làng Đông Sàng có bà Ngô Thị Ngọc Dung (dân gian gọi là bà Chúa Mía), bà là phi tần của chúa Trịnh Tráng. Bà Ngô Thị Ngọc Dung là người hưng công xây dựng chùa Mía (Sùng Nghiêm tự). Chùa Mía cho đến tận bây giờ vẫn là một trong những ngôi chùa đẹp của Xứ Đoài và cả nước. Bên cạnh việc xây chùa, bà Ngô Thị Ngọc Dung còn mở chợ, lập bến đò, chấn hưng lại nghề nấu kẹo hộn đường. Chính làng Đông Sàng là một trong những nơi cung ứng đường, mật cho phố Hàng Đường - Hà Nội trong thời kỳ buôn bán phường hội sầm uất…
Đến Đường Lâm vào thăm làng Việt cổ, lang thang trên những con đường làng vắng vẻ. Một mình mình nghe tiếng bước chân mình rộn lên trong từng ngõ nhỏ, chắc bạn cũng cảm thấy hình như có một điều kỳ diệu còn tiềm ẩn dưới lớp đá ong dày trầm mặc đã tích tụ tự bao đời. Ra khỏi cổng làng Mông Phụ (chiếc cổng duy nhất còn xót lại) mấy chữ đại tự còn in đậm trong lòng: “Thế hữu nghi hưng đại” (thời nào cũng phải thích nghi thì mới mạnh lên được)! Phải chăng đó là lời nhắn gửi của tiền nhân với chúng ta hôm này.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: