Giao blog
Chúng ta đã biết về mối tình giữa Lê Vũ Anh (con gái cụ Lê Duẩn) và một viện sĩ toán lí Nga (đọc lạiở đây).
Các lớp sinh viên Tổng hợp Hà Nội ngày trước chúng tôi cũng đã biết đến mối tình Việt - Nga của hai nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn - Xtankevich. Thi thoảng liên quan đến chữ quốc ngữ thời kì đầu tiên hay Việt ngữ học, bản thân tôi vẫn đọc và trích dẫn các công trình của Xtankevich. Được cơ hội tưởng tượng về bà qua các công trình của bà (chỉ tưởng tượng thôi, vì chưa từng gặp bà ở ngoài đời bao giờ).
Các lớp sinh viên Tổng hợp Hà Nội ngày trước chúng tôi cũng đã biết đến mối tình Việt - Nga của hai nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn - Xtankevich. Thi thoảng liên quan đến chữ quốc ngữ thời kì đầu tiên hay Việt ngữ học, bản thân tôi vẫn đọc và trích dẫn các công trình của Xtankevich. Được cơ hội tưởng tượng về bà qua các công trình của bà (chỉ tưởng tượng thôi, vì chưa từng gặp bà ở ngoài đời bao giờ).
Bây giờ, qua giới thiệu của anh Phan Việt Hùng, chúng ta biết rõ thêm về mối tình Nguyễn Minh Cần - Malkhanova. Trước nay chỉ nghe láng máng thôi, đến hôm nay, thì được chi tiết thêm ra.
Cụ Nguyễn Minh Cần là một nhân vật độc đáo, mà tên tuổi đã được được nhiều người biết đến, nên không cần nói thêm gì nữa ở đây. Nếu có, thì chỉ cần bổ sung chi tiết sau: cụ Nguyễn Minh Cần và bà xã người Nga (bà giáo Malkhanova) là đồng tác giả của các bộ đại từ điển Nga - Việt. Một bộ từ điển Nga - Việt bản in vào cuối thập niên 1980 có bìa màu mận chín, gồm Tom 1 và Tom 2, tôi đã sắm được vào những năm đầu thập niên 1990, rồi cho mượn mà đến tận hôm nay vẫn chưa được trả lại (đã kể nhanh ở đây).
Bà giáo Malkhanova vừa từ trần. Bà đã đi về thế giới bên kia để được toàn tụ cùng người chồng Nguyễn Minh Cần.
Ở dưới là bài của bác Phan Việt Hùng trên hệ thống Fb.
Có gì thì dán bổ sung.
---
Bà giáo Malkhanova vừa từ trần. Bà đã đi về thế giới bên kia để được toàn tụ cùng người chồng Nguyễn Minh Cần.
Ở dưới là bài của bác Phan Việt Hùng trên hệ thống Fb.
Có gì thì dán bổ sung.
---
Dang Ngoc Diep Bác Inna rất yêu động vật. Vợ chồng bác cưu mang rất nhiều con vật bị bỏ rơi. Chú chó nhỏ bác ôm trên tay có tên là Sóc (белка). |
Bà Inna bên tấm ảnh chụp Lĩnh, Lĩnh và mẹ |
Dang Ngoc Diep Người phụ nữ ngồi ngoài cùng bên phải là cụ thân sinh của bác Inna. Ảnh này chụp tại phòng khách trong căn hộ của bác Cần và Inna trên Đại lộ Lê Nin. |
Nguyễn Hồng Lĩnh đang dùng miệng ngậm bút để viết, thật khâm phục nghị lực phi thường của Lĩnh. |
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh ngày nay. |
1. Với những ai đã học tiếng Nga, không thể không biết đến bộ Từ điển Nga-Việt 2 tập đồ sộ (hay còn gọi nôm na là từ điểm 2 tôm) do Liên Xô xuất bản từ cuối thập niên 70. Nhà xuất bản «Русский язык» ấn hành ba lần vào những năm 1977, 1979 và 1987 với tổng số lượng trên 120 nghìn ấn bản.
Ba tác giả của bộ Từ điển này là Alikanov K.M., Ivanov V.V. và Malkhanova I.A.
Hai ông Alikanov K.M (tức Nguyễn Minh Cần), Ivanov V.V ( cựu binh Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại) đã mất mấy năm nay.
Sáng 18/5 vừa qua, bà Malkhanova, tác giả cuối cùng của bộ Từ điển Việt-Nga đã nhẹ bước rời cõi thế tại bệnh viện 51, thủ đô Moskva sau nhiều năm ốm nặng, hưởng thọ 81 tuổi.
Malkhanova Inna Anatolyevna, pháp danh Thiện Xuân, sinh ngày 6 tháng 07 năm 1939 tại Moskva. Bà là PTS khoa học địa lý, đã có hàng chục năm dạy tiếng Việt cho các thế hệ sinh viên tại Viện các nước Á Phi (trực thuộc MGU) và MGIMO. Bà là PGS của Học viện quan hệ quốc tế MGIMO danh tiếng.
Năm 2007, bà Malkhanova cùng người bạn đời Alikanov K.M (Nguyễn Minh Cần) đã cho xuất bản "Từ điển Nga-Việt mới" - 50 nghìn từ, cuốn từ điển họ đã biên soạn hơn 10 năm với mong muốn "sẽ đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, học tập tiếng Nga cũng như tiếng Việt của các bạn dùng từ điển trong thời đại mới, thời đại đầu thế kỷ 21".
Bà còn là tác giả của 2 cuốn sách "Dưới bóng từ bi" và "Hạnh phúc trong tầm tay" bằng tiếng Việt, xuất bản tại Mỹ và Đức.
Malkhanova theo đạo Phật và có pháp danh là Thiện Xuân. Bà tham gia sáng lập Hội Phật giáo Thảo đường Moskva từ hơn 25 năm nay.
2. Mình chưa gặp bà Inna Malkhanova ngoài đời, nhưng đã tập trung tìm hiểu về bà từ cách đây khoảng nửa năm, sau khi đọc cuốn "16 câu chuyện về hạnh phúc và khổ đau" của bà bằng tiếng Nga.
Trong cuốn này, bà chọn kể câu chuyện đầu tiên về số phận của một cậu bé-chàng trai Việt Nam có một số phận vô cùng đặc biệt. Về những năm tháng bà đã gắn bó với cậu bé Việt Nam tha hương này với một tình yêu thương vô bờ bến, như của một người mẹ thứ hai.
Đó là một câu chuyện vô cùng dài và xúc động. Mình chỉ xin lược lại.
Cậu bé đó là Nguyễn Hồng Lĩnh, sinh năm 1974 tại Hà Nội. Một lần nọ, mẹ chở cậu đến trường và bị ngã xe đạp. Bánh xe tàu điện đã nghiến đứt đôi chân và 1 tay của cậu bé 6 tuổi.
Nhờ sự vận động của các tổ chức và cá nhân, năm 1981, Lĩnh được đưa sang Liên Xô cứu chữa. Đầu tiên cậu và mẹ đến Leningrad, được các bác sĩ giỏi nhất chữa trị.
Sau khi mẹ về nước, cuộc sống của Nguyễn Hồng Lĩnh có nhiều xáo trộn. Năm 1984, cậu được chuyển đến một trung tâm nuôi dạy trẻ ở thành phố Dmitrov, ngoại ô Moskva. Cho đến năm 1990, bố mẹ của cậu (khi đó làm việc ở Tiệp Khắc) thi thoảng có qua Liên Xô để thăm con. Và, họ cũng chỉ biết gạt nước mắt mỗi khi chia tay con, bởi thời điểm đó ở Tiệp Khắc không có một cơ sở nào sẵn sàng đón cậu bé cụt 2 tay, 1 chân sang chữa trị và học hành.
Một điểm khiến ai cũng khâm phục Hồng Lĩnh là cậu có ý chí rất mạnh mẽ. Cậu tập viết bằng cách ngậm bút, đôi mắt cậu do vậy ngày càng bị cận nặng...
...Bà Inna Malkhanova tình cờ nghe được câu chuyện về Lĩnh và quyết định đi tìm cậu. Bà đã liên lạc với 2 nhà nuôi trẻ ở Dmitrov và biết được cậu đã được chuyển đến Trại trẻ mồ côi tàn tật ở Zvenigorod.
Bà chuẩn bị một ba lô lớn đầy quà, quần áo mới và lên đường. Đi ô tô liên tỉnh, rồi đứng hàng tiếng chờ ô tô chạy ra ngoại thành Zvenigorod, nơi có Trại trẻ mồ côi tàn tật. "Chặng đường khá vất vả, nhất là với người đã lớn tuổi như tôi"- sau này bà nhớ lại.
Và cuối cùng bà Inna đã gặp được Lĩnh, một chàng trai Việt mảnh khảnh bé nhỏ (tầm 40 kg) với khuôn mặt sáng sủa, cận thị nặng. Qua nói chuyện, bà vô cùng ngạc nhiên khi Lĩnh cho biết cậu đang theo học năm đầu khóa hàm thụ một trường đại học ở Moskva.
Đó là năm 1999, khi Lĩnh đã 25 tuổi.
Bà Inna viết:
"2 lần trong năm, ngoài việc phải đến trường nghe giảng, cậu phải đến trường trả thi và phải ở trong ký túc xá 1 tháng liền. Trong ký túc xá sinh viên chắc chắn chẳng có ai quan tâm đến việc cho cậu ăn, cũng chẳng có y tá để tắm và thay quần áo cho cậu. Thậm chí tiền đi lại, ăn uống cậu cũng chẳng có nốt...Cậu chỉ có một mong muốn lớn lao là được học, kiếm được nghề nghiệp để trở thành một người có ích cho bản thân cũng như xã hội. Cậu đơn độc một mình cố gắng đến hết mức có thể"
Chuyến đi đầu tiên gặp Lĩnh đã làm người phụ nữ Nga 60 tuổi này kiệt sức, phải nằm nghỉ mất một ngày. Nhưng khi đã đỡ, bà lại trăn trở:
"Mùa đông, làm sao mà con người cụt cả hai tay này, với chiếc chân giả vào 5h sáng có thể đi được theo những con đường băng giá trong ánh sáng mờ mịt đến trạm xe buýt, rồi chuyển tuyến nhiều lần (2 lần ở Dmitrov, 1 lần ở Moskva, rồi còn xuống tàu điện ngầm nữa), để đến kịp lớp vào lúc 9h sáng? Có thể lắm chứ, cậu ta với cái dạ dày rỗng đến trường (5h sáng thì chả nhà ăn nào mở cửa) và quay về nhà khi tối khuya, khi nhà ăn đã đóng cửa.
Mà điều đó diễn ra 2 lần trong năm, trong suốt 6 năm học! Điều đó một người khỏe mạnh còn khó mà chịu được, nữa là Linh, gầy gò xanh xao, lúc nào cũng đói, cân nặng chưa đến 40 kg. Đó là chưa kể cậu còn phải đem theo mình sách vở nặng đến mấy kg".
Việc đầu tiên bà Inna làm là gọi điện cho một số người Việt ở Moskva. Họ tổ chức quyên góp quần áo, giày dép, thực phẩm và cùng bà giáo già lên đường đến Zvenigorod. Đến Trại trẻ mồ côi, họ phân chia quà giúp Lĩnh và các bạn cùng cảnh ngộ. Một người trong số họ là nhà báo Đoàn Thị Kim Hoa (Доан Тхи Ким Хоа) đã tổ chức quyên góp tiền được đâu đó 300-400 đôla, và như vậy mỗi tháng Lĩnh nhận được 30 đô để mua sách vở, trang trải cuộc sống.
Song song với việc đó, bà Inna đã nhân danh Hội phật giáo Thảo đường viết thư kiến nghị gửi tới Ủy ban bảo vệ xã hội thành phố Moskva, thư này có chữ ký của ông Evgheny Glazunov, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt và Chủ tịch Qũy hòa bình thành phố Moskva, NSND Ludmila Zykina danh tiếng. Thư yêu cầu đừng để số phận Lĩnh bị hủy hoại, hãy chuyển chàng trai này về sống tại một Trung tâm người tàn tật ở thủ đô Moskva.
Sau đó, "bà chúa dân ca Nga"- NSND Liên Xô Ludmila Zykina và PGS.Inna Malkhanova còn viết tiếp nhiều thư kiến nghị nữa.
Và cuối cùng điều mong đợi cũng đã đến: Nguyễn Hồng Lĩnh đã được chuyển từ Zvenigorod đến một Trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật tại Moskva.
Điều khiến mình, người đang đọc và lược dịch câu chuyện của bà Inna Malkhanova rất cảm động, đó là tình cảm của bà với Lĩnh như tình cảm của một người mẹ đối với con của mình.
Bà viết:
"Tôi hy vọng là sau khi chuyển lên Moskva, Lĩnh sẽ cảm nhận được từ tôi và chồng tôi một bầu không khí gia đình, nơi cậu sẽ luôn được vui mừng chào đón và trong một chừng mực nào đó, cậu sẽ cảm nhận được hơi ấm tình người, điều mà cậu đã bị đánh mất từ nhiều năm qua.
Bởi lẽ trong thư kiến nghị, tôi đã yêu cầu chuyển Lĩnh về một Trung tâm gần nhà tôi, chỉ mất có 15 phút xe buýt không phải chuyển bến. Trung tâm đó khá đẹp, đầy đủ tiện nghi, đồ ăn thức uống cũng tốt hơn ở Zvenigorod. Hành lang có cây xanh, có tivi, còn ở tầng 1 có điện thoại miễn phí gọi nội vi Moskva".
Tất cả những gì cần làm để giúp đỡ Nguyễn Hồng Lĩnh bà Inna đã làm hết sức. Bà giới thiệu cho các doanh nhân người Việt và Việt kiều Mỹ đến thăm và giúp đỡ cậu, tìm người dạy tiếng Anh, thậm chí tìm được địa chỉ người thân của cậu ở Hà Nội để nối lại được liên lạc. Do Lĩnh đã quên hẳn tiếng Việt, bà Inna lại ngồi dịch các bức thư ra tiếng Nga cho cậu...Cũng phải thôi, là công dân Nga, Lĩnh giờ chỉ có hình thức là người Việt. Cái cây bị bứng khỏi đất Việt từ khi còn bé, sau đó đã lớn lên nhờ thổ nhưỡng và khí hậu Nga suốt mấy chục năm..Có lẽ do cuộc sống quá khó khăn khắc nghiệt, thiếu vắng hơi ấm người thân, nên Lĩnh sống khá lạnh lùng, ngay cả đối với ân nhân của mình.
...Nguyễn Hồng Lĩnh, qua tìm hiểu của mình, nay đã có vợ và con gái. Vợ của cậu là một bạn gái cùng trường ngày xưa ở Zvenigorod. Lĩnh giờ là một luật sư, anh viết sách, viết các bài báo, tư vấn cho các gia đình có trẻ em hoàn cảnh đặc biệt...
3. Mình không rõ sau khi cuốn sách "16 câu chuyện về hạnh phúc và khổ đau" ra đời, bà Inna Malkhanova và Nguyễn Hồng Lĩnh có gặp nhau lần nào nữa không...
Theo bà Inna, cuộc gặp lần cuối giữa 2 người diễn ra vào tháng 10/2003. Hôm đó Lĩnh đến nhà bà Inna, 2 người ngồi trong bếp nói chuyện với nhau. Bà Inna vô cùng hạnh phúc, kể lại:
"Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi ngồi với nhau trong bếp và nói chuyện như 2 người lớn, cởi mở. Chúng tôi nói về Lĩnh và cuộc sống của cậu. Dù tôi chẳng biết thêm một điều gì mới, nhưng đơn giản là tôi rất hạnh phúc, tôi hiểu rằng, cuối cùng thì Lĩnh cũng đã học được cách trò chuyện.
Tuổi thơ của Lĩnh thật không may, thời nhỏ (bên Nga) không có ai nhận làm con nuôi, để dạy cho cậu biết yêu thương, biết nghĩ về người khác, biết cách giao tiếp, trò chuyện...
* *
Tôi có dự cảm khi đó, rằng cuộc gặp này là cuộc gặp cuối cùng của chúng tôi và sau đó Lĩnh chẳng bao giờ gọi cho tôi nữa...Dù rằng, biết đâu đấy, bỗng dưng tôi nhầm thì sao? Thêm nữa, khoảng thời gian mà tôi còn lại chẳng còn bao lăm nữa, sẽ chứng minh...".
Không biết giờ này tại Moskva, Lĩnh đã biết tin bà Inna Malkhanova, người phụ nữ Nga đôn hậu đã thương yêu cậu hết lòng, vừa qua đời hay chưa để đến gặp bà lần cuối cùng, vào đám tang bà được tổ chức vào ngày mai 21/5.
4. Mình đọc được bài viết xúc động của bà Inna về Nguyễn Hồng Lĩnh vào đầu năm nay, do một người bạn Nga giới thiệu.
Với sự cẩn trọng cần thiết, mình đã bằng mọi cách tìm được địa chỉ và liên lạc được với thân phụ của Nguyễn Hồng Lĩnh vào lúc 23h56 ngày 6/1/2019. Ông hiện đang sống tại một xã ngoại thành HN. Khuya hôm đó, ông xác nhận:"Tôi chính là bố đẻ của Nguyễn Hồng Lĩnh, luật sư đang làm việc tại Mockva".
Và ông giúp mình chính xác một số mốc thời gian trong bài viết của bà Inna, có thể là do bà nghe Lĩnh nhớ lại, hay qua nghe lời kể của một sinh viên địa chất tên là Chi, người đã giúp đỡ Lĩnh một thời gian bên Nga.
Theo đó, Lĩnh gặp nạn năm 1981, khi đang học lớp 3 trường Bà Triệu và sau đó còn học tiếp hết lớp 3, được lên lớp 4 và sau đó cùng mẹ sang Liên Xô.
Câu chuyện của mình và thân phụ của Lĩnh khá riêng tư, nên mình xin phép không đưa thêm thông tin, khi chưa có ý kiến của ông. Mình chỉ nói với ông:"Cháu tình cờ đọc được bài của cô Inna viết về chuyện em Lĩnh. Rất xúc động vì em đã có một nghị lực vươn lên tuyệt vời, trở thành người có ích cho xã hội"
Nhiều tháng trước, mình cũng đã liên hệ được với một bạn người VN có tấm lòng rất đáng quý đã ở bên và chăm sóc bà Inna trong những ngày bà lâm bệnh nặng. Tin bà Inna mất mình cũng biết được qua FB của người bạn này.
Các bức ảnh đăng kèm bài là do người bạn đó chụp lại từ album gia đình bà Inna và gửi cho mình. Xin cảm ơn người bạn chưa quen nhưng vô cùng trân trọng.
5. Mình có mong muốn những người bạn FB của mình hiện đang sống ở Moskva, nếu có thể, hãy đến đưa tiễn bà Inna Malkhanova ở chặng đường cuối, ở địa chỉ sau.
Nhà Quàn bệnh viện 51, địa chỉ: г. Москва, ул. Большая Филёвская, д. 33 (Lối vào ngay cạnh trạm xăng Lukoil), vào ngày thứ 3, 21/05/2019 bắt đầu vào đúng 13h30 đến 14h30.
Những người VN sống có trước có sau sẽ không bao giờ quên ơn bà, đồng tác giả của 2 bộ Từ điển Nga Việt rất có giá trị.
Không bao giờ quên một người phụ nữ Nga có một trái tim thật ấm áp, nhân hậu.
Xin vĩnh biệt!
ảnh:
1. Bà Inna Anatolyevna Malkhanova
2. Bà Inna bên 2 tấm ảnh đen trắng chụp Lĩnh, Lĩnh và mẹ đầu thập niên 80.
3.. Bà Inna cùng chồng và các đồng nghiệp
4. Nguyễn Hồng Lĩnh đang dùng miệng ngậm bút để viết, thật khâm phục nghị lực phi thường của Lĩnh.
5. Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh ngày nay.
https://www.facebook.com/phan.v.hung.31/posts/10212424874810884
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét