Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, người từng làm tư vấn cho Tổng bí thư Kaysone Phomvihane của Lào và Tổng thống Togo, nhắc lại kêu gọi "Việt Nam hãy tỉnh ngủ" để cải cách chính trị và kinh tế.
TS Phạm Đỗ Chí: Hiện sống tại Florida, Hoa Kỳ
Trả lời BBC nhân dịp cuối năm 2018 trong một chuyến đến thăm châu Âu cuối tháng 11/2018 ông nói để giải quyết tận gốc các vụ việc tham nhũng ghê gớm những năm qua, Việt Nam cần cải cách thể chế chính trị.
Đầu tiên, ông nói về cuộc đời và sự nghiệp làm chuyên gia kinh tế đã đưa ông đi khắp thế giới sau năm 1975, trước khi về lại Việt Nam.
Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí: Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi nhận được học bổng Colombo và đi du học Cử nhân Kinh tế ở trường Đại học Laval ở Quebec, Canada. Sau đó, tôi nhận được một học bổng khác đi học Cao học và Tiến sĩ Kinh tế tại trường Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp Tiến sĩ, tôi gia nhập vào chương trình những nhà kinh tế trẻ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và công tác ở đây suốt 27 năm.
Trong thời gian đi học, tôi có về Việt Nam hai lần vào những năm 1971 và 1973. Vào năm 1973, với tấm bằng cao học, tôi nhận được nhiều lời mời làm việc tại Việt Nam từ các nhà lãnh đạo kinh tế trong nước. Tuy nhiên, thời điểm đó nhận thấy mình chưa đủ kinh nghiệm nên tôi quyết định đi học thêm hai năm nữa để lấy bằng tiến sĩ.
Ông Châu Kim Ngân, Cựu Tổng trưởng Tài chính VNCH hồi đó nói với tôi rằng, nếu hai năm nữa tôi mới về thì chưa chắc tôi còn có thể làm việc đóng góp cho đất nước vì chưa biết hoàn cảnh của Miền Nam Việt Nam lúc ấy như thế nào. Đúng như lời tiên tri của ông Nhân, sau tháng 4/1975 tôi không còn cơ hội làm việc ở Việt Nam nữa.
BBC:Ông có thể chia sẻ về khoảng thời gian ông sống và làm việc ở nước ngoài sau năm 1975?
Thời gian đầu làm việc cho IMF, tôi chủ yếu công tác ở các nước Châu Phi. Đây là cách giúp tôi giải toả tâm tình được đóng góp cho quê hương và các nước chậm phát triển thời điểm đó. Sau đó, tôi được cử làm Đại diện IMF ở Togo, một nước nhỏ ở Tây Phi trong vòng ba năm.
Thời gian làm việc ở Togo, tôi có cơ hội gặp gỡ và làm cố vấn kinh tế riêng cho Tổng thống Gnassingbé Eyadéma. Vì ông Eyadéma từng có thời gian đi lính cho Pháp ở Việt Nam và biết rõ đất nước này nên chúng tôi trở nên rất thân thiết.
Trước khi tôi quay trở về Washington, ông Eyadéma đã đặc cách trao tấm huy chương danh dự của Togo cho tôi với tư cách là Đại diện IMF. Quyết định này đặc biệt ở hoàn cảnh lúc đó các nước Phi châu đang quyết liệt chống lại chính sách "thắt lưng buộc bụng" của IMF đề nghị áp dụng để cải tổ sâu rộng các chính sách kinh tế.
Năm 1991, tôi chuyển sang công tác ở Lào với hy vọng đây là thời gian tiền đề giúp tôi có cơ hội về Việt Nam làm việc. Lào là nước đầu tiên trong khối XHCN mời Đại diện IMF sang làm việc.
Tại đây, tôi cũng có cơ hội làm cố vấn riêng cho Cựu Tổng bí thư Kaysone Phomvihane. Ông Phomvihane có bố là người Việt, mẹ là người Lào nên ông nói tiếng Việt rất giỏi.
Với tư cách là chuyên viên IMF giúp cải tổ kinh tế Lào, tôi đã cố vấn cho Lào tăng thuế xăng dầu để tăng ngân sách. Lời đề nghị này ban đầu gặp phải sự phản đối gay gắt của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào thời đó nhưng lại nhận được sự đồng thuận của ông Phomvihane. Đây là khoảng thời gian tôi làm việc hiệu quả nhất, hơn cả lúc ở Togo.
Thời gian này, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có chuyến thăm Lào và tôi đã có cơ hội gặp ông tại Đại sứ quán Việt Nam tại Lào. Sau đó, ông Võ Văn Kiệt có mời tôi về nước mấy lần để tham khảo ý kiến cho các chính sách Đổi Mới của Việt Nam thời bấy giờ.
Đây là nguồn cảm hứng cho tôi viết cuốn sách "Đánh thức Con Rồng ngủ quên" xuất bản tại Việt Nam năm 2001.
BBC: Kỷ niệm lớn nhất của ông trong thời gian làm việc ở Lào là gì?
Đó là kỷ niệm với Cố Tổng bí thư Kaysone Phomvihane khi ông sắp lâm chung vì bệnh ung thư. Ông Phomvihane đã mời tôi vào thăm bên giường bệnh và nói rằng ông muốn tôi ở lại nhập quốc tịch Lào để giúp đất nước Lào.
Tôi đã xúc động chợt bật khóc khi nghe lời đề nghị này. Đây là trao đổi khó tin bất ngờ giữa lãnh tụ một đảng Cộng sản và Đại diện của một định chế tài chính tư bản lớn như IMF, một kỷ niệm đầy tính nhân văn mà tôi chưa bao giờ chia sẻ trong một cuốn sách hay một bài báo nào cả.
BBC: Thời gian ông làm việc tại Việt Nam như thế nào?
Trong thời gian đi du học hay làm việc ở các nước khác, tôi luôn mong mỏi được trở về làm việc tại Việt Nam. Tôi gọi đó là hội chứng "Việt Nam trong tôi".
Sau khi nghỉ hưu sớm khỏi IMF năm 2001, tôi quay lại Việt Nam. Ban đầu, tôi làm việc với tư cách Phó Giám đốc điều hành và Chuyên gia Kinh tế trưởng cho Quỹ đầu tư VinaCapital. Sau đó, tôi làm cố vấn kinh tế về chương trình Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho Chính phủ Việt Nam. Đây là thời gian hoạt động tích cực nhất của tôi tại Việt Nam.
Tuy nhiên, những đóng góp cải cách của tôi dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đa số bị bỏ ngoài tai. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành kinh tế và là thành viên Ban tham vấn riêng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi coi đây là thất bại lớn đối với cá nhân mình.
Theo tôi, các chính sách kinh tế dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn đi ngược lại với chính sách đổi mới và chỉ phục vụ một nhóm tham vọng riêng. Những chính sách này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế đến tận bây giờ. Thời kỳ đổi mới hiệu quả nhất của Việt Nam theo tôi là dưới thời Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và giải quyết được một số vấn đề như nợ xấu ngân hàng hay nợ công quốc gia. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn là vấn nạn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam. Nếu không có các thể chế chính trị cụ thể đối với nạn tham nhũng, thì rất khó cho Chính phủ Việt Nam cải cách kinh tế.
Trung Quốc cũng đang đi vào bế tắc do vấn nạn tham nhũng. Trung Quốc sẽ không thể cải cách kinh tế thành công nếu không cải cách dân chủ.
BBC:Theo ông, các tập đoàn nào có liên quan đếnsự suy yếu của nền kinh tế Việt Nam?
Hai năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã cố đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và chỉ giải quyết được phần nào một số vấn đề rất lớn như nợ xấu ngân hàng hay nợ công quốc gia.
Phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước vốn được gọi là "những quả đấm thép", điển hình như Vinashin, Vinalines, PVC và Mobifone. Đây là những vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam trong cả thập niên qua.
Để giải quyết tận gốc các vụ việc này Việt Nam cần cải cách thể chế chính trị. Quyết định này thuộc về các nhà lãnh đạo hiện tại của Việt Nam. Đây là lúc Việt Nam cần hồi tâm nghĩ lại và nhìn sang các nước bạn như Myanmar để thực hiện cải cách.
Tôi đã từng có bài phát biểu tại Việt Nam với tiêu đề "Xin hãy tỉnh ngủ". Nay xin nói lại, nếu chúng ta không tỉnh ngủ thì sẽ không thể giải quyết được các vấn đề về thể chế chính trị lẫn cải cách kinh tế.
Bài phỏng vấn với ông Phạm Đỗ Chí nằm trong loạt bài Người Việt toàn cầu. BBC luôn đón nhận các câu chuyện khác nhau về người Việt và những hoạt động, ý tưởng, tâm tư của họ trên thế giới. Quý vị hãy liên lạc với Ban Biên tập ở địa chỉvietnamese@bbc.co.uk.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét