Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Tàu Trung Quốc bị nghi ngờ tấn công bằng tia laser phi công Úc


Hải quân Hoàng Gia Úc canh gác trên chiến hạm HMAS Canberra (L02) đậu tại cảng Colombo, Sri Lanka, ngày 23/03/2019.


Các phi công của Hải quân Úc đã bị tấn công bằng tia laser khi đang bay trên Biển Đông. Quân đội Úc hôm nay 29/05/2019 thông báo như trên và nghi ngờ các tàu Trung Quốc là thủ phạm. 

Lực lượng phòng vệ Úc (ADF) tuyên bố đã « quan sát thấy một số tàu gia tăng sử dụng các thiết bị laser di động ». Các phi công trực thăng thuộc chiến hạm HMAS Canberra đã là mục tiêu của các tia laser khi tham gia cuộc tập trận Indo-Pacific Endeavour 2019, một hoạt động của Hải quân Hoàng gia Úc trong khu vực, tuy nhiên không có ai bị thương.

Theo giáo sư Euan Graham, một trong số những khách mời hiện diện trên chiến hạm HMAS Canberra trong hành trình từ Việt Nam đến Singapore, thì các tia laser này được bắn đi từ các tàu cá, trong khi một tàu chiến Trung Quốc đi theo chiến hạm Úc trong suốt cuộc hải hành. 

Giáo sư Graham viết trên trang web của một think tank độc lập ở Canberra, đặt câu hỏi liệu đây có phải là hành động cố ý quấy nhiễu của dân quân biển Trung Quốc. Ông cho biết thêm, dù các cuộc đối thoại giữa hai bên mang vẻ lịch sự, nhưng phía Trung Quốc đòi hỏi chiến hạm Úc phải báo cáo cho họ. Tuy nhiên, Hải quân Úc « không có ý định nhượng bộ khi thực hiện quyền tự do hàng hải ». 

Hãng tin AP dẫn lời giáo sư Graham nhận định, việc các tàu Trung Quốc thường xuyên đeo bám tàu nước ngoài cho thấy lực lượng này đã được mở rộng. Đồng thời chứng tỏ khả năng giám sát của Bắc Kinh được nâng cao nhờ các thiết bị hiện đại đặt trên các thực thể như Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) trên quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở quân sự và một phi đạo. 

AFP nhắc lại, cách đây hai năm, Bắc Kinh cũng đã chối cãi việc chiếu laser làm hai phi công Mỹ bị thương nhẹ ở mắt khi bay gần căn cứ Mỹ ở Djibouti, nơi Trung Quốc cũng có một hải cảng. Bắc Kinh được cho là điều khiển lực lượng dân quân biển, trong đó có những tàu cá làm nhiệm vụ thám sát khu vực. Các hoạt động này giúp Trung Quốc thách thức các đối thủ, đồng thời hạn chế nguy cơ xung đột quân sự, chối bỏ những vụ khiêu khích.

Trong một diễn biến khác, hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle của Pháp thăm Singapore từ ngày 29/5 đến 2/6, chở theo 30 phi cơ tiêm kích Rafale, với ba chiến hạm hộ tống.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: